Hang động Blombos ở Nam Phi là quê nhà của bức vẽ cổ xưa nhất của nhân loại
The Conversation
Các khoa học gia làm việc trong Hang động Blombos tại vùng Cape phía nam của đất nước Nam Phi đã có một khám phá làm thay đổi nhận thức của chúng ta về thời điểm mà tổ tiên của nhân loại chúng ta bắt đầu thể hiện bản thân qua các hình vẽ. Các khoa học gia đã tìm thấy một bức vẽ với những đường gạch chéo có niên đại 73,000 năm tuổi trên một miếng đá silcrete. Mảnh đá này được làm từ đất hoàng thổ. Tạp chí The Conversation Africa đã đặt câu hỏi cho giáo sư Christopher Henshilwood, người dẫn dắt nhóm nghiên cứu, về tầm quan trọng của [phát hiện này].
Conversation Africa: Bức vẽ mà nhóm của ông đã phát hiện trông như thế nào?
Christopher Henshilwood: Bức vẽ này bao gồm một tổ hợp sáu đường thẳng gần như song song cắt chéo bởi ba đường vẽ hơi cong. Có một đường thẳng chồng lên một phần mép của vết lõm mảnh tước. Điều này cho thấy nó được tạo ra sau khi lớp vảy đó tách rời ra. Sự kết thúc đột ngột của tất cả đường vẽ trên các mép nứt gãy cho thấy rằng họa tiết này ban đầu trải dài trên một bề mặt rộng lớn hơn.
Vì vậy, mẫu vật có lẽ còn phức tạp hơn và có bố cục hoàn chỉnh hơn là dưới dạng tách rời này.
Conversation Africa: Điều này đã thay đổi nhận thức của chúng ta về thời điểm mà tổ tiên nhân loại bắt đầu vẽ hình. Bức vẽ nào được xem là cổ xưa nhất từng được phát hiện trước bức vẽ này?
Ông Henshilwood: Hình vẽ chạm khắc cổ xưa nhất từng được biết đến, là một họa tiết hình zigzag được trang trí trên một vỏ sò nước ngọt đến từ Trinil, Java, đã được phát hiện dưới các lớp đá có niên đại 540,000 năm về trước. Liên quan đến các bức vẽ, một bài báo mới đây đã nêu ra rằng các biểu tượng vẽ bằng sơn màu trong ba hang động trên Bán đảo Iberian có niên đại 64,000 năm tuổi – điều này có nghĩa là chúng được tạo ra bởi người Neanderthal. Vì vậy, bức vẽ trên mảnh tước silcrete ở Hang động Blombos là bức vẽ cổ xưa nhất của người Homo sapien từng được phát hiện.
Conversation Africa: Ông mô tả nó như một “bức vẽ”. Làm thế nào ông có thể chắc chắn rằng nó không đơn thuần là một loạt các nét vẽ nguệch ngoạc ngẫu nhiên?
Ông Henshilwood: Sự hiện diện của các họa tiết gạch chéo tương tự khắc trên các mảnh tước bằng đất hoàng thổ được phát hiện trong cùng lớp đá khảo cổ và các lớp đá cổ xưa hơn cho thấy họa tiết chưa xác định này đã được tái tạo lại với những kỹ thuật khác nhau trên các phương tiện khác nhau.
Đây là điều chúng tôi mong đợi trong một xã hội với một hệ thống [ngôn ngữ] tượng hình được khắc trên các loại hiện vật khác nhau. Cũng đáng lưu ý là các hoa văn vẽ trên đá có độ bền kém hơn so với các hoa văn khắc trên một mảnh bằng đất hoàng thổ và có lẽ không tồn tại [trong quá trình] vận chuyển. Điều này có thể cho thấy rằng những ký hiệu tương đồng đã được tạo ra trong các bối cảnh khác nhau, có lẽ là để cho các mục đích khác nhau.
Conversation Africa: Ông có lý do nào để nghĩ rằng họa tiết này là một tác phẩm nghệ thuật không?
Ông Henshilwood: Chúng tôi chưa dám gọi nó là “nghệ thuật”. Họa tiết này rõ ràng là một mẫu hình trừu tượng; nó gần như chắc chắn có một ý nghĩa nào đó đối với người vẽ và có lẽ tạo thành một phần trong hệ thống [ngôn ngữ] tượng hình chung mà những người khác trong nhóm này cũng hiểu được. Họa tiết này cũng là bằng chứng về khả năng lưu trữ thông tin bên ngoài bộ não của người nguyên thủy.
Conversation Africa: Bức vẽ này còn cho chúng ta biết thông tin nào khác về những người đã tạo ra nó? Và liệu chúng ta có biết những người này thuộc nhóm nào trong cây phả hệ của chúng ta không?
Ông Henshilwood: Bức vẽ này do người Homo sapien tạo ra: họ là những người giống như chúng ta, là tổ tiên xa xưa có quan hệ trực tiếp với chúng ta. Họ là những người săn bắt hái lượm và sống theo nhóm từ 20 đến 40 người.
Khám phá này đã bổ sung thêm kiến thức hiện có của chúng ta về người Homo sapien ở châu Phi. Họ hiện đại về mặt hành vi: Những người này chủ yếu hành xử giống như chúng ta. Họ đã có thể sáng tạo và sử dụng văn hóa vật chất tượng hình để trao đổi cách ứng xử của họ, cũng giống như chúng ta đang làm hiện nay. Những người này cũng có ngôn ngữ cú pháp – chủ yếu để truyền đạt ý nghĩa tượng hình trong nội bộ và giữa các nhóm người săn bắt hái lượm sinh sống ở phía nam Phi Châu vào thời đó.
Conversation Africa: Hang động Blombos là một di tích khảo cổ thực sự quan trọng. Ông có thể giải thích vì sao không?
Ông Henshilwood: Hang động Blombos nằm cách Ấn Độ Dương 50 mét (khoảng 55 yard), tọa lạc ở độ cao 35 mét (gần 40 yard) so với mực nước biển và nằm cách Cape Town 300km (khoảng 185 dặm) về phía đông. Hang động này rất nhỏ – chỉ có diện tích 55 mét vuông (khoảng 65 yard vuông). Nó đã được sử dụng làm nơi sinh sống tạm thời cho các nhóm người săn bắt hái lượm; mỗi một lần họ ở đó trong khoảng một hoặc hai tuần trước khi chuyển đi [nơi khác].
Lớp đá khảo cổ nơi mà bức vẽ Blombos được phát hiện còn cung cấp những dấu hiệu khác về lối tư duy tượng hình. Những dấu hiệu này bao gồm các hạt vỏ sò bao phủ bởi đất hoàng thổ và, quan trọng hơn là, những hiện vật bằng đất hoàng thổ có khắc các họa tiết trừu tượng. Một số họa tiết chạm khắc này gần giống với hình được vẽ trên vảy silcrete.
Trong những lớp đá cổ xưa hơn tại Hang động Blombos, có niên đại 100,000 năm tuổi, các khoa học gia còn phát hiện một bộ công cụ hoàn chỉnh bao gồm hai vỏ bào ngư chứa đầy chất liệu chứa nhiều đất hoàng thổ – một loại sơn màu đỏ – và tất cả đồ vật đi kèm để tạo ra chất liệu này, bao gồm xương hải cẩu được dùng để thêm mỡ béo vào hỗn hợp này. Sự phát hiện đó chứng minh rằng tổ tiên nguyên thủy của chúng ta cũng biết chế tạo sơn màu từ 100,000 năm về trước.
Những phiến đất son được khắc nhiều mẫu hình khác nhau, bao gồm các họa tiết gạch chéo, cũng được phát hiện trong các lớp đá cổ xưa hơn này.
Ông Christopher Henshilwood là Giáo sư nghiên cứu về thời tiền sử của châu Phi, và cô Karen Loise van Niekerk là nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm nghiên cứu Hành vi của Người Tiền sử Sapien tại trường Đại học Bergen ở Na Uy. Bài viết này được đăng tải lần đầu tiên trên Tạp chí The Conversation.