‘Hành lang tử thần’ ở sa mạc Andean, một điểm nóng di cư bất hợp pháp.
Một con đường đất hẻo lánh nằm trong sa mạc trên cao là điểm phân chia biên giới giữa Chile và Bolivia. Hoạt động tuần tra biên giới tại đây khá thưa thớt nên người di cư bất hợp pháp đi xuyên qua con đường này vào mọi thời khắc trong ngày, họ đi về phía bắc nếu xuất phát từ Pisiga, ở Bolivia, hoặc về phía nam nếu xuất phát từ Colchane, ở Chile.
Biên giới này nổi tiếng với hoạt động di cư bất hợp pháp lẫn buôn hàng lậu, và bởi những khí hậu khắc nghiệt, mà một số quan chức nhập cư gọi nơi đây là “hành lang tử thần”.
Ông Benjamin Choque, một viên chức nhập cư người Bolivia, nói với The Epoch Times rằng, “Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều người di cư bất hợp pháp trong tháng Sáu và tháng Bảy năm nay.”
Ông Choque giải thích rằng những người không có giấy tờ sẽ gặp khó khăn khi nhập cảnh vào Bolivia một cách hợp pháp vì quốc gia này yêu cầu phiếu xét nghiệm COVID-19 PCR âm tính trong vòng 72 giờ. Ông cho biết những xét nghiệm đó không thể thực hiện được ở hầu hết các thị trấn Chile hoang mạc xa xôi gần biên giới.
Ông Choque thừa nhận rằng ông đã chứng kiến nhiều người Venezuela và Haiti đi từ Chile đến Bolivia, nhưng nói rõ, “Họ có hộ chiếu, chỉ là họ không có thị thực mà thôi.”
Khi được hỏi các quan chức Bolivia làm gì khi bắt gặp những người nhập cư bất hợp pháp, ông Choque nói, “Chúng tôi chỉ đưa họ trở lại biên giới.”
Sau đó, ông nói thêm rằng một luật nhân đạo tồn tại ở Bolivia hạn chế phản ứng quá khích hơn đối với những người vượt biên Venezuela và Haiti.
Giao lộ nguy hiểm
Sau khi hoàng hôn bao trùm Pisiga, một nhóm 10 người di cư bất hợp pháp Haiti đứng dưới nhiệt độ đóng băng ngoài trời để chờ đợi một chiếc xe buýt. Một người trong số đó nói với The Epoch Times rằng họ muốn đến thành phố Oruro, Bolivia.
Từ đó, các chuyến đi được sắp xếp để chở họ về phía bắc đến biên giới Bolivia và Peru, gần thị trấn Copacabana.
Những người Haiti từ Chile băng qua Bolivia phần lớn đi theo tuyến đường Oruro-El Alto về phía bắc trong hành trình tới Hoa Kỳ của mình.
Trong khi đó, ở ngoại ô Pisiga, gần khu vực biên giới Bolivia–Chile, một nhóm ba người Venezuela đang chờ để vượt biên trái phép vào Chile.
“Chúng tôi sẽ băng qua vào ban đêm,” anh Jhoel Silva, một trong số những người này, nói với The Epoch Times.
Anh Silva cho biết tình hình ở Venezuela dưới thời nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa Nicolás Maduro đã trở nên quá tồi tệ khiến họ không thể ở lại đất nước.
“Ngoài chợ hay cửa hàng không hề có thực phẩm để mua,” anh giải thích.
Siêu lạm phát ở Venezuela, cùng với sự mất giá của đồng Boliviano Bolivia kể từ năm 2017, khiến ngay cả những nhu yếu phẩm để sinh tồn cũng gần như là bất khả thi.
“Nếu anh làm việc trong một tuần, anh chỉ có đủ tiền để ăn trong ba ngày,” anh Silva nói.
“Mức lương [ở Venezuela] không đủ sống. Với một dollar Mỹ, anh chỉ mua được một kilogram bột mì,” anh Alberto Ochoa, một người Venezuela khác, nói với The Epoch Times.
Anh Ochoa cho biết mức lương hàng tháng của nhiều người Venezuela chỉ có 1 USD.
“Chúng tôi đang tìm kiếm một công việc thực sự [ở Chile]. Chúng tôi muốn tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình mình,” anh Ochoa nói.
Qua lại dù theo hướng nào, những người di cư bất hợp pháp phải băng qua những địa hình trắc trở và đối mặt với nhiệt độ dao động từ 100 độ (F) vào ban ngày và sụt xuống mức đóng băng vào ban đêm.
Vùng biên giới chung này, và rộng hơn nữa là cả sa mạc, nằm ở độ cao hơn 12,000 feet (khoảng 3,657m) và không có trạm dừng chân tránh thời tiết. Nơi đây cũng không có nước uống cho bất kỳ ai bị hư xe hay những người dám đi bộ để tiếp tục hành trình.
Ngày 09/10, các quan chức Chile đã phát hiện ra thi thể của một phụ nữ Haiti khi di chuyển về phía bắc gần thị trấn biên giới Colchane. Cô là người di cư bất hợp pháp thứ 13 đã thiệt mạng trong năm nay khi cố gắng vượt qua nơi được gọi là “hành lang tử thần”.
Anh Ochoa cho biết anh cùng những người bạn đồng hành đã đi bộ mất sáu ngày từ Oruro mới đến được biên giới này, và độ cao này, cộng với không khí rất khô đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ.
Anh Alejandro Perez, một người di cư bất hợp pháp đi cùng anh Ochoa và anh Silva, đã cho phóng viên The Epoch Times xem phần lòng bàn chân nứt nẻ chảy máu của mình sau quãng đường đi bộ 148 dặm đến Pisiga.
“Tôi có những người bạn có thể trợ giúp ở Chile, và tôi muốn tìm một công việc,” anh Perez nói.
Vì mẹ và các em của anh đều phụ thuộc vào thu nhập của anh ở Venezuela, anh Perez cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mạo hiểm số phận băng qua sa mạc để đến Chile. Anh bọc đôi chân bị thương của mình trong hai lớp tất, rồi xỏ vào một đôi dép xỏ ngón cũ nát.
Tuyến đường của các ‘Chuteros’
Đường phân cách chạy theo hướng bắc-nam giữa Chile và Bolivia, nơi người di cư băng qua bất hợp pháp, thường được gọi là tuyến đường của những “chuteros”. Trong tiếng lóng của Bolivia thì từ đó có nghĩa là “những kẻ phi pháp”.
Hoạt động buôn hàng lậu qua sa mạc giữa hai quốc gia này khá phổ biến, đặc biệt là xe hơi.
Ông Miguel Flores đã phụ trách tuyến đường của các ‘chuteros’ trong nhiều năm và cho biết có thể tìm thấy các thi thể trên sa mạc, đặc biệt là ở đồng bằng muối Coipasa.
“Các chuteros này ra tay và để xác lại như một lời cảnh báo. Họ phân chia lãnh thổ với nhau.”
Ông Flores cho biết một số chuteros đã tham gia buôn người và cung cấp dịch vụ vận chuyển cho những kẻ bất hợp pháp gần các khu vực biên giới không có tuần tra.
“Những chuteros này chỉ thả họ gần biên giới, sau đó những người di cư xuống xe rồi đi bộ qua.”
Vào tháng Bảy, cảnh sát Bolivia đã bắt quả tang ba chuteros vận chuyển 25 người nhập cư Haiti bất hợp pháp dọc theo đường cao tốc Oruro-El Alto.
Như là băng qua đường
Ông Gonzalo Santander, một doanh nhân Chile đến từ Santiago, làm công việc mua bán khoáng sản thương mại, nói với The Epoch Times rằng ông thích việc “băng qua đường” đến Pisiga hơn, khi không có nơi nào để lưu lại ở Colchane.
“Quân đội đang đóng chiếm toàn bộ thị trấn [Colchane] và không có nơi nào để ngủ. Thế nên, tôi chỉ cần băng qua đường trở lại Bolivia để trú tạm ở Pisiga, rất dễ dàng,” ông nói.
Ông Santander thường xuyên qua biên giới Colchane và Pisiga vì công việc và nói rằng ông luôn nhìn thấy những người vượt biên trái phép.
“Tôi nghĩ vấn đề này bắt đầu khi những người di cư muốn đi lên phía bắc.”
Ông Santander cho rằng việc vượt biên trái phép dễ dàng là do thiếu sự hỗ trợ của chính phủ. Ngược lại, ông cho biết biên giới giữa Chile và Peru, gần Arica, được kiểm soát rất tốt.
Những người muốn đi qua bất hợp pháp, về phía bắc hay phía nam, không có lựa chọn nào khác ngoài việc băng qua sa mạc trên cao này.
Ông Santander cũng cho biết Chile có quá nhiều người nhập cư như vậy; đó là lý do tại sao “hệ thống bắt đầu sụp đổ” ở đất nước của ông.
Theo dữ liệu từ văn phòng ngoại giao và di cư, Chile có 1.5 triệu người nhập cư – cả hợp pháp và bất hợp pháp – tương đương với 8% dân số nước này.
Quay trở lại biên giới giữa Chile and Bolivia, những người di cư bất hợp pháp bò ra khỏi một con hào do quân đội Chile đào ở bên cạnh “con đường” của họ và nhanh chóng bị một chiếc xe tải chở đầy binh lính chặn lại.
Từ xa, anh Silva và nhóm bạn đồng hành dõi theo diễn biến và chờ cơ hội để băng qua.
Anh Silva nói, “Có thể rất khó khăn, nhưng con đường duy nhất dành cho chúng tôi là tiến về phía trước.”