Hãy xem Quân đội Trung Quốc ở những nơi nào trên thế giới! (Phần 2/2)
GUERMANTES LAILARI
Phần một của bài này đã thảo luận về các địa điểm được biết đến và có khả năng là nơi Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Cộng đang xây dựng các căn cứ. Bài viết này sẽ khảo sát các chỉ dấu về các địa điểm mà PLA có thể đặt căn cứ trong tương lai và xem xét các nhóm bán quân sự của Trung Cộng/PLA hoạt động bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Các thỏa thuận
Một cơ sở vận hành trọn vẹn là ví dụ rõ ràng nhất về chủ nghĩa bành trướng của Trung Cộng/PLA. Các loại thỏa thuận khác cũng có thể cho phép PLA đặt căn cứ không toàn thời gian – chẳng hạn như một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần, các thỏa thuận về quy chế các lực lượng (SOFA) hoặc quy chế các lực lượng ghé thăm (SOVFA), các đợt ghé thăm cảng, sử dụng cho tập trận quân sự hoặc cơ sở dự phòng, thỏa thuận hỗ trợ quốc gia sở tại, thỏa thuận hỗ trợ bằng hiện vật, thỏa thuận sử dụng khẩn cấp, thỏa thuận cung cấp vật tư và dịch vụ (ACSA), biên bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, và các nguồn cung cấp được chuẩn bị trước.
Chiến lược vị trí án ngữ
Một tiền đề của chiến lược đặt các căn cứ của PLA là bảo đảm quyền tiếp cận không bị kiểm soát vào các vị trí án ngữ chính hay còn gọi là “các trọng điểm chiến lược”.
Căn cứ quân sự chính thức đầu tiên của Trung Quốc ở nước Cộng hòa Djibouti đã thể hiện yêu cầu này bằng cách cung cấp quyền tiếp cận cho tất cả các tàu vận tải: 1) khởi hành từ Trung Đông, nơi có nhiều dầu mỏ và khí đốt, 2) đến và khởi hành từ Biển Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, 3) đến từ Đông Phi, và 4) đi qua Mũi Good Hope ở Nam Phi.
Các điểm án ngữ khác – chẳng hạn như quần đảo Coco ngoài khơi Miến Điện (Myanmar) – cung cấp cho PLA vị trí và lối tiếp cận tốt nhất đến phía đông Ấn Độ Dương. Cùng với việc tiếp cận cảng Sri Lanka, Djibouti, Miến Điện, và các căn cứ tiềm năng của họ ở miền nam Phi Châu, PLA sẽ có thể kiểm soát việc vận tải hàng hóa vào và ra khỏi Ấn Độ Dương, có khả năng kiểm soát hoạt động thương mại của Ấn Độ và phần còn lại của Á Châu đến và đi từ Phi Châu, Trung Đông, và Âu Châu.
Tập trận quân sự
Các cuộc tập trận quân sự giữa PLA và quân đội các nước khác tạo ra một dấu hiệu tiềm năng khác về các mối quan hệ quân sự trong tương lai có thể dẫn đến các quyền đặt căn cứ ở một quốc gia.
Một báo cáo năm 2021 từ văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết: “Ví dụ, trong năm 2020, PLA đã tham gia cuộc tập trận cấp quốc gia KAVKAZ-20 của Nga cùng với quân đội từ Armenia, Belarus, Pakistan, và Miến Điện.”
Các chuyến thăm cấp cao của PLA
Các chuyến thăm của các đại diện cấp cao nhất của PLA có thể cho thấy việc đặt căn cứ trong tương lai hoặc ý định xây dựng lòng tin và thúc đẩy mối quan hệ của Trung Cộng với bất kỳ quốc gia cụ thể nào, từ đó tận dụng các mối quan hệ cá nhân mà các nhà lãnh đạo PLA phát triển với các sĩ quan quân đội ngoại quốc.
Chẳng hạn, mặc dù PLA đã hủy bỏ hầu hết các chuyến thăm chính thức trong thời gian đại dịch COVID-19 hồi năm 2020, nhưng theo báo cáo quốc phòng của Hoa Kỳ, “Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Đại tướng Ngụy Phượng Hòa đã tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng của Nga ở Moscow, và dẫn đầu các phái đoàn đến Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines, và Pakistan.”
Lưu ý rằng bốn quốc gia đầu tiên là các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong khi Việt Nam, cũng là một quốc gia tuyên bố chủ quyền, lại không có trong danh sách này.
Bán vũ khí
Bán vũ khí là một phương thức khác cho phép nhân sự PLA được điều động tới một quốc gia. Mặc dù việc điều động này bề ngoài là để huấn luyện và giám sát quy trình chuyển giao vũ khí, nhưng thật ra có thể thu thập thông tin chi tiết về giới tinh hoa quân sự và chính trị của quốc gia sở tại, đồng thời cũng thường cung cấp thông tin vô giá và bối cảnh về các diễn biến nội bộ cũng như các cơ hội trong tương lai để tăng cường sự hiện diện của PLA.
Các công ty quân sự và an ninh tư nhân của Trung Quốc
Các công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc (PSC) và các công ty quân sự tư nhân (PMC) là nhóm công dân Trung Quốc ít bị theo dõi hơn có liên hệ với Trung Cộng và PLA.
Như hầu hết các chuyên gia về Trung Quốc đều biết, tất cả các công ty ở Trung Quốc đều có đại diện của Trung Cộng trong vai trò hội đồng quản trị công ty, và bất kỳ thông tin nào họ quan tâm đều phải được chia sẻ với Trung Cộng. Với những điều kiện này, các PSC hoạt động như PLA mặc thường phục khai triển phía trước, biến các PSC không còn là các công ty an ninh tư nhân mà là các tổ chức bình phong của PLA.
Các PSC của Trung Quốc được thuê theo ba cách: 1) nhận tài trợ hoặc hợp đồng từ Trung Cộng, 2) làm việc dưới sự kiểm soát trực tiếp của Trung Cộng, và 3) cung cấp nhân sự an ninh theo hợp đồng làm việc trực tiếp cho các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc.
Cung và cầu
Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Cộng sử dụng các công ty quân sự tư nhân (PMC) “để huấn luyện lực lượng quân sự hoặc tăng cường các hoạt động chiến đấu, còn PSC được sử dụng chủ yếu cho các nhiệm vụ phi chiến đấu như bảo vệ nhân viên và an ninh tại hiện trường.”
Bên trong Trung Quốc, có khoảng “4,000 công ty an ninh đã ghi danh với ước tính khoảng 4.3 triệu nhân viên.”
Theo một bản tin của Trung Quốc, tính đến năm 2016 “khoảng 20 đến 40 công ty an ninh tư nhân (PSC) của Trung Quốc đang hoạt động ở hải ngoại ở khoảng 40 quốc gia … sử dụng khoảng 3,200 nhân viên chuyên gia an ninh” để bảo vệ cho 16,000 công ty Trung Quốc hoạt động ở ngoại quốc.
Một báo cáo của tổ chức RAND nhận thấy rằng Trung Cộng thích sử dụng các công ty an ninh tư nhân (PSC) – vì các công ty quân sự tư nhân (PMC) thường dùng để hoạt động trong các lĩnh vực như huấn luyện quân sự mà PLA muốn tiến hành với quốc gia sở tại – cùng với các PMC của Nga (chẳng hạn như Wagner Group) và luật của Trung Cộng về các công dân Trung Quốc có vũ trang; Trung Cộng đã tránh dùng các PMC.
Một khía cạnh quan trọng khác để thuê PLA và các nhân sự an ninh khác là trên thực tế có hơn 57 triệu cựu chiến binh ở Trung Quốc. Nhiều người thất nghiệp, đó là một lý do khiến họ đòi hỏi ở Trung Cộng nhiều quyền lợi hơn.
Theo một báo cáo của Carnegie năm 2020, “Trong những năm gần đây, các cựu chiến binh đã tổ chức hơn 50 cuộc biểu tình lớn đòi quyền lợi tốt hơn. Những cuộc biểu tình như vậy đã làm suy yếu vị thế của Trung Cộng và đe dọa giai đoạn giải ngũ và hiện đại hóa mới nhất của PLA. Các công ty an ninh giúp giảm bớt phần nào áp lực đó.”
Theo một nguồn tin Trung Quốc, Afghanistan là nơi thích hợp nhất để gia tăng mạnh mẽ kinh doanh và việc làm của các công ty an ninh tư nhân của Trung Cộng, nhằm hỗ trợ khai thác tài nguyên khoáng sản ước tính lên đến 3 ngàn tỷ USD của các công ty Trung Quốc.
Theo báo cáo của National Defense University Press, một thách thức an ninh khác của Trung Cộng đối với các công ty an ninh tư nhân là bảo vệ cho “hơn 30,000 công ty của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) và 5.5 triệu công dân CHND Trung Hoa làm việc ở hải ngoại, với 60 triệu người khác đi du lịch mỗi năm.”
Sáng kiến Vành đai và Con đường
Mặc dù phần một của loạt bài này thảo luận về các căn cứ của PLA, nhưng bài phân tích đó không thảo luận về các quốc gia mà Trung Cộng có quan hệ chặt chẽ nhưng vẫn chưa bắt đầu các hành động xây dựng hoặc chiếm các căn cứ.
Các chuyên gia giả thiết rằng Trung Cộng đã đang thiết lập một căn cứ như một mục tiêu chiến lược lâu dài ở các quốc gia 1) nơi Trung Cộng đang theo đuổi các hoạt động Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) (kể từ tháng 03/2022,Trung Cộng đã ký Bản Ghi nhớ với 147 các quốc gia), 2) có tỷ lệ xuất cảng thương mại cao với Trung Quốc, và 3) nơi có các dấu hiệu cho thấy mức độ thu hút giới tinh hoa rất lớn.
Một báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ năm 2019 đã nhận xét, “BRI của Trung Quốc đã nổi lên như một ý tưởng tổ chức rõ ràng nhất đằng sau việc PLA ngày càng mở rộng sự hiện diện ở hải ngoại.”
Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ gặp khó khăn hơn trong việc ngăn PLA xây dựng các căn cứ một khi Trung Cộng “nắm được” đất nước đó. Ví dụ, Thỏa thuận Hợp tác Toàn diện 25 năm Iran–Trung Quốc năm 2021 cam kết Trung Quốc sẽ đầu tư 400 tỷ USD vào dầu mỏ Iran. Mặc dù thỏa thuận này chưa được công khai, nhưng báo chí Iran đã rò rỉ thông tin cho rằng Trung Quốc có thể điều động tới 5,000 lực lượng an ninh PLA tới Iran để bảo vệ khoản đầu tư của nước này.
Các PSC được sử dụng cho hoạt động tình báo
Một số báo cáo chỉ ra rằng các công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc hoạt động giống như công ty quân sự tư nhân “thực hiện các hoạt động bí mật chẳng hạn như gián điệp, thu thập thông tin tình báo bằng cách sử dụng các nguồn ‘Humint’ [human intelligence: dùng con người để thu thập thông tin tình báo] và báo cho các lực lượng địa phương những thông tin thu thập được.”
Chẳng hạn, Geopolitica.Info báo cáo rằng “Bắc Kinh cung cấp công nghệ cho Angola, Ethiopia, Zimbabwe và những nước khác – họ có khả năng bị lợi dụng để chống lại các đối thủ chính trị, các nhà hoạt động, và những người lao động biểu tình, để đàn áp sự bất đồng chính kiến và nhân quyền của họ. Một công ty an ninh tư nhân khác của Trung Quốc, ‘Haiwei’, hiện có mặt ở 51 quốc gia, đang tích cực tham gia vào việc ‘thu thập thông tin tình báo’ ở Ethiopia thông qua các kênh của mình và đã chia sẻ với chính quyền địa phương để hành động chống lại các mối đe dọa.”
Các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc có mức lương thấp, tinh thần không tốt, và đào tạo kém; họ cũng đã tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp. Báo cáo này cho biết, các công ty an ninh tư nhân sử dụng các thành viên cũ của PLA và Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP) như “là một công cụ trấn áp của chính quyền Trung Quốc, do đó họ tiếp tục hành động như thế ở Phi Châu khi đối phó với bất kỳ phe đối lập nào.”
Hơn nữa, các công ty an ninh tư nhân này “có xu hướng thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như tham gia/tạo điều kiện cho hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã, buôn bán ma túy và buôn người.”
Tương lai của các PSC Trung Quốc
Theo báo cáo của CSIS, “Trung Quốc có nhiều mảng cơ hội để tận dụng các công ty an ninh tư nhân, trong đó có các công ty dọc theo hành lang BRI, ở Biển Đông, trong toàn bộ ngành vận tải biển của họ trên toàn cầu, và trong việc đào tạo lực lượng cảnh sát và an ninh ở ngoại quốc.”
Báo cáo này nhấn mạnh rằng “Các PSC Trung Quốc mở rộng phạm vi hợp tác chuyên về an ninh của Trung Quốc tới nhiều chính phủ hơn là Hoa Kỳ có thể hoặc sẵn sàng làm thông qua quân đội Hoa Kỳ – một phần do những ràng buộc chính trị và pháp lý trong nước của Hoa Kỳ, kể cả luật Leahy*.”
Lực lượng dân quân hàng hải: Các tàu ‘Tiểu Lam Nhân’
CSIS cho biết Trung Cộng đã điều động lực lượng dân quân hàng hải “để bảo vệ các đội tàu đánh cá và tuần tra lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố là chủ quyền của mình, đặc biệt là ở Biển Đông.”
Theo Quy định Công tác Dân quân năm 1991, những “tiểu lam nhân” này [chỉ những con tàu dân quân nhỏ có vũ trang màu xanh dương xuất hiện trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông bất cứ lúc nào] thuộc Quân khu Cấp tỉnh của PLA trở xuống như một lực lượng dự bị sẵn sàng. Trung Cộng sử dụng các tàu này để tăng cường lực lượng hoạt động ở các đại dương gần với Trung Quốc: Biển Hoa Đông, Biển Đông, và Hoàng Hải (bao gồm Biển Bột Hải và Vịnh Triều Tiên).
Lực lượng dân quân hàng hải cũng sẽ có khả năng được áp dụng cho bất kỳ cuộc xâm nhập Đài Loan hoặc hoạt động nào khác ở Biển Đông (một phần của khu vực “đường chín đoạn”), cũng như những trò hề về chủ quyền ở Biển Hoa Đông và Hoàng Hải.
Tầm quan trọng của các chỉ số này
Nhiều độc giả có thể nhận thấy các chỉ dấu nêu trên là cần thiết nhưng không đủ bằng chứng về ý định xây dựng các căn cứ của PLA hoặc ít nhất là ý định tìm cách điều động nhân viên an ninh dư thừa. Bởi vì Trung Cộng và PLA là bí mật và không minh bạch, nên các chuyên gia kiểm tra các chỉ dấu để đánh giá các ý định của họ.
Giống như trong Chiến Tranh Lạnh với Liên Xô, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ tìm kiếm những manh mối liên quan. Một việc gì đó đơn giản như bán vũ khí có thể cho thấy sự hợp tác quân sự giữa các bên dẫn đến các quyền được đặt căn cứ. Các nhà phân tích và những người theo dõi PLA nên sử dụng các chỉ dấu này làm đầu mối để điều tra PLA ở các quốc gia và địa điểm đó.
Ngay cả khi PLA không xây dựng các căn cứ tại những quốc gia này, thì PLA cũng đang xây dựng các mối quan hệ có giá trị chiến lược. Những mối quan hệ như vậy sẽ khiến các nhà phân tích và hoạch định chính sách quan tâm đến việc đánh giá chủ nghĩa bành trướng của Trung Cộng và vai trò của PLA trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu của Trung Cộng.
Lời kết
Khi PLA vươn ra khỏi Á Châu, những hành động này buộc Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác phải chống lại họ.
Như ông Aaron Friedberg đã nói trong quyển sách mới của mình, “Getting China Wrong” (Hiểu Sai Về Trung Quốc) do Polity Press xuất bản năm 2022, “Nếu PLA giành được quyền tiếp cận các cảng và các căn cứ hàng không ở bờ biển phía tây của Phi Châu hoặc ở Châu Mỹ Latinh, thì họ có thể buộc Hoa Kỳ phải đóng nhiều quân hơn gần quê nhà hơn, khiến sự cân bằng ở Tây Thái Bình Dương lệch xa hơn nữa.”
Điều này ngụ ý rằng Trung Cộng sẽ buộc Hoa Kỳ phải thực hiện những đánh đổi khó khăn liên quan đến việc khai triển lực lượng ở đâu và để lại các khu vực nào trên thế giới cho những mưu đồ của Trung Cộng.
Ông Guermantes Lailari là một sĩ quan đối ngoại đã về hưu thuộc lực lượng Không quân Hoa Kỳ chuyên về Trung Đông và Âu Châu cũng như chống khủng bố, chiến tranh bất thường, và phòng thủ hỏa tiễn. Ông từng là Tùy viên Không quân tại Trung Đông, phục vụ tại Iraq, và có bằng cấp cao về quan hệ quốc tế và tình báo chiến lược. Ông nghiên cứu các chế độ độc tài và toàn trị đe dọa các nền dân chủ. Ông sẽ là học giả được Đài Loan tài trợ tại Đài Bắc vào năm 2022.
[* Leahy law: hai điều khoản cấm Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng ngân quỹ để hỗ trợ cho lực lượng an ninh ngoại quốc nào có thông tin khả tín về vi phạm nhân quyền]