Hệ thống Dự trữ Liên bang đã tạo ra một hệ thống giai tầng ở Mỹ như thế nào
EJ Antoni
Năm 1913, Tổng thống Woodrow Wilson và những người cấp tiến của ông đã hứa rằng Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tránh được cả suy thoái lẫn lạm phát, trong khi ngăn chặn người giàu kiểm soát thị trường tài chính của Mỹ và gây bất lợi cho người nghèo.
Hơn một thế kỷ sau, rõ ràng tất cả những hứa hẹn đó chỉ là dối trá, và Fed đã giúp tạo ra một tầng lớp hạ đẳng lâu dài ở Mỹ.
Fed được thiết kế để chuyển tài sản từ người dân Mỹ sang chính phủ, chủ yếu thông qua thuế ẩn là lạm phát. Nhưng quá trình này đã ngăn cản vô số gia đình Mỹ có thể tiết kiệm và vươn lên, vì tiền tiết kiệm của họ liên tục mất giá trị.
Trong hai thập niên, Fed đã giữ lãi suất thấp một cách giả tạo để giúp tài trợ cho các khoản chi tiêu lớn của chính phủ. Khi mức chi tiêu chính phủ ấy đạt tới mức cao chưa từng thấy vào năm 2020, Fed đã can thiệp quyết liệt hơn bao giờ hết, tạo ra hàng ngàn tỷ USD và làm giảm giá đồng tiền.
Kể từ đó bắt đầu một cuộc chuyển giao tài sản vô song vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và tạo ra sự chia rẽ giữa các nhóm người Mỹ khác nhau.
Tình trạng lạm phát đau đớn trong ba năm qua đã làm tăng giá cả trong toàn bộ nền kinh tế, làm sai lệch các tín hiệu mà giá cả được cho là sẽ truyền tải tới người mua và người bán. Ví dụ: chi phí để sở hữu một ngôi nhà có mức giá trung vị ngày nay đã tăng gấp đôi kể từ tháng 01/2021, nhưng vẫn là ngôi nhà đó thôi.
Hiện tượng này thể hiện quá trình kiếm tiền từ nhà ở, trong đó nhà ở trở thành nơi lưu trữ giá trị tốt hơn nhiều so với tiền tệ, ngay cả khi giá trị thực của ngôi nhà không được cải thiện.
Tương tự như vậy, thu nhập của người Mỹ đã tăng đáng kể trong ba năm qua, nhưng không phải theo phương diện có ý nghĩa nhất – về mặt những gì họ có thể mua. Thay vào đó, điều ngược lại đã xảy ra, và ngày nay mức thu nhập lớn hơn nhưng mua được ít hàng hóa hơn.
Một mức lương từng có thể được xem là xứng đáng vào năm 2019 thậm chí không còn đủ để trang trải cuộc sống ở nhiều nơi, và chắc chắn là không đủ để thực hiện giấc mơ sở hữu nhà ở của người Mỹ.
Một gia đình có thu nhập gia đình trung vị chỉ có thể mua được một ngôi nhà có giá trung vị ở một số khu vực đô thị lớn trên toàn quốc. Ở nhiều thành phố, chi phí để sở hữu một ngôi nhà giá trung vị vượt quá mức thu nhập thực tế của thu nhập gia đình trung vị. Ngay cả khi quý vị không chi một xu nào cho những nhu cầu thiết yếu khác như thực phẩm, thì quý vị vẫn không có đủ tiền để trả góp nợ vay mua nhà.
Đó thực sự là một lời lên án mạnh mẽ đối với hiện trạng khi ngay cả những người có thu nhập tưởng chừng như cao cũng không thể mua được một ngôi nhà thông thường.
Tệ hơn nữa, khi giá cả tiếp tục tăng lên, mọi người có thể tiết kiệm ít hơn, khiến việc tích lũy đủ số tiền trả trước trở nên khó khăn hơn. Ngay cả khi một gia đình đạt được mục tiêu của họ, giá nhà lại tăng lên và họ lại quay trở lại guồng quay của chuột đồng, cố gắng tiết kiệm để có được khoản trả trước thậm chí còn lớn hơn.
Trong khi đó, lạm phát đang đánh thuế một cách đều đặn, mặc dù âm thầm, lên giá trị thực của khoản tiết kiệm gia đình vì tiền này được gửi trong ngân hàng.
Tình trạng này đã khiến vô số người Mỹ trở thành người thuê nhà vĩnh viễn, với gần như cả một thế hệ thanh niên từ bỏ nỗ lực có được mức sống mà cha mẹ họ từng có. Một vực sâu nhân tạo đã được dựng lên giữa những người vốn dĩ đã sở hữu vốn từ trước rồi, chẳng hạn như có nhà, và những người Mỹ còn lại, những người chỉ có thể đi vay những tài sản đó, giống như cách họ vẫn đang làm thông qua việc đi thuê.
Tương tự như vậy, nhiều người – trong số những người đang vật lộn để trả những khoản tiền thuê nhà tăng mạnh – đang ngập trong nợ nần để có được một mái nhà che thân. Chỉ những người đã vay được nợ mua nhà với lãi suất cố định trước khi giá nhà lẫn lãi suất tăng bùng nổ thì có thể thoát khỏi một trong những nguyên nhân lớn nhất đằng sau sự gia tăng chi phí sinh hoạt trong ba năm qua.
Nhiều chủ nhà không đủ khả năng để mua căn nhà tương tự như căn mà họ sở hữu hôm nay. Khoản trả góp nợ mua nhà hàng tháng cho một ngôi nhà có giá trung vị đã tăng gấp đôi kể từ tháng 01/2021. Do đó, ngay cả khi hai gia đình có thu nhập như nhau, thì gia đình đã mua nhà ba năm trước có lợi thế gần như không thể vượt qua so với gia đình đang cố gắng làm như vậy ngày nay.
Các đợt thao túng tiền tệ của Fed đã tài trợ được hàng ngàn tỷ USD cho thâm hụt ngân sách liên bang, nhưng các chính sách này cũng tạo ra một tầng lớp hạ đẳng lâu dài ở Mỹ – một điều đi ngược lại với tầm nhìn của các Nhà lập quốc về Hoa Kỳ.
Sự thay đổi giai tầng là trung tâm của giấc mơ Mỹ, và Fed đã biến giấc mơ này thành một cơn ác mộng.
Bài viết này do The Washington Times phát hành lần đầu; được in lại với sự cho phép của The Daily Signal, một ấn phẩm của The Heritage Foundation.
Ông EJ Antoni là một thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Dữ liệu thuộc Quỹ Di Sản.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.