Henry Flipper: Từ nô lệ đã trở thành sinh viên học viện quân sự West Point như thế nào?
LAWRENCE W. REED
Khi các cá nhân vượt lên trên hoàn cảnh của họ, họ thu hút sự chú ý của chúng ta. Họ đã truyền cảm hứng cho chúng ta khi cố gắng giữ vững những nguyên tắc qua thời gian mặc cho những thử thách và cám dỗ. Khi họ nói lên sự thật, làm đúng nghĩa vụ của mình và duy trì chuẩn mực đạo đức cao thượng, họ xứng đáng là những hình mẫu cho chúng ta noi theo.
Một trong những người đàn ông như vậy là Henry Ossian Flipper (1856–1940). Câu chuyện của ông không giống như những câu chuyện thành công khuôn mẫu ngày nay, mà chỉ là điều hiển nhiên trong những thập niên ông sống.
Nếu người đàn ông này đáng được ca ngợi như tôi đề cập đến, bạn có thể cho rằng ông đã may mắn có một khởi đầu thuận lợi khi được sinh ra trong gia đình giàu có và được hưởng mọi đặc quyền. Có lẽ bạn đã nhầm.
Từ nô lệ đến học viện quân sự West Point
Flipper sinh ra trong cảnh nô lệ ở Thomasville, Georgia, năm năm trước khi bắt đầu Nội chiến. Cha mẹ ông, ông Festus và bà Isabelle, thuộc sở hữu của một tên buôn bán nô lệ, Ephraim G. Ponder. Ông Festus đóng giày, và sau chiến tranh, đã mở một cửa hàng kinh doanh giày nhỏ ở Atlanta. Bà Isabelle “cắt tỉa” toa xe, có nghĩa là bà đã lắp đặt và sửa chữa nội thất của các toa.
Gia đình Flipper, trong suốt thời kỳ nô lệ và sau này, không bao giờ giàu có về vật chất. Tuy nhiên, họ giàu có ở một điều gì đó còn giá trị hơn nhiều: Họ là một gia đình đầy tình yêu thương và luôn luôn chú tâm vào mỗi việc họ làm.
Cha mẹ của Flipper đã dạy ông và bốn người em trai của mình tự nâng cao bản thân và không bao giờ để bất kỳ ai hạ gục mình. Điều này đòi hỏi phải làm việc chăm chỉ và trau dồi đức hạnh từ khi còn nhỏ, nên họ đã được đền đáp trong mọi trường hợp. Một người anh trở thành nông dân thành đạt; còn một người khác là hiệu trưởng trường đại học và giám mục trong Giáo hội giám lý Châu Phi; người khác nữa là một giáo sư đại học; và người thứ tư là một bác sĩ. Đối với gia đình ông flipper, cái mà chúng ta gọi là “Giấc mơ Mỹ” là hiện thực và mang tính cách cá nhân như cái tên của nó.
Bạn có thể cho rằng ông Flipper chắc đã may mắn may mắn đến mức không bao giờ phải đối mặt với một thử thách lớn lao nào trong đời. Bạn đã lầm rồi. Ước mơ của ông là trở thành một sĩ quan trong Quân đội Hoa Kỳ. Ông đã đạt được giấc mơ đó, chỉ có điều ông đã phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc trên chặng đường của mình, và cuối cùng, một phiên tòa bất công đã sớm kết thúc sự nghiệp quân sự đầy hứa hẹn của ông. Ông đã chứng minh rằng quyết định số phận của bạn không phải là những vấn đề bạn gặp trong cuộc sống, mà là cách bạn chọn đối mặt với chúng như thế nào.
Người đàn ông với tính cách hoàn hảo này đã làm gì để phải ra hầu một tòa án quân sự? Năm 1881, ông bị cáo buộc tội biển thủ ngân quỹ một cách sai trái khi còn là sĩ quan phụ trách quân nhu tại Fort Davis, Texas. Ông được tha bổng về tội đó nhưng bị kết tội “hành vi không phù hợp với một sĩ quan” và bị cách chức. Gần một trăm năm sau, vào năm 1976, Ban chỉnh huấn Hồ sơ Quân đội đã lật lại cáo buộc thứ hai, cáo buộc có động cơ phân biệt chủng tộc, và vào năm 1999, ông Flipper được tổng thống ân xá sau khi qua đời.
Người ta có thể dễ dàng tưởng tượng ông Flipper quay ra chống lại đất nước đã nô lệ hóa cha mẹ ông và khiến ông phải chịu một sự sỉ nhục không bao giờ có thể chính thức xóa bỏ trong suốt cuộc đời. Nếu bạn cho rằng ông trở nên bực bội, cay đắng và chống lại người Mỹ, thì bạn lại sai lầm một lần nữa.
Ông Flipper yêu nước Mỹ. Ông là một học giả hạng nhất về lịch sử. Ông biết nước Mỹ không tạo ra chế độ nô lệ. Ông hiểu rằng trong khi một số người Mỹ bắt cha mẹ ông làm nô lệ thì những người Mỹ khác đã giúp trả tự do cho họ. Một nghị sĩ tiểu bang Georgia đảng Cộng hòa da trắng tên J.C. Freeman – đã đánh giá ông Flipper về tính cách và năng lực của ông cũng như bảo đảm tiến cử ông đến Học viện quân sự Hoa Kỳ. Trên thực tế, Flipper đã trở thành một trong những người bảo vệ hùng hồn nhất nước Mỹ và là người ủng hộ Hiến Pháp trung thành.
Trước khi chia sẻ với độc giả một vài điều ông Flipper muốn nói về đất nước này và tài liệu đó, hãy nhìn nhận những thành tựu đáng kể của vị công dân Hoa Kỳ này:
- Ông là người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Kỳ West Point, được phong quân hàm thiếu úy kỵ binh ở tuổi 21 vào tháng 06/1877.
- Theo nhà viết tiểu sử Theodore D. Harris, hồi ký của ông là “câu chuyện cá nhân duy nhất được xác thực về cuộc sống quân sự và dân sự trên biên giới do một người Mỹ gốc Phi viết.”
- Là hạ sĩ quan Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên và duy nhất của Quân đội Hoa Kỳ, ông đã lãnh đạo một cách đáng ngưỡng mộ những người lính Buffalo ở Tây Nam Hoa Kỳ.
- Ông đã sử dụng tốt các tài năng kỹ thuật phi thường của mình khi đóng quân ở Texas và Oklahoma. Tại Fort Sill, có một Địa danh Lịch sử Quốc gia (“Con kênh của Flipper”) mà bạn có thể ghé thăm ngay hôm nay. Nơi đây tưởng nhớ giải pháp tài tình của ông đối với vấn đề sốt rét gây nhức nhối trong pháo đài.
- Trong cuộc Cách mạng Mexico kéo dài 10 năm (1910–1920), ông đã cung cấp thông tin tình báo quan trọng về Mexico cho Thượng viện Hoa Kỳ và sau đó được bổ nhiệm làm trợ lý cho Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ.
Một lần, khi ở Mexico, ông Flipper bị giam ở một nhà tù dơ bẩn vì một số lý do mà ông phát hiện ra sau khi một thống đốc Mexico thân thiện ra lệnh thả ông. Ông Flipper đã đề cập trong một lá thư cho một người bạn rằng có một mục sư địa phương đã thực hiện hành vi tình dục nhiều lần với con gái của chính mình. Lời buộc tội là đúng sự thật và đã được đăng trên một tờ báo; do vậy mục sư đó đã lên kế hoạch để ông Flipper bị bắt giữ. Sau đó ông viết về việc này và nói thêm:
“Có một người đàn ông giàu có ở thành thị Mexico đã kết hôn với em gái của hắn. Hắn đã nhận được sự cho phép từ Giáo hoàng và chi ra 40,000 USD cho việc đó. Cậu đừng đưa tin này cho bất kỳ người làm báo nào. Chuyện này có thể khiến tớ phải ngồi tù một lần nữa.”
Những cuộc phiêu lưu của ông Flipper trước và sau khi ông bị xử tội bất công rất đáng để đọc – cả trong lời nói của ông cũng như trong các bài viết của những người khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem danh sách gợi ý bên dưới bài viết này.
Trong khoảng thập niên cuối cùng cuộc đời của mình, ông Flipper là tác giả của rất nhiều bài báo và bức thư. Người viết tiểu sử Harris lưu ý rằng, chúng cung cấp hồ sơ về niềm tin của Flipper vào “chủ nghĩa kiến tạo nghiêm ngặt” đối với Hiến Pháp, đặc biệt là những điều khoản đóng khung hệ thống liên bang của chúng ta về quyền của các bang, quyền tự do cá nhân và sự phân tách quyền lực. Harris viết như sau:
“Nghịch lý thay, đối với những vấn đề này, ông lại là một người Mỹ gốc Phi Jefferson. Trong các bức thư từ năm 1936 đến 1940, ông bày tỏ sự nghi ngờ mạnh mẽ đối với Đảng Dân chủ và thẳng thắn phản đối Tổng thống Franklin D. Roosevelt cũng như các chính sách kinh tế mới. Nhiều quan điểm của ông Flipper dự báo trước các ý tưởng của những người theo trường phái bảo tồn truyền thống da đen nổi tiếng ngày nay như Clarence Thomas, Thomas Sowell và Walter Williams.”
Không nghi ngờ gì nữa, ông Thomas, Sowell, và ông Williams quá cố đã tán thưởng những lời của Flipper vào năm 1936:
“Không có người dân văn minh nào lại thiếu hiểu biết về Hiến Pháp và cách vận hành chính phủ của họ như người dân Mỹ, và sự thiếu hiểu biết này trải dài từ sinh viên tốt nghiệp đại học đến người mù chữ. Trong trường học của chúng ta… chúng ta được dạy dỗ mọi thứ ngoại trừ ngôn ngữ mà chúng ta tưởng rằng mình có thể nói và Hiến Pháp của đất nước chúng ta.”
Flipper than thở về sự trôi dạt chủ quyền của quân đội Mỹ dưới thời tổng thống Roosevelt trong những năm 1930. Ông xem việc người Mỹ gốc Phi Châu ủng hộ Đảng Dân Chủ là sự phản bội đối với Đảng Cộng Hòa – những người đã chấm dứt chế độ nô lệ. Ông nhận xét chính xác rằng bằng cách ủng hộ Roosevelt và các đảng viên Đảng Dân Chủ miền Bắc, người Mỹ gốc Phi Châu đang trao quyền cho các đảng viên Dân Chủ miền Nam – những người đã áp đặt sự phân biệt của Jim Crow. Ông đặc biệt ghê tởm khi tổng thống Roosevelt bổ nhiệm một cựu thành viên Ku Klux Klan vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Ông Roosevelt cũng đã lừa người đoạt huy chương vàng Olympic Jesse Owens bằng cách chỉ mời các vận động viên da trắng đến Tòa Bạch Ốc, một thực tế đã khiến rất nhiều công dân Mỹ gốc Phi Châu phải thất vọng, không chỉ những người theo quan điểm chính trị của ông Flipper.
Về tổng thống thứ 32 của Mỹ, ông Flipper viết, “Ông Roosevelt đã khiến những người dân – thành phần thiếu suy nghĩ – tin rằng chính phủ liên bang sẽ chăm sóc họ trong mọi hoàn cảnh, bảo đảm công ăn việc làm cho họ hoặc chăm sóc họ khi không có việc làm, từ đó hạ thấp tinh thần của họ.”
Quan điểm của ông về quy mô và vai trò của chính phủ liên bang có lẽ được chắt lọc tốt nhất trong đoạn văn sau đây, từ một trong những bức thư của ông:
“Bạn thấy đấy, tôi tin tưởng nước Mỹ. Họ đã tồn tại rất lâu trước khi có chính phủ Liên bang do họ lập ra. Ở đất nước này, chúng ta không muốn có một chính phủ trung ương áp đảo. Lịch sử đã chứng minh vô số tệ nạn được gây ra bởi chính quyền như vậy.”
Ông Flipper qua đời tại Atlanta vào năm 1940 ở tuổi 84. Cũng như ông không bao giờ từ bỏ nước Mỹ và những lý tưởng đã khai sinh ra quốc gia này, chúng ta ngày nay không nên từ bỏ việc tìm hiểu về những người Mỹ gốc Phi Châu như ông. Bằng phẩm hạnh, ông đã vượt lên trên nghịch cảnh. Ông nhìn thấy tiềm năng to lớn ở nước Mỹ và hàng triệu người tốt sống ở đó, bất kể màu da.
Và ông đã không e ngại tự mình suy ngẫm và bày tỏ ý kiến của mình.