Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương cung cấp bằng chứng ‘vô cùng chấn động’ về cuộc đàn áp hàng loạt
MICHAEL WASHBURN VÀ DAVID ZHANG
Theo ông Andrew Bremberg, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc kiêm chủ tịch của Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản, một báo cáo của quỹ này đã đưa các tài liệu bị rò rỉ từ bộ hồ sơ của sở cảnh sát Tân Cương ra ánh sáng, trong đó có bằng chứng “vô cùng chấn động” về tình trạng lạm dụng và bạo lực triền miên đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở vùng viễn tây [Tân Cương] của Trung Quốc.
Ông Bremberg gọi bộ tài liệu bị rò rỉ – được biết với tên “Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương” – là “bộ dữ liệu lưu trữ lớn chưa từng có thuộc loại này”, và nói rằng các tập tài liệu này chứa thông tin cá nhân của hàng trăm ngàn người bị giam giữ. Các nhà phân tích ước tính rằng chính quyền Trung Quốc đang giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong mạng lưới trại tập trung trên khắp khu vực.
Bộ hồ sơ này đưa ra “rất nhiều các chi tiết tố cáo từ bên trong hệ thống trại giam của Trung Quốc”, quỹ này nêu ra trong một thông cáo báo chí hôm 23/05, trong đó tiếp tục mô tả nội dung với nhiều tình tiết hơn. Bộ hồ sơ có mục đích tiết lộ hàng ngàn bức ảnh của các tù nhân Duy Ngô Nhĩ, già trẻ lớn bé nam nữ đều có cả, cũng như những bức ảnh các sĩ quan công an và lính canh đang còng tay và xích các tù nhân trong quá trình diễn tập.
Bên cạnh các hình ảnh của tù nhân và lính canh, bộ hồ sơ này còn có văn bản của các chỉ thị và mệnh lệnh cấp cao của các quan chức Trung Cộng về việc phân loại và đối xử những người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ. Theo quỹ này, một chỉ thị như vậy là lời thúc đẩy của ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), cựu bí thư Trung Cộng ở Tân Cương – ông nói rằng các quan chức và cảnh sát nên đối đãi với những người thuộc các sắc tộc khác như tội phạm bạo lực.
Bộ hồ sơ này cũng công khai bài diễn thuyết của một “quan chức chính phủ trung ương” ẩn danh nói rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ban hành lệnh mở rộng kinh phí và số lượng lính canh cho các nhà tù mật độ dày đặc ở Tân Cương và mở rộng hệ thống quản thúc trong khu vực.
Nói với chương trình “China Insider” (Nội tình Trung Quốc) của EpochTV, ông Bremberg cho biết phần lớn những gì mà hồ sơ này đưa ra ánh sáng phù hợp với nhận thức về những gì đang diễn ra của các nhà quan sát tình hình nhân quyền ở Tân Cương, nhưng họ vẫn không khỏi chấn động khi chứng kiến hình ảnh của những người bị giam giữ tuổi còn rất trẻ và những người cao niên. Ông cho xem một trong những người bị giam là một thiếu nữ được chụp ảnh năm 14 tuổi và bị bỏ tù năm 15 tuổi.
Ông Bremberg giãi bày, “Những bức ảnh đó thực sự gây chấn động và kinh hoàng. Tôi cũng sẽ nói điều tương tự với một số bức ảnh khác – không chỉ của những người bị tù mà còn của lực lượng an ninh thực sự ở bên trong các cơ sở giam giữ đó và cách họ hoạt động.”
Vị cựu đại sứ này bày tỏ quan điểm mang tính chỉ trích nặng nề về chuyến thăm Trung Quốc của bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chuyến đi đầu tiên của một quan chức như vậy kể từ năm 2005.
Ông Bremberg cho biết, “Chuyến thăm của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tới Trung Quốc lúc này là rất đáng lo ngại. Tôi đã nói chuyện với bà ấy nhiều lần trước đây. Từ lâu, chúng tôi đã ủng hộ tầm quan trọng của văn phòng bà ấy trong việc đưa các hành vi lạm dụng nhân quyền ra ánh sáng cũng như giải quyết các hành vi vi phạm nhân quyền đang xảy ra ở Tân Cương, nhưng thật thất vọng khi bà ấy quyết định đến đó vào thời điểm này – theo cách hạn chế khả năng bà ấy có được bất kỳ sự sắp xếp độc lập nào hay thực hiện bất kỳ loại điều tra nào.”
Theo ông Bremberg, thì cả bà Bachelet lẫn chính quyền Trung Quốc đều không xem chuyến thăm của bà ấy là một cuộc điều tra những vi phạm đang diễn ra ở Trung Quốc nói chung hay ở Tân Cương nói riêng, và Bắc Kinh có thể sử dụng thời điểm diễn ra chuyến thăm để chặn bất kỳ yêu cầu nào mà bà Bachelet có thể đưa ra. Trận đại dịch đang diễn ra và cuộc phong tỏa ở Thượng Hải cũng như ở các khu vực khác của Trung Quốc khiến bà Bachelet phải ở trong cái mà ông Bremberg gọi là “một vòng lặp khép kín, được kiểm soát rất chặt chẽ mà không có giới báo chí ở chung quanh”.
Ông Bremberg lập luận nếu nhà cầm quyền nước này khăng khăng xem những hạn chế như vậy là điều kiện cho chuyến thăm của bà Bachelet, thì phản ứng thỏa đáng nên là từ chối không đến thăm Trung Quốc nữa, với lập luận là không có các điều kiện cần thiết.
Ông nói thêm, “Hiện giờ bà ấy đang ở đó, và công chúng đã được thông báo rằng bà ấy sẽ có một cuộc họp báo ngay trước khi rời đi. Tôi rất lo lắng về chuyến thăm này.”
Bên cạnh những e dè trước mắt về chuyến đi của bà Bachelet, ông Bremberg còn nêu ra mối lo ngại lớn hơn – ông cảm thấy có sự thiếu minh bạch trong mối liên hệ của văn phòng Liên Hiệp Quốc này với Trung Cộng về nhân quyền và các vấn đề khác.
“Hình thức giao thiệp của họ với chính phủ Trung Quốc là gì? Và họ đã có phản ứng gì? Họ không cần lên án Trung Quốc hay đưa ra phán xét; họ chỉ cần minh bạch,” ông nói.
Ông Bremberg cho hay, “Các quốc gia khác sau đó có thể lên tiếng và nói với Trung Quốc rằng tại sao các vị lại từ chối các điều kiện mà văn phòng của bà Bachelet đã yêu cầu, nếu họ muốn? Nhưng bằng cách giữ bí mật mọi chuyện, bà ấy không cho phép Hoa Kỳ hay các nước Âu Châu, hoặc các chính phủ khác trên thế giới, thực sự hỗ trợ công việc của văn phòng bà ấy.”
Vị cựu đại sứ gọi chuyến thăm này là một sai lầm và nói rằng một cuộc điều tra minh bạch – về các vấn đề đã được đưa ra ánh sáng trong Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương này – là bất khả thi trong mọi hoàn cảnh. Ông tiếp tục bày tỏ lo ngại về việc các quan chức Trung Cộng sẽ bóp méo chuyến thăm này như thế nào trong các tuyên bố công khai của họ.
Ông Bremberg biện luận, “Quý vị không thể kiểm soát những gì người khác nói về mình. Nhưng rất nên lo lắng khi hình dung chính phủ Trung Quốc sẽ miêu tả chuyến thăm này như thế nào từ góc độ tuyên truyền hay thông điệp, trong nước hay quốc tế. Và nếu họ tạo ra những mô tả gợi ý rằng bà ấy đã có chuyến thăm tuyệt vời này, thì bà ấy thực sự có trách nhiệm đạo đức phải hồi đáp ngay lập tức và công khai, cũng như tiết lộ các điều kiện trong chuyến đi này là gì, điều gì được phép và điều gì không được phép.”
Trong phần hồi đáp câu hỏi qua email từ The Epoch Times về việc liệu chuyến đi của bà Bachelet tới Tân Cương có phải là một cuộc điều tra độc lập hay không, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói rằng đó là “một điều kiện chủ yếu”.
Ông Bremberg đã đưa ra lập luận đầy tính thuyết phục rằng phải chấm dứt việc đàn áp và lạm dụng nhân quyền đang diễn ra ở Tân Cương.
Ông nói: “Chúng tôi biết rất rõ về 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trong suốt thế kỷ qua, dưới sự cai trị của nhiều chính quyền cộng sản khác nhau. Và chúng tôi biết rằng cách duy nhất để chấm dứt tình trạng nạn nhân hóa này là khi các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế đứng lên và gây sức ép lên các chế độ đó – như Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay – và yêu cầu họ thay đổi hành vi của mình.”