Hoa Kỳ cần đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất chính để phục hồi chuỗi cung ứng
Theo một nhóm chuyên gia, ngành sản xuất Hoa Kỳ đã đạt đến bước ngoặt quan trọng sau sự xáo trộn nguồn cung toàn cầu do đại dịch gây ra, và đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ cần giúp xây dựng những chuỗi cung ứng vững mạnh.
Cuộc khủng hoảng virus Trung Cộng đã buộc các công ty giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc vốn là nhà cung cấp duy nhất, và các công ty Hoa Kỳ đã bắt đầu khám phá tìm chọn các nguồn cung ứng ở gần hơn.
Ông Gary Johnson, giám đốc sản xuất và phụ trách lao động tại Ford Motor Co., cho biết năm nay là “trường hợp thử nghiệm hoàn hảo” về khả năng phục hồi của các nhà sản xuất.
“Tôi đã ở đây trong một thời gian dài, gần 35 năm, tôi đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng lần này là kịch tính nhất,” ông nói vào ngày 1/10 tại một hội thảo trực tuyến do Viện Hudson tổ chức. “Chúng tôi đã xem xét các liên kết và cơ sở trên toàn cầu của mình, một số hoạt động đã bắt đầu được đưa trở lại Hoa Kỳ.”
Ông Johnson cho biết, chi phí vận chuyển, phân phối và thuế đã leo thang gần đây, vượt qua mức tiết kiệm nhờ sử dụng lao động nước ngoài; điều này khiến việc đưa sản xuất trở lại Hoa Kỳ hoặc ở các quốc gia như Mexico và Canada trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe hơi cần có các chính sách ổn định và nhất quán từ Hoa Thịnh Đốn để có thể đưa sản xuất trở lại Hoa Kỳ nhiều hơn nữa.
“Khi chúng tôi lập một cơ sở hoặc xây một nhà máy, thì đó là một kế hoạch từ 3 đến 5 năm và sau đó là 25 năm, bởi vì việc xây dựng và thiết lập những cơ sở đó rất tốn kém. Vì vậy, chúng tôi cần một chính sách nhất quán.”
Với việc nới lỏng các hạn chế về phong tỏa, các nhà máy sản xuất xe hơi bắt đầu mở cửa trở lại vào tháng 5. Tuy nhiên, họ hiện đang phải đối mặt với một thách thức khác, do nhu cầu xe hơi trong nước cao hơn nhiều so với bình thường.
Ông Johnson nói, “Chúng tôi đang phải làm thêm giờ rất nhiều,” để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, một số nhà cung ứng phụ kiện xe hơi của Mexico vẫn đóng cửa khi Mexico tiếp tục phải vật lộn với việc phong tỏa, gây thêm áp lực lên các nhà sản xuất xe hơi của Hoa Kỳ, ông nói thêm.
Theo ông Keith Belton, người sáng lập Pareto Policy Solutions, một công ty tư vấn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Hoa Kỳ, đại dịch đã cho thấy sự mong manh của chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Belton cho biết rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng có thể không bao giờ được loại trừ hoàn toàn, nhưng nó có thể được hạn chế hoặc giảm thiểu thông qua tái cấu trúc.
Ông là đồng tác giả của một nghiên cứu gần đây, có tiêu đề “Các chính sách để nâng cao khả năng phục hồi của ngành sản xuất Hoa Kỳ”, trong đó liệt kê 15 khuyến nghị chính sách cho chính phủ liên bang để tăng cường chuỗi cung ứng.
Một khuyến nghị mà nghiên cứu đưa ra là chính phủ nên phát triển một “bài kiểm tra sức chịu đựng” mà các nhà sản xuất có thể sử dụng để xác định các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của họ.
Các khuyến nghị khác bao gồm cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chỉ định “một người đứng đầu (czar) phụ trách sản xuất ở cấp Tòa Bạch Ốc, đồng thời phát triển một kế hoạch chiến lược quốc gia để đảm bảo năng lực cạnh tranh dài hạn trong lĩnh vực sản xuất”.
Khi cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra, cả hai ứng cử viên đã công bố một loạt các đề xuất chính sách để làm cho sản xuất trong nước của Hoa Kỳ trở nên vững mạnh hơn. Tổng thống Donald Trump kêu gọi đưa sản xuất trở lại Hoa Kỳ bằng cách hứa giảm thuế và ưu đãi; trong khi ứng cử viên Đảng Dân Chủ Joe Biden đề xuất gia tăng các quy định “Mua hàng Hoa Kỳ” để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước.
Phát biểu tại hội thảo, bà Rosemary Gibson, tác giả cuốn sách “China Rx: Exposing the Risks of America’s Dependence on China for Medicine” (tạm dịch: “China Rx: phơi bày nguy cơ Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc về dược phẩm”), cho biết điều quan trọng đối với chính phủ Hoa Kỳ là phải xác định “tài sản thực sự chiến lược” và ưu tiên sản xuất những tài sản đó.
“Chúng ta đã không chuẩn bị trong nhiều năm. Chúng ta còn không thể sản xuất thuốc kháng sinh ở Hoa Kỳ nữa. Đó là một rủi ro lớn đối với an ninh y tế và an ninh quốc gia của chúng ta,” bà nói.
Bà cũng lưu ý rằng 90% hóa chất cho các loại thuốc quan trọng cần thiết trong việc chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Trung Cộng (COVID-19) có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ông Robert Scott, nhà kinh tế cao cấp tại Viện Chính sách Kinh tế, cho biết tại cuộc hội thảo, Hoa Kỳ đã mất khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất do “kết quả của nỗ lực có ý thức nhằm toàn cầu hóa sản xuất”.
“Trong 20 năm qua, Hoa Kỳ đã mất khoảng 91,000 nhà máy sản xuất và khoảng 5 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Đó là khoảng 30% tổng năng lực sản xuất của Hoa Kỳ.”
Và điều đó xảy ra do một số quyết định và thất bại về chính sách của Hoa Kỳ, ông Scott nói, bao gồm việc bỏ qua sự thao túng tiền tệ của các quốc gia khác, cũng như việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, có hiệu lực vào năm 1994, và việc chấp nhận Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001.