Hoa Kỳ cảnh báo người Mỹ không nên đến những địa điểm này
Jack Phillips
Sau khi chiến tranh bùng nổ giữa Israel và Hamas làm gia tăng căng thẳng trên khắp Trung Đông, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một cảnh báo thận trọng trên toàn thế giới dành cho người Mỹ đi lại ở ngoại quốc.
Cảnh báo này được đưa ra do “căng thẳng gia tăng ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới, nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố, biểu tình, hoặc các hành động bạo lực đối với công dân và lợi ích của Hoa Kỳ.” Trước bản cập nhật đó, thì bản khuyến cáo thận trọng trên toàn thế giới gần đây nhất đã được gửi đi hồi năm 2022 sau cuộc tấn công hạ sát thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri của Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao ban hành các mức cảnh báo đi lại đối với hơn 200 quốc gia, với các mức khuyến cáo từ Cấp độ 1 đến Cấp độ 4. Nhìn chung, các quốc gia thuộc cảnh báo Cấp độ 4 có nguy cơ cao về tình trạng bất ổn, khủng bố, hoặc xung đột, có nghĩa là mọi người có thể không nên đến đó, trong khi các quốc gia thuộc cảnh báo Cấp độ 1 có nghĩa là công dân Hoa Kỳ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa thông thường khi đi lại.
Những quốc gia có cảnh báo cấp độ 4
Ít nhất 21 quốc gia trên khắp thế giới có cảnh báo Cấp độ 4 – bao gồm Haiti, Nga, Ukraine, Bắc Hàn, Belarus, Venezuela, Miến Điện (còn được gọi là Myanmar), Iran, Iraq, Afghanistan, Syria, Somalia, Yemen, và Israel, cùng những quốc gia khác. Một số quốc gia Phi Châu cũng nằm trong diện cảnh báo cấp độ 4.
Gần đây, Bộ Ngoại giao ban hành khuyến cáo Cấp độ 4 cho Lebanon, Tây Ngạn và Gaza của Israel vì cuộc xung đột đang diễn ra với Hamas, một nhóm khủng bố được chỉ định. Khuyến cáo này xuất hiện sau khi Hamas tấn công nhiều khu vực ở Israel hồi đầu tháng này, khiến hàng trăm thường dân thiệt mạng và dẫn đến một chiến dịch oanh tạc quy mô lớn của Israel nhắm vào Gaza, khu vực mà Hamas kiểm soát.
Đối với Lebanon, đã có những tin tức về giao tranh và các cuộc không kích xung quanh khu vực biên giới Israel-Lebanon, trong khi nhóm Hezbollah của Lebanon do Iran hậu thuẫn – cũng bị Bộ Ngoại giao xem là một tổ chức khủng bố – đã đưa ra những cảnh báo về việc xung đột đang lan rộng hơn.
Nhiều cảnh báo từ lâu đã được đưa ra cho những công dân đi tới Iran, nơi mà công dân Hoa Kỳ có nguy cơ bị “bắt giữ và giam giữ tùy tiện.” Từ lâu Hoa Kỳ cũng đã xếp Iraq vào danh sách Cấp độ 4, cảnh báo rằng có nguy cơ cao xảy ra bắt cóc, khủng bố, và xung đột vũ trang. Cơ quan này cảnh báo rằng khu vực lân cận Syria – quốc gia gần đây đã trải qua cuộc nội chiến kéo dài hàng thập niên – cũng đang nằm trong tình trạng cảnh báo tương tự, với xung đột vũ trang, khủng bố, bắt cóc, bất ổn dân sự, và nguy cơ bị giam giữ bất công là khá lớn.
Trong khi đó, Ukraine và Nga đã bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trong gần hai năm. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Ukraine nằm trong danh sách Cấp độ 4 vì cuộc xâm lược của Nga, nhưng cơ quan này nói thêm rằng tình trạng bất ổn dân sự và tội phạm cũng là những yếu tố.
Khuyến cáo dành cho Nga nói rằng việc các quan chức Nga sách nhiễu công dân Hoa Kỳ và việc thực thi pháp luật tùy tiện cũng như cuộc chiến đang diễn ra là những lý do dẫn đến cảnh báo Cấp độ 4. Một khuyến cáo tương tự cũng được đưa ra đối với Belarus, quốc gia có khoảng 10 triệu dân nằm bên cạnh Ukraine và Nga.
Đi lại ở Tây bán cầu
Ở Tây bán cầu, các quan chức Hoa Kỳ nói rằng người Mỹ nên tránh xa Venezuela, một quốc gia từ lâu đã bị đẩy vào cảnh tội phạm, bắt cóc, bất ổn dân sự, và giam giữ tùy tiện bởi các quan chức trung thành với nhà độc tài xã hội chủ nghĩa Nicolás Maduro.
Trong khi đó, năm nay, các quan chức đã đưa ra một số cảnh báo về việc đi tới Haiti, vốn được xem là quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, vì tình trạng bắt cóc, tội phạm, bất ổn dân sự, và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe kém, mặc dù Bộ Ngoại giao đã ra lệnh thân nhân của các nhân viên chính phủ Hoa Kỳ phải rời đi. Cảnh báo được đưa ra khi đất nước này thực sự không có chính phủ kể từ vụ ám sát tổng thống hồi năm 2021, dẫn đến hoạt động của băng đảng tội phạm tăng đột biến.
Lưu ý là, các khu vực của Mexico đang nằm trong cảnh báo Cấp độ 4, bao gồm các tiểu bang Sinaloa, Tamaulipas, và Guerrero, phần lớn là do tội phạm và bắt cóc. Trong khi đó, nhiều tiểu bang ở miền bắc Mexico nằm dưới Cấp độ 3, cấp độ này cho thấy người Mỹ nên xem xét lại dự định đi tới đó.
Bộ Ngoại giao lưu ý rằng người Mỹ không nên đến Bắc Hàn – một quốc gia cộng sản bị cô lập và một cách nghiêm túc thì vẫn đang có chiến tranh với Hoa Kỳ. Sự khác biệt Cấp độ 4, theo họ, là do “tiếp tục có nguy cơ nghiêm trọng bị bắt giữ và giam giữ lâu dài đối với công dân Hoa Kỳ,” đồng thời nói thêm rằng sổ thông hành Hoa Kỳ không có giá trị ở nước này. Một binh sĩ Hoa Kỳ, anh Travis King, đã bỏ trốn qua biên giới sang Bắc Hàn hồi tháng Bảy, nhưng anh bị đưa trở lại Hoa Kỳ trong những ngày gần đây và hiện phải đối mặt với các cáo buộc.
Cơ quan này khuyến cáo người Mỹ không nên đến Afghanistan vì “xung đột vũ trang, bất ổn dân sự, tội phạm, khủng bố, và bắt cóc,” xảy ra hơn hai năm sau khi Taliban tiếp quản đất nước này, khi quân đội Hoa Kỳ rút quân sau cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên theo sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001. Tháng 08/2021, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kabul đã ngừng hoạt động khi Taliban tiếp quản nhiều vùng ở đất nước này, dẫn đến việc công dân Hoa Kỳ và một số công dân Afghanistan phải vội vàng di tản.
Từ lâu Yemen đã nằm trong danh sách rủi ro Cấp độ 4 của Bộ Ngoại giao, một phần vì cuộc chiến kéo dài nhiều năm cũng như tình trạng mất an ninh lương thực và nguy cơ bệnh dịch tả. Khủng bố, bất ổn dân sự, rủi ro về sức khỏe, các bãi mìn, xung đột vũ trang, và bắt cóc đã được Bộ Ngoại giao viện dẫn trong cảnh báo.
Các quốc gia khác trong danh sách Cấp độ 4 bao gồm Somalia, Mali, Libya, Cộng hòa Trung Phi, Burkina Faso, Sudan, Nam Sudan, và Niger.
Bộ Ngoại giao hiện liệt kê Trung Quốc vào Cấp độ 3, nêu rõ: “Hãy xem xét lại việc đi đến Hoa lục” vì việc các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc “thực thi luật pháp địa phương một cách tùy tiện, bao gồm cả liên quan đến lệnh cấm xuất cảnh, và nguy cơ bị giam giữ bất hợp pháp.”