Hoa Kỳ chuẩn bị dự luật nhằm chấm dứt cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang nỗ lực đạt được bộ luật mới buộc Trung Cộng phải chịu trách nhiệm về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.
Trung Cộng đã sát hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng của họ trong hơn 20 năm qua và cộng đồng y tế đã làm ngơ trước sự tàn ác này, theo một nhóm chuyên gia tham dự một hội nghị qua mạng do nhóm vận động có tên Tổ chức các Bác sĩ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) tổ chức hôm 19/11.
Phát biểu tại hội nghị, Dân biểu Steve Chabot (Cộng Hòa-Ohio) cho biết ông đang dẫn đầu các nỗ lực để sớm đưa ra một dự luật lưỡng đảng tại Hạ viện.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần kết hợp các bài tập tĩnh thiền nhẹ nhàng và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn.
Môn tập này đã nhanh chóng trở nên phổ biến sau khi được đưa ra công chúng vào năm 1992, với 70 triệu đến 100 triệu người theo học vào cuối những năm 1990, theo ước tính chính thức vào thời điểm đó. Số lượng người theo học khổng lồ này bị cựu lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, người đã phát động chiến dịch loại trừ môn tập này vào tháng 7/1999, coi là một mối đe dọa.
Kể từ đó, Pháp Luân Công đã bị Trung Cộng đàn áp nghiêm trọng. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu người theo học môn này đã bị tống vào các nhà tù, các trại lao động và các trung tâm tẩy não, ở những nơi đó nhiều người đã bị tra tấn nhằm buộc họ phải từ bỏ tín ngưỡng của mình. Các cuộc điều tra độc lập đã phát hiện ra rằng họ đã bị cưỡng bức mổ cướp nội tạng.
“Lần cuối cùng Hạ viện thông qua một nghị quyết lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công là khoảng bốn năm về trước,” ông Chabot nói, đề cập đến nghị quyết H.Res. 343.
Hội nghị có lời chứng của hai học viên Pháp Luân Công đã chứng kiến nạn mổ cướp nội tạng trong các nhà tù của Trung Quốc.
Xét nghiệm máu và kiểm tra y tế
Ông Winston Liu, một kỹ sư làm việc tại một công ty quốc tế ở Hoa Kỳ, đã trốn thoát khỏi Trung Quốc vào năm 2005 sau khi bị bức hại tàn nhẫn vì tu luyện Pháp Luân Công.
“Năm 1999, tôi là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc,” ông nói trong lời khai của mình.
“Tôi từng là thành viên của giới học thuật ưu tú của Trung Quốc. Giống như nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ khác, tôi có ước mơ trở thành một giáo sư, thích đọc sách và suy nghĩ trong thư viện. Nhưng ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bị tống vào tù, bị tra tấn dã man, và bị ngược đãi, cả về thể xác lẫn tinh thần. Và tôi đang bên bờ vực bị chứng rối loạn tâm thần.”
Ông cho biết trong khi ông phải chịu nhiều hình thức tra tấn về thể xác, thì sự ngược đãi về tinh thần thậm chí còn tồi tệ hơn. Ông đã trải qua sáu tháng đầu tiên bị biệt giam trong một căn phòng rộng 70 feet vuông.
Trong khi ở trong tù, ông Liu đã nhiều lần bị xét nghiệm máu và khám sức khỏe tổng quát.
“Vào một ngày tháng 7/2002, tôi được gọi đến và yêu cầu xếp hàng với tất cả các học viên Pháp Luân Công khác. Có khoảng 40 học viên được lính canh hướng dẫn đến bệnh viện liên kết với nhà tù. Tôi bị xét nghiệm máu, chụp X-quang, khám mắt, xét nghiệm nước tiểu, và nhiều nữa,” ông nói.
“Tôi tin rằng tôi đã [được chọn] là một trong những người hiến tạng không tự nguyện khi ở trong tù,” ông Liu nói, và lưu ý rằng ông sẽ bị hạ sát nếu ông phù hợp với một bệnh nhân đang tìm nội tạng.
Các cáo buộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công để cấy ghép lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2006. Cựu Thành viên Quốc hội Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas đã tiến hành các cuộc đánh giá độc lập và đã công bố các báo cáo chứng minh các cáo buộc đó. Nhà báo điều tra Ethan Gutmann cũng đã tiến hành các cuộc điều tra độc lập và xuất bản một cuốn sách về chủ đề này, có tựa đề “Cuộc thảm sát đẫm máu” (The Slaughter).
Một người cha bị hạ sát để lấy nội tạng
Một nhân chứng khác, cô Jiang Li, đã chia sẻ những gì gia đình cô phải chịu đựng trong khi đi tìm công lý cho người cha đã qua đời tại trại lao động cưỡng bức ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
“Cha tôi, một người tu luyện Pháp Luân Công, từng là một người rất khỏe mạnh. Vào Tết Nguyên Đán năm 2009, ông ấy đã bị giam trong một trại giam vì niềm tin vào Pháp Luân Công. Khi chúng tôi đến thăm ông ấy, ông ấy trông có vẻ khỏe mạnh,” cô Li nói trong lời khai của mình tại hội thảo qua mạng nói trên.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, gia đình cô nhận được một cuộc điện thoại từ trại lao động thông báo rằng cha cô đã qua đời sau một cơn đau tim cấp tính. Khi cô và gia đình đến nhà tang lễ, họ phát hiện ra thi thể của ông đã bị để trong buồng đông lạnh nhưng vẫn còn ấm.
Các lính canh từ trại lao động đã ngăn gia đình cô kiểm tra nguyên nhân thực sự của cái chết và cưỡng chế đẩy họ ra khỏi cơ sở đó.
Giám đốc văn phòng công tố thành phố Trùng Khánh sau đó đã thừa nhận rằng nội tạng của cha cô đã bị lấy đi và hài cốt của ông đã bị hỏa táng, mặc dù gia đình chưa bao giờ ký đồng ý cho việc hỏa táng.
Kể từ khi cô Li tìm kiếm công lý cho cha mình, để cố gắng ngăn chặn việc này, cô và gia đình cô đã bị quấy rối, bị đe dọa, và bị giám sát, đồng thời bị lục soát nhà. Mẹ cô bị kết án tám năm tù.
“Cả gia đình tôi đều tu luyện Pháp Luân Công và tất cả đều bị chính quyền bỏ tù và bị tra tấn nhiều lần trong nhiều năm,” cô Li nói trong lời khai của mình.
“Chúng tôi đã thuê hai luật sư ở Bắc Kinh, nhưng do thụ lý vụ án của cha tôi mà cả hai người họ đều bị cảnh sát đánh đập dã man và giấy phép hành nghề luật sư của họ đã bị thu hồi”.
Văn phòng công tố nhiều lần đề nghị đưa tiền cho cô Li để đổi lấy sự im lặng nhưng cô đã từ chối.
Cô Li, hiện đang sống ở thành phố New York, vẫn cảm thấy bất lực và tiếp tục đau buồn về cái chết bí ẩn của cha cô.
Cô cho biết, “Sự tàn ác này ngày hôm nay còn đang diễn ra ở Trung Quốc,” cô hy vọng rằng Nghị viện sẽ “có những hành động cụ thể” để giúp chấm dứt sự ngược đãi này.
Pháp Luân Công bị nhắm mục tiêu để cung cấp nội tạng
Mùa hè năm ngoái, một tòa án nhân dân độc lập tại London, được gọi là Tòa án Trung Quốc, sau khi tiến hành điều tra đã kết luận rằng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên một quy mô đáng kể”, với các học viên Pháp Luân Công là “nguồn chính” cho việc cung cấp nội tạng người.
Phát biểu tại hội nghị qua mạng, ông Hamid Sabi, một luật sư từng là cố vấn cho Tòa án Trung Quốc, cho biết các học viên Pháp Luân Công là nguồn chính vì họ “tương đối rất khỏe mạnh”. Họ không uống rượu, không hút thuốc, và không có các thói quen ăn uống xấu, ông nói.
Ông Sabi cũng lưu ý rằng các bệnh viện Trung Quốc được tiếp cận với “nguồn nội tạng không giới hạn sẵn có theo yêu cầu” và thực tế rõ ràng này đã được đưa đến tận nhà cho bác sĩ phẫu thuật ghép tim người Israel, Tiến sĩ Jacob Lavee vào năm 2005.
Một bệnh nhân nói với ông Lavee rằng anh ta sẽ đến Trung Quốc để thực hiện một ca ghép tim đã được lên lịch trong khoảng thời gian hai tuần, nhưng ông biết rằng về mặt y tế là không thể thể lên lịch cho loại phẫu thuật đó.
Nhận ra rằng đây chỉ có thể là kết quả của việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng, ông đã dẫn đầu việc soạn thảo Luật Cấy ghép Nội tạng của Israel, có hiệu lực vào năm 2008, về cơ bản là cấm việc mua và bán nội tạng người.
Hành động này đã làm giảm đáng kể du lịch cấy ghép từ Israel, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ (the American Journal of Transplantation) xuất bản tháng 12/2012.
Những tù nhân lương tâm khác như người Duy Ngô Nghĩ, người Tây Tạng, và người theo Cơ đốc giáo Tại gia cũng dễ bị mổ cắp nội tạng, theo DAFOH.
Ông Sabi cho biết một tòa án độc lập khác đã được thành lập để điều tra cuộc đàn áp những người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.
“Bằng chứng đang trở nên rõ ràng là họ đang xây dựng hai trại khổng lồ mới [ở Tân Cương] — cho khoảng 50,000 tù nhân. Và giữa hai trại đó, họ đã xây dựng một lò hỏa táng đồ sộ. Và nó gần sân bay,” điều này khiến nó thích hợp cho việc mổ cướp nội tạng, ông Sabi nói.
Luật có đủ thẩm quyền
Ông Matt Salmon, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ tại Đại học Tiểu bang Arizona đồng thời là cựu dân biểu Hoa Kỳ, đã kêu gọi Nghị viện có hành động cụ thể hơn để ngăn chặn nạn buôn bán nội tạng.
“Tôi không chắc rằng việc đưa ra các dự luật lên án các thông lệ là đủ. Tôi nghĩ chúng ta phải có luật pháp mà thực sự có đủ quyền lực hỗ trợ việc thi hành,” ông nói tại sự kiện trên.
Phát biểu tại hội nghị, ông lưu ý rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Trung Quốc rất khác với việc buôn bán nội tạng trên thị trường chợ đen.
Ông nói rằng toàn bộ quá trình là một tội ác lớn được phối hợp và chỉ đạo bởi một chính quyền trung ương và liên quan cả các tổ chức y tế, tư pháp, hệ thống nhà tù, các trại lao động, quân đội, và các bệnh viện quân sự.
Theo ông Gilcrease, một phó giáo sư y khoa tại Đại học Utah, cho biết: “Mặc dù thủ phạm của những tội ác này là một tổ chức chính trị, nhưng việc sử dụng các bác sĩ và sử dụng hệ thống y tế để trở thành một cánh tay và một cây gậy phục vụ cho những tội ác của Trung Cộng là không thể dung thứ được”.