Hoa Kỳ công bố biện pháp trừng phạt mới đối với Iran và cựu TT Venezuela
Ngày 21/9, Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Bộ Quốc phòng Iran và các bên có liên quan đến các chương trình vũ khí và hạt nhân của Iran, đồng thời tuyên bố rằng hầu hết các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Tehran trước thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã được khôi phục.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với “tổng thống tiền nhiệm của Venezuela, ông Nicolás Maduro” vì đã hợp tác với Iran để vi phạm lệnh cấm vận vũ khí.
Ngày 21/9, TT Donald Trump đã ký một sắc lệnh cung cấp “thẩm quyền chống lại các hoạt động mua lại vũ khí thông thường, các chương trình sản xuất trong nước và năng lực của Iran trong việc hỗ trợ vũ khí và vật chất cho các tổ chức bán quân sự,”
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết Iran đã tiếp tục trang bị vũ khí cho các đồng minh của họ, bao gồm các tổ chức khủng bố, được dùng trong việc thúc đẩy các cuộc xung đột ở Syria, Lebanon, Iraq, và Yemen.
“Sắc lệnh của Tổng thống được công bố hôm nay mang đến cho chúng tôi một công cụ mới và mạnh mẽ để thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc và buộc những ai tìm cách lẩn tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm,” ông Pompeo cho biết tại một cuộc họp báo có các quan chức khác của chính phủ TT Trump tham gia.
Ông Pompeo cho biết các biện pháp trừng phạt theo sắc lệnh của TT Trump sẽ nhắm vào Bộ Quốc phòng Iran, lực lượng hậu cần quân đội, cũng như tổ chức công nghiệp quốc phòng của Iran. Trong khi đó, việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ông Maduro nên được hiểu như một lời cảnh báo trên toàn thế giới.
“Bất kể quý vị là ai, nếu quý vị vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Iran, quý vị sẽ có nguy cơ bị trừng phạt.”
Chính phủ TT Trump đã đơn phương rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, và tuyên bố rằng hiệp ước này đã thất bại trong việc ngăn chặn Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân và đã cho phép Iran hỗ trợ các hoạt động khủng bố trên trường quốc tế.
Sau khi rút khỏi, chính phủ TT Trump đã bắt đầu một chiến dịch gây áp lực kinh tế tối đa lên Iran bằng cách cắt khối lượng xuất cảng dầu của nước này, với mục tiêu làm cho nguồn thu chính của nước này hạ xuống bằng con số không.
Ông Pompeo nói, “Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi đã cứu vô số người Hồi giáo, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo, bằng cách từ chối không cho Tehran tiếp cận hơn 70 tỷ USD,” trong khi cho phép “hỗ trợ và thương mại nhân đạo”.
“Sức ép tối đa” này sẽ được áp dụng đối với Iran “cho đến khi Iran đi đến bàn đàm phán và chấp nhận một thỏa thuận thực sự để thay đổi hành vi của họ,” ông Pompeo nói.
Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 21/9, ông Javad Zarif, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad, tuyên bố Iran sẽ không đàm phán lại các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đang sắp hết hạn.
Ngày 21/9, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin thông báo về việc trừng phạt các tổ chức và quan chức liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran. Ngoài ra, “bất kỳ tổ chức tài chính nào cố ý tài trợ cho một giao dịch đáng kể cho các cá nhân hoặc tổ chức này có thể phải chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ,” ông nói tại cuộc họp báo.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết 5 nhà khoa học Iran đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vũ khí hạt nhân của nước này cũng đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ trừng phạt.
Ông Pompeo nói thỏa thuận hạt nhân Iran được môi giới dưới thời chính phủ TT Obama là “một thất bại to lớn” vì đã tạo ra cơ hội để Iran nhanh chóng chế tạo các nguyên liệu cần thiết cho vũ khí hạt nhân.
Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien cho biết, “Khi thỏa thuận này được ký kết, Iran đang ở bên bờ sụp đổ,” và nói thêm rằng thỏa thuận này “đã gỡ bỏ áp lực cho Iran” và mang lại cho nước này “150 tỷ USD tiền bồi thường trừng phạt”.
Ông chỉ ra rằng Iran cũng đã nhận được 1.8 tỷ USD trong một thỏa thuận mà Hoa Kỳ đang duy trì. Chính quyền Tehran đã không sử dụng khoản tiền này vì lợi ích của người dân mà tài trợ cho “các cuộc chiến tranh khủng bố được tiến hành gián tiếp trên khắp Trung Đông,” ông O’Brien nói.
Các bên khác trong thỏa thuận hạt nhân và hầu hết các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho hay họ không tin rằng Hoa Kỳ có quyền áp dụng lại các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và rằng hành động của Hoa Kỳ là không có hiệu lực pháp lý.