Hoa Kỳ điều tra ngành gỗ và việc quản lý tiền tệ của Việt Nam
Việc để các doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng sản xuất và xuất xứ hàng hóa mà điển hình là ngành xuất cảng gỗ đang gióng lên hồi chuông báo động. Doanh nghiệp Việt Nam không nên vì chút lợi ích trước mắt mà tiếp tay cho gian lận xuất xứ. Chữ Tín vẫn luôn giữ nguyên giá trị trong kinh doanh cũng như mọi mặt của đời sống con người, không thể đánh đổi chỉ vì chút lợi ích hạn hẹp mà thiếu đạo đức trong kinh doanh và đánh mất sự phát triển bền vững.
Mối lo ngại nhãn tiền
Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), chính phủ Hoa Kỳ sẽ điều tra hai vấn đề quan trọng liên quan đến Việt Nam là việc nhập cảng, sử dụng gỗ khai thác và chính sách tiền tệ. USTR sẽ điều tra các hành vi, chính sách và thực thi của Việt Nam liên quan đến việc nhập cảng và sử dụng gỗ khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp, đồng thời sẽ điều tra các hành vi, chính sách và thực thi của Việt Nam có thể góp phần vào việc định giá thấp đồng nội tệ và gây hậu quả cho thương mại Hoa Kỳ. USTR sẽ tiến hành cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert E. Lighthizer cho biết, “Tổng thống Trump cam kết kiên quyết chống lại các hành vi thương mại không công bằng gây hại cho công nhân, doanh nghiệp, nông dân và chủ trang trại của Hoa Kỳ. Sử dụng gỗ bất hợp pháp trong các sản phẩm gỗ xuất cảng sang thị trường Hoa Kỳ gây hại cho môi trường và không công bằng đối với công nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ tuân thủ các quy tắc bằng cách sử dụng gỗ được khai thác hợp pháp. Ngoài ra, các hành vi tiền tệ không công bằng có thể gây hại cho công nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ cạnh tranh với các sản phẩm của Việt Nam, có thể bị định giá thấp hơn một cách giả tạo do định giá tiền tệ thấp. Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận các kết quả của cuộc điều tra và xác định những gì, nếu có, các hành động có thể thích hợp để thực hiện.”
USTR sẽ đưa ra hai thông báo Đăng ký Liên bang riêng biệt cung cấp chi tiết về cuộc điều tra và thông tin về cách các thành viên của công chúng có thể cung cấp quan điểm của họ thông qua đệ trình bằng văn bản.
Việt Nam tự xuất cảng gỗ hay Trung Cộng “mượn danh”
Nằm trong 6 ngành hàng có giá trị xuất cảng cao nhất của Việt Nam, tổng giá trị xuất cảng gỗ đi các nước năm 2019 đạt 10.5 tỷ USD.
Theo Reuters, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cho biết họ đang thu thập thông tin để đáp ứng các câu hỏi từ Liên minh Thương mại Công bằng Gỗ cứng, đại diện cho các nhà sản xuất gỗ dán ở North Carolina và Oregon về việc Liên minh này nghi ngờ doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất gỗ dán đã dùng các doanh nghiệp “núp bóng” tại Việt Nam để lẩn thuế, tránh thuế khi xuất cảng mặt hàng này sang Hoa Kỳ.
Từ tháng 1/2018, DOC áp thuế lên các sản phẩm gỗ dán, gỗ cứng có xuất xứ Trung Quốc trong mức 183.36% đến 194.9%. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ nhập cảng mặt hàng này từ Trung Quốc được cho là 1.12 tỷ USD. Theo số liệu thống kê, chỉ sau một năm, giá trị xuất cảng sản phẩm gỗ dán, gỗ cứng của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã giảm nhanh, còn 143 triệu USD vào năm 2018 và khoảng 66 triệu USD vào năm 2019.
Song song với xu hướng giảm mạnh nhập cảng từ Trung Quốc, nhập cảng gỗ dán, gỗ cứng của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng mạnh, từ 28 triệu USD vào năm 2017, lên 468 triệu USD vào năm 2019.
Như vậy, sau lệnh trừng phạt thuế của Hoa Kỳ với Trung Quốc, kim ngạch xuất cảng gỗ dán Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh, trong khi kim ngạch xuất cảng gỗ dán Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng gấp 17 lần sau 2 năm.
Liệu Việt Nam có đủ năng lực tăng sản lượng sản phẩm chỉ trong thời gian ngắn như vậy? Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), năm 2018, tổng công suất của nhà máy Việt Nam là khoảng 1.4 triệu m3, tăng hơn 500,000 m3 so với năm 2017 do có 6 nhà máy mới được xây dựng và một số mở rộng công suất. Vifores cũng đặt ra nghi vấn lượng xuất cảng mặt hàng gỗ dán chênh lệch so với công suất thiết kế của ngành là khoảng 500,000 m3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng có việc gia công để xuất cảng sang Hoa Kỳ, hoặc doanh nghiệp nước ngoài núp bóng để đầu tư lấy xuất xứ để xuất cảng sang Hoa Kỳ để tránh thuế.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, đã có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ, bằng 73% tổng số dự án trong cả năm 2018. Theo Viforest, đến tháng 5/2020 đã có 29 dự án đầu tư của Trung Quốc vào gỗ dán với tổng giá trị 150 triệu USD, chiếm 55% tổng giá trị đầu tư các dự án về gỗ dán.
Ngoài ra, theo thông tin tại trang web của Văn phòng chính phủ Việt Nam, Tổng cục Hải quan ngày 6/7/2020 cho biết: “Để trốn tránh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, thời gian qua, xuất hiện hiện tượng hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ Việt Nam để tìm đường xuất cảng sang Hoa Kỳ”.
Cảnh báo nguy cơ thiệt hại cho Việt Nam
Để bảo vệ lợi ích của mình trong thương mại quốc tế, Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật cạnh tranh và thương mại Omnibus năm 1988. Theo Điều 3004 của Đạo luật này, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ phải “xem xét liệu các quốc gia có thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của họ và đồng US dollar Hoa Kỳ cho mục đích ngăn chặn cán cân điều chỉnh thanh toán hiệu quả hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế hay không”.
Về cơ bản, chính sách thương mại của Hoa Kỳ, dựa trên Đạo luật, bao gồm việc áp dụng các biện pháp trừng phạt với các quốc gia tăng kim ngạch xuất cảng bất công bằng vào Hoa Kỳ (ví dụ như phá giá tiền tệ, hàng hóa lẩn tránh thuế, trốn thuế, giả xuất xứ,…). Đạo luật này cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt với các quốc gia vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và là cơ sở để Hoa Kỳ ứng xử và giải quyết các vấn đề tranh chấp và bất cân đối thương mại, bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ.
Ba tiêu chí theo Đạo luật có thể bị gắn mác “thao túng tiền tệ” gồm: thặng dư thương mại với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư tài khoản vãng lai tối thiểu 3% GDP; mua ròng ngoại tệ liên tục với tổng giá trị tối thiểu 2% GDP.
Khi vi phạm 1 trong 3 tiêu chí này, đặc biệt là thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ là tiêu chí quan trọng nhất. Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ là đối tác xuất cảng lớn nhất của Việt Nam, với giá trị là 46 tỷ USD. Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ xuất cảng sang Việt Nam đạt khoảng 9 tỷ USD, khiến thâm hụt thương mại với Việt Nam là 37 tỷ USD, vượt tiêu chí của Đạo luật nêu trên.
Nếu Hoa Kỳ thực hiện đánh thuế chống phá giá sẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạt động xuất cảng sang Hoa Kỳ của các doanh nghiệp tại Việt Nam, do giá sản phẩm khi đến Hoa Kỳ sẽ khó cạnh tranh. Thậm chí là có thể khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị phá sản như tình huống ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc, không tiếp tay cho gian lận xuất xứ, cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không phải từ Trung Quốc cũng sẽ phải chịu cảnh “bất công” này. Người lao động sẽ có nguy cơ bị mất việc làm, nhất là trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục diễn ra.
Có một số người cho rằng Hoa Kỳ sẽ không nhằm vào việc áp thuế với Việt Nam, song những sự kiện xảy ra và chính sách quốc tế của Tổng thống Trump thời gian qua không ít lần đã nằm ngoài dự đoán của hầu hết các chính phủ. Điều đó cho thấy Việt Nam cần gióng lên hồi chuông cảnh báo, có biện pháp ngăn chặn kịp thời hàng hóa Trung Quốc lợi dụng “đội lốt” để những doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính không bị vướng vào những thiệt hại không đáng có.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của The Epoch Times.