Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản cùng nhau chống lại các hành vi kinh tế phi thị trường
Hôm 17/11, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và Nhật Bản đã tuyên bố khôi phục lại mối quan hệ đối tác ba bên nhằm giải quyết những thách thức do các chính sách và hành vi phi thị trường của các nước thế giới thứ ba đặt ra.
Theo một tuyên bố chung, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine, Phó Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Valdis Dombrovskis, và Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết họ dự định gặp mặt trực tiếp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sắp tới tại Geneva, Thụy Sĩ.
Mặc dù tuyên bố ngắn gọn đó không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng cả ba bên đã cam kết hạn chế các hành vi thương mại không công bằng và cải tổ các quy tắc của WTO.
Cuộc họp của ba thế lực kinh tế này sẽ được tổ chức vào ngày 30/11. Việc Bắc Kinh phá vỡ các luật lệ về kinh tế cũng nhận được sự chú ý trong hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Nhóm G-7 hồi tháng Sáu. Nhóm này đã chỉ trích nặng nề nhà cầm quyền Trung Cộng và tuyên bố sẽ chống lại các hành vi không công bằng của Bắc Kinh. Các bộ trưởng thương mại của các quốc gia G-7 cũng bày tỏ lo ngại về các hành vi bóp méo thị trường, bao gồm cả “những hành vi dẫn đến dư thừa sản lượng nghiêm trọng, thiếu minh bạch về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và vai trò của doanh nghiệp nhà nước về trợ cấp không công bằng, và ép buộc chuyển giao công nghệ.”
Việc Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ từ lâu đã khiến chính phủ Hoa Kỳ lo ngại. Như một điều kiện để tiếp cận thị trường, Trung Cộng đã yêu cầu các công ty ngoại quốc liên doanh với các công ty trong nước và chia sẻ bí mật kinh doanh của họ trong quá trình liên doanh này. Theo một báo cáo năm 2017, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ khiến Hoa Kỳ thiệt hại ước tính từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm, với nguồn gốc chính của hành vi trộm cắp là từ Trung Quốc.
Thông báo nói trên xuất hiện sau vài ngày diễn ra cuộc gặp trực tuyến đầu tiên giữa Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden và lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình. Theo một tuyên bố từ Tòa Bạch Ốc, trong hội nghị kéo dài 3 tiếng rưỡi vào tối hôm 15/11, TT Biden đã nêu rõ sự cần thiết phải bảo vệ người lao động và các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ trước “các hành vi kinh tế và thương mại không công bằng” của Trung Quốc.
Trong một bài diễn văn hôm 04/10, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD tiền trợ cấp cho các lĩnh vực quan trọng như thép, năng lượng mặt trời, và nông nghiệp. Các sản phẩm này của Trung Quốc đã được bán phá giá trên thị trường toàn cầu với mức giá mà các công ty Mỹ phải vật lộn để cạnh tranh, khiến nhiều nhà máy của Hoa Kỳ đã phải đóng cửa.
Trong một cuộc họp hôm 17/11 tại Tokyo, bà Tai và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã thảo luận về “những thách thức xuất hiện, và các cách tiếp cận tiềm năng để giải quyết các hành vi phi thị trường và các chính sách khác của Trung Quốc vốn đe dọa sự ổn định và thịnh vượng của hệ thống thương mại toàn cầu và của những người lao động của chúng ta,” theo một bản tóm tắt khác.
Hoa Kỳ và Nhật Bản chuẩn bị khởi động các cuộc đàm phán mới để giải quyết những lo ngại về thuế quan an ninh quốc gia “Mục 232” của Hoa Kỳ đối với thép và nhôm và hạn chế sản lượng dư thừa toàn cầu đối với các kim loại chủ yếu tập trung ở Trung Quốc. Các cuộc đàm phán này theo sau một thỏa thuận hạn ngạch trong đó Hoa Kỳ cho phép khoảng 4 triệu tấn thép do Liên minh Âu Châu sản xuất được miễn thuế nhập cảng vào Hoa Kỳ hàng năm.