NIE LAW, YING CHEUNG, HARRY MCKENNY

Hôm 26/01, Tổng thống (TT) Joe Biden đã công bố gia hạn và mở rộng quy chế Trì hoãn việc Rời đi Bắt buộc (Deferred Enforced Departure, DED) đối với cư dân Hồng Kông. Người dân Hồng Kông sẽ không bị buộc phải rời khỏi đất nước này vào tháng Một, và họ phải ở Hoa Kỳ vào hoặc trước ngày đưa ra thông báo trên (tức 26/01). Thời gian gia hạn lần này dài hơn khoảng thời gian 18 tháng mà tất cả các bên đã đề nghị trước đó.

Bản ghi nhớ mà TT Biden đã ký có đề cập rằng Hoa Kỳ ủng hộ nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân Hồng Kông, đồng thời chỉ trích Trung Cộng vì không ngừng làm xói mòn các quyền lợi căn bản và quyền tự do này.

Bản ghi nhớ nói trên nhắc lại rằng hồi tháng 06/2020, Trung Cộng đã đơn phương áp đặt Luật An ninh Quốc gia lên Hồng Kông, làm suy yếu các quyền lợi và quyền tự do mà người dân Hồng Kông đáng được hưởng theo Luật Căn bản và Tuyên bố chung Trung–Anh. Văn kiện này cũng cáo buộc Trung Cộng không ngừng làm đảo lộn môi trường tự trị của Hồng Kông đồng thời phá hoại các quy trình và thể chế dân chủ còn sót lại của thành phố này, hạn chế quyền tự do học thuật, cũng như đàn áp tự do báo chí.

Kể từ khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông được thi hành, ít nhất 150 chính trị gia, nhà hoạt động xã hội, và người biểu tình phản đối chính phủ đã bị giam giữ với các cáo buộc liên quan đến Luật An ninh Quốc gia, bao gồm tội ly khai, tội lật đổ, và tội thông đồng với các thế lực ngoại quốc. Hơn 1,200 tù nhân chính trị đang bị giam giữ, và hơn 10,000 người đã bị bắt giữ liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính quyền.

TT Biden chỉ ra rằng Hoa Kỳ cam kết thực hiện một chính sách ngoại giao trong đó kết hợp các giá trị dân chủ với các mục tiêu ngoại giao. Trọng tâm chính là bảo vệ nền dân chủ và thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới. Ông nhắc lại rằng việc cung cấp một nơi ‘trú ẩn an toàn’ cho những người dân Hồng Kông bị tước đoạt quyền tự do và sự bảo vệ ở Hồng Kông có thể thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực. Và họ sẽ “tiếp tục thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ và vững chắc của chúng tôi đối với người dân ở Hồng Kông.”

Tổng thống Joe Biden có bài diễn thuyết tại Phòng Quốc Yến tại Tòa Bạch Ốc hôm 09/11/2022. (Ảnh: Samuel Corum/Getty Images)
Tổng thống Joe Biden có bài diễn thuyết tại Phòng Quốc Yến tại Tòa Bạch Ốc hôm 09/11/2022. (Ảnh: Samuel Corum/Getty Images)

Ủy ban Dân chủ Hồng Kông (HKDC), một nhóm người Mỹ gốc Hồng Kông, bày tỏ lòng biết ơn đối với quyết định này, mô tả rằng hàng ngàn người đã được hưởng lợi từ quy chế Trì hoãn Xuất hành Bắt buộc này trong 18 tháng qua. Họ có thể sống, học tập, làm việc, và tiếp tục đấu tranh cho Hồng Kông. “Tất cả chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng an ninh căn bản nhất được bảo đảm trong 24 tháng tới,” ủy ban này nói thêm.

Trong báo cáo hồi tháng 11/2022 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ, trích dẫn dữ liệu là ước tính của Bộ An ninh Nội địa, có 3,860 người Hồng Kông đủ điều kiện nhận quy chế DED vào tháng 03/2021.

DED được khai triển năm 2021

Bản ghi nhớ đầu tiên được ký ngày 05/08/2021, cho phép những người dân Hồng Kông đang ở Hoa Kỳ vào thời điểm đó gia hạn thời gian lưu trú thêm 18 tháng cho đến ngày 05/02/2023. Theo giao ước nói trên, những người Hồng Kông đã nhập cảnh vào Hoa Kỳ trước ngày 05/08/2021 có thể nộp đơn xin “Giấy phép Làm việc (EAD)” để làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Vào thời điểm đó, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói rằng hành động của TT Biden thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với người dân Hồng Kông khi Trung Cộng tiếp tục đàn áp Hồng Kông, đồng thời cho thấy rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ khoanh tay đứng nhìn Trung Cộng tiếp tục không thực hiện cam kết của mình đối với Hồng Kông và cộng đồng quốc tế.

Trước khi DED hết hiệu lực, hồi tháng 12/2022, 47 tổ chức của người Hồng Kông tại Mỹ quốc đã đồng ký tên vào một bản kiến ​​nghị, kêu gọi TT Biden gia hạn và mở rộng quy chế này. Vào thời điểm đó, nhóm này đã gửi thư yêu cầu Hoa Kỳ gia hạn DED thêm 18 tháng và mở rộng phạm vi cho cả cư dân Hồng Kông nhập cảnh sau ngày 05/08/2021. Nhóm cũng đề nghị chính phủ Hoa Kỳ xem xét nâng cấp quy chế bảo vệ người Hồng Kông này lên thành quy chế “Tình trạng Được bảo vệ Tạm thời (TPS)” hoặc quy chế “Người tị nạn thuộc diện Ưu tiên 2”.

Hôm 13/01, ông Gregory W. Meeks, thành viên cao cấp của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện đã nói rõ rằng DED chỉ là một giải pháp tạm thời. Chính phủ Hoa Kỳ phải thực hiện các hành động “quan trọng và vững chắc” hơn nữa để bảo đảm rằng những người ủng hộ dân chủ, các nhà hoạt động nhân quyền, ký giả, và những người bất đồng chính kiến ​​ở Hồng Kông được sự trợ giúp và bảo vệ lâu dài hơn. Ông dự tính sẽ giới thiệu lại “Đạo luật về Quyền Tự do và Lựa chọn của Hồng Kông” tại Quốc hội nhằm mục đích cung cấp Tình trạng Được bảo vệ Tạm thời và các con đường xin tị nạn nhanh chóng cho những người dân Hồng Kông đủ điều kiện.

Hồng Ân biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn