Hoa Kỳ: Lạm phát tăng cao hơn dự kiến do giá thuê nhà và chi phí xăng dầu
Andrew Moran
Theo dữ liệu mà Cục Thống kê Lao động (BLS) công bố hôm 12/10, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ không thay đổi ở mức 3.7% trong tháng Chín. Con số này cao hơn một chút so với mức ước tính đồng thuận 3.6%.
Lạm phát hàng tháng tăng 0.4%, cao hơn dự kiến nhưng thấp hơn mức tăng 0.6% của tháng Tám. Chi phí nơi ở tăng cao chiếm hơn một nửa mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng.
Lạm phát cốt lõi (lạm phát căn bản) – loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động – đã giảm xuống 4.1% so với cùng thời kỳ năm trước trong tháng Chín, giảm từ mức 4.3% và phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế. CPI cơ bản tăng 0.3%, không thay đổi so với tháng trước.
Tòa Bạch Ốc đã hoan nghênh dữ liệu lạm phát mới nhất, ca ngợi tỷ lệ lạm phát căn bản này, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm.
Tổng thống Joe Biden cho biết trong tuyên bố, đề cập đến kế hoạch kinh tế của chính phủ đương nhiệm, “Lạm phát tổng thể đã giảm 60% so với mức đỉnh điểm vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4% trong 20 tháng liên tiếp và tỷ lệ người Mỹ trong độ tuổi lao động tham gia thị trường lao động đang ở mức cao nhất trong 20 năm. Đó là tác dụng của trường phái kinh tế Biden (Bidenomics).”
Bên trong Báo cáo CPI
Vào tháng Chín, chi phí nơi ở, bao gồm tiền thuê nhà và tiền trả nợ nhà, chiếm phần lớn nhất trong chỉ số CPI, tăng 0.6% hàng tháng và 7.2% so với một năm trước.
Chi phí nhà ở đã tăng vọt trong năm nay khi tiền trả nợ nhà và tiền thuê nhà trung bình hàng tháng ở mức trên 2,000 USD. Các chuyên gia cảnh báo, đây là kết quả của thị trường thiếu nguồn cung và lãi suất cao hơn. Bởi vì nhiều chủ sở hữu nhà đã có được lãi suất nợ nhà thấp lịch sử trong thời kỳ đại dịch virus corona, các gia đình đang hạn chế bán tài sản nhà ở của mình, đặc biệt là khi mức nợ nhà có lãi suất cố định trung bình 30 năm đang tăng lên 8%.
Chỉ số năng lượng tổng thể tăng 1.5% hàng tháng và giảm 0.5% so với một năm trước. Mức tăng so với tháng trước có bao gồm giá dầu nhiên liệu tăng 8.5% và giá điện tăng 1.3%. Dịch vụ tiện ích khí đốt tự nhiên giảm 1.9%.
Thị trường năng lượng toàn cầu đã phục hồi đáng kể kể từ cuối tháng Sáu, mặc dù giá dầu và khí đốt đã nới lỏng trong tháng này. Sự tăng vọt đáng kể được thúc đẩy bởi những lo ngại về nguồn cung trên toàn thế giới khi các nước sản xuất dầu quan trọng như Saudi Arabia và Nga đã giảm sản lượng và sản phẩm xuất cảng.
Giá thực phẩm tăng 0.2% so với tháng trước, giá siêu thị không đổi, và giá cả ở nhà hàng tăng 0.4%. Tuy nhiên, chỉ số thực phẩm vẫn cao hơn 3.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trong danh mục thực phẩm, mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong nhà bếp có nhiều mức tăng đáng chú ý. Giá thịt bò và thịt bê tăng 0.6%, thịt ba rọi tăng 4.8%, trứng tăng 0.9%, sữa tăng 1.4%, và cà phê tăng 0.7%.
Giá xe mới tăng 0.3%, trong khi giá xe hơi và xe vận tải nhẹ cũ giảm 2.5%. Giá hàng may mặc giảm 0.8%.
Về mặt dịch vụ, giá vận tải tăng 0.7% và giá chăm sóc y tế tăng 0.3%.
Lạm phát cao hơn vào tháng trước cũng dẫn đến thu nhập trung bình mỗi giờ thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) giảm 0.2%, BLS lưu ý trong bản phát hành riêng. Thu nhập trung bình hàng tuần thực tế giảm 0.2%.
Nhìn về tương lai, tỷ lệ lạm phát hàng năm được dự đoán sẽ giảm xuống còn 3.4% trong tháng này, theo mô hình ước tính lạm phát Inflation Nowcasting của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland.
Chỉ số báo trước lạm phát
Sau khi công bố chỉ số giá sản xuất tháng Chín (PPI), các nhà phân tích thị trường đã cảnh báo về tiềm năng lạm phát tăng cao trở lại.
Giá bán buôn tăng 0.5% so với tháng trước và tỷ lệ hàng năm tăng lên tới 2.2%, cao hơn cả mức đã được điều chỉnh tăng lên là 2%. PPI cốt lõi cũng tăng 0.3% hàng tháng và tăng lên 2.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Mức tăng PPI cao hơn dự kiến là do giá năng lượng và thực phẩm cao hơn.
Các nhà kinh tế cho rằng PPI là thước đo đánh giá do chỉ số này có thể đóng vai trò như một tiền thân của CPI, vì PPI đo lường chi phí sản xuất hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Chi phí cao hơn sau đó được chuyển cho người tiêu dùng dưới dạng giá cao hơn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể thấy nhẹ nhõm phần nào trước áp lực lạm phát gia tăng khi các mặt hàng năng lượng hạ nhiệt trong tháng này. Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) đã giảm xuống khoảng 83 USD sau khi tăng trên 94 USD vào cuối tháng trước, trong khi giá trung bình quốc gia cho một gallon xăng đã giảm khoảng 3% trong tuần qua (02–08/10), xuống còn khoảng 3.65 USD hôm 12/10.