Hoa Kỳ thắt chặt mối quan hệ với Đài Loan
Hoa Kỳ đã thực hiện một bước tiến quyết định hơn trong việc tăng cường quan hệ chiến lược dài hạn đối với Đài Loan hồi đầu tháng 9.
Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo rằng “một cuộc đối thoại kinh tế song phương mới” đang được thiết lập giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Đối thoại sẽ bao gồm “mối quan hệ kinh tế toàn diện… với cốt lõi là công nghệ”.
Đồng thời, Hoa Kỳ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Cộng rằng sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan có nguồn gốc vững chắc từ tiền lệ lịch sử, và quyền lực cùng đặc quyền của tổng thống.
Sáu điều đảm bảo
Ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Văn phòng Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã phát biểu trước Quỹ tài trợ Di sản qua diễn đàn trực tuyến hôm 31/8, nói rằng Đài Loan “là một tầm nhìn về mức độ mà người Trung Quốc có thể đạt được”.
“Cho đến gần đây,” ông Stilwell nói, “Hồng Kông đã cho thấy một tầm nhìn tương tự.”
Bình luận của ông Stilwell đề cập đến Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông do Trung Cộng áp đặt vào ngày 1/7 năm nay đã thay đổi tình hình ở Hồng Kông như thế nào. Luật này tước đoạt quyền tự do ngôn luận và quyền phản kháng về chính trị của các công dân đặc khu hành chính – quyền mà họ đã được đảm bảo cho đến năm 2047 theo các điều khoản của hiệp ước chuyển giao xác định Hồng Kông thuộc chủ quyền của Trung Quốc trở lại vào năm 1997.
Trong tóm tắt hoạt động kinh tế, ngoại giao và quân sự giữa Hoa Kỳ và Đài Loan trong những tháng gần đây, ông Stilwell đã nhấn mạnh rằng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan không chỉ dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, mà còn dựa trên một loạt các nguyên tắc do Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã thiết lập trong nhiệm kỳ đầu tiên tại vị của ông.
Các nguyên tắc đó được lưu giữ trong một bức điện vừa được giải mật gần đây được gửi từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (American Institute in Taiwan – AIT) vào ngày 17/8/1982.
AIT trên thực tế là đại sứ quán Hoa Kỳ tại Đài Loan, được thành lập sau khi Hoa Kỳ chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc vào năm 1979. AIT là một tập đoàn tư nhân, bất vụ lợi, theo hợp đồng, là nơi mà chính phủ Hoa Kỳ tiến hành các công việc chính thức của mình tại Đài Loan.
Dòng mở đầu của bức điện có nội dung “Liên quan đến việc Đài Loan yêu cầu những đảm bảo công khai của Tổng thống Reagan”.
Bức điện chỉ đạo AIT nói với các quan chức Đài Loan trong tuyên bố công khai của họ, “Tất nhiên là không có mối liên hệ nào với Tổng thống Reagan”.
Do đó, các quan chức Đài Loan chỉ có thể phổ biến rộng rãi sự hiểu biết của họ về lập trường của Hoa Kỳ qua “các kênh thích hợp”.
“Sáu điều đảm bảo” đã được biết đến trong gần 40 năm, và thậm chí đã được soạn thành luật trong một nghị quyết của Hạ viện vào năm 2016; cho thấy chúng đã hình thành nền tảng dựa trên cách tiếp cận cá nhân của TT Reagan đối với Đài Loan mà bây giờ mới được giải mật.
Sáu điều đảm bảo bao gồm một cam kết của Hoa Kỳ về việc không ấn định ngày chấm dứt việc bán vũ khí cho Đài Loan và một lời hứa rằng Hoa Kỳ sẽ “không tham vấn trước với Bắc Kinh” về bất kỳ hoạt động buôn bán vũ khí nào mà Hoa Kỳ có thể thực hiện với Đài Loan.
Các điều đảm bảo cũng tuyên bố rõ rằng Hoa Kỳ không đồng ý đóng “bất kỳ vai trò hòa giải nào giữa Bắc Kinh và Đài Bắc”, và rằng Hoa Kỳ “không đồng ý sửa đổi Đạo luật Quan hệ Đài Loan”.
Cuối cùng, Hoa Kỳ đã cam đoan một lần nữa với Đài Loan rằng họ “không đồng ý thực hiện bất kỳ lập trường nào liên quan đến chủ quyền đối với Đài Loan”, và rằng họ “sẽ không bao giờ gây áp lực yêu cầu Đài Loan đàm phán với Bắc Kinh”.
Tăng tốc hoạt động Hoa Kỳ–Đài Loan
Ông Stilwell đã đánh giá lại chiều sâu và sự đa dạng trong quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ–Đài Loan và giao kết thương mại trong vài tháng qua.
Sự kiện ngoại giao quan trọng nhất là chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar tới Đài Loan vào giữa tháng 8.
Ông Azar là quan chức chính phủ Hoa Kỳ cấp cao nhất đến thăm Đài Loan trong vòng 41 năm kể từ khi Hoa Kỳ chuyển sang công nhận ngoại giao với Bắc Kinh.
Sau đó vào cuối tháng 8, một Tuyên bố Chung về An ninh mạng 5G, “mở rộng hợp tác về bảo vệ dữ liệu, tự do và nhân quyền” đã được ký kết giữa AIT và Bộ Ngoại giao Đài Loan, ông Stilwell đã cho biết.
Về mặt thương mại, ông Stilwell lưu ý rằng, trong tháng 5 vừa qua, TSMC – “công ty chất bán dẫn hàng đầu thế giới” của Đài Loan – đã công bố kế hoạch đầu tư 12 tỷ USD vào tiểu bang Arizona “để sản xuất chip bán dẫn tiên tiến nhất thế giới sử dụng trong hệ thống mạng 5G và các ứng dụng khác” ở Hoa Kỳ.
Theo ông Stilwell, đầu tư của TSMC “sẽ chuyển các chuỗi cung ứng công nghệ then chốt trở lại Hoa Kỳ,” bảo vệ họ “khỏi hành vi trộm cắp và thao túng bởi những kẻ thâm hiểm (malign actors)”, một cú đánh trực tiếp vào lĩnh vực công nghệ do Trung Cộng lãnh đạo.
Điều chỉnh Chính sách, không phải Từ bỏ Chính sách
Ông Stilwell đã chỉ ra rằng các thỏa thuận gần đây và trong tương lai đối với Đài Loan là những điều chỉnh chính sách, chứ không phải là sự từ bỏ Chính sách Một Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Nhận thấy một loạt các mối đe dọa và các hoạt động quân sự, mạng viễn thông, chính trị và kinh tế nhắm vào Đài Loan từ Bắc Kinh, ông Stilwell đã nói rằng “hòa bình và ổn định của Tây Thái Bình Dương” đang bị đe dọa.
TT Reagan cũng kiên định không kém trong việc ủng hộ Đài Loan.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4/1984, các nhà lãnh đạo Trung Cộng đã gây áp lực buộc TT Reagan ngừng bán vũ khí cho Đài Loan và thuyết phục Đài Loan chấp nhận đề nghị tái thống nhất của Bắc Kinh.
TT Reagan đã từ chối, theo đúng cam kết Sáu điều đảm bảo của mình và nhận được sự đánh giá cao của các nhà lãnh đạo Đài Loan khi đó và bây giờ.