Theo ông Russell Vought, giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB), Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiết kiệm được 35 tỷ USD ngân sách nhờ vào việc “chấm dứt các cuộc chiến tranh bất tận” tại các nước trên thế giới.

“Lần đầu tiên, chính phủ đang thúc đẩy để thực hiện những gì tổng thống đã hứa từ lâu, và chúng tôi đang đưa ra kế hoạch để đạt được điều đó. Hàng năm, chúng tôi đã có nhiều tiến bộ về việc xây dựng lực lượng Hải quân hùng mạnh như trước đây — để giành lấy vị thế về hàng hải,” ông Vought nói với chương trình “American Thought Leaders” của The Epoch Times.

Gần đây, các quan chức Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch đóng tàu kéo dài 30 năm, dự kiến chi 167 tỷ USD cho việc đầu tư tàu, với mục tiêu rằng lực lượng Hải quân có 355 chiến hạm vào năm 2033.

“Chúng tôi tiết kiệm ngân sách được bằng cách chấm dứt các cuộc chiến tranh bất tận. Giảm đi 2,500 binh sĩ ở Afghanistan và Iraq, chúng tôi đã có được khoản tiết kiệm cho quỹ dự phòng ở nước ngoài. Chúng tôi đã tiết kiệm được khoảng 35 tỷ USD ở đó,” ông Vought nói.

Hoa Kỳ tiết kiệm được 35 tỷ USD từ việc thay đổi chiến lược  tham chiến
Vought, giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách, tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 24/7/2019. (Ảnh Blake Wu/NTD)

Tổng thống Donald Trump đã rút quân ở Afghanistan, Iraq, và các nơi khác như đã hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Ông Vought, người đã đi khắp đất nước để thăm các xưởng đóng tàu, cho biết việc không tham gia vào các cuộc chiến không có hồi kết là một phần trong khuôn khổ chiến lược hòa bình nhằm củng cố sức mạnh cho Hoa Kỳ.

“Chúng tôi muốn đạt được ưu thế về hàng hải. Nếu quý vị nhìn lại lịch sử của tất cả các quốc gia vĩ đại như Hoa Kỳ – như ông Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân nói cách đây hai tuần – họ là các quốc gia hàng hải” – ông chia sẻ.

“Đặc biệt, Bộ trưởng Quốc phòng trước đó đã chỉ rõ Trung Cộng là mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với chúng ta. Khi suy nghĩ về những gì cần thiết cho cuộc chiến này, thì đầu tư và phát triển lực lượng Hải quân là điều đầu tiên và quan trọng nhất.”

Hoa Kỳ tiết kiệm được 35 tỷ USD từ việc thay đổi chiến lược  tham chiến
Một máy bay trực thăng của Hải quân Hoa Kỳ hạ cánh trên hàng không mẫu hạm USS Nimitz ở ngoài khơi Baja California, tiểu bang Mexico, hôm 18/1/2020. (Ảnh Mario Tama/Getty Images)
Hoa Kỳ tiết kiệm được 35 tỷ USD từ việc thay đổi chiến lược  tham chiến
Một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Trung Quốc được lai dắt trên sông Dương Tử ở tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc, hôm 18/10/2020 (Ảnh STR/AFP qua Getty Images)

Ông David Norquist, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết kế hoạch này phù hợp với Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (NDS), xác nhận Trung Cộng và Nga là những mối đe dọa ngang hàng.

“Để chúng ta có thể duy trì ưu thế trước những mối đe dọa này, NDS cần có một lực lượng hiện đại, sẵn sàng hoạt động trong khu vực hàng hải Thái Bình Dương,” ông nói trong một tuyên bố.

Việc đưa ra kế hoạch 30 năm và nhấn mạnh về khoản ngân sách tiết kiệm được từ việc TT Trump điều chỉnh chiến lược quân sự, đã được trình Quốc hội để các nhà lập pháp biết được thực sự tiết kiệm được bao nhiêu tiền.

“Chúng tôi tin rằng đó sẽ là điều Quốc hội mong muốn nhất, để xác định liệu quốc gia có thể chi trả cho kế hoạch đó hay không. Với tư cách là Giám đốc ngân sách, tôi đưa ra kế hoạch và các chi tiết để có thể trả lời được các câu hỏi này,” ông Vought nói.

Thượng nghị sĩ Roger Wicker (Cộng Hòa-Missouri) là một trong số những thành viên của Quốc hội có phản ứng tích cực với đề nghị này.

“Năng lực của quốc gia chúng ta trong việc chống lại các mối đe dọa ngoại bang ngày càng phụ thuộc vào lực lượng Hải quân hùng mạnh. Kế hoạch đóng tàu 30 năm mà Tổng thống và nhóm làm việc của ông đưa ra, đã thiết lập một tham chiếu cho việc phát triển hạm đội Hoa Kỳ. Việc này giải quyết những thách thức hiện tại và chuẩn bị cho tương lai,” ông tuyên bố.

Xem video gốc tại đây

Zachary Stieber và Jan Jekielek
Lê Trường biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn