Hoa Kỳ xác định nhóm mặt trận của Trung Cộng là phái bộ nước ngoài
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa chỉ định một tổ chức của Trung Cộng hoạt động tại Hoa Kỳ, là phái bộ nước ngoài. Hoa Kỳ cũng chấm dứt một thỏa thuận năm 2011 với Bắc Kinh về tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hợp tác giữa các thống đốc ở cả hai nước.
Hiệp hội Quốc gia Thống nhất Hòa bình của Trung Quốc (NACPU), một tổ chức do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc (UFWD) kiểm soát, đã bị [Bộ ngoại giao Hoa Kỳ] được chỉ định rõ hôm 28/10 rằng NACPU từ giờ sẽ được đối xử như một đại sứ quán hoặc một cơ quan ngoại giao nước ngoài, và được yêu cầu phải đăng ký danh sách nhân sự và tài sản ở Hoa Kỳ với Bộ Ngoại giao.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu rõ Hiệp hội này đã được UFWD sử dụng để “thúc đẩy tuyên truyền và phát tán ảnh hưởng độc hại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Các hoạt động của Mặt trận Thống nhất
Mặt trận Thống nhất là tổ chức do Trung Cộng điều hành nhằm thuyết phục các tổ chức hoặc cá nhân truyền bá thông tin tuyên truyền của Trung Cộng ở cả trong và ngoài Trung Quốc.
Ông Pompeo nói Bộ ngoại giao đưa ra quyết định trên nhằm “phơi bày tổ chức này và chỉ rõ [cho mọi người biết] rằng những thông điệp của họ đều đến từ Bắc Kinh”.
Theo một báo cáo năm 2018 do Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCC) công bố, NACPU là chi nhánh của Hội đồng Thúc đẩy Tái thống nhất Hòa bình của Trung Quốc (CPPRC) ở Hoa Kỳ, do Mặt trận Thống nhất trực tiếp điều hành. Tổ chức này ủng hộ các yêu sách của Trung Cộng đối với Đài Loan, một hòn đảo tự trị, có chính phủ được bầu một cách dân chủ, có quân đội, tiền tệ độc lập, cùng các đặc điểm khác của một quốc gia có chủ quyền. Bắc Kinh đã đe dọa [sử dụng] vũ lực quân sự, để đưa hòn đảo trở về với Trung Quốc đại lục.
Cũng theo báo cáo, CPPRC có ít nhất 200 chi nhánh tại 90 quốc gia, trong đó có 33 chi nhánh ở Hoa Kỳ.
“Các tổ chức Mặt trận thống nhất như Hiệp hội Quốc gia Thống nhất Hòa bình của Trung Quốc đã tích cực vun đắp mối quan hệ với các nhà tài trợ vận động và các chính trị gia ở Hoa Kỳ, nhằm vận động hành lang cho các ưu tiên chính sách của Bắc Kinh” và “khuyến khích Hoa kiều tham gia chính trị, để ủng hộ cho những lợi ích của Bắc Kinh,” USCC tuyên bố.
Thỏa thuận năm 2011
Ông Pompeo cũng thông báo Hoa Kỳ sẽ ngừng tham gia một biên bản ghi nhớ (MoU) được ký giữa hai nước vào năm 2011, trong đó hỗ trợ việc thành lập Diễn đàn Thống đốc Quốc gia Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Biên bản Ghi nhớ được Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là bà Hillary Clinton và Ngoại trưởng Trung Quốc lúc bấy giờ là Dương Khiết Trì, ký kết vào ngày 19/1/2011, trong chuyến thăm cấp nhà nước của cựu lãnh đạo Trung Cộng Hồ Cẩm Đào tới Hoa Kỳ.
Trong tuyên bố hôm 29/10, ông Pompeo nêu rõ CPAFFC đã thực hiện các hành động “hủy hoại các mục đích thiện chí ban đầu của Diễn đàn Thống đốc”.
Ông Pompeo gọi nhóm này là “một tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh, có nhiệm vụ hợp tác với các chính quyền địa phương, đã tìm cách gây ảnh hưởng trực tiếp và độc hại đến những người lãnh đạo tiểu bang và địa phương nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Tháng 2/2020, trong một bài phát biểu về ảnh hưởng của Trung Cộng tại một cuộc họp của Hiệp hội Thống đốc Quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn, ông Pompeo tuyên bố CPAFFC là “bộ mặt công khai” của Mặt trận Thống nhất.
Năm ngoái, Diễn đàn Thống đốc lần thứ năm đã được tổ chức tại thành phố Lexington thuộc tiểu bang Kentucky.
Theo trang web của Hiệp hội Thống đốc Quốc gia Hoa Kỳ, hơn 400 đại diện của các doanh nghiệp và chính quyền của hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã tham dự sự kiện này, bao gồm các thống đốc tiểu bang Kentucky và Tennessee, và các phó thống đốc của các tiểu bang Washington, Michigan và Colorado.
Ông John Dotson, biên tập viên của tập san China Brief do tổ chức tư vấn Jamestown Foundation xuất bản, lưu ý rằng các quan chức Trung Cộng đã tìm cách tác động đến quan điểm của các thống đốc Hoa Kỳ về cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nước. Ví dụ, Đại sứ Trung Cộng tại Hoa Kỳ là ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “các mối bang giao cấp địa phương” trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn.
Ông Thôi cũng cho biết các tiểu bang của Hoa Kỳ bao gồm Kentucky và Tennessee, đã chứng kiến sự sụt giảm xuất cảng của họ sang Trung Quốc do những mâu thuẫn thương mại, và cáo buộc những người giấu tên “kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới gây thiệt hại cho lợi ích của người dân”.
Kể từ năm ngoái, các phương tiện truyền thông nhà nước và quan chức Trung Cộng đã liên tục cáo buộc Hoa Kỳ phát động “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” hoặc có “tâm lý chiến tranh lạnh”.
Các hoạt động của Mặt trận Thống nhất đã bị chính quyền Hoa Kỳ nhắm mục tiêu trong những tháng gần đây.
Hồi tháng 9/2020, ông Baimadajie Angwang, một sỹ quan thuộc Sở cảnh sát New York, đã bị buộc tội làm gián điệp bất hợp pháp cho Trung Cộng. Theo tài liệu của tòa án, người điều khiển ông Angwang tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố New Work, là người của Hiệp hội Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Tây Tạng Trung Quốc, một bộ phận của UFWD.
Tháng 8/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định một trung tâm có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, chuyên hỗ trợ các Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ, là một phái bộ nước ngoài. Ông Pompeo nêu rõ các viện này đang được sử dụng để thúc đẩy “chiến dịch tuyên truyền toàn cầu và gây ảnh hưởng độc hại của Bắc Kinh đối với các trường đại học và các lớp K–12 của Hoa Kỳ”.