REUTERS

SINGAPORE — Các nhà phân tích cho biết, cuộc tập trận quân sự của chính quyền Trung Quốc ở vùng biển quanh Đài Loan đã khiến một số tàu thuyền phải chuyển hướng đi vòng quanh Eo biển Đài Loan và biến hòn đảo thành bến cảng rộng lớn, làm gián đoạn các hải lộ giao thương chính của các tàu vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới,.

Tức giận trước chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, hôm 04/08, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu bốn ngày diễn tập quân sự xung quanh hòn đảo đang bị tranh chấp này, bao gồm việc bắn hỏa tiễn thật và điều động chiến đấu cơ.

Hôm 08/08, quân đội Trung Quốc đã thông báo về các cuộc tập trận quân sự mới trên các vùng biển và vùng trời quanh Đài Loan – một ngày sau khi kết thúc lịch trình tập trận lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Các nhà phân tích và chủ tàu cho biết, mặc dù các cảng của Đài Loan đang hoạt động bình thường, nhưng một số tàu chở hàng và tàu chở dầu đang đổi hướng đi vòng để tránh va chạm với quân đội Trung Quốc.

Đây là một lời nhắc nhở về tác động nghiêm trọng mà một cuộc xung đột về vấn đề Đài Loan có thể gây ra cho thương mại toàn cầu. Eo biển Đài Loan rộng 180 km (110 dặm) và một tuyến đường vận chuyển ở phía đông của hòn đảo là những tuyến đường chính cho các tàu vận chuyển hàng hóa từ Đông Á đến Hoa Kỳ và Âu Châu.

Ông Niels Rasmussen, trưởng nhóm phân tích của hiệp hội chủ tàu BIMCO cho biết: “Một số tàu đã thực hiện các biện pháp đề phòng và đang tiến về phía đông của hòn đảo thay vì đi qua Eo biển Đài Loan.”

Dấu hiệu cảnh báo

Sự gián đoạn tại các cảng của Trung Quốc do các đợt phong tỏa COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vào đầu năm nay, góp phần thúc đẩy tỷ lệ lạm phát kỷ lục trên toàn thế giới.

Ông Zvi Schreiber, Giám đốc điều hành của Freightos, cho biết: “Mặc dù hành động của Trung Quốc vẫn chưa làm gián đoạn đáng kể hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, nhưng một phiên bản kéo dài chắc chắn có thể sẽ dẫn đến việc đó.”

“Xung đột khu vực có thể buộc các tàu phải sử dụng các tuyến đường thay thế, tăng thêm thời gian vận chuyển, làm gián đoạn lịch trình gây ra sự chậm trễ, và tăng chi phí hơn nữa”.

Các hãng hàng không cũng đã hủy các chuyến bay đến Đài Bắc và điều chỉnh lộ trình của nhiều chuyến bay khác, vì giao thông dân sự bị phong tỏa ở không phận gần đó trong lúc các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc diễn ra.

Hôm 02/08, bà Pelosi đã trở thành quan chức cấp cao nhất của chính phủ Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan trong 25 năm – một hành động mạnh mẽ mà theo bà là cho thấy cam kết vững chắc của Hoa Kỳ đối với hòn đảo tự trị này.

Nhà cầm quyền Trung Quốc, vốn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, đã đáp trả bằng cách khai triển chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, và chiến hạm đến eo biển và toàn bộ các khu vực xung quanh hòn đảo.

Theo ông Anoop Singh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tàu chở dầu tại Braemar, một nhà quản lý rủi ro vận chuyển, các chủ tàu chở dầu lớn đã nâng mức cảnh báo an ninh và chuyển hướng tàu.

Các nhóm bảo hiểm vận chuyển cũng đã đăng cảnh báo cho các thành viên, khuyến cáo thận trọng trong việc di chuyển quanh Đài Loan.

Mặc dù các tàu chở dầu và tàu container vẫn cập cảng bình thường ở Đài Loan, các nhà phân tích cảnh báo rằng ngay cả những sự chậm trễ nhỏ đối với tàu cũng là một mối lo ngại khi thương mại toàn cầu vẫn đang phục hồi sau tác động của các đợt phong tỏa do đại dịch.

Ông Peter Sand, trưởng nhóm phân tích của nền tảng vận tải đường biển Xeneta, cho biết: “Vì các con tàu đang được lái để đi vòng qua chỗ xảy ra căng thẳng chứ không phải để xúc tiến thương mại, nên đó là một bước đi sai hướng – nghĩa là chuỗi cung ứng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.”

An Nhiên biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn