Hội chứng Ái kỷ: Kẻ thù lớn nhất của mỗi chúng ta
Tôi thấy mình có lỗi khi tự yêu bản thân. Tôi là một nghệ sĩ và tôi muốn mọi người xem tác phẩm của tôi. Tôi không chỉ muốn mọi người xem tác phẩm của tôi mà còn muốn họ yêu thích chúng. Tôi đăng ảnh tác phẩm của mình trên mạng xã hội và hy vọng mọi người sẽ bấm nút “like” thật nhiều. Thành thật mà nói, tôi càng nhận được nhiều lượt yêu thích thì tôi càng hài lòng với bản thân. Vậy những lượt yêu thích ấy và mong muốn của tôi với chúng thực sự có ý nghĩa gì?
Narcissus khám phá bản thân
Câu chuyện về Narcissus có thể giải thích một cách sâu sắc về căn bệnh mong muốn được mọi người yêu thích của tôi. Theo cuốn “Metamorphoses” (tiếng Latin, có nghĩa là “Sự biến đổi”) của Ovid, Narcissus là con của một vị thần sông và một tiên nữ. Vẻ tuấn tú của chàng khiến cho bất kỳ ai gặp mặt cũng đều say mê. Khi chào đời, một nhà tiên tri được hỏi liệu Narcissus có thọ mệnh hay không, ông ấy trả lời rằng: “Nếu cậu bé không thấy được chính mình thì được.”
Thật vậy, mọi người đều ngưỡng mộ Narcissus nhưng Narcissus quá kiêu ngạo và từ chối tình cảm của họ, thậm chí còn tỏ ra coi thường họ. Không thể chịu được phản ứng này của chàng, một người trong số họ đã cầu nguyện rằng: “Xin hãy để anh ta tự yêu lấy bản thân và không thể điều khiển được cảm xúc đó.” Nữ thần quả báo Nemesis đã nghe thấy lời cầu nguyện này.
Một ngày nọ, Narcissus đến một hồ nước yên tĩnh với làn nước trong vắt để nghỉ ngơi. Chàng cúi xuống nhìn dòng nước và muốn uống nước để làm dịu cơn khát. Mặt nước hồ như gương soi phản chiếu vẻ đẹp của chàng và chàng đã yêu chính mình.
Narcissus si mê bản thân đến mức chẳng thiết ăn uống. Chàng chỉ muốn được ôm lấy hình ảnh của của mình và đầy thất vọng vì không thể làm được điều đó. Chàng ngắm nhìn không rời mắt hình ảnh đó cho đến khi kiệt sức mà thốt lên lời cuối cùng: “Than ôi, vô ích, người yêu dấu! … Tạm biệt!”
Bức tranh Narcissus của Caravaggio
Theo trang Caravaggio.org, danh họa Caravaggio đã lấy cảm hứng từ câu chuyện về Narcissus theo phiên bản của Ovid cho bức tranh của ông. Nghệ sĩ trường phái Baroque người Ý này đã miêu tả Narcissus thông qua sự tương phản mạnh mẽ giữa ánh sáng và bóng tối. Độ sáng của hình ảnh nổi bật trên nền tối.
Rìa của hồ nước chia bức tranh thành hai phần. Narcissus ngồi ở mép nước và nhìn bóng hình của chính mình đầy khao khát. Tay phải chàng chống đỡ cơ thể trên mặt đất còn tay trái duỗi xuống nước như thể đang muốn nắm lấy bàn tay phản chiếu trong hồ. Đôi bàn tay chàng và đôi bàn tay của cái bóng chạm vào nhau tạo thành một hình bầu dục.
Phải chăng nền của bóng tối là thể hiện thái độ của Narcissus đối với phần còn lại của thế giới? Có phải chàng khát khao bản thân mãnh liệt đến mức quên cả thế giới? Hay là bóng tối của hình nền báo hiệu màn đêm sẽ bao phủ lên chàng bởi chính ham muốn của mình?
Theo tôi thì cả hai giả thiết trên đều đúng. Narcissus quên đi thế giới xung quanh vì chàng chìm đắm trong hình ảnh của bản thân. Chàng đã quên những người yêu thương chàng, gia đình chàng, và tất cả sự vật hiện hữu xung quanh. Khao khát bản thân khiến chàng quên đi sự tồn tại của người khác; chàng không hề biết đến nỗi đau, sự chịu đựng, cuộc sống, tình yêu và tiếng cười của họ. Hội chứng ái kỷ của chàng đã không có chỗ cho lòng trắc ẩn.
Còn gì đen tối hơn khi không còn lòng trắc ẩn? Bóng tối bao trùm lấy chàng bởi vì bóng tối phù hợp với bản chất ái kỷ của chàng, một dục vọng chỉ vì bản thân. Thiếu lòng trắc ẩn và tình yêu bản thân thái quá đã nhấn chìm chàng trong bóng tối, và cuối cùng hủy hoại cuộc sống của chàng: cái chết.
Những lời cuối cùng của chàng cho thấy rằng nỗ lực yêu bản thân là điều “vô ích” vì chúng không thành. Ở đây còn có một nghĩa khác: Những nỗ lực yêu bản thân mình là vô ích không chỉ vì cuối cùng chàng đã thất bại, mà bởi vì dục vọng này thực chất là sự phù phiếm.
Vậy tại sao Caravaggio lại sử dụng hình bầu dục làm bố cục của bức tranh? Cánh tay và hình phản chiếu của Narcissus kết nối tạo nên hình bầu dục có tác dụng liên tục thu hút tầm mắt của người xem vào bố cục.
Hình bầu dục này cũng có thể tượng trưng cho sự quả báo của nữ thần Nemesis. Narcissus nhận lại chính những gì chàng đã đối xử với người khác: Chàng được ngưỡng mộ và yêu thương nhưng đáp trả những người yêu mến chàng bằng sự thờ ơ, thậm chí còn khinh bỉ và kiêu ngạo. Sự trừng phạt của nữ thần Nemesis khiến chàng chìm đắm trong tình yêu không thể thoát ra với chính mình. Đó là quả báo của Thiên thượng: “Gieo nhân nào gặp quả ấy.”
Kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình
Ngày nay, câu chuyện về Narcissus trong bức tranh của Caravaggio có ý nghĩa gì đối với tôi? Mong muốn được nhiều “like” của tôi có phải là một biểu hiện của bệnh ái kỷ không? Tôi thường tự nhủ: “Mình chỉ đang chia sẻ tác phẩm nghệ thuật trên mạng xã hội để quảng bá cá nhân, bán tranh để nuôi dưỡng gia đình.” Điều này tất nhiên là đúng, nhưng nó không phải là toàn bộ sự thật.
Đối với nghệ sĩ truyền thống, tác phẩm nghệ thuật phản ánh giá trị của nghệ sĩ và thể hiện góc nhìn của họ về thế giới. Nó cho thấy những gì nghệ sĩ ngưỡng mộ, khát vọng và giá trị thông qua các biểu tượng có tính truyền đạt cao. Người nghệ sĩ có khả năng khám phá những khía cạnh của bản thân trong mỗi tác phẩm của mình. Khi mọi người thích một tác phẩm nghệ thuật, có nghĩa là họ cũng thích nghệ sĩ và những gì nghệ sĩ coi trọng.
Tôi, với tư cách là một nghệ sĩ, luôn phải đối mặt với sự đắm say tác phẩm của mình. Lòng trắc ẩn ở đâu trong việc chia sẻ tác phẩm nghệ thuật với mục đích “câu like”? Có phải tôi chỉ đơn thuần muốn được ngưỡng mộ như một nghệ sĩ? Liệu cách tiếp cận ái kỷ khi chia sẻ tác phẩm nghệ thuật có khiến chúng ta quên một điều rằng những người xem đó cũng là con người không? Hay chỉ là sự lợi dụng người khác để đạt được mục đích thỏa mãn bản thân? Liệu rằng sự tự ngưỡng mộ bản thân này sẽ có hậu quả gì? Tôi sẽ phải gánh chịu điều gì cho việc này?
Các nghệ sĩ thể hiện sự sáng tạo của họ hoặc là để được ngưỡng mộ hoặc là gợi mở những cuộc đối thoại nội tâm của người xem về những giá trị ẩn chứa trong các tác phẩm nghệ thuật. Bức tranh của Caravaggio khiến tôi suy ngẫm về giá trị của bản thân với tư cách là một nghệ sĩ và một con người. Vì vậy, hôm nay tôi nghiêm túc tự hỏi: “Tôi đang chia sẻ tác phẩm nghệ thuật cho người khác hay cho chính mình?”
Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).