Một công ty Trung Quốc có liên kết với quân đội và chi nhánh tình báo bí mật của Bắc Kinh đã thu thập thông tin cá nhân của hơn 35,000 công dân Úc cho một phần của kho dữ liệu toàn cầu khổng lồ chuyên nhắm vào những nhân vật có sức ảnh hưởng cùng gia đình của họ.

Công ty Zhenhua Data này đã cấu kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân, Bộ An ninh Nhà nước và Trung Cộng để kiểm soát thông tin cá nhân của 2,4 triệu người trên khắp thế giới.

Dữ liệu này chứa thông tin về 35,558 công dân Úc, trong đó có những người nổi tiếng trong chính trị, kinh doanh, luật, học thuật và quốc phòng. Dữ liệu bao gồm ngày sinh, địa chỉ, tình trạng hôn nhân, và khuynh hướng chính trị.

Trong đó có những công dân Úc có danh vọng như Thủ tướng Scott Morrison và thông tin về các cuộc thảo luận của ông với Tổng thống Trump; Cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull và gia đình; và thành viên của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc, Andrew Hastie và gia đình mới của ông.

Hơn 35,000 công dân Úc bị theo dõi bởi công ty quân đội cấu kết với Trung Cộng
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Úc Scott Morrison trong một buổi chào đón theo nghi thức trên bãi cỏ phía nam của Tòa Bạch Ốc ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 20/9/2019. (Ảnh AAP Image/ Mick Tsikas)

Được đặt tên là “Kho dữ liệu về các Nhân vật then chốt ở Hải Ngoại” (Overseas Key Individuals Database), kho dữ liệu này còn có thông tin của cựu Thủ tướng Kevin Rudd và con trai của ông; cựu Bộ trưởng Tài chính Peter Costello; Thống đốc Ngân hàng Dự trữ đương nhiệm Robert Lowe; cựu Đại sứ Úc Joe Hockey và các con trai của ông; người sáng lập Atlassian Mike Cannon-Brookes; một số thẩm phán, những người nổi tiếng, và các học giả.

Hồ sơ ngân hàng, đơn xin việc và hồ sơ tâm lý cũng được đưa vào kho dữ liệu, phần lớn được lấy từ các tài liệu công khai, bao gồm các bài báo, hồ sơ tội phạm, Twitter, Facebook, LinkedIn, Instagram, và TikTok.

Tuy nhiên, 20% dữ liệu không phải là nguồn công khai mà có cả các tài liệu mật, cho thấy những thông tin đó đã được lấy thông qua việc xâm nhập hệ thống (hacking) hoặc trang web đen (dark web).

Theo một bài đăng trên WeChat, Giám đốc điều hành của Zhenhua Data, ông Wang Xuefeng, đã tán thành việc tiến hành “chiến tranh không giới hạn” thông qua việc thao túng dư luận và “chiến tranh tâm lý”.

Cơ sở dữ liệu đã bị rò rỉ bởi một nhân viên giấu tên của Zhenhua Data và được phát hiện bởi Giáo sư Chris Balding, người từng làm việc tại Đại học Bắc Kinh cho đến năm 2018 – lúc ông trốn sang Việt Nam vì lo ngại về an toàn.

Hơn 35,000 công dân Úc bị theo dõi bởi công ty quân đội cấu kết với Trung Cộng
Hình minh họa lập trình máy tính chụp 4/10/2018. (Ảnh Dado Ruvic/ Minh họa/ Reuters)

Trong một tuyên bố trên trang web của mình, ông Balding cho biết ông đang nghiên cứu các cáo buộc về Huawei cho đến khi ông tình cờ nhận được “Chén thánh” dành cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Đổi lại, ông Balding đã cung cấp thông tin cho một tập đoàn toàn cầu gồm các hãng thông tấn ở Úc, Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Ý và Đức.

Ông tuyên bố dữ liệu đã chứng thực những nghi ngờ lâu nay về các hoạt động giám sát và theo dõi của Trung Cộng.

Ông nói, “Điều không thể bị đánh giá thấp là việc giám sát trên diện rộng và sâu của Trung Cộng và sự bành trướng của nó ra khắp thế giới. Thế giới chỉ mới bước đầu hiểu được mức độ đầu tư của Trung Cộng vào các hoạt động tình báo và ảnh hưởng của việc sử dụng các dữ liệu thô mà chúng ta có, để có thể biết các mục tiêu của họ.”

Ông nói thêm, “Chúng tôi đang làm việc với các chính phủ, các nhà báo và các học giả, hoặc tổ chức tư vấn trên khắp thế giới để giúp cung cấp chuyên môn cần thiết nhằm phân tích và hiểu dữ liệu.”

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Kristina Keneally cho biết kho dữ liệu này rất đáng lo ngại, và mọi người đã đúng khi cảm thấy cần phải cảnh giác.

Hơn 35,000 công dân Úc bị theo dõi bởi công ty quân đội cấu kết với Trung Cộng
Một người tham gia Seccon 2016, một cuộc thi an ninh mạng quốc tế, ngày 28/1/2017 tại Tokyo. (Ảnh Tomohiro Ohsumi/ Getty Images)

“Tất nhiên, các quốc gia đã thu thập thông tin tình báo từ lâu, nhưng điều quan trọng là nền độc lập của mỗi quốc gia phải được tôn trọng,” bà nói với đài ABC vào ngày 14/9.

Điều này nhấn mạnh rằng mối đe dọa về sự can thiệp của nước ngoài và khả năng tích lũy lượng dữ liệu lớn về một quần thể dân chúng là có thật, và chúng tôi phải xem xét mối đe dọa đó rất nghiêm túc,” bà Keneally nói.

Matt Warren, giáo sư về an ninh mạng tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne cho biết việc Bắc Kinh tiến hành “thu thập dữ liệu quy mô công nghiệp” không có gì đáng ngạc nhiên, đặc biệt là với mức độ giám sát trong nước.

“Dữ liệu của Zhenhua chỉ là phần nổi của tảng băng, so với những gì xảy ra ở chính Trung Quốc,” ông nói với The Epoch Times.

Ông Warren nói rằng vì phần lớn thông tin là nguồn mở nên về mặt kỹ thuật nó không phải là gián điệp. Tuy nhiên, mối quan tâm thực sự là Zhenhua Data và Trung Cộng có thể làm gì với dữ liệu.

Ông kêu gọi mọi người nên cẩn thận hơn với thông tin cá nhân trên trang mạng xã hội của họ, và trong việc kết bạn với người mà họ chưa từng gặp trong đời thực.

Vấn đề xảy ra khi mọi người đăng tải thông tin về gia đình của họ trên Facebook, hoặc các hoạt động công việc của họ trên Linkedin, ‘bạn bè’ mới của họ sẽ thu thập và lưu trữ thông tin đó. Một vấn đề khác là mọi người không biết cách điều chỉnh cách đăng thông tin của họ trên phương tiện truyền thông xã hội, và đăng mọi thứ ở mức độ công khai thay vì ở mức độ riêng tư,” ông nói thêm.

Tác giả: Daniel Y. Teng

Biên dịch: An Nam

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn