Hồng Kông trượt về đâu?
Nền dân chủ của Hồng Kông đang biến mất khi Bắc Kinh ngày càng siết chặt thành phố này
Hồng Kông đã nếm trái đắng từ “nền dân chủ nhân dân toàn trị” của Trung Quốc. Quá trình chuyển đổi nền dân chủ Hồng Kông sang cơn ác mộng do Trung Quốc điều khiển là một hình ảnh quá đau lòng.
Đặc khu Hành chính Hồng Kông (HKSAR) đang trong giai đoạn bị thu nạp hoàn toàn vào hệ thống chính trị của Trung Cộng – bất chấp những lời hứa hẹn của Bắc Kinh vào năm 1997 rằng thành phố này sẽ được phép duy trì quyền tự chủ chính trị của mình “trong năm mươi năm” theo khung pháp lý “một quốc gia, hai chế độ” (nhất quốc lưỡng chế).
Trong suốt những năm 1990 cho đến nay, Trung Cộng đã và đang xác định lại ý nghĩa của khung pháp lý đó, để thực hiện các biện pháp kiểm soát chính trị và xã hội “hợp pháp” của nhà cầm quyền cộng sản này đối với Hồng Kông. Các khái niệm về khung pháp lý này đã được đặt định trong Luật Căn Bản – được thông qua bởi cơ quan lập pháp trên danh nghĩa của Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) năm 1990 – bao gồm các bảo đảm về “mức độ tự trị cao” để “người Hồng Kông quản trị Hồng Kông.”
Hồi hè năm 2020, tất cả những lời hứa hẹn đầy tính nhân văn đó của Bắc Kinh đã bị cho vào sọt rác, khi Trung Cộng phớt lờ quy trình lập pháp của Hồng Kông để áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc mới.
Suy nghĩ kỹ lại, Luật Căn Bản là một phần trong kế hoạch dài hạn của Trung Cộng nhằm kiểm soát hoàn toàn về mặt chính trị đối với HKSAR, vì luật này bao gồm một điều khoản yêu cầu thông qua luật an ninh quốc gia áp dụng cho Hồng Kông.
Từ Điều 23 của Luật Căn Bản năm 1990 (phần in đậm được thêm vào): “[HKSAR] sẽ tự ban hành các luật lệ nhằm nghiêm cấm mọi hành động phản quốc, ly khai, xúi giục, lật đổ Chính quyền Nhân dân Trung ương… và ngăn cấm các tổ chức chính trị hoặc cơ quan của Đặc khu thiết lập quan hệ với các tổ chức hoặc cơ quan chính trị ngoại quốc.”
Những từ ngữ được in đậm giống một cách kỳ lạ với một bản tóm tắt các điều khoản chính trong luật an ninh quốc gia mới, được NPC thông qua kể từ tháng Sáu năm ngoái (phần in đậm được thêm vào): “Đạo luật, được thông qua tại Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPCSC), bao gồm 66 điều khoản và gồm bốn lĩnh vực hoạt động phạm tội: ly khai, lật đổ, khủng bố, và cấu kết với ngoại quốc hoặc các thế lực bên ngoài. Những người bị kết án với những tội danh như trên phải đối mặt với mức án tối đa là tù chung thân.”
Trên thực tế, Luật Căn Bản năm 1990 đã đặt nền tảng cho việc thông qua các điều khoản quan trọng của luật an ninh quốc gia năm 2020 – những điều khoản này liên quan đến khả năng cưỡng chế và kiểm soát công dân Hồng Kông cũng như các hoạt động chính trị dựa trên các lệnh cấm do Trung Cộng quy định. Luật này đã được NPCSC áp đặt cho Hồng Kông mà không cần có ý kiến đóng góp từ cư dân của HKSAR hoặc từ các đại diện được bầu tại địa phương của họ. Để cung cấp thêm bằng chứng cho trò hề này, NPC đã bỏ phiếu với tỷ lệ 2,878–1 để bắt đầu áp dụng đạo luật mới này. Luật pháp luôn được định đoạt trước bởi nó là mục tiêu chính trong các kế hoạch dài hạn của Bắc Kinh, nhằm đe dọa và kiểm soát bất kỳ yếu tố nào được coi là mối đe dọa đối với lợi ích của Trung Cộng.
Luật an ninh quốc gia đã trao các quyền hạn mới cho cảnh sát HKSAR, kể cả quyền thực thi các cuộc đột kích không cần có lệnh khám xét. Dưới đây là trình tự thời gian của một số hành động gây sửng sốt được thực hiện theo luật này trong 16 tháng qua:
- Đe dọa các nhà lãnh đạo Hồng Kông bị cáo buộc là “chính trị hóa luật mới.”
- Đe dọa trục xuất các phóng viên ngoại quốc vì “xuyên tạc” cách thức thực thi luật này.
- Xử phạt người ngoại quốc do vi phạm luật này.
- Loại bỏ các đầu sách chỉ trích Trung Cộng ra khỏi các kệ sách trong thư viện, ngăn cấm các khẩu hiệu chính trị, và kiểm duyệt trong trường học.
- Các nhà xuất bản phải tự kiểm duyệt do sợ bị truy tố theo luật này.
- Sa thải các giáo viên ủng hộ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ [Hồng Kông].
- Bắt giữ sinh viên biểu tình vì “kích động ly khai”.
- Bắt giữ ông trùm truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), hai con trai của ông cùng với một số giám đốc điều hành trong công ty của ông ấy vì đã ủng hộ dân chủ.
- Bắt giữ nhà hoạt động đối lập Hồng Kông Đàm Đắc Chí (Tam Tak-chi) của nhóm Sức mạnh Nhân dân.
- Bắt giữ nhà hoạt động thiếu niên Chung Hàn Lâm (Tony Chung) mà không cho tại ngoại.
- Hàng loạt các vụ bắt giữ khác đã xảy ra, trong đó có các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, các nhà lập pháp, một người thăm dò ý kiến, và một luật sư.
- Đã có thêm bốn mươi vụ bắt giữ: “mọi tiếng nói đối lập đáng chú ý, và thậm chí là ôn hòa ở Hồng Kông đều bị bắt giam hoặc sống lưu vong,” theo Washington Post.
- Bắt giữ bốn thủ lĩnh hội sinh viên tại Đại học Hồng Kông vì nghi ngờ “ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”.
- Đe dọa The Wall Street Journal (The Journal).
- Bắt giữ 10 người vì cáo buộc “kêu gọi cử tri tẩy chay các cuộc bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trắng để phản đối” trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật, theo The Journal.
Như đã chỉ rõ ở điều cuối cùng trong danh sách đã nêu, mối đe dọa pháp lý do luật an ninh quốc gia gây ra cho người dân Hồng Kông cũng là bối cảnh chính cho cuộc bầu cử của “những người yêu nước” – vừa mới diễn ra hôm 19/12, là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức tại đây kể từ khi luật này được áp đặt vào năm ngoái. Cuộc bầu cử được nhận định là một trò hề theo phong cách bù nhìn điển hình của Trung Cộng, không gì khác hơn so với bất kỳ cuộc bầu cử nào được tổ chức tại hội đồng nhân dân của các thị trấn, thị xã, quận, và huyện tại Trung Quốc cộng sản, bởi chỉ có các ứng viên được Đảng này đề cử tham gia cuộc bầu cử, thì mới được Trung Cộng chấp thuận.
Những người ủng hộ dân chủ của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo) đang nếm trải trải nghiệm đầu tiên về ý nghĩa thực sự của “nền dân chủ nhân dân toàn trị” – điều không thống nhất với những lời quảng bá lặp đi lặp lại của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, như đã từng được báo cáo.
Nguy cơ cho những người cộng sản trong cuộc bầu cử này là cao, bởi tỷ lệ cử tri đi bầu quá thấp sẽ phá hủy chiến dịch tuyên truyền trước bầu cử của Trung Cộng, tuyên bố rằng người Hồng Kông “rất tin tưởng vào khả năng của các ứng viên”, như kênh truyền thông nhà nước China Daily đưa tin hôm 18/12. Tờ China Daily cũng thông báo rằng có đến 10,000 cảnh sát Hồng Kông sẽ được khai triển tại các điểm bỏ phiếu để “duy trì trật tự”.
Trích dẫn từ Viện Thăm dò Ý kiến Người dân Hồng Kông, The Wall Street Journal cho rằng tỷ lệ cử tri đi bầu có thể chỉ ở mức thấp là 30%. Và dự đoán này đã được chứng minh là có cơ sở, bởi Reuters đã đưa tin rằng tỷ lệ cử tri đi bầu ở mức thấp kỷ lục là 30.2%! Rõ ràng là người dân Hồng Kông không bị “nền dân chủ nhân dân toàn trị” của Trung Cộng mê hoặc. Trong bất kỳ trường hợp nào, cuộc bầu cử này là đỉnh điểm của một kế hoạch lớn của Trung Cộng để hoàn toàn kiểm soát chính trị lên Hồng Kông.
Các vùng đất khác của Hoa kiều cũng nằm trong tầm ngắm của Trung Cộng sau khi Hồng Kông bị khuất phục. Một điều đáng sợ là luật an ninh quốc gia cho phép Bắc Kinh truy lùng bất kỳ ai bị xem là lật đổ, kể cả Hoa kiều và thậm chí là người ngoại quốc.
Theo The Dallas Morning News: “Luật bao gồm các điều khoản hình sự hóa ‘hành vi phạm tội’ được thực hiện không chỉ ở Hồng Kông, mà bởi bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu trên toàn cầu. Theo một báo cáo vào tháng 12 do Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ–Trung Quốc được đệ trình lên Quốc hội, “Nếu để yên không kiềm chế, luật này có thể trao cho chính quyền Trung Quốc quyền hạn sâu rộng để kiểm duyệt các diễn ngôn trên toàn cầu.”
Kết luận
Sự hội nhập của Hồng Kông vào thể chế chính trị của Bắc Kinh đang trong giai đoạn cuối, với cuộc bầu cử bù nhìn của một nhóm ứng cử viên được Trung Cộng chấp thuận hôm 19/12. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục đã bóc trần những lời xảo ngôn về “nền dân chủ nhân dân toàn trị” của Trung Cộng.
Các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực thi luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông gần như chắc chắn sẽ được áp dụng cho Đài Loan nếu/khi Đài Bắc đầu hàng trước những lời đe dọa và uy hiếp của Bắc Kinh. Trải nghiệm hiện tại của Hồng Kông với “nền dân chủ nhân dân toàn trị” có phải là một điềm báo dành cho tương lai của Đài Loan hay không?
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Stu Cvrk đã nghỉ hưu với tư cách là một thuyền trưởng sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ với nhiều vị trí chính quy và dự bị khác nhau. Ông có kinh nghiệm hoạt động đáng kể ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương.