Huawei bị ‘trọng thương’, Hoa Kỳ kết thúc kế hoạch bá chủ 5G của Trung Cộng
Năm 2020, chính phủ Tổng thống Trump đã ghi bàn thắng trước Bắc Kinh bằng chiến dịch “Clean Network” – đẩy Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng ở nhiều quốc gia.
Mặc dù không được công bố rộng rãi, nhưng nỗ lực này đã bảo đảm một loạt các cam kết từ các chính phủ nhằm loại trừ các nhà cung cấp không đáng tin cậy khỏi các mạng không dây thế hệ thứ 5 (5G) của họ. Tính đến tháng này, hơn 50 quốc gia, đại diện cho hơn 2/3 nền kinh tế thế giới và 180 công ty viễn thông đã tham gia sáng kiến Mạng lưới Sạch (“Clean Network”) do chính phủ Hoa Kỳ dẫn đầu.
Liên minh này bao gồm 26 trong số 27 quốc gia thành viên EU, cũng như các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Israel, Australia, Singapore, Đài Loan, Canada, New Zealand, và Ấn Độ.
Hồi đầu năm 2020, chiến thắng này đối với chính phủ Hoa Kỳ dường như là không tưởng; khi đó công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là một đối thủ thống trị trên thị trường 5G toàn cầu, dường như không thể bị đánh bại.
Trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã tìm cách thuyết phục các đồng minh tránh xa các nhà cung cấp Trung Quốc như Huawei và ZTE vì các lý do an ninh quốc gia, và chính phủ Tổng thống Trump đã cảnh báo về những rủi ro khi phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc, vốn đã ăn sâu vào thế hệ tiếp theo của viễn thông toàn cầu. Nhưng những nỗ lực đó đã không thể kiểm soát được Huawei.
Tháng 02/2020, Huawei đã thông báo rằng họ có 91 hợp đồng thương mại về 5G bên ngoài Trung Quốc, với 47 hợp đồng ở Âu Châu và 20 hợp đồng ở Á Châu. Ví dụ, hồi tháng 01/2020, Vương quốc Anh tuyên bố rằng họ sẽ cho phép Huawei cung cấp thiết bị 5G, điều này làm dấy lên căng thẳng giữa Luân Đôn và Hoa Thịnh Đốn.
Để lật ngược tình thế, vào tháng 04/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã khởi động một chiến dịch yêu cầu một “Đường truyền Sạch” (clean path) khi kết nối mạng 5G độc lập vào và ra các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ, như được nêu trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2019.
“Đường truyền Sạch” là bước đi đầu tiên trong kế hoạch chiến lược “Mạng lưới sạch” (Clean Network) mà chính phủ thực hiện để bảo đảm an toàn dữ liệu trọng yếu và an ninh mạng của Hoa Kỳ trước Trung Cộng.
Trong tháng tiếp theo, Bộ Thương mại thắt chặt kiểm soát xuất cảng đối với Huawei, và gọi đây là một mối đe dọa an ninh. Ngũ Giác Đài sau đó đã đưa Huawei vào danh sách đen vì mối quan hệ của tập đoàn này với quân đội Trung Quốc.
Là một phần của kế hoạch, công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan đã công bố hồi tháng 05/2020 rằng họ sẽ xây dựng cơ sở chế tạo chip 5 nanomet tiên tiến nhất thế giới ở Arizona, một cột mốc quan trọng trong việc bảo đảm chuỗi cung ứng chất bán dẫn và cung cấp mạng 5G an toàn cho Hoa Kỳ và các đối tác.
Ông Keith Krach, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách phát triển kinh tế, năng lượng và môi trường, là người đứng sau nỗ lực này. Từng là một doanh nhân và là một người kỳ cựu ở Thung lũng Silicon, ông Krach đã sáng tạo ra thuật ngữ “Mạng lưới Sạch”, và dẫn đầu sáng kiến này nhằm loại bỏ động lực của Huawei bằng cách hợp nhất các nước đồng minh.
Ông Krach nói với The Epoch Times rằng, “Động lực của Mạng lưới Sạch đã đảo ngược ưu thế của Huawei và kế hoạch bá chủ mạng 5G của Trung Cộng.”
“Nó đã chứng minh rằng doanh nghiệp Trung Quốc có thể bị đánh bại. Và trong quá trình này, chúng tôi đã phơi bày điểm yếu lớn nhất của họ – đó là sự thiếu tin cậy.”
Trung Cộng – Thể chế giám sát
Kể từ khi Trung Quốc thông qua Đạo luật Tình báo Quốc gia vào tháng 6/2017, tất cả các công dân và công ty Trung Quốc có nghĩa vụ pháp lý chuyển giao bất kỳ thông tin hoặc dữ liệu theo yêu cầu cho chế độ cộng sản này. Theo ông Krach, Huawei là trụ cột của nhà cầm quyền giám sát Trung Cộng, và trong nhiều năm qua, Trung Cộng đã có các chính quyền hùng mạnh trên khắp thế giới mua sắm cơ sở hạ tầng và dịch vụ 5G của họ.
“Các quốc gia và công ty đều khiếp sợ sự đe dọa, trả đũa, và trừng phạt của Trung Cộng. Và điều đó, về cơ bản, là bắt nạt. Khi quý vị đối mặt với kẻ bắt nạt, kẻ đó sẽ lùi bước. Và họ thực sự lùi bước nếu quý vị có đồng minh bên cạnh,” ông nói.
Ông Krach cho biết tiếp theo chiến dịch này của chính phủ Hoa Kỳ, các giao dịch của Huawei bên ngoài Trung Quốc đã giảm xuống còn 10, từ con số 91.
Cho đến nay, 27 trong số 30 thành viên của NATO và 31 trong số 37 thành viên của OECD đã tham gia Mạng lưới Sạch.
Trong một chiến thắng lớn cho chính phủ Tổng thống Trump, vào hồi tháng 7/2020, Vương quốc Anh đã công bố kế hoạch cấm Huawei khỏi các mạng 5G trong tương lai. Các nhà cung cấp dịch vụ di động trong nước này sẽ bị cấm mua thiết bị Huawei mới kể từ ngày 31/12/2020.
Ông Krach cho biết tình thế cũng đã xoay chuyển ở Đức khi Berlin chuẩn bị luật áp đặt những hạn chế mới cứng rắn khiến việc đưa Huawei vào xây dựng mạng 5G ở quốc gia này là không thể.
“Hoa Kỳ tự hào tham gia EU, [Hội nghị thượng đỉnh Ba Vùng Biển], [NATO], và các đối tác thuộc [OECD] và các đồng minh trong Mạng lưới Sạch để chống lại ảnh hưởng xấu của Trung Cộng. Các liên minh được xây dựng trên cơ sở tin tưởng sẽ luôn chiếm ưu thế trước các quốc gia giám sát.”
Tháng 8/2020, ông Pompeo đã công bố việc mở rộng chương trình Mạng lưới Sạch để đưa vào các nhà cung cấp dịch vụ sạch (nhằm bảo đảm không có nhà cung cấp nào không đáng tin cậy, chẳng hạn như từ Trung Quốc, được kết nối với mạng lưới này), các ứng dụng và kho ứng dụng sạch, dịch vụ đám mây sạch (nhằm bảo vệ dữ liệu của người dân Hoa Kỳ) và cáp sạch (bảo đảm cáp quang ngầm kết nối Hoa Kỳ với internet toàn cầu được bảo vệ).
Như một phần của nỗ lực này, vào tháng 8, Tổng thống Donald Trump đã ký hai sắc lệnh để hạn chế hoạt động của TikTok và WeChat tại Hoa Kỳ
Mạng lưới Sạch cũng đã bổ sung một số doanh nghiệp hàng đầu là các công ty trong sạch, bao gồm Oracle, HP, NEC, Fujitsu, và Cisco.
Theo ông Krach, ngoài công nghệ, các lĩnh vực tiếp theo đã bắt đầu với cơ sở hạ tầng sạch và nguồn tài chính sạch, được gọi là Mạng lưới Chấm xanh nhằm chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Các sáng kiến khác tập trung vào khoáng sản sạch, chuỗi cung ứng sạch và quy trình lao động sạch.
Liên minh xuyên Đại Tây Dương
Trong vài tháng qua, Krach và nhóm của ông đã đến Á Châu, Âu Châu, Trung Đông, và châu Mỹ Latin để bảo đảm cam kết từ các chính phủ, các nhà khai thác viễn thông và các công ty đa quốc gia trong việc tham gia liên minh.
Tháng 01/2020, Ủy ban Âu Châu cùng với các quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu (EU) đã phát hành Bộ công cụ của EU để bảo đảm các mạng 5G an toàn được triển khai trên khắp Âu Châu.
Vào ngày 30/9/2020, Ủy viên EU Thierry Breton và ông Krach đã đưa ra một tuyên bố chung nhấn mạnh cam kết của họ đối với các nguyên tắc chung về bảo mật mạng 5G. Họ cũng đã công bố sự hợp lực giữa Mạng lưới Sạch và Bộ công cụ của Liên minh Âu Châu. Vì vậy, bất kỳ quốc gia nào triển khai Bộ công cụ của EU sẽ được coi là một phần của Mạng lưới Sạch.
Cùng ngày, NATO cũng ủng hộ chiến dịch của chính phủ Hoa Kỳ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có Mạng NATO sạch 5G an toàn, không đứt gãy.
Hồi tháng 10/2020, Sáng kiến Ba Biển (Three Seas Initiative), một diễn đàn của 12 quốc gia EU ở Trung và Đông Âu, cũng đã tuyên bố ủng hộ Mạng lưới Sạch tại hội nghị thường niên ở Estonia.
Ông Krach cũng đã tới Châu Mỹ Latin vào tháng 11/2020 để mở rộng liên minh này, bảo đảm Brazil, Ecuador và Cộng hòa Dominica cam kết tham gia mạng lưới.
Ông Krach nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tiếp tục thấy nhiều quốc gia hơn, nhiều công ty hơn và nhiều hãng viễn thông hơn” tham gia vào liên minh đang phát triển nhanh chóng này.