Hủy bỏ ‘Văn hóa tẩy chay’ bằng cách bảo vệ ‘Hệ tư tưởng chính trị’ trong các luật về quyền dân sự
“Bạn có, hoặc đã từng là thành viên Đảng Cộng Sản không?” Câu hỏi đó đã đem đến nỗi kinh hoàng và sợ hãi cho vô số người dân Hoa Kỳ trong những tháng ngày đen tối của “Danh sách đen Hollywood”, “Chủ nghĩa McCarthy” và “Nỗi sợ hãi màu đỏ lần hai” hồi đầu thập kỷ 1950.
Hậu quả của những tư tưởng sai lầm về chính trị cách đây 70 năm là rất tàn khốc. Khi những người như Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Joe McCarthy ở Wisconsin thúc giục khu vực tư nhân loại bỏ tận gốc những người cộng sản, đã bùng phát một cơn hoảng loạn về tinh thần; vào thời điểm đó những người được cho là có thiện cảm với cộng sản bị từ chối tuyển dụng – không phải vì họ đã thực hiện bất kỳ hành vi bất hợp pháp hay phạm tội nào, mà chỉ đơn giản là vì những gì họ tin tưởng hoặc bị cáo buộc đã từng đặt niềm tin vào.
Đó là một quãng thời gian đen tối và bất công mà – sau khi sự hoảng loạn tự nó qua đi – người dân Hoa Kỳ thề sẽ không bao giờ để nó lặp lại. Than ôi, như bất kỳ ai chú ý đến thời sự đều biết, những ngày tồi tệ của quá khứ với việc bị liệt danh sách đen và bị quy tội liên đới đã quay trở lại – chỉ có điều lần này, những tay săn phù thuỷ không khoan nhượng là nhóm người Hollywood thời thượng đã “thức tỉnh”, đám tay sai của nhóm Big Tech và bộ phận quản lý nhân sự của các tập đoàn lớn, “những người có ảnh hưởng” trên mạng xã hội, những nhân vật tên tuổi của các hãng thông tấn lớn, các giáo sư đại học, và những người kiểm soát thể chế.
Một lần nữa chúng ta lại ở trong thời kỳ hoảng loạn đạo đức, còn được gọi là “văn hóa tẩy chay”. Ngày nay, con mồi bị săn đuổi không phải là những người cộng sản, mà là những người đã hoặc đang bị cáo buộc là “da trắng thượng thẳng”, có tư tưởng bài người LGBT, ủng hộ cựu Tổng thống Trump, hoặc là tham gia vào một danh mục gần như không có giới hạn: “thù địch”.
Giá trị cốt lõi đang không còn trụ vững. Văn hóa tẩy chay đang gây ra những bất ổn xã hội ở mức độ sâu rộng. Nhưng ngay cả khi những cuộc biểu tình đang gia tăng, thì những kẻ reo rắc nỗi hoảng loạn đạo đức đương đại đang tăng cường việc bắt nạt để xóa sạch khỏi nền văn hoá những quan điểm họ cho rằng không chấp nhận được, thường chỉ đơn giản là “quan điểm bảo thủ”. Để làm mọi việc trở nên phức tạp hơn, tình trạng bắt nạt này không do các lãnh đạo chính phủ, mà do khối doanh nghiệp tư nhân khởi xướng chống lại những người ít có khả năng tự vệ.
Rõ ràng là cần phải làm điều gì đó. Thượng nghị sĩ tiểu bang California, bà Melissa Melendez (Cộng Hòa–Lake Elsinore), có một ý tưởng hứa hẹn thành công rõ rệt. Bà đưa ra dự luật Đa dạng Tư tưởng (SB 238), một đạo luật chống phân biệt đối xử, sẽ bổ sung “xu hướng chính trị” vào các danh mục có thể được bảo vệ hiện hữu như chủng tộc, tín ngưỡng tôn giáo, khuyết tật thể chất, nguồn gốc gia đình, tình trạng hôn nhân, giới tính, khuynh hướng tình dục, phân loại giới tính, bản dạng giới (gender identity), và những điều tương tự trong luật dân quyền của California.
Cụ thể, dự luật của bà Melendez sẽ khiến việc “từ chối thuê hay tuyển dụng… hay ngăn cản hay sa thải” một nhóm người “… hoặc phân biệt đối xử với một cá nhân trong việc bồi thường, hoặc trong điều khoản, điều kiện hoặc đặc quyền tuyển dụng” vì “khuynh hướng chính trị” của họ, là “hành vi tuyển dụng bất hợp pháp”.
Dự luật này cũng sẽ cấm các ngân hàng phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng chính trị. Điều này quan trọng vì một số ngân hàng đã bắt đầu từ chối cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp súng. Dự luật cũng sẽ ngăn chặn “bất kỳ chủ sở hữu bất động sản nào quấy rối, trục xuất, hay phân biệt đối xử đối với bất kỳ cá nhân nào trong việc bán hoặc cho thuê bất động sản” dựa vào khuynh hướng chính trị.
Bà cũng đề nghị bảo vệ khuynh hướng chính trị trong lĩnh vực giáo dục; điều này sẽ cấp thêm nghị lực cho một số lãnh đạo các trường đại học vốn bị ép buộc một cách hèn nhát phải sa thải những giáo sư có tư tưởng bảo thủ (SB 249).
Bà Melendez cho biết mục đích của những dự luật của bà là để bảo đảm rằng “người dân California được hỗ trợ về quyền được đối thoại cởi mở và có tư tưởng đa dạng.” Thật là một ý tưởng cấp tiến!
Phản ứng dữ dội chống lại dự luật của bà Melendez chứng tỏ sự cần thiết của nó.
“Quan điểm phân biệt chủng tộc, ủng hộ khủng bố trong nước, bài ngoại, lệch lạc của bà không xứng đáng được bảo vệ ‘khỏi sự phân biệt đối xử,’” Đảng viên Dân Chủ Lorena Gonzales (Dân Chủ–San Diego) đã phản ứng một cách dữ dội trên Twitter. “Lựa chọn thù địch và tích cực theo đuổi sự thù địch khiến bà không thể trở thành một phần của những người cần được bảo vệ.”
Ồ, tấm lòng rộng mở và sự khoan dung tha thứ của người dân Hoa Kỳ đương đại hướng tới sự đa dạng về tư tưởng!
Vì California bị những người cấp tiến như bà Gonzales kiểm soát về mặt chính trị, nên triển vọng về việc dự luật của bà Melendez được thông qua có vẻ mịt mờ. Nhưng không nói trước được điều gì. Trớ trêu thay, thủ phủ của văn hóa tẩy chay – Seattle – đã ban hành một sắc lệnh cấp thành phố trong đó có việc bảo vệ chống lại hành vi phân biệt đối xử dựa vào “hệ tư tưởng chính trị” cùng với những danh mục khác.
Theo đó, luật này định nghĩa thuật ngữ: “‘Hệ tư tưởng chính trị’ có nghĩa là bất kỳ ý kiến hay niềm tin nào, hay sự phối hợp tổng thể của các ý kiến và niềm tin, liên quan đến mục đích, hành vi, tổ chức, chức năng hoặc cơ sở của chính quyền và các tổ chức và hoạt động liên quan, có hoặc không mang đặc thù của đảng phái hay tổ chức chính trị nào. Thuật ngữ này bao gồm cả tư cách thành viên trong một đảng phái hay tổ chức chính trị và bao gồm các hoạt động, liên quan một cách hợp lý đến hệ tư tưởng chính trị, mà không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.”
Đảng Cộng Hoà được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử ở Seattle! Một khái niệm thật là mới!
Theo ông John G. West, đồng nghiệp của tôi ở Viện Khám phá, sắc lệnh của Seattle bao trùm khá rộng, bao gồm cả những thiệt hại do “sự sỉ nhục” và các dạng thức đau khổ và đau đớn khác. (Sắc lệnh khá bao trùm, ông West khẳng định, nó cho phép Parler – một nền tảng mạng xã hội có khuynh hướng “bảo thủ” đã bị dừng hoạt động trên mạng Internet của Amazon – có thể khởi kiện vì bị phân biệt đối xử theo sắc lệnh ở Seattle nếu “các hành động của Amazon chống lại Parler liên quan phần nào đến định hướng chính trị của Parler.”
Đối với những người cho rằng việc bảo vệ các quyền dân sự như vậy là không cần thiết, tôi có thể trả lời, “Tôi mong là vậy.” Đáng buồn thay, câu hỏi đáng sợ giờ đây lại là, “Quý vị có phải hay đã từng là người có tư tưởng bảo thủ không?”
Chúng ta hãy hy vọng ý tưởng bổ sung hệ tư tưởng và liên kết chính trị vào danh mục cần được bảo vệ trong các luật về quyền dân sự ở địa phương, tiểu bang, và liên bang sẽ ngày càng nở rộ trên khắp cả nước và ở cấp liên bang. Đó có thể là cách duy nhất để ngăn chặn làn sóng không chấp nhận quan điểm chính trị khác biệt, và giữ cho Hoa Kỳ là một xã hội cam kết hành động và theo tinh thần “Một quốc gia của nhiều dân tộc (E Pluribus Unum).”
Ông Wesley J. Smith là nhà văn đạt được giải thưởng, và là chủ tịch của Trung tâm Khả năng Xuất chúng của Con người thuộc Viện Khám phá.
Góc nhìn được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của The Epoch Times.