ID kỹ thuật số lan rộng toàn cầu
Nicole James
ID kỹ thuật số (Digital ID) ở Úc sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/12/2024.
Trong khi đó, chưa hài lòng với khoản đầu tư của mình vào y tế toàn cầu, Quỹ Bill & Melinda Gates đã đầu tư số tiền kếch xù 1.27 tỷ AUD (tương đương 840 triệu USD) vào ID kỹ thuật số.
Số tiền đầu tư mới nhất này bao gồm khoản tiền hậu hĩnh 200 triệu AUD (132 triệu USD) dành riêng cho cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số – sử dụng các ID kỹ thuật số, cơ sở dữ liệu ghi danh dân sự, và nhiều thứ lặt vặt khác.
Thông báo này đã được đính kèm vào báo cáo thường niên lần thứ sáu “Goalkeepers Report,” một cuốn sách nhỏ, trong đó nói rằng tất cả chúng ta đều sẽ phải chịu chung số phận diệt vong trừ khi chúng ta cố gắng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc vào năm 2030.
Nhận dạng danh tính kỹ thuật số toàn cầu đến năm 2030
Một trong những mục tiêu này, SDG 16.9, là đặc biệt táo bạo:Dân số toàn cầu sẽ được phổ quát danh tính kỹ thuật số hợp pháp vào năm 2030, bao gồm cả giấy khai sinh.
Ý tưởng là gì vậy? Chính là loại bỏ các hệ thống tương tự cũ kỹ dành cho việc ghi danh hàng tỷ người không có giấy tờ tùy thân. Thay vào đó, chúng ta hãy đón nhận số hoá – bởi vì rõ ràng, các hệ thống cũ hoàn toàn vô dụng.
Quỹ Gates không chỉ đơn thuần vung tiền một cách bừa bãi.
Họ đang hậu thuẫn cho MOSIP, nền tảng danh tính kỹ thuật số mã nguồn mở mới nhất. Và trở lại năm 2019, báo cáo dữ liệu Goalkeepers Data Report về họ đều đề cập đến sinh trắc học như là cứu tinh cho việc phân bổ tài nguyên công bằng ở các quốc gia đang phát triển.
ID kỹ thuật số ở Iceland
Hãy ghé qua Iceland, nơi ông Leon Hill, một người Úc di cư, đăng tweet về thế giới thần kỳ của danh tính kỹ thuật số. Mọi thứ ở đó từ ngân hàng đến hồ sơ y tế của quý vị đều được liên kết với danh tính kỹ thuật số.
Không có danh tính kỹ thuật số ư? Hãy quên đi những thứ cơ bản như điện, điện thoại, hoặc thậm chí là mua nhà.
Và nếu quý vị quan tâm đến quyền riêng tư thì thật không may – mọi thứ đều công khai, từ địa chỉ cho đến biển số xe của quý vị.
Tuy nhiên, ông Hill gợi ý rằng hộ chiếu kép hoặc trở thành công dân điện tử ở Estonia hoặc Palau có thể giúp quý vị né tránh một số hạn chế kỹ thuật số này.
Thị thực du cư kỹ thuật số ở Estonia?
Nhưng quý vị đừng nghĩ rằng một Thị thực Du cư Kỹ thuật số (Digital Nomad Visa) ở Estonia hoặc Palau sẽ trao cho quý vị chiếc chìa khóa vào vương quốc này. Đây không phải là quốc tịch, mà chỉ là thời gian lưu lạ dài hạn trong thế giới kỹ thuật số.
Estonia, nơi thủ tướng nước này đang nhắm tới việc chia rẽ Liên bang Nga, có lẽ không phải là lựa chọn hàng đầu của quý vị cho nơi ẩn náu ấm cúng.
Và quý vị nhớ vụ bê bối Ngân hàng Danske chứ? Đúng vậy, lại là Estonia – nơi mà ngành ngân hàng của họ mất uy tín còn nhanh hơn việc quý vị có thể nói “rửa tiền”.
Vậy, liệu chúng ta có cảm thấy an toàn khi gửi gắm đồng tiền của mình vào một quốc gia từng bị đặt dấu chấm hỏi về sự liêm chính tài chính không?
Còn Palau thì sao? Hãy từ từ – giấy phép lưu trú điện tử (e-residency) ở Palau thực ra không cho phép quý vị cư trú ở đó, nên không có chuyện quý vị có thể đặt chân lên bãi biển của họ.
Và liệu quý vị có tin tưởng giao số tiền khó kiếm được của mình cho các ngân hàng ở một nơi mà ngay cả Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Palau cũng bị Ủy ban Tổ chức Tài chính từ chối không?
Không có giấy phép, không có sự an tâm – có vẻ hơi đáng ngờ, phải không?
Đóng băng trương mục của tài xế xe tải Canada
Hiện tại, chính phủ Úc, với những chiếc vòi bạch tuộc lan rộng thông qua nhiều hiệp định thuế và đầu tư quốc tế, có thể theo dõi thông tin trương mục tài chính của quý vị ở những nơi xa xôi như Estonia và Palau, nếu họ muốn.
Điều gì ngăn họ đóng băng tài sản của quý vị nếu quý vị dám bất đồng ý kiến?
Quý vị còn nhớ vụ Canada đóng băng trương mục ngân hàng của các tài xế xe tải tham gia cuộc biểu tình chứ?
Nếu các chính phủ hợp tác với nhau thì trương mục ngân hàng của quý vị cũng có thể bị đóng băng.
Chuyển đến Hy Lạp nắng ấm?
Quý vị đang nghĩ đến việc mua một biệt thự ở Hy Lạp để lấy thị thực cư trú ư?
Đây là cơ hội giá rẻ để có thể được cư trú – ít nhất là cho đến tháng Tám này khi giá nhà tăng từ €250,000 (271,703 USD) lên đến €400,000 (434,000 USD).
Nhưng ngay cả ở Hy Lạp nắng ấm, quý vị cũng sẽ phải “hòa theo điệu nhạc” kỹ thuật số của họ, bao gồm kiểm tra nhận dạng sinh trắc học, chỉ để hưởng thụ một chút trong thiên đường này.
Trở lại Úc, họ nói rằng danh tính kỹ thuật số sẽ không bắt buộc. Nhưng trước đây chúng ta chưa từng nghe “điệu nhạc” như vậy hay sao?
Như Thẩm phán Michael Kirby từng nhận định trong thời chính phủ Hawke khi họ thử nghiệm với thẻ căn cước Úc (Australia Card) vào những năm 1980 rằng, “Một khi hệ thống thẻ nhận dạng danh tính được thiết lập, sẽ tồn tại nguy cơ rằng cơ sở dữ liệu này sẽ được tăng cường mở rộng, và ngày càng nhiều quan chức sẽ tìm cách truy cập vào cơ sở dữ liệu này dưới danh nghĩa [để quản trị] hiệu quả.”
Vậy, quý vị có thể chọn không tham gia không?
Chà, biết đâu có một góc nào đó ở Slovakia mà Anh Cả (Big Brother) chưa để mắt tới.
Đối với những ai trong chúng ta ủng hộ tự do ngôn luận và quyền truy cập không bị hạn chế vào kho thông tin của chính mình, có lẽ đã đến lúc thuyết phục ông Elon Musk mở một ngân hàng. Tôi sẽ tin tưởng giao tiền tiết kiệm của mình ở đó, còn quý vị dám không?
Nicole James là ký giả tự do của The Epoch Times có trụ sở tại Úc. Cô là nhà văn viết truyện ngắn, ký giả, nhà bình luận, và biên tập viên từng được trao giải thưởng. Tác phẩm của cô đã xuất hiện trên các tờ báo bao gồm The Sydney Morning Herald, Sun-Herald, The Australian, Sunday Times, và Sunday Telegraph.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.