IMF cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu
BRYAN JUNG
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023, cảnh báo về một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn trong năm tới.
IMF đã hạ ước tính tăng trưởng toàn cầu trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới hôm 11/10 xuống 2.7%, giảm so với mức 2.9% hồi tháng Bảy.
Báo cáo này cho biết “nền kinh tế toàn cầu ngày càng giảm tốc,” gọi đây là “mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2001,” bên cạnh cuộc Đại Suy thoái và đại dịch.
Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho biết: “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái.”
Ước tính GDP của IMF cho năm 2022 vẫn ổn định ở mức 3.2%, giảm so với mức tăng trưởng 6% trong năm 2021.
Ước tính này được đưa ra sau những dự đoán thảm khốc tương tự từ Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, và nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp thế giới.
IMF đã đăng trên twitter: “Kinh tế toàn cầu ngày càng giảm tốc do lạm phát cao hơn dự kiến, kinh tế Trung Quốc suy yếu nhanh hơn dự kiến do sự bùng phát COVID-19 và các cuộc phong tỏa, cũng như tác động của cuộc chiến của Nga ở Ukraine,” là những lý do chính của cuộc khủng hoảng kinh tế đang sắp xảy ra.
Suy thoái kinh tế toàn cầu?
Theo báo cáo, hơn một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến hai quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm tới; điều này “sẽ giống như một cuộc suy thoái.”
Báo cáo lưu ý: “Sự tái sắp xếp địa chính trị của các nguồn cung cấp năng lượng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga là rộng khắp và lâu dài.”
Giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn gấp 4 lần kể từ năm 2021, do Nga cung cấp ít hơn 20% so với các mức của năm 2021.
Giá lương thực cũng bị đẩy lên do xung đột. IMF lưu ý rằng chiến tranh có khả năng “gây bất ổn mạnh mẽ cho nền kinh tế toàn cầu” cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở Âu Châu.
Bốn nền kinh tế khu vực lớn nhất thế giới – Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Trung Quốc Cộng sản, và Nhật Bản – sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại, do các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng lãi suất để chống lại lạm phát kỷ lục.
IMF đã hạ mức tăng trưởng ở Hoa Kỳ xuống 1.6% trong năm nay, giảm so với dự báo hồi tháng Bảy ở mức 2.3%, do giá khí đốt trên toàn quốc gia này bắt đầu tăng trở lại.
Theo dự kiến, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng nhẹ ở mức 1% vào năm 2023.
Theo IMF, EU đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt tự nhiên, do chiến tranh ở Ukraine, nên sẽ chỉ tăng 0.5% vào năm 2023.
IMF cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng đang đè nặng lên Âu Châu, “không phải là biến động nhất thời” và “mùa đông năm 2022 sẽ là thách thức cho Âu Châu, nhưng mùa đông năm 2023 có thể sẽ còn tồi tệ hơn.”
Trung Quốc – quốc gia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở và sự tái áp dụng các lệnh phong tỏa đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh – sẽ giảm mức tăng trưởng xuống còn 3.2% vào năm 2022, từ mức 8.1% của năm ngoái.
Cơ quan tài chính của UN dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ở mức 4.4% trong năm tới, gần bằng một nửa của năm 2021.
Theo IMF, dự báo tăng trưởng của Nhật Bản cho năm 2022 vẫn giữ nguyên ở mức 1.7%.
Tăng trưởng cho năm 2023 đã giảm xuống còn 1.6%, do giá năng lượng nhập cảng tăng và lượng tiêu thụ ít hơn khi lạm phát vượt tốc độ tăng lương.
Các ngân hàng trung ương và lãi suất
Cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc này đã lưu ý việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn thế giới để chống lạm phát và “sự tăng giá mạnh mẽ” của đồng dollar so với các đồng tiền khác.
Lãi suất chuẩn cao hơn của Hoa Kỳ đã thu hút đầu tư ra khỏi các quốc gia khác và làm mạnh giá trị của đồng USD.
Cục Dự trữ Liên bang đã mạnh tay ngăn chặn tình trạng lạm phát cao trong lịch sử ở Hoa Kỳ, với các đợt tăng lãi suất tích cực kể từ hồi tháng Ba năm nay.
Việc tăng mạnh lãi suất đã làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Lãi suất tăng cũng khiến các mặt hàng xuất cảng của Mỹ như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng trở nên đắt đỏ hơn, dẫn đến áp lực lạm phát cao hơn.
Ông Maurice Obsfeld – cựu kinh tế trưởng IMF và hiện là giáo sư tại Đại học California, Berkeley – nói với AP rằng một Fed quá tích cực có thể “đẩy nền kinh tế thế giới vào một sự suy giảm mạnh không cần thiết.”
Các quốc gia khác trên thế giới đã buộc phải tăng lãi suất của chính họ để đáp trả trong khi tạo gánh nặng cho nền kinh tế của họ với chi phí đi vay cao hơn.
Ngân hàng Trung ương Âu Châu đã bắt đầu nâng lãi suất chính sách của mình lên mức dương lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh đã mở rộng các biện pháp mua trái phiếu trong tuần này để ngăn chặn sự bất ổn trong nền kinh tế Anh và sự gia tăng không mong muốn của lãi suất trái phiếu.
IMF đã báo cáo rằng lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm 2022 ở mức 8.8% và nó sẽ “tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn dự kiến trước đây.”
Theo dự đoán, lạm phát toàn cầu sau đó sẽ giảm xuống 6.5% vào năm 2023 và 4.1% vào năm 2024.
IMF cho rằng việc “thắt chặt tiền tệ tích cực và áp đảo ở giai đoạn đầu” là cần thiết, nhưng một cuộc suy thoái “lớn” không phải là “không thể tránh khỏi”, do thị trường lao động thắt chặt [ít nhân viên, nhiều vị trí cần tuyển] ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Họ cũng nói rằng “chính sách tài khóa không nên hoạt động theo các mục đích chéo cùng với nỗ lực của các cơ quan tiền tệ để dập tắt lạm phát” khi chỉ trích gay gắt một loạt đề nghị cắt giảm thuế thất bại của Thủ tướng Anh Liz Truss.
IMF đã đề nghị vào tháng trước, rằng bà Truss nên “đánh giá lại” các kế hoạch tài khóa của chính phủ của bà.
Sự bất ổn sắp diễn ra ở các nền kinh tế mới nổi
Ông Tobias Adrian, giám đốc bộ phận tiền tệ và vốn của IMF cho biết trong cuộc họp báo hôm 11/10, “Rủi ro về ổn định tài chính toàn cầu đã tăng lên cùng với cán cân rủi ro nghiêng về phía suy giảm. Các thị trường đã và đang vô cùng biến động.”
Ông lưu ý rằng “20 quốc gia đang trong tình trạng vỡ nợ hoặc giao dịch ở mức căng thẳng” và điều kiện thị trường toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn đáng kể ở các nền kinh tế nghèo hơn.
Ông Adrian cho biết chỉ 29% ngân hàng ở các thị trường mới nổi có khả năng đạt được yêu cầu vốn tối thiểu, theo các cuộc kiểm tra mức độ căng thẳng toàn cầu của IMF đối với các tổ chức dịch vụ tài chính.