Khan hiếm vi mạch bán dẫn lộ rõ nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ
Sự thiếu hụt liên tục chất bán dẫn toàn cầu làm nổi bật sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào một chuỗi cung ứng sản xuất vi mạch bán dẫn toàn cầu mỏng manh đang tập trung ở Á Châu.
Trong bối cảnh đó, lập trường ngày càng hiếu chiến của Trung Cộng đối với Đài Loan—cùng với hoạt động đầu tư lớn của họ vào mảng sản xuất vi mạch bán dẫn—là một rủi ro chính đối với sự an toàn nguồn cung vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ.
Tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn máy điện toán toàn cầu ngày càng trầm trọng đã làm đình trệ nhiều ngành công nghiệp và làm thiệt hại đến ví tiền của người tiêu dùng.
Trong khi một số hãng xe hơi Hoa Kỳ đã bị gián đoạn sản xuất vào cuối năm 2020 do thiếu vi mạch bán dẫn; gần đây, họ đã khôi phục lại và bỏ qua một số tính năng “thông minh” cần phải có những vi mạch bán dẫn đó. Hiệu ứng domino là nguồn cung xe hơi mới giảm đi, khiến giá xe tăng. Tập đoàn Sony của Nhật Bản gần đây đã đổ lỗi việc cung cấp chậm trễ máy chơi game PlayStation 5 là do sản xuất đình trệ vì thiếu các vi mạch bán dẫn.
Hạn chế về nguồn cung đã ảnh hưởng đến các thiết bị gia dụng khác—tất cả đều làm tăng giá tiêu dùng—do sự khan hiếm vi mạch bán dẫn.
Có nhiều yếu tố dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung chip mà nguyên nhân chính là do việc đại dịch virus Trung Cộng.
Điều này gây áp lực lên chiến lược đưa việc sản xuất vi mạch bán dẫn ra ngoại quốc của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là quê hương của một số công ty bán dẫn như Intel, AMD, Qualcomm, và Nvidia, các nhà thiết kế vi mạch bán dẫn này đã đưa việc sản xuất thực sự cho các công ty chế tạo hoặc các công xưởng sản xuất ở Á Châu.
Hiệp hội Công Nghệ Bán dẫn có trụ sở tại Hoa Kỳ ước tính rằng chỉ có 12% sản lượng toàn cầu là nằm ở Hoa Kỳ vào cuối năm 2020, so với gần 40% vào năm 1990.
Giống như hầu hết các sản phẩm được đưa ra ngoại quốc sản xuất khác, các vi mạch bán dẫn máy điện toán được sản xuất ở Á Châu rẻ hơn. Nhưng không giống như các quy trình sản xuất khác, việc sản xuất [vi mạch bán dẫn] không thể di chuyển một cách dễ dàng. Đó là một quá trình vô cùng phức tạp và cần hàng chục tỷ dollar đầu tư trước đó.
Điều này cũng giải thích lý do tại sao công ty sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất thế giới, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), có một vai trò quan trọng như vậy, và tại sao Trung Cộng—và gần đây nhất là Hoa Kỳ—đã đầu tư mạnh mẽ cho năng lực sản xuất vi mạch bán dẫn.
Hôm 13/04/2021, nhà phân tích công nghệ Sebastian Hou của CLSA có trụ sở tại Hồng Kông nói với CNBC rằng các công ty công nghệ của Hoa Kỳ như Apple, Google, AMD, và Amazon phụ thuộc vào các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Đài Loan để sản xuất tới 90% các vi mạch bán dẫn của họ.
Sự phụ thuộc về hạ tầng quan trọng vào một quốc gia như vậy thật đáng ngạc nhiên. Trung Cộng thấy rõ điểm yếu đó.
Trung Cộng đang bằng mọi cách để đạt được sự độc lập về chất bán dẫn sớm nhất có thể. Điều này phục vụ hai mục tiêu. Một là nhằm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các công ty Trung Quốc bị nghi ngờ có các liên kết quân sự như Huawei. Hai là giành thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh công nghệ đang diễn ra giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ; có một nguồn cung cấp vi mạch bán dẫn chất lượng trong nước sẽ bảo đảm việc tiếp tục đưa được các sản phẩm ra thị trường toàn cầu; trong khi tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn làm tê liệt sự cạnh tranh với các sản phẩm ngoại quốc.
Gần đây, Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh đã thành lập một trường cao đẳng chuyên đào tạo các kỹ sư vi mạch bán dẫn máy điện toán. Bất chấp các khoản đầu tư được chính phủ hậu thuẫn vào các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn, Trung Cộng vẫn thiếu nhân viên đủ năng lực để vận hành các công ty này.
Để lấp đầy khoảng trống về nhân tài, Trung Quốc đã thu hút các nhân sự trong ngành bán dẫn từ Đài Loan. Theo South China Morning Post, năm ngoái, công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) có trụ sở tại Thượng Hải, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất ở Trung Quốc, đã tăng hơn 4 lần mức lương cho ông Liang Mong-song, CEO người Đài Loan. SMIC, một nhà cung cấp chính của Huawei, đã bị chính phủ thời cựu Tổng thống (TT) Trump đưa vào danh sách đen hồi tháng 12/2020.
Việc chảy máu chất xám ngành bán dẫn từ Đài Loan sang Trung Quốc đang gián tiếp gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Điều đó đe dọa khả năng chế tạo của Đài Loan và có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất của nó.
Bộ Lao động Đài Loan gần đây đã ra lệnh cho các trang tuyển dụng trực tuyến của nước này loại bỏ tất cả các danh sách do các nhà tuyển dụng Trung Quốc tải lên, để ngăn chặn dòng chảy nhân tài ngành bán dẫn sang Trung Quốc đại lục.
Theo một báo cáo ngày 1/5/2021 của Taipei Times Anh ngữ, “Thông báo của Bộ cho biết sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bất lợi bởi cuộc chiến công nghệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, vì vậy Bắc Kinh đã dùng đến việc đánh cắp công nghệ và săn trộm nhân tài từ Đài Loan để xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn của riêng mình.”
TSMC, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất Đài Loan và là nhà sản xuất theo hợp đồng lớn của Hoa Kỳ, cũng có rủi ro tập trung ở trong nước. Bloomberg cho biết rằng hơn 94% năng lực sản xuất của TSMC được đặt tại ba cơ sở trong bán kính 100 dặm ở miền trung của Đài Loan.
Thật nguy hiểm cho Hoa Kỳ nếu an ninh của Đài Loan bị đe dọa. Trong những năm nay, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã đẩy mạnh các động thái đe dọa xâm lược Đài Loan. Luận điệu này tương hợp với việc Trung Quốc đã điều động ngày càng nhiều chiến đấu cơ của Quân đội Giải phóng Nhân dân đến không phận Đài Loan gần đây.
Nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan thành công hoặc phá hủy các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn khổng lồ tập trung trong bán kính 100 dặm đó, thì phần lớn chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn máy điện toán của Hoa Kỳ sẽ gặp rủi ro ngay lập tức. Đó không phải là một vị thế thuận lợi cho Hoa Kỳ.
Trong đề nghị đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2 ngàn tỷ USD của chính phủ TT Biden, có tới 50 tỷ USD được dành cho các ưu đãi sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước. Trong khi các nhà phê bình chỉ ra sự lãng phí ở một số phần của kế hoạch, người ta chắc chắn có thể lập luận rằng 50 tỷ USD được phân bổ cho sản xuất vi mạch bán dẫn là không đủ.
Vào tháng 03/2021, Tập đoàn Intel—một trong những nhà sản xuất vi mạch bán dẫn tích hợp lớn nhất trên thế giới và đang mất dần vị thế trước các nhà sản xuất Á Châu—đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 20 tỷ USD cho hai cơ sở mới ở Arizona. Vài ngày sau, TSMC công bố kế hoạch 100 tỷ USD trong vòng 3 năm để đầu tư vào cơ sở sản xuất, dự kiến sẽ bao gồm cả việc mở rộng quy mô tại Hoa Kỳ. Samsung của Nam Hàn trước đó đã cam kết hơn 100 tỷ USD trong một thập kỷ để khuếch trương hoạt động sản xuất.
Ông Hou từ CLSA nói với CNBC rằng đây sẽ là một “hành trình dài và đầy thử thách để họ phân bố các xưởng sản xuất ra khỏi Đài Loan, và nghĩ xem bao lâu mới có thể phát triển vi mạch bán dẫn và phối hợp; sẽ mất một khoảng thời gian.”
Vì lợi ích của lĩnh vực công nghệ Hoa Kỳ, các nỗ lực đa dạng hóa nên bắt đầu càng sớm càng tốt.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.