Khảo sát: Các nhà điều hành công ty Hoa Kỳ đặt đất nước lên hàng đầu
Một đại dịch toàn cầu, các xáo động về chuỗi cung ứng, và sự leo thang căng thẳng địa chính trị đã nâng cao tầm quan trọng của an ninh quốc gia trong nhận thức của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Một cuộc khảo sát mới cho thấy các giám đốc công ty Hoa Kỳ đặt đất nước lên hàng đầu, trên cổ đông và khách hàng.
Thời kỳ mà các công ty chỉ chú trọng vào việc tạo ra giá trị lâu dài cho các cổ đông dường như sắp kết thúc. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang chuyển trọng tâm từ ‘giá trị cổ đông’ sang mô hình ‘nhóm hưởng lợi liên quan’ (stakeholder). Và đối với nhiều công ty đa quốc gia, ‘đất nước quê hương’ đang nổi lên như một xu hướng mới trong các nhóm có liên quan này.
Theo một cuộc khảo sát mới của công ty quan hệ công chúng toàn cầu Weber Shandwick, 58% các nhà điều hành công ty đa quốc gia khắp thế giới nói rằng đất nước quê hương của họ là những bên liên quan “rất” quan trọng. Và 56% trong số họ đánh giá an ninh quốc gia là một yếu tố “rất” quan trọng khi đưa ra các quyết định kinh doanh chủ yếu.
Bà Michelle Giuda, phó chủ tịch điều hành của Weber Shandwick cho biết, “Đất nước quê hương không còn là một bên liên quan bất thành văn nữa.”
“Khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thiết lập lại các chiến lược của họ cho một kỷ nguyên địa chính trị mới và hậu COVID, họ đang xem xét cách họ cung cấp và truyền đạt giá trị cho các bên liên quan ở đất nước quê hương. Các nhà điều hành đang nói rằng trách nhiệm của công ty bao gồm trách nhiệm quốc gia, và các nhà lãnh đạo phải lập kế hoạch cho phù hợp.”
Cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 1,200 tổng giám đốc (CEO) và chủ tịch công ty của các công ty đa quốc gia lớn hàng đầu có trụ sở tại 12 quốc gia từ ngày 18/02 đến ngày 05/04.
Ở phần lớn các quốc gia được khảo sát, các giám đốc điều hành đã xếp đất nước quê hương vào top 3 các bên liên quan “rất” quan trọng. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ và Canada, tầm quan trọng của đất nước quê hương cao hơn nhiều.
Các nhà điều hành Hoa Kỳ đánh giá quê hương là nhóm liên quan số một, tiếp theo là các cổ đông, khách hàng, đối tác, và người lao động. Gần 70% nhà điều hành Hoa Kỳ tin rằng đất nước quê hương là một bên liên quan rất quan trọng.
Tại phần lớn các quốc gia được khảo sát, bao gồm Đức, Nhật Bản, và Anh Quốc, các nhà điều hành đánh giá khách hàng là bên liên quan hàng đầu.
Theo báo cáo khảo sát, số lượng các công ty suy tính đến lợi ích quốc gia của quê hương đã tăng lên trong 5 năm qua. Và 83% công ty khắp thế giới nói rằng “an ninh quốc gia hoặc lợi ích kinh tế của đất nước nên được xếp hạng trước lợi nhuận.”
Một nhà điều hành của một công ty viễn thông và công nghệ Hoa Kỳ nói với Weber Shandwick rằng các công ty “nên luôn đặt lợi ích của người dân và khách hàng lên trên lợi nhuận và lợi ích kinh doanh.”
Kết quả khảo sát cho thấy tâm lý lạnh nhạt với ‘toàn cầu hóa’, vốn đã định hình nền kinh tế thế giới trong vài thập kỷ qua. Với đại dịch, việc rút lui khỏi toàn cầu hóa đã ngày càng mạnh, buộc các chính phủ và công ty phải tái tập trung vào lợi ích quốc gia và an ninh kinh tế. Hoa Thịnh Đốn hiện đang thực hiện các chính sách để đưa ngành sản xuất trở lại.
Ông Michael O’Sullivan, tác giả cuốn sách “The Leveling: What’s Next After Globalization” (“San Bằng: Điều Gì Sẽ Đến Sau Toàn Cầu Hóa) nói với The Epoch Times rằng, “Không có gì ngạc nhiên khi nâng [tầm quan trọng của] an ninh quốc gia lên thành bên liên quan của một doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh diễn ra các cuộc tấn công mạng, chiến tranh thương mại, và căng thẳng giữa các cường quốc.”
“Điều này cũng cho thấy rằng toàn cầu hóa thương mại tự do đang ở phía sau chúng ta, và đầu tư ra ngoại quốc cũng như các mối quan hệ đối tác doanh nghiệp giờ đây sẽ có thêm một bộ lọc địa chính trị.”
Theo cuộc khảo sát, 97% nhà điều hành Hoa Kỳ nói rằng việc gắn kết các quyết định kinh doanh với các giá trị của Hoa Kỳ là “rất quan trọng” hoặc “hơi quan trọng”. Trong những tháng gần đây, áp lực đã đè nặng lên các thương hiệu Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các giá trị của họ, đặc biệt là khi liên quan đến các vụ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Ngoài ra, 87% nhà điều hành trên toàn cầu cho biết họ cảm thấy phải đứng lên nhận trách nhiệm về các vấn đề địa chính trị, và 55% trong số họ cảnh báo rằng ban giám đốc công ty của họ chưa chuẩn bị tốt để ứng phó với các rủi ro địa chính trị.
Bà Giuda cho biết, “Cuộc thi giành quyền tối cao và chủ quyền kinh tế quốc gia trong thế kỷ 21 này đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào các chiến tuyến địa chính trị hơn bao giờ hết.”
Cô Emel Akan là ký giả về chính sách kinh tế của Tòa Bạch ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, cô làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là nhân viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là nhà tư vấn tại PwC.