Khi nào thì chứng sợ ông Trump mới kết thúc?
ROGER KIMBALL
Những đối thủ của ông Trump chỉ đơn giản là không bao giờ bỏ cuộc.
Trong bốn năm, họ đã khiến đất nước, và cả ông Donald Trump, phải chịu đựng ảo tưởng phi lý về “Vụ Thông Đồng Với Nga”.
Giờ thì chúng ta đã biết rằng vở kịch cường điệu nặng mùi do nhóm nhỏ những người thuộc phe chống ông Trump chắp vá lại hoàn toàn là bịa đặt.
Có những thám tử trong chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton đã dàn dựng và trả tiền cho cái gọi là “hồ sơ” – thực chất là một đống những lời nói dối, bịa đặt, và những lời bóng gió vô căn cứ – do đặc vụ tai tiếng Christopher Steele buông ra.
Tôi đã đề cập đến việc thật ra chiến dịch của bà Hillary đã trả tiền cho thứ rác rưởi này, “nghiên cứu” phe đối lập đã ngấm ngầm len lỏi vào luồng tin tức như một tiết lộ tai hại chưa nhỉ?
Rồi thì nhiều đặc vụ ở FBI và “cộng đồng tình báo” – một cụm từ mà người ta sẽ không bao giờ có thể cảm thấy đúng đắn khi nghe được nữa.
Quý vị có còn nhớ ông James Comey, [tác giả của cuốn sách ướt át] “Lòng Trung Thành Cao Hơn” (Higher Loyalty), cựu giám đốc bị thất thế của FBI không?
Ông ấy đã rò rỉ tài liệu cho giới báo chí, và thừa nhận rằng bà Hillary đã điều hành Bộ Ngoại giao từ một máy chủ không an toàn trong tư gia của bà nơi lưu trữ hàng ngàn thư điện tử mật, và là người, khi bị gửi trát yêu cầu giao nộp những thư điện tử đó, chỉ đơn giản là đã xóa 30,000 thư điện tử đó bằng ứng dụng BleachBit rồi thách thức ông ấy hãy làm gì đó về điều này.
Ông ấy đã không làm gì cả, dĩ nhiên rồi. Ông ấy đã nói, “Không có công tố viên hợp lý nào” sẽ theo đuổi vụ việc này.
Kế đến là ông Robert Mueller xiêu vẹo, cựu giám đốc FBI, người đứng đầu “cuộc điều tra” lãng phí hai năm và 40 triệu USD.
Cuối cùng, khi đã đến lúc ông phải làm chứng trước Quốc hội, ông đã bắt chước hoàn hảo ông Joe Biden, theo kiểu “Tôi-là-một-công-cụ-lão-suy-mất-kết-nối-với-thực-tế.”
Khi được hỏi về Fusion GPS, công ty chuyên khai thác thông tin dơ bẩn, bôi nhọ thanh danh đã thuê ông Christopher Steele, ông Mueller cho biết ông ấy “không biết” điều đó.
Khả năng đáng sợ ở đây là gì? Ông ấy thật sự không biết, mặc dù ông ấy đã tiến hành một cuộc điều tra gần hai năm, vốn đã trưng tên của công ty này lên giới truyền thông mỗi ngày.
Phải rồi, đất nước này đang được quản lý tốt hơn bao giờ hết mà.
Toàn bộ cảnh tượng lừa đảo này giống như một củ hành tây khổng lồ, hết lớp này đến lớp khác đều là những điệu bộ khoác lác, lếu láo xuyên tạc được bóc tách và phô ra như thể đó là tin tức.
Quý vị còn nhớ ông Carter Page chứ? Đã có lúc ông ấy là cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông trước đó đã bị The New York Times gán cho là cội nguồn của những hành vi sai trái.
Quý vị thấy đó, các đặc vụ liên bang cũng truy đuổi ông ấy. Trước đây ông ấy là một con thú hiếm, một công dân Hoa Kỳ bị giám sát dưới tấm khiên che chở của một trát điều tra FISA.
Chẳng phải những chàng đó định săn bắt gián điệp ngoại quốc sao?
Đúng vậy, nhưng quý vị biết người ta thường nói gì về những ý định tốt đẹp mà.
Ngoài ra, đó chỉ là sản phẩm nhanh của ông Kevin Clinesmith, một luật sư FBI, khi thay đổi một thư điện tử để xác nhận ông Page là một người bị CIA theo dõi.
Ông ấy chỉ cần thêm một từ nhỏ “không” vào văn bản đó, và một lệnh FISA chấp thuận cho việc theo dõi ông Page đã được tạo ra, và úm ba la, một cửa hậu bí mật để tiếp cận chiến dịch của ông Trump đã được mở ra.
Hãy suy ngẫm về điều đó: ông Clinesmith đã ngụy tạo một tài liệu chính phủ để điều động bộ máy giám sát của chính phủ Hoa Kỳ chống lại một ứng cử viên cho chức tổng thống mà ông ấy không ưa.
Quý vị đừng cố gắng thử làm điều này ở nhà nhé.
Vậy ông Clinesmith có bị gì không? Không.
Ừ thì ông ấy đã bị quản chế, bị tạm đình chỉ hành nghề luật sư, nhưng đã được phục chức một cách lặng lẽ vào năm ngoái.
Thật tốt khi là một thành viên của giới lãnh đạo đầy quyền uy.
Và cuộc truy lùng tiếp tục.
Chúng ta càng biết nhiều hơn về cuộc đột kích của FBI vào Mar-a-Lago, dinh thự của ông Trump hồi tháng trước, thì nó càng có vẻ phi lý hơn.
Đầu tiên, chúng ta được cho hay rằng ông Trump đang nắm trong tay các bí mật về vũ khí hạt nhân, chìa khóa vào kho báu của ông Putin, một bản sao các tệp tin từ chiếc máy chủ tự tạo từ căn nhà của bà Clinton, v.v.
Các bình luận viên đã làm việc như một đàn cá piranha, cắn xé những mẩu thịt nhỏ văng ra từ các ô cửa sổ trên chiếc xà lan đang di chuyển ì ạch của FBI.
Nhưng rồi một hồi chuông nhỏ của sự tỉnh táo bắt đầu vang lên.
Hôm 02/09, một bản danh sách (pdf) về những gì FBI thu thập được từ tư gia của ông Trump đã được công bố.
Đã có một số thư mục được đánh dấu là “Mật” và “Tối Mật”.
Ai mà biết được trong đó có gì, ai đã đóng thùng chúng, và liệu sự hiện diện của chúng trong nhà ông Trump có tạo ra sự khác biệt nào không?
Nhưng điều khiến người ta ấn tượng nhất về danh sách các vật dụng được lấy đi là tính chất pha tạp của chúng.
Nhiều thư mục trống. Trang phục. Quà tặng. Các cuốn sách. “Các tài liệu chính phủ” đủ loại, rõ ràng gồm cả mấy cuốn hộ chiếu của ông Trump. Ngoài ra, theo một cuộc đo lường do trang blog Don Surber thực hiện, còn có 1,693 bài báo sưu tầm được cắt ra.
Như trang Surber đã nói, điều này đặt ra câu hỏi tại sao trên đời này lại có vị thẩm phán sơ thẩm Hoa Kỳ (chống ông Trump) tên là Bruce Reinhart ban hành một trát cho phép FBI xông vào tư dinh một vị cựu tổng thống?
Nhìn vào trát này và những gì đã thu thập, chúng ta có thể thấy rằng đó là một sự ủy quyền bừa bãi kiểu lấy-bất-cứ-thứ-gì-quý-vị-muốn – đây chính xác là kiểu xâm phạm của nhà nước mà Tu chính án thứ Tư đã được lập ra để ngăn cấm.
“Quyền của người dân,” Tu chính án thứ Tư viết, “được bảo đảm đối với bản thân, nhà cửa, giấy tờ, và các vật dụng của họ, chống lại những cuộc khám xét và thu giữ vô lý, sẽ không bị xâm phạm, và không có Trát lệnh nào sẽ ban hành, tuy nhiên nếu có cơ sở chính đáng, được hỗ trợ bởi Lời thề hoặc lời khẳng định, và có mô tả cụ thể nơi bị khám xét, và những người hoặc vật sẽ bị bắt hoặc thu giữ.”
Nhưng dù sao đi nữa ông Reinhart đã chấp thuận cho một bữa tiệc dò tìm thông tin trên diện rộng.
Như ông Surber lưu ý, “Việc tịch thu các vật dụng hoàn toàn không liên quan đến an ninh quốc gia cho thấy rằng cách rất xa so với việc tuân thủ Hiến Pháp, Những Chàng Trai của ông Biden đã phạm tội. Việc lấy đi nội y của bà Melania – hay bất cứ loại quần áo nào mà họ lấy – không phải là một hành động điều tra. Tịch thu các vật dụng cá nhân là hành vi đe dọa.”
Đúng vậy đấy. Nhưng ngay sau cuộc đột kích, chúng ta đã thấy ông Joe Biden thực hiện thói quen độc đoán kệch cỡm nhất của ông ở Philadelphia, bên cạnh là các quân nhân Thủy quân lục chiến trên một sân khấu được phủ bằng một màu đỏ khoa trương mà chắc là [diễn viên tuyên truyền của Đức Quốc Xã] Leni Riefenstahl có thể sẽ thích.
Bài diễn văn kể trên được cho là về “linh hồn dân tộc”.
Tuy nhiên, đó thật sự là một cuộc chiến khùng điên chống lại ông Trump, những người ủng hộ ông, và nghị trình theo trường phái dân túy của ông.
“Các lực lượng MAGA,” ông ấy hét lên, “… là mối đe dọa đối với quyền cá nhân của chúng ta, đối với việc theo đuổi công lý, pháp quyền, đối với chính linh hồn dân tộc.”
Vậy nên, có lẽ chúng ta nên hoan nghênh cuộc đột kích của FBI chống lại một mối đe dọa khủng khiếp đến thế?
Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Aileen M. Cannon không nghĩ vậy.
Trong một đòn giáng mạnh vào hội ‘Get Trump’, bà ấy vừa mới chấp nhận yêu cầu của ông Trump về một “chuyên gia đặc biệt” (một thuật ngữ mới hiện sẽ có mặt khắp nơi trong vài tuần), một người đánh giá độc lập, thường là một luật sư, không liên quan gì với chính phủ, người này được trao quyền để xem xét các tài liệu do chính phủ thu giữ.
Bà Cannon bày tỏ sự hoài nghi về hành vi của FBI, nhưng nhóm chống ông Trump vẫn không bỏ cuộc.
Cho đến nay, tất cả các ứng cử viên do chính phủ đề cử đều gây chú ý vì thái độ thù địch của họ đối với ông Trump.
Ví dụ, bà Heidi Kitrosser, một giáo sư luật tại Đại học Northwestern, đã gọi ông Trump là “mối đe dọa hiện hữu đối với nền dân chủ”, một kẻ ái kỷ “vô liêm sỉ” và “nhu nhược”, người có “nỗi ám ảnh nguy hiểm về kiểm soát hình tượng” và người ủng hộ một chính sách nhập cư kỳ thị.
Năm hoặc sáu năm sau cuộc tấn công không ngừng của chính phủ này vào tất cả mọi thứ của ông Trump, chúng ta có quyền hỏi, liệu cuộc tấn công này có bao giờ kết thúc?
The Babylon Bee đã mang đến một chút hài hước cho tình cảnh này với bài báo của mình, với nhan đề “Sau Khi Sử Dụng FBI Để Lấp Liếm Những Tội Lỗi Của Con Trai Và Đột Kích Vào Nhà Đối Thủ Chính Trị, Ông Biden Cảnh Báo Nền Dân Chủ Đang Gặp Nguy Hiểm” (After Using FBI To Suppress Son’s Crimes And Raid Political Rival’s Home, Biden Warns Democracy In Danger).
Một thông điệp dễ liên tưởng hơn là lời nhận xét của ông Trump: “Trên thực tế, họ không truy đuổi tôi; họ đang truy đuổi quý vị. Tôi chỉ đang cản đường.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Roger Kimball là biên tập viên kiêm chủ bút của tạp chí The New Criterion và là chủ bút của Encounter Books. Cuốn sách mới nhất của ông là “The Critical Temper: Interventions from The New Criterion at 40” (Sự Sắc Sảo Quan Trọng: Những Can Thiệp từ The New Criterion ở Kỷ Niệm 40 Năm).