Khi nền văn hóa đánh mất mối liên kết với thần thoại: Thần thoại và Triết học (Phần 1)
Trong cuốn sách tuyệt vời “The Battle for God” (Cuộc Chiến Vì Chúa), tác giả Karen Armstrong đã dựa trên tác phẩm của các học giả lỗi lạc khác, giới thiệu với chúng ta về nguyên nhân chính vì sao lại có sự hồi sinh của chủ nghĩa căn bản (religious fundamentalism) trong tôn giáo như Do Thái Giáo, Cơ Đốc Giáo, và Hồi Giáo ở thế giới hiện đại. Thật vậy, quyển sách của bà nêu ra một số điểm tương đồng sâu sắc giữa cả ba tôn giáo. Nhưng có lẽ khái niệm trọng tâm mà bà phác họa lại nằm phần giới thiệu của quyển sách: sự khác biệt giữa thần thoại và triết học.
Theo quan điểm của tôi, tìm hiểu về sự khác biệt này là điều cần thiết để hiểu được vì sao nền văn minh phương Tây lại đang suy tàn.
Thần thoại và Triết học là gì?
Nói một cách đơn giản, thế giới cổ xưa, bao gồm cả thời Trung Cổ, vận hành dựa trên cơ sở của cả hai quan niệm: Người ta biết rằng thần thoại và triết luận là hai cách diễn giải thế giới khác nhau, nhưng cả hai đều cần thiết và mỗi cách đều có phạm vi hoặc lĩnh vực áp dụng riêng.
Áp dụng sai cách tiếp cận đối với một tình huống cụ thể, bạn sẽ thu về kết quả, sự diễn giải, hoặc kết luận sai lầm. Tất nhiên, con người ở thế giới cổ đại thường phạm phải đúng điều đó. Như tác giả Dorothy L. Sayers nói trong cuốn “Unpopular Opinions” (Những Ý Kiến Không Được Ưa Chuộng) của bà:
“Nhìn chung, sai lầm của thời Trung Cổ là sử dụng các phép loại suy, ẩn dụ, thơ ca để tìm hiểu về các vấn đề khoa học. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ thứ 17, chúng ta ngày càng có xu hướng vướng sai lầm ngược lại – là sử dụng các phương pháp khoa học định lượng để nghiên cứu về những chân lý đầy thi vị.”
Nhưng ít nhất là trong thời Trung Cổ, người ta thật sự biết rằng có hai cách thức hoặc phương pháp để giải tích thực tại. Phương Tây chúng ta ngày nay dường như chỉ có mỗi một phương pháp luận, và như vậy, rất là khiếm khuyết.
Theo tác giả Karen Armstrong: “Thần thoại được xem là khởi nguyên; bàn về những gì được cho là vượt thời gian và bất biến trong sự sống của chúng ta. Thần thoại khám phá nguồn gốc của sự sống, những nền tảng của văn hóa, và những tầng sâu thẳm nhất trong tâm trí con người.”
Bà tiếp tục nói, “Thần thoại không bàn đến những thông lệ thực tế, mà là ý nghĩa.” Triết học, nói cách khác, “là tư duy lý tính, thực tế, và khoa học giúp con người sống tốt hơn trong thế giới này… không giống với thần thoại, triết học phải dựa vào thực tại một cách chính xác và liên kết với thực tế bên ngoài nếu muốn đạt hiệu quả.” Tác giả Armstrong cảnh báo chúng ta rằng “thật nguy hiểm nếu nhầm lẫn giữa thần thoại và triết học.”
Hiểu biết nông cạn về thực tại
Nguy hiểm theo nghĩa nào? Nguy hiểm như thế nào? Từ bây giờ tôi muốn khẳng định rằng có ba con đường đã được chỉ ra là rất nguy hiểm khi nhầm lẫn giữa các phương pháp luận này để hiểu về thế giới thực tại. Mối nguy hiểm thứ nhất được thể hiện rất rõ trong câu nói của người Trung Quốc khi thay thế cụm từ triết luận–thần thoại bằng khoa học–thần bí; tuy nhiên, ý nghĩa và sự tương đồng vẫn rất rõ ràng:
“Các nhà thần học hiểu gốc rễ của Đạo nhưng không hiểu được các nhánh của nó; các nhà khoa học hiểu được các nhánh nhưng lại không hiểu được gốc rễ. Khoa học không cần thần thoại và thần thoại không cần khoa học; tuy nhiên nhân loại cần cả hai.”
Có một điều gì đó hoàn toàn khiếm khuyết về hiểu biết, cũng như cuộc sống của chúng ta, khi chúng ta bỏ qua một phương thức [tư duy] căn bản của con người và quá tập trung vào phương thức còn lại. Thậm chí là với những người vô thần, như triết học gia người Mỹ Thomas Nagel, cũng có thể nhận ra sự nguy hiểm của tình huống này:
“Một số người rời bỏ tất cả hình thức tôn giáo văn hóa trong sự ghê sợ, tuyệt vọng, hoặc phiền muộn, để bước vào vương quốc hoang tàn của vô thần luận và chủ nghĩa duy vật, nơi không tìm thấy bất kỳ biểu hiện siêu việt nào. Tôi thấy niềm tin trong cộng đồng khoa học rằng toàn bộ tình huống sẽ được diễn giải bằng một giải thích hóa học thuần túy là điều khó hiểu, trừ phi ngay tiền đề người ta đã suy xét vấn đề dựa trên chủ nghĩa duy vật giản lược.”
Vì vậy, nhầm lẫn giữa thần thoại và triết học là rất nguy hiểm bởi vì nó diễn giải sai về thực tại. Chúng ta kết luận bằng khoa học biện chứng rồi giả vờ rằng nó có thể giải thích ý nghĩa nhân sinh, điều vốn là không thể.
Tuy nhiên trong nhóm từ “chủ nghĩa duy vật giản lược”, tác giả Nagel dẫn chúng ta đến một mối nguy hiểm thứ hai mà triết gia Allan Bloom đã nhìn thấy từ 30 năm về trước hoặc xa hơn nữa: “Nhân loại và xã hội cần những câu chuyện thần thoại, không phải khoa học, để tồn tại.” Như chúng ta đã chứng kiến những gì xung quanh mình ở phương Tây, sự tan rã của xã hội, của các cộng đồng, các giá trị, chúng ra ngày càng hiểu được vì sao thần thoại lại quan trọng với cuộc sống.
Người La Mã – và Đế Chế La Mã – rất giỏi trong việc này (dĩ nhiên, cho đến khi họ trở nên tự mãn, nuông chiều bản thân, và lạc lối). Họ mãi mãi tạo ra những huyền thoại về định nghĩa của một người La Mã “tốt”. Điều này được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm “The Aeneid” – một trong những thiên sử thi vĩ đại nhất thế giới – được sáng tác dưới triều đại của vị hoàng đế đầu tiên và vĩ đại nhất, hoàng đế Augustus.
Những phẩm chất nào đã khiến người anh hùng Aeneas trở nên rất vĩ đại và đậm chất La Mã? Lòng mộ đạo, sự tận tâm với gia đình, và sự kiên định: Đó là ba trong số những yếu tố cốt yếu của thần thoại La Mã.
Người hùng Aeneas đã cho thấy tất cả các phẩm chất đó trong lần đầu tiên trốn thoát khỏi thành Troy: Chàng đã được nữ thần Venus dẫn đường (thể hiện lòng mộ đạo); chàng đã cứu cha Anchises của mình bằng cách cõng ông trên lưng (lòng tận tụy với gia đình); và chàng thể hiện sự kiên định phi thường vào mục tiêu dù cảnh tàn sát và đổ máu diễn ra xung quanh mình. Điều quan trọng là bằng cách học theo thần thoại này và các giá trị được thể hiện rõ ràng trong câu chuyện, bạn sẽ trở thành một người La Mã tốt và đáng ngưỡng mộ. Người La Mã tìm cách noi gương anh hùng Aeneas, để được như chàng. Chàng chính là những gì mà chúng ta gọi là một hình mẫu lý tưởng.
Điều đáng chú ý là những phẩm chất công dân này dường như hoàn toàn xa lạ với thế giới ngày nay: Mộ đạo? Gia đình? Kiên định? Chẳng hạn, chỉ riêng với sự kiên định, ngày nay đã bị thay thế bằng “dễ tổn thương”. Ngày nay, việc chứng tỏ rằng bạn có các vấn đề về sức khỏe tâm thần dường như đã trở thành thời thượng.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa, là bất kỳ giá trị công dân cao quý, tốt đẹp (và thần thoại) nào mà chúng ta từng yêu thích trước đây (có lẽ bạn cần xét xem ba giá trị mình yêu thích nhất là gì?), những giá trị này hiện đang bị xói mòn ở phương Tây, và hậu quả là sự suy sụp của xã hội.
Ở thời đại của chúng ta, chủ nghĩa duy vật giản lược, đã làm giảm giá trị của những chuyện thần thoại mà con người dựa vào đó để noi theo, vì triết học đã chiếm thế thượng phong và bác bỏ tư tưởng thần thoại. Sự nông cạn này (chỉ xem xét đến các nhánh) đã tác động tai hại đến cá nhân và xã hội.
Có vẻ tuyên bố như vậy gần như là một lời khái quát quá rộng, nhưng bất kỳ nền văn minh lừng danh nào cũng từng trải qua quá trình này: Vào thuở ban sơ, niềm tin vào những chuyện thần thoại rất mạnh mẽ và các đế chế được thiết lập. Sau những thành công ban đầu này, có vẻ người dân bắt đầu ít tin tưởng hơn vào thần thoại, mà họ tin nhiều rằng họ là người tạo nên thành công của mình, như vậy thần thoại không còn là một đức tin nữa, mà giống như nghi thức nhiều hơn. Cuối cùng, chỉ có một số ít người tin theo, các nghi lễ trở nên sáo rỗng, những tranh chấp kéo đến – đế chế suy tàn.
Cuộc trỗi dậy của chủ nghĩa căn bản
Do đó, chúng ta đi đến lý do thứ ba tại sao quan điểm này nguy hiểm, và kỳ thực đây chính là luận điểm chính trong cuốn sách của bà Armstrong. Về căn bản, đó là nguyên tắc (một mệnh đề) rằng mỗi từng hành động đều sẽ có một phản ứng trở lại tương xứng; hoặc nói theo cách khác, khi dương đi quá giới hạn, thì sẽ trở về âm, và ngược lại.
Sự trỗi dậy chủ nghĩa căn bản ở cả ba tôn giáo lớn mà bà Armstrong bình luận (mặc dù trào lưu này không phải dành riêng cho những tôn giáo này: tất cả các tôn giáo đều có khuynh hướng này, bao gồm cả bản thân thuyết vô thần) là có liên quan đến sự mai một của tư tưởng thần thoại. Bởi vì số lượng những người không còn “niềm tin” vào các câu chuyện thần thoại ngày càng tăng, nên tôn giáo tự nó cũng suy tàn. Tuy nhiên khi điều này xảy ra, một nhóm các tín đồ đã kháng cự, và họ hướng sự quan tâm của mình vào việc diễn giải các bản thánh kinh và thánh thư theo cách bám sát nghĩa bề mặt hơn, căn bản hơn.
Sự trớ trêu của việc này là họ thường xuyên kêu gọi quay trở về với các điều căn bản. Cuộc Cải Cách Tin Lành (trùng hợp với thời điểm bắt đầu trỗi dậy của khoa học như chúng ta đã biết ngày nay) đã làm như thế này: Họ tuyên bố rằng, nhà thờ Công Giáo đã làm sai lạc các lời dạy của Kinh Thánh cũng như lời dạy của những vị Giáo Phụ thuở ban đầu.
Tuy nhiên bản thân những tín đồ Tin Lành cũng phân chia thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau. Họ có các thông lệ riêng, đặc biệt là đối với việc đọc Kinh Thánh, cũng như không phải lúc nào cũng tuân thủ theo những vị Giáo Phụ thuở ban đầu — nếu xét theo đúng nghĩa câu từ. Đây là cách diễn giải theo nghĩa đen mà nhiều nhà lãnh đạo hội thánh đầu tiên chưa biết đến, và điều này cung cấp cho chủ nghĩa khoa học biện chứng một mục tiêu lý tưởng để công kích, bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 19 cho đến ngày hôm nay.
Do đó, ở phần 2 của bài viết này, tôi muốn xem xét đến một đoạn nổi tiếng trong bản Cựu Ước của Kinh Thánh, nơi mà sự thấu hiểu về thần thoại – thay vì cách diễn giải theo khoa học và theo nghĩa bề mặt – có thể giúp chúng ta góp nhặt được nhiều sự thật hơn – sự thật về sự sáng tạo của Thiên Chúa – vượt xa rất nhiều những gì cách lý giải theo nghĩa bề mặt và chủ nghĩa khoa học có thể làm được.
Thật vậy, đọc hiểu thần thoại có nghĩa là tại đó không có mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo xét về mặt giá trị. Đó chẳng phải là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn hay sao?
Ông James Sale là một doanh nhân người Anh sở hữu công ty Motivational Maps Ltd., hoạt động tại 14 quốc gia. Ông là tác giả của hơn 40 cuốn sách về quản lý và giáo dục từ các nhà xuất bản quốc tế lớn như Macmillan, Pearson và Routledge. Ông đạt giải nhất trong cuộc thi The Society of Classical Poets’ 2017 (Hiệp Hội Các Nhà Thơ Cổ Điển Năm 2017) và trình diễn tại New York năm 2019.
Chú thích tham khảo: Chủ nghĩa tôn giáo căn bản (religious fundamentalism) bắt nguồn từ phong trào Tin Lành Bắc Mỹ, xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, nhấn mạnh tính không thể sai lạc theo nghĩa đen của Kinh Thánh. Ngày nay, chủ nghĩa này cũng được sử dụng trong các tôn giáo khác như Hồi giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo và Phật giáo.