Khởi nguyên của các trường công lập: Chủ nghĩa tập thể và sự thất bại (Phần 1)
Bài viết này là Phần 1 trong loạt bài nghiên cứu nguồn gốc của nền giáo dục công lập ở Hoa Kỳ.
Các bài thi cuối năm cho thấy học sinh Hoa Kỳ ngày càng trở nên “dốt” hơn, và các cuộc thăm dò liên tục chỉ ra hơn một nửa thanh niên Hoa Kỳ ngày nay thích chủ nghĩa xã hội hơn tự do. Điều này rõ ràng là không bền vững – ít nhất là nếu Hoa Kỳ muốn tiếp tục tồn tại là một xã hội tự do.
Đó cũng không phải là ngẫu nhiên.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, điều cần thiết là phải hiểu về nguồn gốc của các trường công lập và những gì đã tồn tại trước khi thành lập. Xét cho cùng, trước khi có sự gia tăng của các trường học công lập, công dân Hoa Kỳ là những người được giáo dục tốt nhất trên hành tinh – cứ xem xét những Tổ Phụ Lập Quốc và “Federalist Papers” (Luận cương Liên bang với 85 bài tham luận) thì có thể hiểu về trình độ giáo dục từng phổ biến ở Hoa Kỳ.
Lịch sử về cách mà chính phủ đã đảm đương như thế nào là rất đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, phần lớn câu chuyện trong bóng tối đó gần như không được ngày nay biết đến, ngay cả các chuyên gia giáo dục. Đó là một vấn đề, và có nguy cơ trở thành mối đe dọa sống còn.
Khi tiến hành kiểm tra một cách trung thực lịch sử của nền giáo dục công lập và nghiên cứu về những người chủ chốt đặt nền móng cho hệ thống hiện nay, đã làm sáng tỏ về kế hoạch dài hạn của những người Utopia [những người theo Chủ nghĩa Xã hội Không tưởng] nhằm tái định hình nhân loại và nền văn minh theo đường lối chủ nghĩa tập thể. Theo dữ liệu khảo sát, cho đến nay kế hoạch này đã rất thành công.
Tất nhiên, những ai đã tham gia vào lĩnh vực giáo dục hẳn biết về John Dewey và Horace Mann. Hai “ngôi sao” xã hội chủ nghĩa này hầu như được ghi công là đã tạo ra hệ thống giáo dục công hiện đại ở Hoa Kỳ. Nguồn gốc và quan điểm của họ sẽ được đề cập trong các bài viết sắp tới của loạt bài về giáo dục này.
Câu chuyện thật sự về các trường công có nguồn gốc từ rất lâu trước khi Mann trở thành người phụ trách giáo dục đầu tiên của Massachusetts, với kế hoạch cấp tiến là để chính phủ đảm nhận việc giáo dục, theo mô hình của nước Phổ (Prussian).
Công xã “New Harmony”
Trước khi Mann dẫn dắt, phần lớn lịch sử của các trường công lập không chỉ mù mờ, mà hầu như không ai biết đến. Nếu không nhờ đọc được một công trình nghiên cứu tỉ mỉ của cố Tiến sĩ Samuel Blumenfeld – một nhà giáo dục đầy nhiệt huyết, người đã cống hiến sáu thập kỷ của cuộc đời mình để nghiên cứu giáo dục và khoa học đọc – thì có lẽ nó vẫn đang chờ được khám phá trong các thư viện cũ đầy bụi bặm và trong kho lưu trữ ở đại học Hoa Kỳ và Âu Châu.
Câu chuyện thực sự về giáo dục công lập có thể được truy ra từ một công xã cộng sản bị lãng quên từ lâu ở Indiana, có tên là “New Harmony” và người sáng lập lập dị của nó. Được thành lập vào những năm 1820 bởi Robert Owen, một người Utopia xứ Wales, vốn bài xích Cơ Đốc Giáo và tài sản tư nhân, ý tưởng đằng sau việc thiết lập cộng đồng này là để cho thế giới thấy rằng chủ nghĩa tập thể thực sự vượt trội hơn chủ nghĩa cá nhân.
Giống như các thử nghiệm chế độ cộng sản của thế kỷ 20 – Cuba, Zimbabwe, Triều Tiên, Liên Xô, v.v. – New Harmony là một thảm họa, mặc dù không đẫm máu như các thử nghiệm xã hội chủ nghĩa của những năm sau đó. Tuy nhiên, trong vòng hai năm kể từ khi thành lập, mọi người đều biết New Harmony đã thất bại hoàn toàn.
Muốn tung toàn lực để thử nghiệm chủ nghĩa tập thể, vốn có trước “Tuyên ngôn Cộng sản” của Karl Marx khoảng hai thập kỷ, những người ủng hộ chủ nghĩa tập thể sơ khởi đã khiến việc áp dụng giáo dục công lập là bắt buộc cho tất cả trẻ em và coi đây là ưu tiên hàng đầu của họ. Có suy nghĩ cho rằng công xã thất bại không phải vì bất cứ điều gì sai trái với chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tập thể, mà vì những người sống ở đó đã không được xã hội hóa và “giáo dục” để trở thành những người theo chủ nghĩa tập thể từ thời thơ ấu.
Giống như Marx và Engels tuyên bố trong nhiều thập kỷ sau, người theo tư tưởng Owen tin rằng điều cần thiết là các trường học công sẽ đảm đương việc nuôi dạy trẻ em ở những độ tuổi sớm nhất có thể. Và vì vậy, điều đó trở thành trọng tâm duy nhất của họ.
Giáo dục nhân cách
Trong số những ý tưởng khác, Owen bác bỏ những quan điểm thịnh hành của chủ nghĩa Thần học Calvin về Hoa Kỳ trong thời đại đó. Những điều cho rằng con người bẩm sinh là có tội và rằng tâm địa họ là xấu xa. Owen tin rằng lý do con người bại hoại, ích kỷ, theo chủ nghĩa cá nhân, và bạo lực là kết quả của quá trình giáo dục của họ chứ không phải bản chất của họ. Ông tin rằng bản chất con người về cơ bản là tốt, và nền giáo dục theo chủ nghĩa tập thể sẽ giúp tạo ra thứ mà sau này được gọi là “Con người Xô Viết mới”.
Ngay cả trước khi thành lập New Harmony, Owen đã phát triển đầy đủ những ý tưởng về lối giáo dục cần thiết để xây dựng nên hình mẫu Utopia trong tưởng tượng. Ông đã công bố một số quan điểm của mình về chủ đề này vào năm 1813, trong một tuyển tập có tên là “Một Cách nhìn Mới về Xã hội hoặc Các Tham luận về sự Hình thành Nhân cách” (A New View of Society or Essays on the Formation of the Human Character).
“Theo đó, mọi tiểu bang [hay quốc gia] muốn vận hành tốt phải hướng trọng tâm vào việc hình thành tính cách, và rằng quốc gia được quản trị tốt nhất sẽ là quốc gia sở hữu hệ thống giáo dục quốc gia tốt nhất,” Owen tuyên bố.
“Dưới sự dẫn dắt của những bộ óc tài năng, một hệ thống đào tạo và giáo dục quốc gia có thể được hình thành, trở thành công cụ an toàn, dễ dàng, hiệu quả và tiết kiệm nhất của chính phủ. Và nó có thể được tạo ra để sở hữu một sức mạnh ngang bằng với việc hoàn thành những mục đích to lớn và có lợi nhất.”
Nhiều năm sau, Owen giải thích trong cuốn tự truyện của mình rằng các bài tiểu luận về giáo dục của ông đã được đại sứ Phổ đưa cho vua nước Phổ. Theo lời kể của Owen, nhà cai trị nước Phổ đã “rất tán thành” những ý tưởng này đến nỗi ông ra lệnh cho chính phủ của mình tạo ra một hệ thống giáo dục quốc gia. Và do đó, hệ thống giáo dục của Phổ – trường học của nhà nước, do nhà nước, và vì nhà nước – chính thức ra đời.
Mô hình giáo dục chuyên chế lấy cảm hứng từ Owen này, phân biệt trẻ em theo độ tuổi và ép buộc phụ huynh giao con cái của họ cho nhà nước để “giáo dục”, cuối cùng đã trở thành mô hình cho Massachusetts và sau đó là toàn quốc. Rồi lịch sử đã dần bị lãng quên khi ung nhọt của hệ thống này bắt đầu làm suy yếu các giá trị và lý tưởng truyền thống của Hoa Kỳ.
Xã hội ngầm
Rất lâu trước khi xảy ra những cuộc tàn sát và diệt chủng khủng khiếp của chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ 20, Owen và những ý tưởng của ông đã tìm thấy những người ủng hộ nhiệt tình trong một số bộ phận nhất định của giới thượng lưu Hoa Kỳ. Một trong những học trò đầu tiên của Owen là Orestes Brownson, một nhà văn và biên tập viên nổi tiếng ở New England, người đã dành toàn tâm toàn lực cho sự nghiệp này.
Không giống như Owen – người đã nằm xuống đất với niềm tin si mê rằng chỉ cần kiểm soát bọn trẻ thông qua các trường học của chính phủ là có thể đạt đến Utopia [Chủ nghĩa Không tưởng] – Brownson cuối cùng đã bài xích chủ nghĩa tập thể, chuyển sang Công Giáo và thổi còi báo động các kế hoạch của các cộng sự cũ của mình.
“Mục tiêu vĩ đại là loại bỏ Cơ Đốc Giáo,” Brownson giải thích trong cuốn “Diễn thuyết về Nghiên cứu Chủ nghĩa Tự do” (An Oration on Liberal Studies) sau khi nghiệm ra. “Kế hoạch không phải là thực hiện các cuộc tấn công công khai vào tôn giáo mặc dù chúng tôi có thể coi thường các giáo sĩ và khiến họ bị khinh miệt ở bất cứ nơi nào có thể, mà là để thiết lập một hệ thống nhà nước; chúng tôi đã nói rồi, thông qua các trường học công lập, tất cả các tôn giáo đều bị loại trừ, trong trường không dạy gì ngoài những kiến thức có thể kiểm chứng được bằng các giác quan, và tất cả các bậc cha mẹ phải gửi con đến trường theo luật định.”
Ngày nay, điều này đã trở thành thông lệ. Nhưng vào những năm từ đầu-đến-giữa 1800, điều này là không thể hiểu được đối với giới bình dân.
Brownson tiết lộ: Yếu tố đầu tiên của kế hoạch là thiết lập một hệ thống trường học do chính phủ kiểm soát. “Vì mục đích này, một tổ chức bí mật đã được thành lập,” Brownson tiếp tục rằng kế hoạch đã mô phỏng kiểu Carbonari ở Âu Châu. [Carbonari là thành viên của một tổ chức bí mật ở Ý, mục tiêu theo đuổi là đấu tranh cho tự do dân tộc, một quốc gia thống nhất và bất khả chiến bại, cũng như cho sự hình thành và quyền lực của hiến pháp].
“Các thành viên của tổ chức bí mật này đã tận dụng mọi phương tiện quyền lực của họ, trong phạm vi tại từng địa phương, để hình thành các ý kiến ủng hộ giáo dục nhà nước với chi phí công, và để những người như vậy được bầu vào cơ quan lập pháp vì sẽ có lợi cho mục đích của chúng tôi.”
Mặc dù Brownson không biết các vòi bạch tuộc của hội kín đã vươn xa đến đâu, nhưng ông biết rằng “một phần đáng kể của tiểu bang New York đã được thiết lập.” Ông đã biết điều đó; ông nói, bởi vì “bản thân tôi là một trong những đại diện đã đứng ra tổ chức.”
Do chính bản chất của các hội “bí mật”, phần lớn lịch sử của mạng lưới này vẫn bị giấu kín. Nhưng rõ ràng là họ đã thành công lớn trong việc thúc đẩy các trường học của chính phủ. Như vậy, trong chưa đầy một thế kỷ, nền giáo dục công lập đã phổ biến trên khắp Hoa Kỳ.
Alex Newman là nhà báo quốc tế từng đoạt giải thưởng, nhà giáo dục, nhà văn, và nhà tư vấn, đồng tác giả cuốn “Tội ác của các nhà giáo dục: Cách những người Utopia đang dùng trường học công lập để hủy hoại trẻ em Hoa Kỳ” (Crimes of the Educators: How Utopians Are Using Government Schools to Destroy America’s Children). Ông cũng là giám đốc điều hành của Liberty Sentinel Media.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.