Kịch bản Hoa Kỳ mất kiểm soát nợ
Petr Svab
Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã vay nhiều tiền đến mức trong năm qua họ đã phải chi ⅕ tổng số tiền thu được chỉ để trả lãi nợ – lên tới gần 880 tỷ USD. Tiền lãi nợ quốc gia dự kiến sẽ đạt mức hơn 1 ngàn tỷ USD trong năm tài chính 2023.
Trong khi đó, người Mỹ đã trả ít hơn khoảng 450 tỷ USD tiền thuế thu nhập trong năm, khiến chính phủ rơi vào vòng vây của một cuộc khủng hoảng tài khóa.
Một số nhà kinh tế nói với The Epoch Times rằng đất nước này đang đứng trước bờ vực của một vòng xoáy nợ nần có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài khóa hoặc siêu lạm phát.
“Vấn đề này rất nghiêm trọng bởi vì, dù quý vị cắt giảm theo cách nào, thì những người đóng thuế vẫn phải trả lãi nợ cho núi nợ đã tích lũy,” ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, cho biết. “Nói tóm lại, họ đang phải trả tiền mà chẳng mang lại được gì.”
Một số ý kiến cho rằng Quốc hội phải hạn chế đáng kể chi tiêu thâm hụt để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư – những người dường như đang mất niềm tin vào khả năng hoàn trả nghĩa vụ nợ của Hoa Kỳ.
“Chi tiêu nhiều hơn thu nhập của chính phủ Hoa Kỳ đang ở trong một kịch bản không thể kiểm soát được,” ông Mark Thornton, một thành viên cao cấp tại Viện Mises theo trường phái kinh tế tự do cổ điển, cho biết. “Số tiền họ vay đang ở mức rất lớn và dường như không có bất kỳ quy định nào hoặc không có những nỗ lực nào thậm chí là chỉ nhẹ nhàng nhằm hạn chế khía cạnh chi tiêu của phương trình tài khóa này.”
Khoản nợ kếch xù
Nợ chính phủ hiện ở mức trên 33 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa 2023 (gồm 12 tháng kết thúc hôm 30/09). Con số này cao hơn khoảng 1.7 ngàn tỷ USD so với năm trước. Lãi suất đối với khoản nợ này đã tăng đều đặn trong nhiều thập niên, mặc dù với tốc độ tương đối chậm, lên khoảng 570 tỷ USD trong năm 2019 từ khoảng 350 tỷ USD vào năm 1995 – một mức tăng hàng năm khoảng 2%.
Với chi tiêu của chính phủ bùng nổ trong đại dịch COVID-19 và việc Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng lãi suất sau đó, chi phí nợ đã tăng vọt hơn 50% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2023. Trong năm qua, chi phí nợ đã vượt qua toàn bộ lượng ngân sách quân đội.
Chi phí nợ dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi khoản nợ cũ phát hành với lãi suất thấp đáo hạn và được chuyển sang lãi suất cao hơn.
Ai trả?
Những người ủng hộ chính phủ chi tiêu thâm hụt lớn đã lập luận rằng việc trả nợ không phải là điều đáng lo ngại vì Fed có thể in tiền mặt cần thiết để trang trải lãi suất hoặc thậm chí mua nợ. Sau đó, Bộ Ngân khố sẽ trả lãi nợ đó cho Fed, sau đó Fed sẽ sử dụng số tiền này để trang trải chi phí hoạt động và gửi số tiền dư ra trở lại Bộ Ngân khố. Trên thực tế, chính phủ sẽ tự trả lãi nợ cho mình.
Thật vậy, khoảng 20% nợ chính phủ là do Fed nắm giữ.
Tuy nhiên, thực tế không hẳn tuân theo logic này.
“Hệ thống Dự trữ Liên bang không thực sự kiếm được tiền nữa,” ông E. J Antoni, một nhà kinh tế học kiêm nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống Quỹ Di Sản, nói.
“Họ mất tiền vì phần lớn lượng công khố phiếu mà họ có trên sổ sách hiện nay đã được mua vào năm 2020 và thậm chí là đầu năm 2021 khi lãi suất ở mức gần bằng không, vì vậy những tài sản đó hầu như không sinh lời.”
Bất cứ khoản tiền nào Fed thu được từ danh mục đầu tư của mình, họ sẽ ngay lập tức thanh toán cho các ngân hàng và quỹ thị trường tiền tệ theo lãi suất dự trữ và các thỏa thuận mua lại đảo ngược. Mục đích của những hoạt động đó là ngăn chặn lạm phát – “giữ tiền mặt thanh khoản bị khóa trong kho để tiền không thể nhân lên trong hệ thống ngân hàng,” ông Antoni nói.
Ông cho biết, những hoạt động này hiện khiến ngân hàng trung ương tiêu tốn khoảng 700 triệu USD mỗi ngày, buộc ngân hàng này rơi vào tình trạng “thâm hụt lớn”.
“Fed đang không gửi vào Bộ Ngân khố một xu nào hết.”
Chính vì lý do này, Fed dường như không muốn có thêm nợ chính phủ. Trong một năm rưỡi qua, họ đã dần dần giảm tỷ lệ nắm giữ nợ, hút tiền ra khỏi thị trường để kiềm chế lạm phát.
Mức độ tín nhiệm suy giảm?
Nếu chính phủ muốn vay mà không khiến lạm phát trở nên tệ hơn, thì chính phủ cần tìm ai đó mua khoản nợ bằng những đồng tiền USD hiện đang lưu hành.
Cho đến gần đây, điều đó không thành vấn đề. Mặc dù có mức lãi suất thấp nhưng công khố phiếu Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò là khoản đầu tư trú ẩn an toàn – một hàng rào chống lại rủi ro và là tài sản bảo đảm không thể thiếu trong các kênh đầu tư phức tạp trên thị trường tài chính.
Ông Antoni nói, “Công khố phiếu Hoa Kỳ được xem là tài sản an toàn nhất. Và ngày nay thực tế đang ngày càng không còn là như vậy nữa.”
Hồi tháng Tám, công ty xếp hạng Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Hoa Kỳ từ AAA xuống còn AA+.
Hôm 09/11, Bộ Ngân khố đã có cuộc đấu giá công khố phiếu kỳ hạn 30 năm tệ hại nhất trong hơn một thập niên khi các nhà đầu tư yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn để mua trái phiếu. Nhu cầu đã giảm gần 5% so với tháng trước.
Hôm 10/11, Moody’s, một công ty xếp hạng khác, đã hạ triển vọng nợ của Hoa Kỳ từ “ổn định” xuống “tiêu cực” và lập luận rằng sự phân cực trong Quốc hội có thể cản trở các cải tổ tài khóa.
Ông Antoni nói: “Ngày nay mọi người ngày càng nhận ra rằng [rằng công khố phiếu Hoa Kỳ] không an toàn chút nào.”
Các lợi ích địa chính trị dường như cũng đang quay lưng lại với thị trường công khố phiếu, đặc biệt là khi Trung Quốc đang thoái vốn ra khỏi lượng công khố phiếu Hoa Kỳ rất lớn mà họ nắm giữ.
Ông Antoni nói: “Tại thời điểm này, sự việc không đơn thuần chỉ là một vấn đề tài chính, mà còn là một vấn đề an ninh quốc gia.”
Với tốc độ như hiện tại, Trung Quốc có thể không còn khoản đầu tư nào vào nợ công của Hoa Kỳ trong vài năm nữa – điều mà ông cho là một hành động chuẩn bị cho chiến tranh.
Đây là lỗi của ai?
Có lẽ bên chịu trách nhiệm rõ ràng nhất cho nợ chính phủ quá mức nên là chính phủ, đặc biệt là Quốc hội. Nhưng các nhà kinh tế lại đổ lỗi phần lớn cho Fed.
Đúng là các nhà lập pháp chịu trách nhiệm cho việc phê chuẩn ngân sách và vô luận là họ thuộc đảng phái nào, thì từ lâu đã không thể cân đối được ngân sách. Nhưng chính Fed đã khiến việc vay mượn trở nên thuận tiện hơn bằng cách ấn định lãi suất cực thấp trong suốt hai thập niên qua.
Ông Hanke nói: “Lẽ ra Fed phải chịu trách nhiệm vì đã cho phép nguồn cung tiền mở rộng với tốc độ quá mức.”
“Lạm phát luôn ở mọi nơi và vẫn luôn là một hiện tượng tiền tệ. Và, như đêm nối theo ngày, lãi suất đi theo lạm phát. Vì vậy, Fed chính là thủ phạm, do không chú ý đến tốc độ tăng trưởng nguồn cung tiền.”
Việc Fed mua nợ chính phủ trong thời kỳ chi tiêu trong đại dịch đã gây ra đợt lạm phát này và tiếp tục kéo dài đến năm 2022.
Ông Hanke nói: “Phụ lục 1 có tiêu đề trớ trêu là ‘Đạo luật Giảm Lạm Phát’ – một đạo luật chứa đầy các khoản trợ cấp và tiền cho không của chính phủ.”
Theo ông Antoni, đợt chi tiêu đầu tiên trong mùa dịch COVID-19 vào năm 2020 không gây ra nhiều lạm phát vì Fed đã dành hai năm trước đó để thắt chặt nhẹ nguồn cung tiền.
“Quý vị đã có một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, và quý vị có nguồn cung tiền đang bị thu hẹp, cả hai đều là rất gây tác động giảm giá,” ông nói. “Do vậy, kết quả của tác động đó là, nếu quý vị muốn thì đã có rất nhiều yếu tố làm dịu bớt giá cả được đưa vào nền kinh tế để hấp thụ toàn bộ chi tiêu dư thừa đó hồi năm 2020. Lạm phát tăng cao vào năm 2021 vì yếu tố làm giảm giá đó không còn nữa. Vì vậy, bất cứ hành động gì khác chỉ là đổ thêm dầu vào lửa.”
Ông Antoni cho rằng về lý thuyết, Fed nên thiết lập chính sách tiền tệ độc lập với lợi ích chính trị. Tuy nhiên, trên thực tế, có vẻ như khi chính phủ muốn chi tiêu, thì Fed sẽ thuận theo đó.
Ông không tin tưởng rằng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao đủ lâu để đưa lạm phát trở lại vào ngăn tủ.
Ông Thornton lập luận rằng “Fed có rất ít triển vọng làm bất cứ điều gì không gây ra các vấn đề thứ cấp.”
Theo ông Thornton, nếu Fed không sẵn lòng giải quyết vấn đề, thì Quốc hội sẽ phải vào cuộc. Tuy nhiên, sẽ cần một “cú rung chuyển rất lớn” mới làm thay đổi được.
Ông Thornton nói: “Tất cả những gì quý vị phải làm chỉ là đưa mọi ngân sách, mọi phúc lợi của chính phủ, mọi khoản tiền lương của chính phủ trở lại mức năm 2018.”
Đồng thời, ông nói, chính phủ sẽ phải thực hiện các bước để phục hồi nền kinh tế bằng cách cắt giảm thuế và các rào cản đối với doanh nghiệp.