Kinh doanh toàn cầu của Huawei bị tổn hại do các lệnh trừng phạt của ông Trump
Đại công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc đã thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng này sau khi công bố sụt giảm doanh thu tại thị trường nước ngoài hôm 31/03.
Năm 2019, Huawei đã bị tổng thống Hoa Kỳ đương thời Donald Trump đưa vào danh sách đen và sau đó bị cấm tiếp cận các công nghệ quan trọng có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng đến khả năng thiết kế vi mạch bán dẫn cũng như nguồn linh kiện từ các nhà cung cấp bên ngoài Huawei.
Lệnh cấm này đã khiến việc kinh doanh thiết bị cầm tay của Huawei chịu áp lực lớn, theo đó hãng này phải bán mảng kinh doanh điện thoại thông minh giá rẻ cho một liên doanh gồm các đại lý và nhà phân phối vào tháng 11/2020 nhằm duy trì hoạt động.
Nhưng mức tăng trưởng ở các bộ phận kinh doanh khác cho thấy Huawei ghi nhận lợi tức ròng 64.6 tỷ nhân dân tệ (9.83 tỷ USD) trong năm 2020, tăng 3.2% – so với mức tăng trưởng 5.6% của năm trước đó.
Về tác động của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, chủ tịch Hồ Hậu Côn (Ken Hu) của Huawei cho biết, “Điều này đã gây nhiều thiệt hại cho chúng tôi.”
“Trong năm 2020, chúng tôi đã chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại và duy trì hoạt động là điều không hề dễ dàng đối với chúng tôi,” ông Hồ cho biết trong một cuộc họp báo tại trụ sở chính của Huawei ở thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, hôm thứ Tư (31/03).
Tăng trưởng của Huawei đến từ thị trường nội địa, với doanh thu tại Trung Quốc tăng 15.4% lên mức 584.9 tỷ nhân dân tệ (NDT).
Hoạt động kinh doanh của hãng này sụt giảm ở những nơi khác, với doanh thu giảm 12.2% xuống còn 180.8 tỷ NDT ở u Châu, Trung Đông, và Phi Châu. Doanh thu giảm 8.7% xuống 64.4 tỷ NDT ở các khu vực còn lại của Á Châu, và giảm 24.5% xuống 39.6 tỷ NDT tại Mỹ Châu.
Chính phủ cựu TT Trump đã cứng rắn với Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, khi nói rằng thiết bị của các công ty này có thể bị Trung Cộng sử dụng để do thám người dân Hoa Kỳ hoặc gây rối loạn mạng lưới liên lạc. Luật pháp Trung Quốc buộc các công ty trong nước phải hợp tác với các cơ quan an ninh của Trung Cộng khi được yêu cầu.
Huawei nhất quyết phủ nhận có mối liên hệ với Trung Cộng, nói rằng đây là một công ty tư nhân gần như do các nhân viên công ty sở hữu. Một tổ chức công đoàn sở hữu 99.1% cổ phần của công ty này, đóng vai trò là nền tảng cho hơn 121,000 nhân viên sở hữu cổ phần. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2019 đã kết luận rằng những cổ phần này, không giống như cổ phần thông thường, không đem lại cho người lao động quyền sở hữu thực sự.
Năm 2020 cũng là thời điểm chứng kiến một loạt các quốc gia cấm nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei khai triển mạng 5G của họ, trong bối cảnh chính phủ cựu TT Trump đang cố sức cảnh báo các quốc gia về các mối đe dọa an ninh mà các công ty công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc gây ra.
Hồi tháng 12/2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã hoàn thiện các quy tắc yêu cầu các nhà mạng sử dụng thiết bị của Huawei hoặc ZTE, một công ty viễn thông khác của Trung Quốc, phải “gỡ bỏ và thay thế” các thiết bị đó. Các quy tắc này đã tạo ra một chương trình hoàn trả chi phí, và các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã phê chuẩn 1.9 tỷ USD để tài trợ cho chương trình hồi tháng 12/2020.
Tháng 03/2021, cơ quan giám sát quy định đã chỉ định năm công ty Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, bao gồm: Công ty Công nghệ Huawei, Công ty ZTE, Công ty Thông tin liên lạc Hytera, Công ty Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision, và Công ty Công nghệ Dahua.