Kỷ nguyên tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đã kết thúc
Antonio Graceffo
Nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, và mô hình phát triển cũ sẽ không còn hiệu quả nữa. Nếu muốn khôi phục nền kinh tế, ông Tập Cận Bình sẽ cần phải ngay lập tức thay đổi hệ thống cũ – điều mà chưa chắc ông sẽ làm.
Gần đây, đầu tư trực tiếp ngoại quốc giảm mạnh, đồng nhân dân tệ trở nên mất giá, và xuất cảng lao dốc. Số lượng các quy định tăng lên, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Số lượng thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục. Dân số già hóa và giảm dần. Ngành du lịch ảm đạm, lượng du khách giảm đi. Ngân hàng đang phải đối mặt với bong bóng nợ lớn mà đa phần là do địa ốc được định giá quá cao, nguồn cung cấp quá nhiều và không bán được. Hơn thế nữa, Trung Quốc đang phải đối mặt với nỗi lo an ninh lương thực.
Mô hình phát triển mà các lãnh đạo đã sử dụng trước đây trong thời kỳ hoàng kim phát triển nhanh chóng của Trung Quốc từ 1980 đến 2010 sẽ không có tác dụng. Vào thời điểm đó, chỉ 20% dân số là dân thành thị. Việc hàng trăm triệu nông dân chuyển đến thành phố và làm việc ở nhà máy đã khiến nền kinh tế của Trung Quốc bùng nổ. Tuy nhiên hiện nay quốc gia này đô thị hóa khoảng 63%, vì vậy có ít người chuyển đến thành phố hơn. Thêm vào đó là một số người phải ở lại vùng nông thôn và trồng trọt để bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm của Trung Quốc. Quốc gia này chỉ có thể sản xuất 65.8% lượng thực phẩm cần thiết và bị phụ thuộc vào nhập cảng để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt. Nhiều người hơn chuyển đến thành phố chỉ khiến cho Trung Quốc trở nên phụ thuộc hơn vào nhập cảng – đây là điều mà ông Tập không mong đợi. Lãnh đạo Trung Quốc này biết rằng nếu muốn tiến hành xâm lược Đài Loan, họ cần phải tự cung tự cấp đủ nguồn lương thực của quốc gia. Bằng không, Hạm đội 7 Hoa Kỳ có thể cắt đứt nguồn vận chuyển lương thực từ ngoại quốc vào Trung Quốc.
Một vấn đề nữa khi xem đô thị hóa là một phương tiện để tăng trưởng kinh tế là Trung Quốc đã có khoảng 295 triệu công nhân / nhân viên nhập cư [vào các khu đô thị]. Đây đều là những người dân từ nông thôn chuyển lên thành phố để làm việc tại các nhà máy. Thực ra việc người dân chuyển đến các thành phố không thể giúp tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) một cách đáng kể. Những cuộc thảo luận về việc tăng trưởng kinh tế thông qua đô thị hóa đều giả định sẽ có đủ công việc cho người dân mới chuyển đến thành phố. Tuy nhiên xuất cảng và sản xuất đều giảm, đó là lý do vì sao các thành phố hiện nay có nhiều thanh niên thất nghiệp.
Đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) là một trong những yếu tố giúp phát triển trong thời kỳ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. FDI sẽ mang lại nguồn ngoại tệ mà Trung Quốc đang rất cần đồng thời tạo công ăn việc làm. Vấn đề là FDI đã giảm 87% trong năm nay. Luật Quan hệ đối ngoại và Luật Chống gián điệp làm gia tăng đáng kể nguy cơ bị bắt đối với một số hành vi vô hại như tiến hành thẩm định chuyên sâu hoặc khảo sát thị trường. Trong khi đó, nền kinh tế tăng trưởng chậm mang lại ít tiềm năng phát triển hơn cho các doanh nghiệp ngoại quốc.
Cùng lúc đó, khủng hoảng dân số của Trung Quốc khiến cho nhóm dân số trẻ mua hàng ít hơn. Dân số Trung Quốc chính thức giảm 850,000 người vào năm ngoái. Trong vòng năm năm tới, khoảng 27% dân số Trung Quốc sẽ đủ điều kiện về hưu. Lực lượng nhân sự giảm đi, và việc sản xuất cho xuất cảng tại Trung Quốc cũng kém hấp dẫn hơn. Kết quả là đầu tư ngày càng chuyển hướng sang Việt Nam, Ấn Độ, và Indonesia.
Vào thời điểm Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất, Bắc Kinh đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nợ [quốc gia] được dùng để xây dựng đường xá và hệ thống đường ray kết nối giữa các thành phố lớn. Các hoạt động kinh tế quốc nội gia tăng, người dân trở nên giàu có hơn. Hiện tại, các đô thị loại một, loại hai, và loại ba đã được kết nối. Một số xa lộ cũ được nâng cấp, các đoạn đường sắt tiêu chuẩn có thể được thay thế bằng các tuyến đường sắt cao tốc. Tuy nhiên việc này không có nhiều tác động (nếu có) lên GDP. Việc kết nối các thành phố nhỏ nhất và hẻo lánh nhất với các tuyến đường sắt cao tốc đem lại ít giá trị về mặt kinh tế.
Gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể khiến nợ quốc gia của Trung Quốc tăng lên. Tỷ lệ nợ trên GDP của quốc gia này gần chạm mức 300%. Địa ốc chiếm 25% tổng số nợ các ngân hàng Trung Quốc, với tổng giá trị khoản nợ lên tới 8.4 ngàn tỷ USD. Việc vay nợ thêm không thể giúp cứu vãn nền kinh tế. Sau nhiều năm cho vay và xây dựng không kiểm soát, ngành địa ốc Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ vỡ nợ. Evergrande, một trong những nhà phát triển địa ốc lớn nhất Trung Quốc, đã nộp đơn khai phá sản tại Hoa Kỳ. Country Garden, một doanh nghiệp địa ốc lớn khác, cần thời gian ân hạn lãi suất 30 ngày để trả khoản lãi trái phiếu 22.5 triệu USD. Các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc báo cáo nợ xấu đã tăng 7.6% kể từ tháng Một.
Phương thức trước đây hiển nhiên không có tác dụng. Nếu muốn cứu vãn nền kinh tế, ông Tập sẽ cần đưa ra một mô hình mới. Bãi bỏ các hạn chế và luật chống gián điệp hà khắc sẽ giúp tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư. Loại bỏ sự bảo hộ của nhà nước – và cho phép các nguồn lực thị trường điều chỉnh ngành địa ốc – sẽ giúp bong bóng nợ quốc gia bị vỡ và mức giá nhà ở trở nên có thể chi trả được. Thêm vào đó, việc nhà nước ít can thiệp vào hoạt động ngân hàng buộc ngân hàng phải cho vay một cách có trách nhiệm; điều này sẽ cải thiện tình hình kinh tế tương lai của quốc gia này. Tuy vậy việc giảm bớt kiểm soát nền kinh tế dường như không phải là một lựa chọn mà ông Tập đang suy xét.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Cao học Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế kiêm nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.