Lá bạc hà: Thảo dược cứu thương có tác dụng giảm buồn nôn, nhức đầu, táo bón, và cải thiện giấc ngủ
Cứu thương bằng thảo dược: Điều trị vết thương cấp tính bằng thuốc tự nhiên (Phần 3)
Sina McCullough
Trong loạt bài “cứu thương bằng thảo dược”, chúng tôi xem xét các lựa chọn thay thế tự nhiên cho phương pháp cứu thương hiện đại, thường bao gồm các thuốc làm từ hóa chất tổng hợp. Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp tự nhiên cho tình huống cấp tính, loại thảo mộc được đề cập dưới đây chính là lựa chọn an toàn, hiệu quả và dễ kiếm dành cho bạn.
Lá bạc hà (mentha) được sử dụng rộng rãi trong ngành ẩm thực, dược liệu và hương liệu pháp. Bạc hà đại diện cho một nhóm thảo mộc lâu năm gồm 18 loài và 11 giống lai. Phổ biến nhất là bạc hà cay (peppermint), bạc hà lục (spearmint), và bạc hà dại (wild mint).
Ngày nay, bạc hà được biết đến chủ yếu nhờ hương vị the mát. Tuy nhiên, vào thời xưa, loài cây này đã được dùng vì nhiều lợi ích sức khỏe.
Ở Ai Cập, Hy Lạp, và La Mã cổ xưa, lá bạc hà được sử dụng để điều trị chứng khó tiêu và làm dịu dạ dày. Trên thực tế, lá bạc hà đã được tìm thấy trong các kim tự tháp Ai Cập có niên đại 1,000 năm trước Công Nguyên.
Vào thời Trung cổ, lá bạc hà được dùng để đánh bóng răng và đuổi chuột ra khỏi cửa hàng. Đến thế kỷ 18, ở Tây Âu, lá bạc hà được dùng trị buồn nôn, ốm nghén, nôn mửa, rối loạn kinh nguyệt, và nhiễm trùng đường hô hấp. Bạc hà được liệt kê trong Dược điển Luân Đôn vào năm 1721 là phương thuốc trị cảm lạnh, đau đầu, lở loét và bệnh hoa liễu.
Lá bạc hà cũng được công nhận về khả năng tương tác với hệ thống thần kinh trung ương. Ví dụ, ở Nam Phi, người ta đốt lá bạc hà khô và hít khói để điều trị bệnh tâm thần.
Gần đây, các nhà khoa học đã xác nhận tính hiệu quả của những phương thức cổ xưa này thông qua nhiều nghiên cứu, chứng minh rằng lá bạc hà có thể tác động đến hệ thần kinh.
Do có nhiều đặc tính chữa bệnh đa dạng, lá bạc hà có thể thay thế một số loại thuốc nhân tạo thường thấy trong bộ cứu thương hiện đại.
Nhức đầu
Khi bị đau đầu, tôi tìm đến lá bạc hà thay vì aspirin hoặc acetaminophen (Tylenol).
Mặc dù các loại thuốc nhân tạo thường được cho là “hiệu quả hơn” thuốc tự nhiên, nhưng nghiên cứu khoa học lại cho thấy điều ngược lại.
Dầu bạc hà thoa tại chỗ có hiệu quả trong điều trị đau đầu do căng thẳng – dạng đau đầu phổ biến nhất. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu bạc hà có hiệu quả giảm đau đầu do căng thẳng không khác gì acid acetylsalicylic (aspirin) và paracetamol (acetaminophen).
Lá bạc hà là một phương thuốc tự nhiên từ thực vật, nhưng aspirin có thể chứa các thành phần tổng hợp như sáp carnauba (cây cọ Brazil), hồ nhôm màu vàng #10 D&C, polysorbate 80, propylene glycol và triacetin.
Buồn nôn
Khi bị buồn nôn hoặc say tàu xe, tôi tìm đến lá bạc hà thay vì thuốc chống nôn như Dramamine hoặc Gravol.
Một nghiên cứu được công bố trên tập san Y khoa Điều dưỡng năm 2016 đã kết luận rằng “hít tinh dầu bạc hà là phương pháp điều trị đầu tiên khả thi đối với chứng buồn nôn ở bệnh nhân hậu phẫu thuật tim.”
Sau phẫu thuật, 34 bệnh nhân bị buồn nôn với mức độ trung bình là 3.29 trên thang điểm từ 0 đến 5 – trong đó 5 là mức độ buồn nôn mạnh nhất. Hai phút sau khi hít dầu bạc hà, tỷ lệ buồn nôn trung bình giảm xuống đáng kể còn 1.44.
Táo bón
Khi bị táo bón, tôi dùng bạc hà thay vì thuốc nhuận tràng.
Theo một nghiên cứu trên Tập san Bệnh học dạ dày ruột, viên nang chứa tinh dầu bạc hà được báo cáo là an toàn và hiệu quả trong việc điều trị hội chứng ruột kích thích IBS. Theo nghiên cứu, 79% bệnh nhân trưởng thành uống viên nang ba hoặc bốn lần mỗi ngày, 15–30 phút trước bữa ăn trong một tháng đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của cơn đau bụng đã giảm; 56% trong số đó cảm thấy hoàn toàn không đau và 83% tường trình rằng họ ít chướng bụng hơn.
Khi nào nên sử dụng bạc hà
Thông qua các nghiên cứu khoa học, lá bạc hà hữu ích trong nhiều trường hợp sau:
- Giảm đau đầu
- Giảm đau
- Tăng sự tỉnh táo
- Giảm lo lắng và mệt mỏi
- Giảm buồn nôn
- Giảm táo bón
- Giảm ho
- Cải thiện giấc ngủ
Các hình thức lựa chọn
Mặc dù dùng bạc hà thô trực tiếp có hiệu quả cao nhưng lá bạc hà tươi rất dễ hỏng khiến cho việc dùng bạc hà để cứu thương là không thực tế. Tương tự như vậy, trà bạc hà là một phương thuốc hiệu quả; tuy nhiên, chúng ta cần nước ấm và thời gian ủ trà, điều này không lý tưởng trong trường hợp cấp cứu.
Các lựa chọn tốt nhất cho bộ cứu thương gồm tinh dầu bạc hà pha loãng, tinh dầu bạc hà hương liệu pháp và viên nang.
Bạn có thể mua hoặc tự làm tại nhà cả ba dạng chế phẩm này.
Dưới đây là công thức yêu thích của tôi cùng với liều lượng thông thường.
Tinh dầu bạc hà pha loãng
Thêm ba giọt tinh dầu bạc hà vào hai muỗng cà phê dầu dừa hữu cơ. Tôi thêm dầu vào chai lăn tinh dầu thủy tinh để dễ sử dụng, nhưng chai thủy tinh có ống nhỏ giọt cũng dễ sử dụng. Đơn giản là chỉ cần thoa tinh dầu pha loãng lên da của bạn khi cần thiết. Ví dụ, để giảm đau đầu do căng thẳng, hãy thoa tinh dầu bạc hà pha loãng vào thái dương và sau gáy. Khi bị táo bón, hãy thoa lên bụng.
Sử dụng tinh dầu bạc hà trong hương liệu pháp
Thêm hai hoặc ba giọt tinh dầu bạc hà vào máy khuếch tán và tận hưởng hương thơm bạc hà.
Để có một bữa tắm thư thái, hãy thêm một vài giọt tinh dầu trực tiếp vào nước tắm.
Ngoài ra, bạn có thể thêm vài giọt tinh dầu bạc hà vào nước cất trong bình xịt và xịt xung quanh nhà, xe hơi hoặc văn phòng của bạn.
Viên nang bạc hà
Bạn có thể mua hoặc tự làm viên nang bạc hà.
Viên nang bọc ruột thường được khuyên dùng để ngăn viên bị vỡ trước khi đến ruột. Điều này giúp giảm khả năng xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như chứng ợ nóng.
Thực hiện theo lời khuyên về liều lượng được ghi trên nhãn sản phẩm hoặc hỏi bác sĩ về liều lượng đề nghị. Dầu bạc hà được báo cáo là an toàn với liều lượng 0.2–0.4 ml, ba lần mỗi ngày trong viên nang bọc ruột cho người lớn. (một giọt là khoảng 0.05ml).
Đôi lời về phẩm chất bạc hà
Không phải tất cả tinh dầu bạc hà đều được tạo ra như nhau. Để giảm chi phí, các loại tinh dầu đôi khi được pha trộn bằng cách thêm một loại dầu tương tự nhưng rẻ hơn hoặc pha loãng dầu tự nhiên với các loại dầu dung môi khác nhau.
Vào năm 2023, ConsumersAdvocate.org đã thử nghiệm 11 mẫu tinh dầu bạc hà và báo cáo rằng bốn mẫu đã bị nhiễm tạp khuẩn. Việc xác định một loại tinh dầu bị pha trộn có thể gặp khó khăn vì nó có thể có mùi giống tinh dầu nguyên chất, nhưng chất lượng và hiệu quả thì kém hơn.
Khi chọn tinh dầu, tôi chỉ mua những sản phẩm hữu cơ, không chứa chất phụ gia hoặc hóa chất tổng hợp và đã được thử nghiệm về kim loại nặng, vi khuẩn và thuốc diệt cỏ glyphosate.
Cần lưu ý những gì khi dùng lá bạc hà
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Bạc hà có thể tác dụng với một số loại thuốc theo toa, chẳng hạn như cyclosporine, thuốc giảm acid, thuốc trị loét, thuốc chặn calcium (calcium channel blocker, và các loại thuốc khác dùng để điều trị huyết áp cao. Những người bị thoát vị hoành (hiatal hernia), bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), tiêu chảy, hoặc có tình trạng khiến dạ dày không sản xuất đủ acid. Dầu bạc hà chống chỉ định ở trẻ em dưới 2 tuổi. Tránh tiếp xúc với mắt, tai trong và các vùng nhạy cảm.