Ta có câu tục ngữ: “Con rồng, cháu tiên” và “con Hồng, cháu Lạc”. Hồng là Hồng – bàng, họ thuỷ – tổ nước ta, làm vua tự năm 2879 (?) đến năm 258 (?) trước kỷ – nguyên. Vua thứ nhất là Kinh – dương vương, vua thứ hai là Lạc – long quân, vua thứ ba là Hùng – vương.

Hùng vương đóng đô ở Phong – châu (vùng Vĩnh – yên, …Sơn tây), đặt quốc – hiệu là Văn – lang, chia nước làm 15 bộ, gọi con trai là “quan lang” (bây giờ là chức tù – trưởng ở một bộ – lạc xứ Mường), con gái là “mị – nương”. Cả thảy 18 ông:

“Trước sau đều gọi Hùng vương,

Vua thường nối hiệu, quan thường nối tên,

Lạc – hầu là tướng điều – nguyên,

Vũ là Lạc – tướng, giữ quyền quân cơ.

Đặt quan bố – chánh hữu – tư,

Chức danh một bực, đẳng uy một loài…”

(Đại – Nam quốc – sử diễn – ca, bản chữ nôm, trang 2b)

Có phải tại câu “trước sau đều gọi Hùng vương” mà quyển Việt – Nam tự điển (trang 252) của Hội Khai – trí tiến – đức chua “Hùng – vương” là “tên hiệu các vua đời Hồng – bàng” không ? Dù thế nào chăng nữa, cũng phải chữa lại cho đúng, vì đời Hồng – bàng không những có 18 vua Hùng, lại còn có vua Kinh – dương và vua Lạc – long, như trên kia đã nói.

Đến cả chữ Hùng cũng phải cải chính, vì sử cũ của ta và của Tàu không chép về Hùng – vương, chỉ chép Lạc – vương. Như quyển An – nam chí lược, soạn vào khoảng cuối thế kỷ thứ 13 hay đầu thế – kỷ thứ 14 có dẫn một đoạn sách cũ, là quyển Giao – chỉ thành ký như sau này : “ Xưa lúc chưa có quận huyện, tháo nước vào ruộng, theo nước triều lên xuống (nghĩa là lúc nước lên thì thôi, lúc nước xuống thì làm). Làm ruộng là Lạc dân, trị dân là Lạc – vương, giúp vua là Lạc – tướng, đều ấn đồng dải xanh. Nguyên – văn chữ nho là : “Tích vị hữu quận huyện thời, quán điền tùy triều thuỷ thướng há. Khẩn kỳ điền giả vi Lạc – dân, thống kỳ dân giả vi Lạc – vương 雄干, phò vương giả vi Lạc – tướng, dai đồng ấn thanh thu” (quyển 1 trang 5b).

Như thế là Lạc – vương chứ không phải Hùng – vương,

Thế Hùng – vương xuất xứ ở đâu ?

Một ông giáo ở trường Bác Cổ, tên là Henri Maspero tìm thấy điển – tích trong quyển Nam – Việt chí là quyển của người Tàu làm ra tự thế – kỷ thứ năm sau kỷ – nguyên. Trong quyển đó đều viết là Hùng – vương 堆王. Sau các nhà chép sử bắt chước cũng viết là Hùng – vương xem bài Etudes d’histoire d’Annam  của ông H.Maspero trong Belletin de L’Ecole francaise d’Extrême – Orient, quyển 18, số 3 trang 7).

Sở – dĩ chép nhầm như thế là vì chữ Hùng 堆 và chữ Lạc 雄 giống nhau và dễ lẫn lắm.

Có nhà sử – thần nước ta cũng đã biết là nhầm, nhưng không dám chữa: Quyển Đại – Việt sử ký toàn thư (ngoại – kỷ, quyển 1, trang 3 a) chỉ bàn một câu rằng : Lạc – tướng hận ngoa vì Hùng – tướng”, nghĩa là Lạc – tướng sau nhầm làm Hùng – tướng.

Nay ta có thể quả quyết hơn, và nói lên rằng : Hùng là chép sai, Lạc mới đúng. Quyển Sử – ký của Tư – mã – Thiên (về đời Hán Võ – đế, năm 140 – 88 trước kỷ nguyên) viết rành chữ Lạc là 路 như thế không tài nào lẫn được nữa Sử – ký (quyển 113 trang 1b) chép rằng : “Lạc là nước Việt…”. Xét Quảng – Châu ký thấy chép Giao – chỉ có ruộng Lạc ; trông nước triều lên xuống dân kiếm ăn ở ruộng, người nào được ăn lộc ở ruộng gọi là Lạc hầu 路作. Mọi huyện tự gọi là Lạc – tướng 路般, ấn đồng dây xanh tức là quan lệnh ngày nay”.

Gần đây, bộ Đại – Thanh nhất thống chí (quyển 422, trang 4 a) cũng chép là Lạc – vương, và nói cả đến cung Lạc – vương. Đoạn cung Lạc – vương như thế này : “Lạc – vương cung ở châu Tam đài phủ Giao – châu Lịch Đạo Nguyên (trong bộ Thuỷ kinh chú) có dẫn Giao – châu ngoại vực ký). Quyển chép xưa lúc chưa có quận huyện, thì có ruộng lạc, cầy cấy theo nước triều lên xuống ; làm ruộng là Lạc – dân trị dân là Lạc – vương ; dưới có Lạc – hầu, Lạc – tướng. Gọi nước là Văn – lang, phong – tục thuần – phác, thắt nút để ghi nhớ công việc. Truyền mười tám đời, bị con Thục – vương là Phán làm tiêu – diệt. Cung nền hãy còn”.

Có còn thực không ? Hiện chưa ai biết đích, vì chưa ai đi đến tận nơi mà tìm tòi cho phép khảo cổ. Cho nên, trừ những truyện truyền – kỳ ra không kể, lịch sử đời Lạc – vương (mà ta thường gọi là Hùng – vương) chỉ biết đại khái như thế mà thôi.

 Ứng hoè – NGUYỄN VĂN TỐ

(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)

 

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn