Làm sao để tìm sách hay cho trẻ em với mức giá phải chăng
Annie Holmquist
Vài ngày trước, tôi đã đến thăm thư viện địa phương, lần đầu tiên ghé vào khu vực sách thiếu nhi sau một thời gian.
Tôi đã rất ngạc nhiên.
Sự ngạc nhiên của tôi không đến từ những kệ sách trống trơn – các kệ này được lấp đầy ắp sách. Cũng không phải vì những cuốn sách tôi yêu thích khi là một đứa trẻ đã gần như không còn nữa – tôi đã biết rằng nhiều cuốn sách trong đó đã bị dọn khỏi kệ, bị xem là quá lỗi thời hoặc không thể sửa lại hoặc thay mới.
Điều làm tôi ngạc nhiên là hết hàng này đến hàng khác trên kệ là những bìa sách với tranh biếm họa sặc sỡ. Những nhan đề trên các bìa sách này báo hiệu về một thế giới quan hời hợt, đúng đắn chính trị, [ủng hộ] chủ nghĩa thức tỉnh. Dường như bất kỳ đứa trẻ đáng khen nào tự rút ra khỏi những trò chơi điện tử và mạng xã hội đủ lâu để chọn một cuốn sách sẽ chỉ có thể nhận được các nội dung tương tự nhiều hơn, chỉ ở dạng dễ đọc, nhịp độ chậm hơn mà thôi.
Vậy làm thế nào chúng ta giúp trẻ em đi đúng hướng giữa thế giới sách trong một xã hội hậu hiện đại chứa đầy những cảm giác đúng đắn chính trị và sự thật tương đối?
Điều đầu tiên chúng ta cần biết là những yếu tố tạo ra một câu chuyện hay, có giá trị. Một trong những nhà văn bậc thầy của thế kỷ 20, tác giả C.S Lewis, đã đưa ra một số quan điểm trong bài viết của ông – “On Three Ways of Writing for Children” (Về ba cách viết truyện cho trẻ em) – mà các bậc cha mẹ có thể dùng khi giúp con họ chọn những cuốn sách hay.
Điều gì tạo nên một cuốn sách hay?
Một trong những đề mục đầu tiên mà các bậc cha mẹ nên tìm kiếm là các quyển sách khắc họa thực tế cuộc sống của trẻ em. Ông Lewis giải thích quan điểm này bằng việc trích dẫn bộ ba truyện của nhà văn Edith Nesbit – viết về gia đình nhà Bastable. Tác phẩm này được kể từ góc nhìn của cậu con trai lớn nhất, Oswald, người đã đem đến những suy nghĩ và quan điểm theo cách trung thực mà hầu như bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể hiểu và cảm thụ được. Nhà văn Lewis giải thích, cách miêu tả hài hước như vậy “có thể giúp các em đọc tác phẩm này làm được những điều chín chắn hơn nhiều so với những gì các em ấy nhận ra,” cụ thể, là tham gia vào việc tìm hiểu nhân vật – một bài tập không chỉ giúp các em hiểu được nội dung quyển sách, mà còn thấu hiểu bản thân mình.
Bên cạnh thực tế cuộc sống của trẻ em, các quyển sách hay còn mô tả các nhân cách đa dạng trong đời thực. “Hãy xem ông Badger trong truyện ‘The Wind in the Willows’ (Gió Qua Rặng Liễu),” nhà văn Lewis viết, sự pha trộn kỳ lạ của đẳng cấp cao, những cách cư xử thô thiển, cộc cằn, nhút nhát, và lòng tốt. Đứa trẻ nào đã từng một lần gặp ông Badger thì từ đó trở đi sẽ khắc cốt ghi tâm vốn hiểu biết về nhân loại và lịch sử xã hội của Anh quốc mà không thể có được bằng cách nào khác. Nói cách khác, những tính cách đa dạng được mô tả trong các quyển sách hay sẽ cung cấp kiến thức và khả năng giao tiếp quý giá – nhưng kiến thức như vậy thường nằm ẩn nên các em không nhận ra là đang học.
Tác phẩm văn học hay ẩn giấu những ‘viên thuốc’ kiến thức trong món mứt giàu trí tưởng tượng, hứng khởi, và mang tính giải trí. Cũng như truyền hình, tác phẩm văn học chất lượng cung cấp [cho độc giả] cơ hội để tiếp nhận các hệ tư tưởng và nhận thức về thế giới. Nhưng không như truyền hình, hình ảnh về thế giới mà một quyển sách hay thể hiện sẽ thực sự khiến cho những đứa trẻ đọc tác phẩm ấy lớn lên thành những người đàn ông và phụ nữ tốt hơn – không chỉ am hiểu về thế giới chúng đang sống, mà còn về cách giao tiếp phù hợp với thế giới đó.
Điều thứ ba mà những quyển sách hay nên đem đến là thông điệp về đạo đức. Không phải thứ đạo đức mang tính ép buộc, hãy chú ý chỗ này, mà là một thông điệp tinh tế đi vào tiềm thức của trẻ em một cách tự nhiên. “Độc giả là trẻ em không nên bị coi thường hay thần tượng hóa,” nhà văn Lewis viết, “chúng ta nói chuyện với đứa bé ấy như người lớn trò chuyện với người lớn. Nhưng thái độ tồi tệ nhất trong tất cả mọi điều sẽ là thái độ kẻ cả, xem trẻ em như một loại nguyên liệu thô mà chúng ta phải nào nặn.” Các quyển sách hay sẽ dạy những điều tốt, nhưng sẽ dạy theo cách mà trẻ em hầu như không nhận ra những giá trị mình đang học được.
Có thể tìm sách hay ở đâu?
Trong một thế giới có nhiều thư viện tương tự như thư viện mà tôi khám phá vào vài ngày trước, làm thế nào để chúng ta đưa các con đến các tác phẩm văn học hay, hoặc thậm chí tự mình biết cách tìm? Có một vài lời khuyên sau đây.
Đầu tiên là tìm kiếm những cuốn sách xưa. Tôi nhận ra rằng bất kể sách gì được xuất bản vào những năm 1950 hoặc trước đó đều hay và lành mạnh, chứa đầy những cốt truyện và thông điệp đạo đức được thừa nhận rộng rãi. Trừ phi những quyển sách này được tái bản gần đây, còn không thì những bìa sách đó có thể sẽ không quá bắt mắt, và chắc chắn các trang sách sẽ có chút ố vàng, nhưng nội dung bên trong mới là điều quan trọng.
Thứ hai là tập làm quen với các tác giả kinh điển. Tuyển tập truyện ngắn kinh điển – chẳng hạn như bộ truyện “Great Stories Remembered” (Những Câu Chuyện Hay được Ghi Nhớ) của tác giả Joe Wheeler – là công cụ tuyệt vời để làm việc này, bởi vì những câu chuyện trong sách cung cấp một chút kiến thức về tên các tác giả và phong cách truyện. Hãy chọn những câu chuyện bạn thích và tìm trên các trang web như Archive.org những câu chuyện của các tác giả đó, bạn sẽ thấy danh mục nhan đề truyện khác. Những tác phẩm này thường được tìm thấy trong các hiệu sách cũ hoặc thậm chí ở dạng kỹ thuật số trên nền tảng trực tuyến.
Cuối cùng, hãy thả mình vào danh mục sách hay. Quyển “Books Children Love” (Những Quyển Sách Trẻ Em Yêu Thích) của tác giả Elizabeth Wilson, quyển “Honey for a Child’s Heart” (Mật Ngọt Cho Tâm Hồn Một Đứa Bé) của tác giả Gladys Hunt, và “Hand that Rocks the Cradle” (Bàn Tay Đưa Nôi) của tác giả Nathaniel Bluedorn là một loạt các đầu sách tham khảo. Danh mục những quyển sách trực tuyến của tác giả Carole Joy Seid là một nguồn tham khảo tốt khác.
Tự mình làm quen với các nguồn sách như vậy sớm giúp bạn phát hiện ra một cuốn sách thiếu nhi thật một cách nhanh chóng và dễ dàng, giúp bạn lập nên thư viện riêng cho con mình. Một ví dụ cụ thể là những việc xảy ra sau khi tôi rời khỏi khu sách thiếu nhi ở thư viện địa phương trong sự chán nản và đi tới kho chứa sách bị loại bỏ. Trong vòng vài phút, tôi đã phát hiện ra 15 quyển sách thiếu nhi và sách kinh điển đầy hứa hẹn, vài cuốn trong đó tôi chưa từng đọc nhưng biết đó là những cuốn sách bổ ích bởi tôi nhận ra tên của các tác giả. Trên hết, những quyển sách đầy tiềm năng để bổ sung cho thư viện gia đình tôi như thế này có giá chưa đến một dollar cho mỗi cuốn.
Nhiều thư viện trên toàn quốc có những phòng chứa sách bỏ đi như thế, thường do nhóm “Friends of the Library” (Bạn hữu của thư viện) điều hành. Họ thu gom sách cũ được quyên góp hoặc bị thư viện loại, bán lại những cuốn sách đó với giá rất thấp cho những người biết được giá trị của một cuốn sách hay, bất kể tuổi đời của nó. Khám phá ra những phòng sách này hoặc tham dự các đợt giảm giá lớn mà các nhóm đó tổ chức là một trong những cách tốt nhất để bắt đầu lập ra thư viện riêng cho bạn ít tốn kém nhất.
Ai mà biết được cơ chứ? Có lẽ bạn cũng sẽ trở thành một người thông thạo tìm sách hay cho trẻ em!
Cô Annie Holmquist là nhà bình luận văn hóa đến từ vùng trung tâm của Hoa Kỳ. Cô yêu thích những cuốn sách cổ điển, kiến trúc, âm nhạc, và các giá trị. Quý vị có thể tìm thấy các tác phẩm của cô tại Annie’s Attic trên Substack.