Làm thế nào để nhận ra tiềm năng của con bạn?
BARBARA DANZA
Một mục tiêu của các bậc cha mẹ là khuyến khích con phát huy hết tiềm năng của bản thân. Mỗi đứa trẻ là khác nhau với những phẩm chất thiên phú, những sở thích, sở trường, động lực, và tài năng khác nhau. Con sẽ trưởng thành ra sao, tiềm năng của con như thế nào là điều mà không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. Vậy làm sao để các bậc cha mẹ giúp con mình tỏa sáng và phát triển tốt nhất khả năng của chúng? Sau đây là một vài gợi ý dành cho cha mẹ.
Đừng tiếc nuối
Trước hết, cha mẹ có thể vô tình hoặc hữu ý đặt những giấc mơ và nguyện vọng còn dang dở của mình lên con cái. Ví dụ, bạn có thể chưa bao giờ thành công trong môn bóng chày, vậy nên bạn thúc đẩy con mình ra sức đạt được điều đó, bất kể con bạn thích hay không thích. Hoặc có lẽ bạn luôn muốn trở thành một nhạc sĩ, nên bạn yêu cầu con luyện đàn piano hằng ngày, dù cô bé rất không thích điều đó.
Làm cha mẹ thì việc đầu tiên là không nên ích kỷ chỉ vì bản thân mình. Các bậc cha mẹ cần suy xét xem con mình mong muốn điều gì, thay vì áp đặt những giấc mơ và nguyện vọng của mình lên chúng. Điều thật sự có ý nghĩa là truyền cảm hứng cho con để chúng trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân chúng.
Cung cấp các nguồn lực cho con
Khi con bạn bộc lộ những mong muốn hoặc những đam mê bẩm sinh, thì làm cha mẹ, chúng ta có thể cung cấp cho chúng môi trường và những phương tiện để chúng thỏa sức khám phá. Ví dụ, nếu con bạn thường xuyên vẽ mỗi khi rảnh rỗi, tiêu tốn hết giấy trong nhà bạn, hoặc vẽ tranh lên cuốn bài tập về nhà thay vì làm những gì được chỉ định, thì có thể cô bé là một họa sĩ bẩm sinh. Thay vì trách mắng cô bé vì không hoàn thành xong bài tập toán, bạn có thể cho cô bé học vài lớp hội họa và mua cho con những dụng cụ để tập vẽ chẳng hạn?
Mỗi khi trong tâm trí chúng khởi lên những say mê và tò mò, thì đó là lúc chúng ta đi theo con và xem “hang thỏ” sẽ dẫn đến đâu. Đôi lúc sẽ chỉ là con đường cụt, nhưng cũng có thể con đường đó sẽ kéo dài – thậm chí là kéo dài cả cuộc đời con bạn.
Đừng cầu toàn
Điều chắc chắn cản trở tiềm năng của con bạn là sự cầu toàn. Chúng ta có thể giúp con tránh khỏi khuynh hướng cầu toàn bằng cách khích lệ từng bước tiến bộ nhỏ của con và giữ thái độ tích cực về những thất bại của chúng. Xem thất bại là một cơ hội để học hỏi và một kết quả tất yếu trên con đường đi đến thành công.
Đừng hời hợt
Cùng lúc đó, các bậc cha mẹ cần nhận ra rằng sự hời hợt sẽ gây ảnh hưởng lên một đứa trẻ. Dù là ở trường học hay bất cứ nơi đâu, không nên tạo cho con thói quen rằng chỉ cần cố gắng cho xong việc và xem rằng đạt mức trung bình là đủ rồi. Với những lĩnh vực trong cuộc sống mà con bạn có thể sẽ xuất sắc, chúng cần cơ hội để thực hành.
Hãy là tấm gương cho con
Hành trình phát huy hết tiềm năng là câu chuyện cả cuộc đời. Khi bạn khuyến khích con cố gắng hết mình và đặt mục tiêu cao, hãy nghĩ đến mức độ bạn đang làm theo lời khuyên của chính mình. Đa số chúng ta không cần đào bới nội tâm để xác định đầy đủ những điều chúng ta ước rằng lẽ ra có thể làm được tốt hơn. Luôn có một khoảng cách giữa tiềm năng của bản thân và thực tế mà chúng ta đang bộc lộ. Thay vì chỉ trích bản thân về khoảng cách đó, chúng ta có thể tưởng thưởng từng tiến bộ nhỏ của mình trong quá trình thu hẹp khoảng cách đó. Hãy đối xử tốt với bản thân vì bạn đã cố gắng tiến bộ một cách vui vẻ và làm gương cho con bạn về sự trưởng thành đầy ý nghĩa.