‘Lễ Nhạc’ có ảnh hưởng đến đời sống của người xưa như thế nào?
Nhã Lan
Đối mặt với xã hội hiện đại ồn ào và bận rộn, chúng ta hãy cùng nhau tìm kiếm con đường khiến thân tâm an hòa trong văn hóa truyền thống cổ xưa.
Trước tiên, chúng ta hãy nói về Lễ. Trong văn hóa truyền thống, Lễ không chỉ là lễ tiết kết giao, mà còn có hàm nghĩa sâu sắc hơn. Trong văn hóa Trung Hoa cổ xưa từng dùng Lễ để sắp xếp trật tự nhân gian, Lễ này giống như pháp lý trên Thiên thượng. Ví như thời thượng cổ, con người sẽ căn cứ sự chuyển vận của Mặt Trời, Mặt Trăng mà chế định lịch – Hoàng lịch. Trong Hoàng lịch, một năm có 24 tiết khí, người xưa thuận theo tiết khí tự nhiên biến hóa mà sắp xếp việc nông nghiệp trong một năm, gieo trồng vào mùa xuân, sinh trưởng vào mùa hạ, gặt hái vào mùa thu, cất giữ vào mùa đông.
Lại ví như trong không gian bên trên, sao Tử Vi ở vị trí trung tâm của trời, mọi người cho rằng đó là vị trí Thiên Đế. Khu vực nơi sao Tử Vi gọi là cung Tử Vi, đối ứng với sao Tử Vi trên trời nơi mặt đất chính là cung điện của Hoàng đế. Vào thời nhà Đường, gọi là Tử Vi Cung; thời Minh và Thanh gọi là Tử Cấm thành.
Bên cạnh thời gian và không gian, vào thời thượng cổ, người ta xem Lễ như pháp nơi thiên địa. Đối với việc kiến lập chế độ xã hội, trong “Chu Lễ” chia quan viên trông coi các phương diện của xã hội làm sáu loại. Bởi vì trong tự nhiên có “thiên, địa, xuân, hạ, thu, đông”, cho nên sáu loại quan viên này được gọi là: Thiên quan, Địa quan, Xuân quan, Hạ quan, Thu quan, Đông quan.
Thời nhà Tùy, nhà Đường một hệ thống gồm sáu bộ được hình thành: Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Hình bộ, Công bộ. Việc phân định lục bộ này kéo dài đến triều Thanh. Lục bộ chính là bắt nguồn từ sáu chức quan trong “Chu Lễ”. Trong đó, Lại bộ đối ứng với Thiên quan, quan viên chủ quản việc tuyển chọn khảo hạch; Hộ bộ đối ứng Địa quan, chưởng quản hộ tịch bách tính, quản lý đất đai; Lễ bộ đối ứng với Xuân quan, chủ quản việc tế tự; Binh bộ đối ứng với Hạ quan, chủ quản việc quân sự; Xử quyết phạm nhân phần nhiều vào mùa thu, vậy nên Hình bộ đối ứng với Thu quan, chủ quản về tư pháp; Mùa đông, việc nông tương đối nhàn hạ mà công trình nhiều, Công bộ đối ứng với Đông quan, chủ quản việc xây dựng công trình.
Sau khi xã hội an định, Lễ lại được dùng để sắp xếp trật tự giữa người với người, bao gồm các mối quan hệ vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè, vua tôi, còn có việc tang ma, cưới hỏi trong cuộc sống con người, v.v. Nhưng chính vào lúc hết thảy đều có ngay ngắn trật tự, mọi người cũng phát hiện ra rằng, bởi vì phân chia tôn ti lớn nhỏ khác biệt, cho nên giữa người với người cũng trở nên xa cách. Vậy làm thế nào để cho người ta vừa có phân chia lại có thể hòa hợp cùng nhau? Vì vậy, người xưa lại sáng tạo ra Nhạc.
Chúng ta nói đến điều thứ hai – Nhạc. Một chuỗi chuông nhạc đã được khai quật trong lăng mộ Tăng Hầu Ất thời Chiến quốc, giúp mọi người có thể biết được âm nhạc thời Tiên Tần. Trong văn hóa Trung Quốc còn có có câu nói “Sĩ vô cố bất triệt cầm sắt” (kẻ sĩ sẽ không vô cớ mà rời xa đàn sắt, đàn cầm). Người xưa đối với âm nhạc là vô cùng xem trọng, sẽ thường xuyên thông qua âm nhạc để điều chỉnh thân tâm.
Tại sao âm nhạc lại quan trọng như vậy? Bởi vì con người trời sinh đã có các loại cảm xúc như hỉ, nộ, ai, lạc, khủng, ố, dục (mừng, giận, buồn, vui, sợ, ghét, thích). Văn hóa Trung Quốc cho rằng cảm xúc và sức khỏe của thân tâm con người có sự đối ứng, loại cảm xúc nào quá mức đều sẽ tạo thành tổn thương. Ví như: “Hỉ thương tâm, nộ thương can, tư thương tỳ, bi thương phế, khủng thương thận” (theo Hoàng đế nội kinh). Ý là: vui quá mức sẽ hại tim, giận quá mức sẽ hại gan, lo lắng quá mức sẽ hại tỳ, bi thương quá mức sẽ hại phổi, hoảng sợ quá mức sẽ hại thận.
Chữ “Dược” (藥) và chữ “Nhạc” (樂) rất giống nhau, biểu thị âm nhạc và thuốc là tương thông, ngũ âm đối ứng Ngũ Hành, Ngũ Hành đối ứng ngũ tạng. Ngũ âm trong âm nhạc gồm “Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ”, đối ứng Ngũ Hành trong tự nhiên “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”, đối ứng với ngũ tạng trong cơ thể người là “Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận”. Thông qua sự điều tiết của âm nhạc có thể khiến nhân tâm đạt tới cảnh giới trung chính, bình hòa.
Tuy nhiên, vào thời cổ, không phải tất cả âm nhạc đều có thể gọi là Nhạc, mà âm nhạc được chia làm ba tầng cấp: Thanh, Âm, và Nhạc. Phàm có thể phát ra tiếng vang gọi là Thanh, như tiếng nước chảy, tiếng chim hót… Âm thanh có tiết tấu gọi là Âm; Chỉ những gì có thể tịnh hóa tâm linh con người, giúp cảnh giới tinh thần con người thăng hoa thì mới được gọi là Nhạc – loại nhạc này cũng được gọi là Đức âm nhã nhạc.
Vì để cho tâm linh con người không đến mức u mê, vào thời kỳ đầu của nền văn minh này, tổ tiên của chúng ta đã tạo ra một số đức âm nhã nhạc, từ Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn đến Hạ, Thương, Chu, hết thảy có sáu kiểu vũ nhạc, hợp lại gọi là “lục đại vũ” (vũ nhạc của sáu thời đại). Vũ nhạc mà Hoàng Đế đặt ra là “Vân môn”, cũng chính là Thiên môn. Tương truyền, lúc Hiên Viên Hoàng Đế thống lĩnh thiên hạ, lấy mây làm ranh giới phân định lãnh thổ, quan viên thời Hoàng Đế phần nhiều đều lấy mây để đặt tên gọi, ví dụ như: Thanh Vân thị, Bạch Vân thị, Hắc Vân thị, v.v. – chữ “thị” nguyên sơ để chỉ Thần minh. Hoàng Đế sáng tác “Vân môn”, nội dung chủ yếu là ca tụng các vị Thần chưởng quản thiên không, cũng là nói rõ cho con người trên mặt đất biết được cố hương thực sự của mình chính là nơi thiên thượng.
Âm nhạc trong văn hóa Trung Quốc có sự dung hợp với lòng người, có tác dụng làm an ổn nhân tâm. Tuy nhiên, âm nhạc không tốt cũng sẽ khiến cho người ta truy cầu dục vọng mà trở nên mê mờ, đánh mất bản thân. Loại âm nhạc này được gọi là âm nhạc bại hoại; không ít quân vương bởi vì thích loại âm nhạc này mà dẫn đến vong quốc. Ví như khi Chu Vũ Vương thảo phạt Thương Trụ Vương, lúc tuyên đọc tội trạng, trong đó có một điều chính là Trụ Vương tạo ra dâm khúc lấy lòng phụ nữ, làm bại hoại triều cương.
Văn minh 5,000 năm đã trôi qua, hiện tại mọi người rất khó để biết về đức âm nhã nhạc thời cổ đại. Xã hội ngày có đủ loại âm nhạc, nhưng con người rất khó tìm được thứ âm nhạc chân chính có thể tịnh hóa tâm hồn. Cho dù chúng ta vì muốn thân tâm an tĩnh hay tìm kiếm một thế giới tinh thần thuần tĩnh cho trẻ em, có lẽ rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng: Hiện tại còn có thể tìm được đức âm nhã nhạc ở nơi đâu?
Những năm gần đây Đoàn Nghệ thuật Shen Yun (Shen Yun) được khán giả ở rất nhiều quốc gia trên thế giới cảm phục sau khi xem trình diễn, như thấy được nền văn minh đã mất của Trung Quốc. Shen Yun trình diễn âm nhạc nguyên sơ, khiến người xem cảm thấy như được du hành xuyên thời không trở về vùng đất Trung Nguyên cổ đại, chứng kiến văn hóa Thần truyền một thời huy hoàng.
Âm nhạc cũng có thể khiến người ta tìm thấy ý nghĩa nhân sinh, khiến khán giả suy nghĩ sâu sắc. Một khúc qua đi, tựa như được dòng nước thanh khiết gột rửa, muộn phiền trong tâm cũng tan biến. Đó có lẽ là nguyên nhân vì sao Shen Yun vang danh trên khắp thế giới, được nhiều người trong giới tinh anh văn hóa nghệ thuật ái mộ.