Lệnh bịt miệng ông Trump đang kiểm nghiệm quyền lực của thẩm phán về tự do ngôn luận
Sam Dorman
Cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đang phải đối mặt với hai lệnh bịt miệng trong các phiên tòa ở New York và thủ đô Hoa Thịnh Đốn – trong đó lệnh của tòa án ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc các tòa án nên cân bằng lợi ích của tự do ngôn luận với nghĩa vụ bảo vệ tính toàn vẹn của phiên tòa như thế nào.
Thẩm phán Địa hạt Liên bang Tanya Chutkan cuối cùng đã bác bỏ nỗ lực của TT Trump nhằm dỡ bỏ lệnh bịt miệng khi vào hôm 29/10, bà đã dỡ bỏ lệnh tạm ngưng đối với lệnh bịt miệng này.
Đến hôm 30/10, TT Trump đã đăng bài trên Truth Social, chế nhạo Thẩm phán Chutkan là một “NGƯỜI GHÉT TRUMP THỰC SỰ”, “không có khả năng phân xử một phiên tòa công bằng cho tôi.” Ông cũng lưu ý đến việc cựu TT Barack Obama là người đã bổ nhiệm bà, đồng thời lặp lại những lời chỉ trích trước đây của ông – những lời đã bị Bộ Tư pháp (DOJ) trích dẫn khi yêu cầu lệnh bịt miệng.
Trong tuần trước, hôm 25/10, Thẩm phán Tòa án Tối cao New York Arthur Engoron đã áp mức phạt 10,000 USD lên cựu tổng thống vì vi phạm lệnh bịt miệng khi ông nói về một trong những lục sự của tòa án. Hãng thông tấn AP đưa tin, ông Chris Kise, luật sư của ông Trump, đã phủ nhận và cho rằng những bình luận của thân chủ ông bên ngoài phòng xử án không phải là đang đề cập đến lục sự này, mà là đang nhắm đến cựu luật sư của ông Trump, ông Michael Cohen, người đã ra làm chứng ngày hôm đó. Thẩm phán Engeron đã giữ nguyên mức phạt.
Lệnh bịt miệng ban đầu được đưa ra sau khi ông Trump gợi ý trên Truth Social rằng lục sự này là bạn gái của Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân chủ–New York). Một khoản phạt 5,000 USD khác đã được áp dụng khi bài đăng này vẫn còn trên trang web chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Các luật sư đã không đồng ý về các lệnh cấm này, vốn được ban hành khi cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống mà ông Trump là một trong những ứng cử viên hàng đầu. Nếu như ông Trump giành được đề cử của Đảng Cộng Hòa, thì đối thủ chính của ông gần như chắc chắn sẽ là tổng thống đương nhiệm – người mà chính phủ của ông đang truy tố ông Trump vì đã thách thức kết quả của cuộc tranh cử trước đó giữa họ.
Đó là một tình huống bất thường, làm dấy lên những câu hỏi về phạm vi thẩm quyền và các lợi ích của tòa án trong việc bảo toàn cuộc tranh luận sôi nổi giữa các cuộc bầu cử.
Trong phán quyết ngày 29/10, Thẩm phán Chutkan nhắc lại những lo ngại của bà và Bộ Tư pháp về việc bảo đảm cho một phiên tòa công bằng.
Bà nói: “Như tòa án đã giải thích, các quyền theo Tu chính án thứ Nhất của những người tham gia tố tụng hình sự phải nhường chỗ cho việc quản lý có trật tự của hệ thống tư pháp, trong trường hợp cần thiết.”
Cựu TT Trump đã kháng cáo lệnh bịt miệng của Thẩm phán Chutkan, và hôm 03/11, Tòa Phúc thẩm Liên bang cho Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đưa ra một lệnh tạm dừng khẩn cấp.
Ông Hans Von Spakovsky, cựu thành viên của Ủy ban Bầu cử Liên bang, đã phản bác lời biện minh của Thẩm phán Chutkan cho phán quyết ngày 29/10 của bà.
Ông Von Spakovsky – người đồng thời là thành viên pháp lý cao cấp tại Quỹ Di Sản (The Heritage Foundation) – một tổ chức cố vấn theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, cho biết trong một tuyên bố với The Epoch Times: “Ông Trump có quyền cơ bản theo Hiến Pháp để chỉ trích công tố viên, thẩm phán, và bất kỳ quan chức chính phủ nào cũng như đặt câu hỏi về độ tin cậy của bất kỳ nhân chứng tiềm năng nào trong vụ án của ông.”
“Những lời chỉ trích như vậy thậm chí còn không thể xem là vi phạm quy chế mà bà ấy đã viện dẫn để biện minh cho lệnh bịt miệng mang tính lạm quyền của mình, Bộ luật Hình sự Hoa Kỳ, Đề mục 18, Mục 1512, điều khoản liên quan đến hành vi bạo lực, đe dọa, và hăm dọa các nhân chứng.”
Các luật sư của cựu TT Trump – ông John Lauro và ông Todd Blanche – lập luận rằng DOJ đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bất kỳ nhân chứng tiềm năng nào cảm thấy bị quấy rối, hoặc cho thấy rằng các tuyên bố của ông Trump đã dẫn đến hành vi quấy rối.
Giáo sư Barbara McQuade tại Khoa Luật trường Đại học Michigan đã phản đối, cho rằng việc đưa ra lệnh bịt miệng là cần thiết.
Bà McQuade nói với The Epoch Times: “Quý vị chỉ có thể nói đây là một vụ án công khai, chứ quý vị không thể nói về vụ án.”
Bà cũng lưu ý rằng thẩm phán “có thể chủ động và phòng ngừa bằng cách đưa ra lệnh cấm nhằm ngăn chặn hành vi quấy rối.”
Bà McQuade nói: “Bà ấy không cần phải chờ đợi đến khi điều đó xảy ra.”
Ông Trump có thể nói những gì?
Lệnh của Thẩm phán Chutkan đã bị cả Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) và các luật sư của cựu TT Trump cùng nhiều người khác chỉ trích là mơ hồ. Lệnh này cấm người dẫn đầu đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa nhắm mục tiêu đến “tất cả các bên liên quan” – trong đó có một số bên mà lệnh này trực tiếp chỉ rõ ra.
Hôm 31/10, Thẩm phán Chutkan đã từ chối yêu cầu đệ trình bản tóm tắt amicus về lệnh bịt miệng này của ACLU nhưng tổ chức này, thường chỉ trích cựu TT Trump, đã đưa ra một số lập luận về tác động của lệnh này đối với phát ngôn của ông. Theo bản tóm tắt của ACLU, ông Trump “không thể nào biết được mình được phép nói gì, và không được phép nói gì.” Các luật sư của ông cũng đặt câu hỏi về phạm vi “các bên liên quan”, lập luận rằng phạm vi này có thể bao gồm “mọi cử tri Mỹ”.
Bà McQuade ủng hộ lệnh bịt miệng và nói với The Epoch Times rằng mặc dù Thẩm phán Chutkan có thể đưa ra giải thích rõ ràng hơn xung quanh từ “nhắm mục tiêu đến”, nhưng về mặt pháp lý, luật không yêu cầu bà phải làm như vậy.
Chuyên gia này thừa nhận có một số “vùng xám” trong việc xác định những gì cựu TT Trump có thể nói để đáp lại những nhân chứng mà có thể lợi dụng những sự kiện liên quan đến vụ án để tấn công ông. Tuy nhiên, bà đề nghị Thẩm phán Chutkan cung cấp thêm thông tin làm rõ xung quanh vấn đề đó và có lẽ yêu cầu ông Trump phải nhận được sự cho phép trước khi hồi đáp.
Năm 2017, ngay lúc tổng chưởng lý dưới thời TT Trump đưa ra yêu cầu từ chức đối với hàng chục biện lý liên bang, những người còn lưu lại từ thời chính phủ tiền nhiệm, thì bà McQuade đã từ chức biện lý liên bang cho địa hạt phía Đông của Michigan.
Thẩm phán Chutkan cuối cùng đã bác bỏ những chỉ trích về ngôn từ của mình trong khi lập luận rằng sự giải thích xung quanh lệnh của bà – bao gồm cả ý kiến bà ban hành và phiên điều trần hôm 16/10 – đã cung cấp “bối cảnh quan trọng cho và các ví dụ về các loại tuyên bố ‘nhắm mục tiêu’ mà có thể dẫn đến” những rủi ro đáng kể cho quá trình tố tụng. Bà nói rằng “không có cơ sở có ý nghĩa nào để giải thích ‘các bên liên quan’ là bao gồm bất kỳ ai” ngoài các bên tham gia vụ kiện và luật sư của họ.
Lệnh khôi phục lệnh bịt miệng hôm 29/10 của vị thẩm phán này sử dụng hai trong số các bài đăng trên Truth Social của ông Trump để minh họa thêm về ranh giới mà bà dự định đặt ra theo cách nói của mình.
Sau khi lệnh này được ban hành, cựu TT Trump đã đăng bài tấn công chính phủ TT Biden “gian lận bầu cử”, nói rằng các phiên tòa xét xử ông sẽ có “nguồn thông tin rất lớn và 100% bằng chứng” về cáo buộc gian lận. Thẩm phán Chutkan cho rằng mặc dù bài đăng đó không vi phạm lệnh của bà, nhưng một bài đăng khác đề cập đến cựu chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows “gần như chắc chắn” đã vi phạm. Trong bài đăng đó, cựu TT Trump suy đoán rằng ông Meadows sẽ không nói dối về cuộc bầu cử hoặc chấp nhận thỏa thuận nhận tội.
Bài đăng của cựu TT Trump được đăng sau khi Thẩm phán Chutkan tạm thời giữ nguyên lệnh bịt miệng viết rằng: “Một số người sẽ chấp nhận thỏa thuận đó, nhưng họ là những kẻ yếu đuối và hèn nhát, và rất không tốt cho tương lai của Quốc gia Thất bại của chúng ta.”
“Tôi không nghĩ ông Mark Meadows là một trong số họ, nhưng ai thực sự biết được?”
Thẩm phán Chutkan viết rằng “tuyên bố” của ông Trump “khiến một nhân chứng có thể đoán trước bị lộ với mục đích mô tả lời khai có thể bất lợi của ông ấy là một ‘lời nói dối’ ‘[bịa đặt]’ để bảo đảm có được quyền miễn trừ, và nó công kích ông ấy là một ‘kẻ yếu đuối’ và ‘kẻ hèn nhát’ nếu đưa ra lời khai bất lợi đó – một sự công kích có thể dễ dàng được hiểu là một nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng hoặc ngăn cản nhân chứng tham gia vào vụ án này.”
Lệnh ban đầu của Thẩm phán Chutkan nói rõ rằng ông Trump có thể đưa ra các tuyên bố chỉ trích chính phủ TT Biden, tuyên bố ông vô tội, cáo buộc truy tố chính trị hóa, và công kích chính sách của các đối thủ chính trị, chẳng hạn như cựu Phó TT Mike Pence.
Lập luận chính mà cựu TT Trump đưa ra là lệnh của Thẩm phán Chutkan ngăn cản phát ngôn chính trị cốt lõi về một sự kiện – cuộc bầu cử năm 2020 – mà có thể sẽ là một phần của chiến dịch tranh cử. Ông Pence trước đó đã rời khỏi cuộc đua giành đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa nhưng có lẽ vẫn có thể đóng một vai trò nào đó trong các chiến dịch chống lại ông Trump. Các nhân chứng cũng có thể bao gồm những nhân vật cao cấp khác, chẳng hạn như cựu Tổng Chưởng lý William Barr, người đã từng chỉ trích ông Trump.
Các chuyên gia pháp lý không đồng ý về các tác động
Bên cạnh những loại tuyên bố có trong lệnh của Thẩm phán Chutkan, những tác động rộng hơn và lâu dài hơn trong lệnh của bà cũng đang bị nghi vấn. Kể từ khi lệnh chính thức được ban hành, nhiều giáo sư luật và cựu công tố viên đã có quan điểm khác nhau về tính phù hợp và tính hợp hiến của lệnh này.
Theo bà McQuade, cả lệnh của Thẩm phán Chutkan và Thẩm phán Engoron đều có cơ sở pháp lý vững chắc. Thẩm phán Chutkan cũng nhận được sự ủng hộ từ giáo sư Laurence Tribe của Trường Luật Harvard, cũng như hai cựu công tố viên liên bang, ông Dennis Aftergut và ông Frederick Baron.
“Tu chính án thứ Nhất không phải là tuyệt đối,” bà McQuade nói với The Epoch Times. “Có rất nhiều hạn chế hợp lý đối với việc đó. Và khi quý vị là một bên tham gia phiên tòa, thẩm phán của phiên tòa đó có thể bịt miệng quý vị hoàn toàn nếu ông ấy muốn và nếu ông ấy có lý do chính đáng.”
Chính phủ ông Biden và Thẩm phán Chutkan cũng đưa ra cảnh báo tương tự rằng những tuyên bố của cựu TT Trump có thể khiến những người liên quan đến vụ án này bị đe dọa.
Về mặt lý thuyết, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ có thể tiếp nhận đơn kháng cáo của cựu TT Trump liên quan đến vụ án của ông ở Hoa Thịnh Đốn – một vụ án mà có khả năng tạo tiền lệ thay đổi cuộc chơi về cách phân xử những vụ án như vậy và các bị cáo là những người đang ra tranh cử. Viết trên Slate, ông Aftergut và ông Baron lập luận rằng lệnh của Thẩm phán Chutkan là “tinh tế” và được đưa ra theo cách bảo vệ bà khỏi bị kháng cáo.
Ý kiến của họ trái ngược hoàn toàn với ý kiến của ông Jonathan Turley – giáo sư tại Trường Luật Đại học George Washington – người đã cáo buộc ông Smith tiến hành một “cuộc chiến với quyền tự do ngôn luận”.
Ông Turley viết cho tờ The Messenger: “Ông Smith tiếp tục kiện tụng với kiểu hoàn toàn mặc kệ, cho thấy thái độ thiếu quan tâm mang tính đặc trưng của ông ấy đối với những hàm ý trong các lập luận pháp lý của mình.”
Vẫn còn phải xem lệnh của Thẩm phán Engoron sẽ có giá trị như thế nào trong hệ thống pháp luật. Tờ New York Times hôm 26/10 đưa tin ông Kise cho biết ông đang đánh giá khả năng kháng cáo và ông có “những lo ngại đáng kể về tính hợp hiến của việc hạn chế quyền bình luận của cựu TT Trump về những gì ông ấy quan sát được trong phòng xử án.” Thẩm phán Engoron bác bỏ nhận định cho rằng lệnh của ông vi phạm các quyền trong Tu chính án thứ Nhất của cựu TT Trump nhưng đồng ý đánh giá lại mức phạt trong phiên điều trần hôm 26/10, AP đưa tin.
Theo AP, Thẩm phán Engoron nói: “Tôi không nghĩ việc bảo vệ nhân viên của tôi ảnh hưởng đến quyền Tu chính án thứ Nhất của bất kỳ ai.”
Giống như bà McQuade, ông Brett Tolman, một cựu biện lý liên bang đến từ Utah, cho biết các thẩm phán có thẩm quyền đáng kể trong việc hạn chế lời nói của bị cáo nhưng cũng nghi vấn về cách Thẩm phán Chutkan áp dụng thẩm quyền đó trong vụ án này.
“Đó là một động lực hoàn toàn khác khi một ứng cử viên hàng đầu của một đảng chính trị cho chức vị tổng thống bị truy tố trong nhiều vụ án, và làm thế nào để dung hòa việc ông ấy đang tranh cử và cần có thể thông báo cho những người sẽ hoặc sẽ không bỏ phiếu cho ông ấy,” ông Tolman nói.
“Người ta gần như có một động lực để hoàn thành vụ án này theo cách hoàn toàn chưa từng có tiền lệ.”
Lưu ý đến sự phức tạp về mặt pháp lý và thực tế của các loại vụ án gian lận mà cựu TT Trump đang phải đối mặt, ông Tolman cho biết những vụ án này sẽ không “được xét xử trong nhiều năm”.
Cựu TT Trump đã đăng lên Truth Social nhiều lần hôm 30/10 để hỏi tại sao chính phủ TT Biden không khởi kiện vụ án này trước khi ông Trump, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng Hòa, bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của mình.
“Tại sao ông Joe Biden không thành thật này lại không yêu cầu ‘Bộ Bất công’ của ông ấy đệ đơn kiện và cáo trạng chống lại tôi ba năm trước, thay vì ngay giữa chiến dịch tranh cử Tổng thống của tôi?” TT Trump hỏi hôm 30/10 trên Truth Social.
“Ông đang tạo ra một tiền lệ XẤU cho chính mình, ông Joe ạ. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với ông. Những Bản cáo trạng của Ông Biden kiểu chỉ xảy ra ở Thế giới thứ Ba này lẽ ra không bao giờ nên được đệ trình, lẽ ra nên được xét xử từ nhiều năm trước. Đối thủ Nhếch nhác này của tôi không nên làm điều này trong chiến dịch tranh cử của tôi HOẶC TRƯỚC CUỘC BẦU CỬ NÀY!”