Liên Hiệp Quốc từ chối tranh luận về người Duy Ngô Nhĩ sau khi Trung Cộng vận động hành lang
ANDREW THORNEBROOKE
Hôm 06/10, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) đã bác bỏ một đề nghị tranh luận về các hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra của Trung Quốc – một hành động hiếm hoi có thể báo hiệu ảnh hưởng ở ngoại quốc của Hoa Kỳ đang suy yếu.
Các nhà lãnh đạo từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Canada đã kêu gọi tổ chức một cuộc tranh luận về việc Trung Cộng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, sau khi một báo cáo của Liên Hiệp Quốc ghi lại tội ác phản nhân loại tiềm tàng trong khu vực này.
Báo cáo này cho biết, “Mức độ giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm đa số theo Hồi giáo khác… có thể cấu thành các tội ác quốc tế, đặc biệt là tội ác phản nhân loại.”
“Các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đã được thực hiện ở Tân Cương trong bối cảnh chính quyền áp dụng các chiến lược chống khủng bố và chống ‘chủ nghĩa cực đoan’.”
Bất chấp mối quan tâm rộng rãi về báo cáo này, UNHRC đã bỏ phiếu với tỷ lệ 19–17 phản đối đề nghị tranh luận này, với 11 nước bỏ phiếu trắng. Trong lịch sử 16 năm của hội đồng này, đây mới là lần thứ hai mà một đề nghị bị từ chối.
Trung Cộng đã tiến hành các nỗ lực vận động hành lang rộng rãi trước cuộc bỏ phiếu [đồng ý/không đồng ý] để tranh luận về vấn đề này. Ban lãnh đạo cộng sản đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh mang tên “Tân Cương Là một Vùng đất Tuyệt vời” – tại đó có trưng bày những bức ảnh các nữ sinh người Hán và người Duy Ngô Nhĩ giúp đỡ nhau trong học tập.
Cuộc bỏ phiếu cũng đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính trị cho nhiều quốc gia đang phát triển trong hội đồng gồm 47 thành viên này. Họ có thể lo ngại về việc thách thức chế độ Bắc Kinh vì họ phụ thuộc vào Trung Cộng trong các dự án kinh tế như Sáng kiến Vành đai và Con đường, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”.
Đáng chú ý là Trung Cộng đã bắt đầu các nỗ lực vận động hành lang này nhiều tháng trước khi báo cáo ghi lại các tội ác của họ được công bố. Hồi tháng Sáu, Bắc Kinh cho lưu hành một bức thư giữa các phái đoàn ngoại giao ngoại quốc ở Geneva, thúc giục họ giấu giếm báo cáo này và ký tên vào một văn bản ủng hộ chính quyền Bắc Kinh.
Bức thư viết, “Chúng tôi đặc biệt kêu gọi Bà Cao ủy không công bố một bản đánh giá như vậy.”
Trong một phản ứng khác với lời lẽ mạnh mẽ hơn về việc công bố báo cáo này, Trung Cộng đã chỉ trích UNHRC – tổ chức mà họ là một thành viên – vì đã khuyến khích “các lực lượng chống Trung Quốc” chuyên lan truyền “thông tin sai lệch và dối trá”.
Đặc phái viên Hoa Kỳ tại hội đồng này tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm công lý cho những người ở Tân Cương đang bị chính quyền này hủy hoại cuộc sống và gia đình.
Bà Michèle Taylor nói sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu: “Không một quốc gia nào nên được miễn trừ khỏi cuộc thảo luận của hội đồng này.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác của mình để tìm kiếm công lý và trách nhiệm giải trình cho các nạn nhân của các vụ vi phạm và lạm dụng nhân quyền, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.”