Liên minh ‘bài xích phương Tây’ của Nga: Các đối tác mới của Moscow có thể kề vai sát cánh?
Antonio Graceffo
Nga đang thành lập một “liên minh nhất thời” trong thế giới hậu phương Tây; tuy nhiên các quốc gia này có thể không vượt qua được thời kỳ sóng gió về xung đột lợi ích.
Sau nỗ lực hòa hợp với các quốc gia Tây phương, kể từ đầu những năm 2000, chính sách đối ngoại của Nga đã có sự thay đổi chóng mặt. Từ giai đoạn ban đầu là hợp tác do hậu quả của sự kiện 11/09, sự kiện Liên bang Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014 đã đánh dấu một sự chuyển hướng rõ rệt.
Kể từ khi bị các quốc gia phương Tây tẩy chay và trục xuất khỏi các tổ chức quốc tế quan trọng sau cuộc xâm lược Ukraine, Nga hiện đang hình thành các mối liên minh với các quốc gia như Trung Quốc, Iran, và Serbia, cùng một số quốc gia khác. Được hình thành chủ yếu dựa trên sự ghét bỏ chung đối với phương Tây, những mối quan hệ đối tác này đang sẵn sàng tan vỡ bất cứ lúc nào do xung đột về lợi ích.
Nga là một trong những quốc gia đầu tiên cam kết ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ sau vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/09. Vào thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải đối mặt với hậu quả của chiến dịch quân sự tàn bạo tại vùng ly khai Chechnya, cũng như các cáo buộc rằng Điện Kremlin đã dàn dựng các cuộc tấn công khủng bố giả mạo nhắm vào người dân Nga để vận động ủng hộ cuộc chiến. Việc này đánh dấu sự khởi đầu một thời kỳ mà Nga cố gắng làm thân với các quốc gia phương Tây và Hoa Kỳ, ít nhất thì cũng là thể hiện mong muốn được tham gia vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Sự trợ giúp ban đầu của Nga gồm có chia sẻ thông tin tình báo, cho phép các chuyến bay quân sự Hoa Kỳ đi qua không phận của Nga, và hợp tác với các đồng minh Trung Á để cung cấp khả năng tiếp cận không phận tương tự. Mặc dù sự trợ giúp ban đầu này là có ý nghĩa, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là ngay từ đầu Nga không cam kết về mặt quân sự trong cuộc chiến tại Afghanistan. Cho đến năm 2003, sự hợp tác vừa mới hình thành giữa Nga và Hoa Kỳ lại bắt đầu suy yếu. Nga phản đối gay gắt cuộc xâm lược Iraq do Hoa Kỳ dẫn dắt và chưa được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chấp thuận, đồng thời Nga cũng xem đó là một hành động đơn phương tranh giành quyền lực. Mặc dù vậy, Hoa Thịnh Đốn và Moscow lại đứng cùng một chiến tuyến trong cuộc chiến chống ISIS.
Từ cuối thập niên 2000 đến thập niên 2010, căng thẳng leo thang do những vấn đề như sự mở rộng của NATO, hệ thống phòng thủ phi đạn, và các cuộc tấn công mạng. Xu hướng thay đổi của Nga – ưu tiên các mục tiêu của quốc gia này hơn là hòa nhập vào cộng đồng toàn cầu – được thể hiện qua thời điểm then chốt khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Ở quốc nội, các cuộc đàn áp bất đồng chính kiến ngày càng gia tăng, thúc đẩy một bầu không khí độc tài và đàn áp, khiến Nga ngày càng xa rời các giá trị và nguyên tắc của phương Tây.
Kể từ năm 2015, Hoa Kỳ và Nga mỗi bên đã trợ giúp các phe đối lập nhau trong các cuộc xung đột ủy thác ở Syria và Yemen. Mặc dù Nga tuyên bố chống khủng bố, nhưng đồng thời cũng ủng hộ chế độ Assad tại Syria – một chế độ bị chỉ trích vì vi phạm nhân quyền, dẫn đến sự thương vong của thường dân. Hoa Kỳ hậu thuẫn cho các nhóm phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi đó quân đội Nga lại trực tiếp tham gia vào Tập đoàn Wagner tại Syria. Thậm chí cuộc xung đột Yemen gần giống với một cuộc chiến tranh ủy nhiệm trực tiếp do có sự can thiệp rõ ràng của Saudi Arabia và Iran để hậu thuẫn cho phe đối lập.
Cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 đã khiến Nga bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cộng đồng quốc tế, buộc quốc gia này phải tìm kiếm các liên minh mới. Bất chấp những căng thẳng lịch sử như chia rẽ Trung–Xô năm 1960, Moscow vẫn củng cố mối bang giao với Bắc Kinh, đặc biệt là sự hợp tác về năng lượng, giao thương, và quân sự. Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đã khiến Trung Quốc trở thành quốc gia chính hậu thuẫn kinh tế cho Nga, mặc dù hai nước này không có mối liên minh chính thức nào. Và không có nước nào hài lòng khi phải đứng vị trí thứ hai trong trật tự thế giới mới, ngụ ý rằng bất cứ mối liên minh nào cũng chỉ là tạm thời.
Mối bang giao giữa Nga và Iran đã thay đổi một cách đáng chú ý. Trong những năm 2010, Nga đã cùng các quốc gia khác áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran vì quốc gia này phát triển vũ khí hạt nhân. Kể từ năm 2022, mối bang giao giữa Nga và Iran đã được thắt chặt, khi Moscow tăng cường đầu tư vào quốc gia Cộng hòa Hồi Giáo này còn Tehran thì cung cấp phi cơ không người lái và hậu thuẫn cho quân đội Nga trên chiến trường. Kể từ vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 07/10, Nga đã cung cấp viện trợ về kỹ thuật và tiếp vận cho Hamas, Hezbollah, và Houthi, giúp họ có thể tấn công quân đội và tàu thuyền của Israel. Điểm then chốt trong mối bang giao giữa Nga và các quốc gia đồng minh Trung Đông là trong khi Moscow mong muốn giữ chân Hoa Kỳ tại Trung Đông, thì các đồng minh của Nga lại muốn Hoa Kỳ rút đi.
Nỗ lực ngoại giao của Nga nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây thể hiện ở cách xây dựng quan hệ đối tác chống lại sự thống trị của phương Tây. Do vậy, Nga tích cực tìm cách tách các quốc gia Cộng Hòa Trung Á ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Vì có chung lịch sử và văn hóa với Nga nên các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này cũng xem Nga là một đối tác quan trọng về kinh tế và an ninh. Tuy nhiên, trong khi tăng cường hợp tác thương mại và quân sự với Nga, họ vẫn duy trì mối quan hệ với phương Tây.
Nga đã và đang mở rộng sự hiện diện quân sự và tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc mua bán vũ khí và các đợt tập huấn ở châu Phi, đặc biệt là ở Ai Cập, Mali, và Cộng hòa Trung Phi. Các động cơ của Nga gồm có chống lại ảnh hưởng của phương Tây, tiếp cận các nguồn tài nguyên, và giành được sự ủng hộ về mặt ngoại giao. Tập đoàn Wagner cũng đã được khai triển trong các cuộc xung đột ở các quốc gia này, nhằm hậu thuẫn cho các chính phủ thân Moscow.
Tại Đông Âu, Belarus là đồng minh thân cận nhất của Nga, có sự kết giao sâu sắc về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Belarus vào Nga làm dấy lên các mối lo ngại về chủ quyền của quốc gia này. Serbia có quan hệ chặt chẽ với Nga do họ có mối liên hệ về lịch sử và văn hóa cũng như đều phản đối sự mở rộng của khối NATO. Tuy nhiên, nỗ lực của Serbia nhằm duy trì mối quan hệ hữu nghị với Nga và Liên minh Âu Châu (EU) có thể khiến quốc gia này tìm cách gia nhập EU.
Sự hợp tác của Nga với mỗi quốc gia là khác nhau, từ các mối quan hệ về kinh tế hoặc quân sự sâu sắc cho đến các mối quan hệ hạn chế và thực dụng. Ảnh hưởng lâu dài từ các mối quan hệ này vẫn chưa chắc chắn, bao gồm tính hiệu quả trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược của Nga và tính bền vững của mối quan hệ. Những thách thức về kinh tế và chính trị trong nước có thể hạn chế khả năng của Nga trong việc duy trì các mối bang giao này. Chiến sự tại Ukraine đã gây ảnh hưởng đáng kể đến vị thế của Nga trên trường quốc tế, với lệnh trừng phạt của phương Tây tác động đến nền kinh tế và sự can thiệp trên toàn cầu của quốc gia này.
Trong khi các yếu tố như sự ổn định trong nước, các nguồn lực kinh tế, và khả năng ứng phó với những thay đổi toàn cầu gây ảnh hưởng đến các nỗ lực ngoại giao của Moscow, thì điều quan trọng là lợi ích chiến lược của Nga phải hòa hợp lợi ích của các đối tác. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, sự hòa hợp như vậy có vẻ như sẽ không thể tồn tại lâu dài.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Cao học Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế kiêm nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.