Liệu nghệ thuật ở Mỹ có đi theo con đường của Bud Light?
Jeffrey A. Tucker
Có nhiều lý do để lo lắng về tương lai của các địa điểm nghệ thuật ở Hoa Kỳ. Trong thời kỳ phát triển bùng nổ trước khi có các đợt phong tỏa, họ đã quen với việc thể hiện đủ mọi phong cách lập dị. Kinh phí thì từng rất dồi dào còn khán giả thì theo thời gian cũng đã biết cách chấp nhận sự lập dị này. Rốt cuộc thì, mọi người đều biết rằng thế giới nghệ thuật và âm nhạc cao cấp đầy rẫy những kẻ lập dị.
Ai cũng biết các quy tắc. Quý vị chọn các danh họa như Titian và Manet và phải chịu đựng những nghệ thuật gia như Jean-Michel Basquiat và Damian Hurst. Quý vị mua vé để đi nghe các tác phẩm của Haydn và Mahler và phải nghe những bản nhạc của Milton Babbitt và John Cage.
Dàn giao hưởng sẽ thể hiện tính hiện đại của mình bằng cách biểu diễn “các tác phẩm ra mắt thế giới lần đầu tiên” trước giờ nghỉ giữa giờ – mà nhân loại sẽ chẳng bao giờ được nghe một lần nữa – và đổi lại, khán giả sẽ được nghe các tác phẩm của Modest Mussorgsky.
Khán giả xuất hiện để chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc được triển lãm lưu động của Auguste Rodin và phải chau mày trước bất kỳ loại chất thải công nghiệp nào mà ngày nay họ cố gắng tô điểm thành các tác phẩm điêu khắc. Xu hướng tương tự xảy ra trên sân khấu, trong múa ba lê, và ở mọi hình thức biểu đạt nghệ thuật khác. Tất nhiên, các thành viên của giai tầng trung thượng lưu đã luôn vờ như xu hướng này là ổn, chỉ để phát đi tín hiệu văn hóa rằng họ là người trong trào lưu.
Dẫu vậy, thì quy luật muôn thuở vẫn là ‘cái cũ trở thành nguồn nảy sinh ý tưởng cho cái mới’, và đã có một sự ổn định nào đó trong toàn bộ xu hướng này. Khán giả đã hình thành khả năng dung thứ trong tâm trạng chán chường. Thực ra, trào lưu này đã đang diễn ra được gần một thế kỷ nay, kể từ khi nghệ thuật rẽ sang một bước ngoặt đen tối sau Đệ nhất Thế chiến. Hành động cân bằng này không đặc biệt truyền cảm hứng, nhưng cũng là khả dĩ.
Rồi các đợt phong tỏa trong thế kỷ 21 xảy đến. Người ta quên đi sự dũng cảm khi đối diện với hiểm nguy. Khái niệm nghệ thuật trong vai trò là cứu cánh cho khủng hoảng đã không còn. Bản thân các địa điểm nghệ thuật đã chứng tỏ rằng họ tin là sản phẩm của mình hoàn toàn là điều có thể vứt bỏ được trong trường hợp xảy ra một trận đại dịch mà trong đó cả các nghệ sĩ biểu diễn và khán giả đều chắc chắn sẽ sống sót. Nhưng dù sao thì họ cũng đã ngừng diễn rồi, và thời gian nghỉ đôi khi kéo dài tới hai mùa và thậm chí là hai năm.
Ngành nghệ thuật biểu diễn trực tiếp đã im lặng với không một lời phản đối nào từ phía chính các nghệ sĩ. Ắt hẳn phía ban quản trị đã rất vui vì được hưởng một kỳ nghỉ dài có lương.
Qua những hành động này, họ đã phản bội các nhạc sĩ, nhân viên, nhà tài trợ, người bảo trợ, và khán giả. Bất cứ ai phàn nàn đều sẽ bị họ tố cáo là cánh hữu, không biết quan tâm chăm sóc, không quan tâm đến cái chết, hoặc thậm chí là hết sức vô đạo đức. Toàn bộ màn thể hiện này quả là quá sức chịu đựng và khiến cho người ta kinh sợ, nhưng nó vẫn tiếp tục.
Cuối cùng, khi các địa điểm rốt cuộc mở cửa, thì là mở cửa chỉ cho người đeo khẩu trang và rồi sau đó là mở cửa chỉ cho người đã chích ngừa. Broadway là một hình mẫu cho kiểu hành xử này, và Broadway gần như đã tự kết liễu công ty mình. Broadway cuối cùng đã trở lại mà không có yêu cầu nào nhưng ở trạng thái sa sút rất nhiều.
Phải mất ba năm các địa điểm này mới mở cửa trở lại, trong khi họ lẽ ra nên duy trì mở cửa suốt thời gian qua.
Tanglewood ở Berkshires là một ví dụ điển hình. Họ đã trực tiếp hủy bỏ tất cả các buổi biểu diễn âm nhạc trong thời gian đó và làm như vậy chẳng để làm gì cả, vì địa điểm tổ chức chủ yếu là ở ngoài trời! Toàn bộ các hợp đồng và chương trình đều bị hủy bỏ. Khán giả đã bị bỏ rơi khi mà họ cần nghệ thuật nhất. Các nhạc công bị cho nghỉ và ngồi không ở nhà. Thật đáng ngạc nhiên khi nhiều người trong số họ không qua đời chỉ bởi vì buồn chán.
Chúng ta hãy nói rằng đó là một thời điểm không mấy vẻ vang trong lịch sử nghệ thuật Hoa Kỳ.
Trong khi đó, khán giả đã bị hủy vé xem mùa biểu diễn và nếu không thì là cũng đã không còn hứng thú nữa rồi. Đó là cách đối xử đặc biệt tệ bạc với những nhà hảo tâm giàu có, những người trước đây đã hy sinh khối tài sản rất lớn theo quan niệm lý tưởng rằng nền văn minh cần nghệ thuật như một dấu hiệu và biểu tượng cho sự vĩ đại. Ồ, nhưng khi một loại virus bùng phát, ban quản trị của những địa điểm này đều đã quyết định rằng âm nhạc chỉ có thể thất bại và lụi tàn.
Ba năm sau, chúng ta lại ở đây. Khán giả đang khó tính hơn bao giờ hết. Mọi người đều căng thẳng và hoài nghi sâu sắc. Họ sẵn sàng thử lại lần nữa nhưng mệt mỏi hơn trước và khá cay đắng về toàn bộ sự việc này. Chẳng có gì được như xưa. Sự khoan dung đã không còn.
Người ta có thể cho rằng những địa điểm này sẽ 1) tìm cách trả một chút tiền cho nhân viên vì tất cả những thiệt hại mà họ đã gây ra, 2) tổ chức các chương trình thân thiện với khán giả hơn, và 3) tránh lao vào nhiều tranh cãi chính trị hơn nữa.
Nhưng than ôi, thực tế không diễn ra như vậy. Các địa điểm biểu diễn cao cấp vẫn có cùng cấu trúc quản lý, cùng thành kiến văn hóa, và cùng sự tách biệt kiêu kỳ rời các sở thích phổ biến. Họ tin rằng họ thể quay trở lại bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng khán giả đang không hợp tác.
Một mặt, khán giả không thể hiện sự trung thành như đã từng thể hiện một thời trước đây. Mặt khác, thỏa thuận cũ – các vị cho chúng tôi xem các tác phẩm kinh điển và chúng tôi sẽ chấp nhận những điều “thức tỉnh” vô nghĩa của các vị – hiện không còn hiệu lực khi các địa điểm biểu diễn phá vỡ thỏa thuận. Chúng ta đã không xem nghệ thuật trong hai năm trở lên, vì vậy sự kiên nhẫn của khán giả đối với thứ rác rưởi mà họ không thích đã cạn kiệt khá nhiều.
Tháng Tự Hào đã đến vào một thời điểm rất không thích hợp. Trước đây, khán giả sẽ chỉ thấy chán nản, chịu đựng những lời ba hoa, và tiếp tục. Nhưng ngày hôm đó, tình hình đã khác. Thứ nghị trình nhồi nhét bắt chúng ta phải tiêu thụ lý thuyết thức tỉnh bằng phí tổn của chính chúng ta không phù hợp với nguyện vọng hồi sinh của các tổ chức này.
Trong khi một vài năm trước đây, các chương trình nghệ sĩ giả trang nữ có vẻ như là một màn biểu diễn khó coi nhưng vô hại, thì giờ đây các chương trình này được xem như một mối đe dọa thực sự đối với các giá trị cơ bản mà nền văn minh nâng niu. Cứ việc ăn mặc theo cách quý vị muốn ở nơi riêng tư, nhưng khi những phong trào này bắt đầu rượt theo những đứa trẻ bằng các cuộc xâm lược và tuyên truyền y tế trong trường học, thì toàn bộ đã mất kiểm soát.
Theo truyền thống, các địa điểm nghệ thuật đã được cấp phép. Họ được phép lao vào chính trị và khán giả xem điều đó hầu như vô hại. Ngày nay thì không hoàn toàn như thế. Ngày càng có nhiều người bắt đầu xem trọng việc họ phải cẩn thận hơn về cách sử dụng tiền bạc và thời gian của mình.
Thái độ này khác với cách thức mọi chuyện từng diễn ra trước đây. Trong nhiều thập niên xâm nhập của chủ nghĩa cấp tiến, tôi chưa bao giờ thấy một cuộc nổi dậy có ý thức nào của người tiêu dùng hạ gục thành công thương hiệu này đến thương hiệu khác. Chỉ cần một lon Bud Light tùy chỉnh tôn vinh sự lừa bịp của một cậu bé ảo tưởng giả làm con gái để cậu ta có thể ghét toàn bộ giới tính này, là kích hoạt được một cuộc nổi dậy trên toàn quốc có thể dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn sản phẩm từng là loại bia bán chạy nhất đó.
Nhiều thương hiệu khác cũng gặp phải vấn đề tương tự, từ Target đến Kohl’s và hơn thế nữa. Còn về lĩnh vực truyền thông, thì CNN dường như không thể phối hợp hành động để tránh bị những khán giả chán ngấy hạ gục. Điều này cũng đúng với nhiều hãng truyền thông lớn.
Tôi đã tham dự buổi hòa nhạc vào đêm đó, nơi mà việc tuyên truyền chuyển đổi giới tính được đặt lên hàng đầu, tất cả đều nhân danh niềm Tự Hào. Sau lần hạ màn đầu tiên, một điều thú vị đã xảy ra. Tiếng vỗ tay theo lệ đã đột ngột dừng lại. Sự im lặng đột ngột. Mọi người thoát ra rất nhanh, suýt chút nữa là giẫm đạp lên nhau để thoát ra ngoài.
Tôi đã hỏi một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong ngành nghệ thuật rằng điều này có nghĩa là gì. Ông giải thích rằng việc đột ngột kết thúc bằng tiếng vỗ tay sau những nốt nhạc cuối cùng là cách duy nhất để khán giả bày tỏ sự phản đối sâu sắc. Sự việc tương đương với việc đưa cho người phục vụ của quý vị tại nhà hàng 5% tiền tip [lẽ ra 15–20%]. Đó là một gợi ý mạnh mẽ rằng quý vị cần làm tốt hơn. Những người biểu diễn đã hiểu ra điều này một cách nhanh chóng, nhưng liệu ban quản trị có hiểu?
Họ có thể làm tốt hơn như thế nào? Đó là một chặng đường rất dài. Ngắn hạn thì có thể liên quan đến một số khắc phục dễ dàng. Các bảo tàng cần di chuyển các tác phẩm bậc thầy cũ đến vị trí trung tâm và ngừng ép buộc du khách phải lê lết qua các phòng nghệ thuật dân gian và giả vờ rằng các tác phẩm như thế ở cùng cấp độ. Các trang web của họ cũng nên nhấn mạnh vẻ đẹp hơn là chủ nghĩa tuân thủ với các chủ đề thức tỉnh. Chủ nghĩa tượng trưng xấu xí của chính trị bản sắc cần phải chấm dứt với lý do là nó tầm thường và có tính thao túng rõ ràng.
Về lâu dài, điều họ phải làm là khám phá lại chính cái đẹp. Toàn bộ kinh nghiệm nghệ thuật hiện đại là về việc định nghĩa lại nghệ thuật đến mức xóa bỏ nghệ thuật hoàn toàn. Quan niệm về cái đẹp phải thay đổi. Và khi nói đến cái đẹp, chúng tôi cho rằng vẻ đẹp không chỉ là về âm thanh và hình ảnh. Chúng tôi muốn nói đến cái đẹp có tính trí tuệ, đạo đức, và triết học – sự đề cao và tôn vinh những lý tưởng giữa tấn bi kịch cuộc đời trong thế giới toàn khó nhọc và khổ đau này. Đó là bản chất của nghệ thuật từ thế giới cổ đại cho đến thứ nỗ lực khập khiễng từ giữa thế kỷ 20 nhằm đảo ngược mọi thứ.
Nghệ thuật có thể trở lại nhưng không phải là qua những lời kêu gọi mãnh liệt hơn của cùng một khuynh hướng cấp tiến. Sự hồi sinh sẽ đến thông qua việc tôn trọng và thấu hiểu mong muốn của khán giả và các nhà tài trợ để có kinh nghiệm nghệ thuật cao hơn. Đáng buồn thay, tôi không lạc quan về một thay đổi mạnh mẽ sẽ diễn ra sớm vào bất kỳ thời điểm nào.
Nếu các địa điểm biểu diễn trực tiếp không thể xoay xở để thay đổi theo thời đại, thì trí tuệ nhân tạo và trò chơi điện tử cùng nhạc phim hành động sẽ tiếp tục thống trị thị trường cho đến khi các hình thức nghệ thuật cũ biến mất hoàn toàn. Khẩu hiệu “Theo thức tỉnh là theo phá sản” cũng áp dụng được cho nghệ thuật.
Ông Jeffrey A. Tucker là sáng lập viên và là chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng ngàn bài báo trên báo chí học thuật và phổ thông. Ông cũng là tác giả của mười quyển sách bằng năm thứ tiếng, gần đây nhất là quyển “Liberty or Lockdown” (Tự Do hay Phong Tỏa). Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.