Loại tã lót dùng một lần cho thấy không tốt cho trẻ sơ sinh và hành tinh chúng ta
Ngành công nghiệp tã lót toàn cầu được định giá gần 53 tỷ USD vào năm 2019, và theo Khảo sát Allied Market, sẽ đạt 68 tỷ USD trong sáu năm tới. Báo cáo của Khảo sát Allied Market cho rằng một phần lý do khiến thị trường này, bao gồm cả tã dùng một lần và tái sử dụng, phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới là vì “tã dùng một lần rất tiện lợi, an toàn và tiết kiệm thời gian” và “là một trợ thủ cho phụ nữ đi làm.”
Thật vậy, ngành công nghiệp tã lót đã tiến hành quảng cáo trực tiếp đến khách hàng trong nhiều năm để thuyết phục rằng tã dán, dùng một lần, có thể vứt đi là lựa chọn tốt nhất và đơn giản nhất.
Nhưng chúng có thực sự như vậy không?
Ông Jamie Syken và vợ Melissa sở hữu một cửa hàng chuyên bán sản phẩm thân thiện với môi trường dành cho trẻ em có tên là Growing Green Baby ở Ashland, Oregon trong nhiều năm. Họ có ba đứa con: Jonathan, 12 tuổi; Theo, 9 tuổi; và bé Evelyn, mới 5 tháng tuổi. Họ không nghĩ rằng tã dùng một lần giúp tiết kiệm thời gian, an toàn, hoặc tiện lợi. Họ không thích tã dùng một lần vì hai lý do chính: ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự bất tiện của chúng. Thay vào đó, họ sử dụng tã vải cho tất cả các con của họ.
Ông Jamie nói: “Tôi thực lòng nghĩ rằng chúng dễ chịu hơn. Bạn sẽ không phải chứa 20 cái tã bẩn trong thùng rác ở nhà của mình.”
Nhà Sykens cho rằng, tã vải chỉ cần giặt khi dùng sắp hết. Nhưng sẽ là vấn đề khẩn cấp khi chúng ta hết tã dán và đang ở một mình với đứa con nhỏ.
Không có gì “thuận tiện” khi phải tự mình làm một loạt các việc: đặt những đứa trẻ vào trong xe, bảo đảm xe đủ xăng, lái xe đến cửa hàng, bế chúng ra khỏi ghế, mua tã rồi mặc cho chúng, và lại lái xe trở về nhà.
Có bao nhiêu loại tã?
Hầu hết trẻ sơ sinh đi tiểu từ 6 đến 10 lần và đi tiêu ít nhất 3 lần một ngày. Vì tã dán dùng một lần có thể chứa lượng lớn nước tiểu, nên hầu hết các bậc cha mẹ không thay tã mỗi khi con tè. Ngay cả khi như vậy, thì một đứa trẻ vẫn cần 6–8 miếng tã mỗi ngày. Nghĩa là, một em bé có thể tiêu thụ 6,000 miếng tã trong suốt hai năm đầu đời.
Theo báo cáo của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) năm 1991, ước tính có khoảng 20 tỷ tã dán bỏ đi ở Mỹ mỗi năm, tạo ra khoảng 3.5 triệu tấn chất thải hàng năm.
Báo cáo tương tự của EPA chỉ ra mối lo ngại của Hiệp hội Y tế Công cộng Hoa Kỳ rằng tã dùng một lần có nguy cơ thải ra mầm bệnh vào môi trường thông qua phân người, gây ô nhiễm cả đất và nước ngầm.
Tã dán không thực sự bị phân hủy
Năm 1959 khi anh cả của tôi ra đời, tã vải là sự lựa chọn duy nhất. Không đầy hai năm sau, lúc mẹ tôi có em bé thứ hai, lần đầu tiên tã dán có mặt trên thị trường.
Loại tã này do Victor Mills phát minh vào năm 1961 ở Illinois, lúc đó nó là một sản phẩm cồng kềnh và không thoải mái. Khi anh trai thứ ba và tôi được sinh ra vào cuối những năm 1960, nhiều gia đình người Mỹ đã chuyển sang sử dụng tã dán do sự quảng cáo rộng rãi của nó. Tuy nhiên, bố mẹ tôi vẫn sử dụng tã vải cho cả bốn chúng tôi.
Mẹ tôi là nhà vi sinh vật học và nhà môi trường học nổi tiếng; bà đã phản đối các sản phẩm có thành phần từ nhựa rằng: “Mọi người nói ‘Hãy đổ rác đi’ nhưng bạn có biết chúng đổ ra đâu không?”
Mẹ tôi nhấn mạnh: Các chuyên gia ước tính một chiếc tã dán mất từ 100 đến 500 năm để phân hủy. Nhưng không ai thực sự biết về điều này. Nghĩa là mọi chiếc tã dán bẩn được vứt vào bãi rác từ năm 1961 vẫn chưa thể phân hủy.
Mùi của tã dùng một lần
Jamie Syken cũng phản đối mùi nhựa khó chịu của tã dán. Ông nói rằng “mùi nhựa cách mặt con trẻ 10 inch (25cm)” là không tốt cho sức khỏe.
Thật vậy, một số nghiên cứu cho thấy rằng tã dán sử dụng một lần có thể gây ra và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, một căn bệnh được chữa trị thường xuyên hơn ở trẻ nhỏ. Theo Hiệp hội hô hấp Hoa Kỳ, bệnh hen suyễn ảnh hưởng đến hơn 6 triệu trẻ em ở Mỹ, và là nguyên nhân thứ ba khiến trẻ em dưới 15 tuổi phải nhập viện.
Trong nghiên cứu có tiêu đề “Ảnh hưởng Cấp tính đến Đường Hô hấp từ Chất thải của Tã,” được xuất bản trên tạp chí Lưu giữ sức khỏe môi trường, cho thấy loài gặm nhấm khi tiếp xúc với các loại tã dán đã bị kích ứng mắt, mũi, cổ họng, và co thắt phế quản giống như một cơn hen suyễn.
Nghiên cứu này chỉ ra một lượng các hóa chất khác nhau bao gồm ethylbenzene, isopropylbenzene, styrene, tolune, và xylene từ tã dán, khiến họ đưa ra giả thuyết đây là nguyên nhân gây ra chứng suy hô hấp ở chuột.
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Tã dùng một lần nên được xem là một trong những yếu tố có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh hen suyễn.”
Tã dùng một lần có hại cho bé trai vì quá nóng
Ngoài những lo ngại về bệnh hen suyễn, tã dùng một lần có hại cho bé trai hơn bé gái. Để giữ tinh trùng khỏe mạnh, cơ quan sinh dục của nam giới phải dưới 98.6 độ F. Đây là lý do tại sao cơ quan sinh sản của nam giới nằm ngoài cơ thể. Tuy nhiên, tã dùng một lần khiến nhiệt độ vùng sinh dục cao hơn và không tốt cho việc sản xuất và di chuyển của tinh trùng, đặc biệt khi không được thay thường xuyên.
Theo một nghiên cứu của Đức trên 48 trẻ em khỏe mạnh công bố trên tạp chí Lưu trữ bệnh án thuở nhỏ, ở bé trai mặc tã dùng một lần, nhiệt độ tại bìu liên tục cao hơn so với những bé mặc tã vải.
Nhóm các nhà khoa học Đức kết luận, việc lạm dụng tã dùng một lần có thể là nguyên nhân khiến sức khỏe sinh sản của nam giới ngày càng suy giảm.
Các nhà khoa học viết: “Cơ chế sinh lý làm mát của tinh hoàn không được bảo đảm khi sử dụng tã dán.”
Một đánh giá khoa học được công bố vào năm 2012 tiếp tục chỉ ra rằng tã dùng một lần gây vô sinh ở nam giới, cũng như hen suyễn và các vấn đề hô hấp khác, ung thư và tổn thương gan.
Tã vải bền hơn tã dùng một lần
Đã qua rồi thời của tã quấn và tã chéo (mặc dù một số bậc phụ huynh vẫn sử dụng) Giờ đây, có hàng chục loại tã có thể tái sử dụng, bao gồm tã vải – thường được làm từ sợi bông, sợi gai dầu hoặc len có sử dụng băng dính hoặc kẹp để cố định, tã bỏ túi hoặc tã tất cả trong một. Tã tất cả trong một hiện rất phổ biến, dễ sử dụng, và có thể tái sử dụng. Chúng được bọc một lớp bên ngoài và bên trong chứa những sợi bông thấm hút liên kết với nhau.
Những loại tã có thể tái sử dụng giúp cắt giảm hàng nghìn tấn rác thải, người tiêu dùng ít tốn kém và thích hợp với làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Theo Hiệp hội Tã lót, tã có thể tái sử dụng thân thiện với môi trường hơn, giá cả phải chăng hơn, và tốt cho sức khỏe hơn so với tã sử dụng một lần. Nó cũng dễ thương hơn rất nhiều.
Phương pháp không dùng tã
Một yếu tố khác là tã ảnh hưởng đến việc ngồi bô ở trẻ; tã dùng một lần thấm hút quá tốt làm trẻ không cảm thấy ướt khi tè. Độ tuổi trung bình của việc tập ngồi bô tiếp tục tăng lên ở Hoa Kỳ; một đứa trẻ bốn hoặc năm tuổi vẫn còn mặc tã. Mặc dù một phần là do sự gia tăng các nhu cầu đặc biệt ở trẻ em, nhưng khi không cảm nhận được các dấu hiệu kích thích thì việc ngồi bô sẽ khó hơn nhiều. Trẻ em mặc tã vải dễ dàng học ngồi bô hơn.
Một số phụ huynh giúp con họ tập ngồi bô ngay từ khi còn nhỏ bằng cách nhận biết các dấu hiệu ở trẻ và dạy chúng nghe theo âm thanh (như tiếng xì nhẹ nhàng). Từ cuốn sách “Em Bé Không Cần Tã” của Christine Gross-Loh, vợ chồng tôi đã làm điều này với đứa con út của mình. Khi con bé cần phải đi tiêu, chúng tôi chỉ cần cởi tã và đặt con bé lên bồn cầu hoặc một cái bô nhỏ. Khi con bé đi tiểu, chúng tôi tạo ra âm thanh sh-sh-sh. Cô bé học cách đi tiểu khi có âm thanh đó và chỉ bắt đầu tiểu khi tã được cởi ra. Em bé thứ tư của chúng tôi chưa bao giờ bị hăm tã và hiếm khi làm bẩn tã. Mặc dù việc không mặc tã có vẻ xa lạ với các bậc cha mẹ người Mỹ, nhưng nó lại phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Dù sao, những đứa trẻ sơ sinh rồi sẽ không cần tã nữa. Thay vì để lại một bãi rác khó chịu, sao bạn không thử dùng tã vải hoặc không mặc tã cho con; đây là những lựa chọn tốt hơn hơn cho hành tinh này và cho con của bạn.
Tiến sĩ Jennifer Margulis, tác giả quyển sách “Con Của Bạn, Cách Của Bạn: Chịu Trách Nhiệm Về Các Quyết Định Mang Thai, Sinh Con, và Nuôi Dạy Con Để Có Một Gia Đình Hạnh Phúc, Khỏe Mạnh”, có một chương về tã bỉm. Cô cũng là người thường xuyên đóng góp cho The Epoch Times. Quý vị có thể tìm hiểu thêm về tác giả tại trang web www.JenniferMargulis.net.