Lời khuyên cho người hướng nội: Vượt qua ngại ngùng để dự tiệc ngày lễ
Randy Tatano
Tấm thiệp mời tham dự lễ hội mà bạn nhận được dường như đang trêu chọc bạn suốt mấy ngày nay. Nó nằm chình ình trên bàn làm việc hoặc được dán vào bên hông tủ lạnh – nhắc nhở bạn về một sự kiện mà bạn thà tránh còn hơn là phải tham gia.
Mới nghĩ đến đó thôi là bao tử bạn đã cuộn lại vì lo lắng rồi.
Nếu bạn là người hướng nội, nhút nhát, hoặc cả hai, thì có lẽ, điều cuối cùng bạn muốn làm là dự một buổi tiệc ngày lễ. Nếu được lựa chọn, bạn chỉ muốn ở nhà cuộn tròn bên lò sưởi với một cuốn sách hay, hoặc “cày” phim trên Netflix.
Tuy nhiên, mọi chuyện đâu nhất thiết phải như vậy. Dẫu tờ lịch có lật sang tháng Giêng thì tính cách hướng nội của bạn cũng đâu thay đổi, và điều đó không có nghĩa là bạn không thể tận hưởng tiệc tùng mùa lễ hội. Những lời khuyên đơn giản đến từ các chuyên gia dưới đây sẽ giúp bạn trong mùa giao tế này và cả những dịp khác nữa.
Soi mình trong gương
Ông Gregory Jantz – cố vấn sức khỏe tâm thần kiêm tác giả có sách bán chạy nhất – gợi ý rằng bạn nên bắt đầu bằng việc xem xét nội tâm một chút trước khi dự tiệc.
“Bạn hãy tự hỏi bản thân rằng, liệu điều này có đang tạo ra vấn đề trong cuộc sống của mình và khiến mình thấy không vui không? Và bạn cần trả lời câu hỏi này một cách trung thực. ‘Có phải mình đang mắc hội chứng lo âu xã hội khiến bản thân không thể làm những điều mình thực sự muốn?’” ông nói.
Nếu bạn nhận ra rằng sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể tận hưởng bữa tiệc như mọi người khác, vậy thì bạn có thể bắt đầu chuẩn bị để tham dự.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để yên tâm
Chỉ cần vài sắp xếp đơn giản cũng có thể mang lại hiệu quả lớn trong việc giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và tự tin hơn. Ông Jantz tin rằng nhiều điều nho nhỏ có thể loại bỏ được phần nào nỗi lo lắng – ngay cả việc lựa chọn trang phục của bạn.
“Những gì bạn chuẩn bị rất là quan trọng. Ngay cả trang phục cũng cần dự tính trước. Bạn sẽ mặc gì để cảm thấy thoải mái nhất, và khiến bạn cảm thấy mình quan trọng nhất?” ông nói. Người xưa có câu ngạn ngữ rằng nếu bạn có vẻ ngoài chỉn chu thì bạn sẽ thấy hài lòng về bản thân.
Cô Jacqueline Whitmore – một chuyên gia về nghi thức xã giao, kiêm nhà sáng lập Protocol School of Palm Beach (Trường Lễ Nghi Palm Beach) – gợi ý rằng bạn nên nghe thể loại nhạc mà mình yêu thích hoặc tham gia vào một sở thích nào đó giúp xoa dịu căng thẳng. Tập thể dục hay thậm chí là đi bộ nhanh, cũng có thể giảm bớt lo lắng và tăng lượng endorphin, khiến bạn cảm thấy thoải mái và tự tin hơn.
Cô cũng giao vài bài tập về nhà để làm trước bữa tiệc như sau: “Hãy tìm hiểu sự kiện và những người tham dự, nếu có thể. Việc biết ai có mặt ở đó và những sở thích chung mà bạn có thể chia sẻ với họ là gì sẽ mang lại cho bạn cảm giác thoải mái và sẵn sàng.”
Chuẩn bị sẵn vài câu hỏi để bắt chuyện
Còn nói về cuộc trò chuyện, hãy chuẩn bị sẵn một số câu hỏi để có thể bắt đầu một cuộc thảo luận thân thiện, ngẫu nhiên. Cô Whitmore đưa ra gợi ý rằng: “Ai cũng thích nói về ẩm thực và du lịch cả!”
Việc bắt đầu bất kỳ cuộc trò chuyện nào bằng một lời khen sẽ luôn khiến người đối diện cảm thấy dễ chịu.
“Những lời khen ngợi về thứ gì đó cụ thể, chẳng hạn như một bộ trang phục hay một món phụ kiện, có thể là ‘công cụ phá băng’ hiệu quả,” cô Whitmore chia sẻ. “Ngoài ra, mọi người cũng thích nói về thú cưng của họ nữa.”
Đối với những người bạn chưa từng gặp, hãy sử dụng câu hỏi quen thuộc, “Bạn có quen biết ai ở đây không?”
Cô Bethany Friske – nhà sáng lập trường nghi thức xã giao Doors of Success (Cánh cửa Thành công) ở Michigan và Minnesota – gợi ý rằng bạn nên cập nhật các sự kiện đang diễn ra.
“Tôi khuyến khích mọi người tìm hiểu về những gì đang diễn ra trong cộng đồng của bạn. Có rất nhiều chủ đề mà chúng ta có thể sử dụng để nói chuyện phiếm,” cô cho biết.
Dưới đây là một số gợi ý khác:
- Năm nay bạn có đi du lịch đến nơi nào thú vị không?
- Bạn có dự định gì cho kỳ nghỉ lễ này?
- Bạn có truyền thống nghỉ lễ thú vị nào không?
- Bạn nghĩ sao về [trận đấu lớn hoặc tin tức thú vị đang được bàn tán dạo gần đây]?
- Bạn đã xem [chọn một bộ phim hoặc một chương trình truyền hình gần đây] chưa?
Mời bạn bè đi cùng
Ông Jantz nói rằng một người hướng nội thực sự có thể khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn bằng cách rủ một người bạn đáng tin đi cùng. Người này sẽ trở thành “người yểm trợ ngược” – giúp khởi động mọi thứ, giống như một mồi lửa giúp ngọn lửa bùng lên vậy. Hãy xem họ như “người cận vệ” có thể giúp bạn khởi xướng cuộc thảo luận. Dẫu vậy thì hãy luôn chuẩn bị sẵn vài câu hỏi để bắt đầu cuộc trò chuyện với bất kỳ ai.
Làm dịu cơn khó chịu
Bạn có thể muốn “thả lỏng” bằng vài ly cocktail trước bữa tiệc để bớt ngại ngùng – nhưng đó có lẽ là điều tồi tệ nhất mà bạn có thể làm. Ông Jantz nói rằng bạn sẽ thua nếu tìm kiếm sự an ủi từ rượu.
“Rượu thực sự sẽ khiến bạn bồn chồn hơn,” ông nói. Rượu là chất ức chế hệ thần kinh trung ương, “nó sẽ khuếch đại sự lo lắng và các triệu chứng trầm cảm. Bạn sẽ chỉ muốn uống thêm.”
Và trong một bữa tiệc ngày lễ rất có thể sẽ có đủ các món tráng miệng khiến bất cứ ai cũng có thể rơi vào “một cơn hôn mê đường”, do đó ông Jantz khuyên bạn nên ăn uống hợp lý khoảng hai tiếng trước khi đến bữa tiệc.
“Chúng ta thường có xu hướng lo lắng khi không nạp đủ chất đạm. Lượng đường trong máu giảm xuống và bạn sẽ cảm thấy bồn chồn.”
Quan sát xung quanh
Vậy là bây giờ bạn đã đến nơi. Điều đầu tiên cô Friske khuyên bạn là hãy “quan sát căn phòng.”
“Tách ra khỏi đám đông và quan sát nhanh căn phòng cũng như vị trí của mọi thứ. Bàn ăn, bàn uống, lối ra, nhà vệ sinh ở đâu? Nhanh chóng nắm bắt vị trí của mọi thứ ngay từ đầu.”
Dành thời gian để quan sát sẽ giúp bạn thả lỏng, và bạn sẽ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi nắm bắt được môi trường xung quanh.
Việc này cũng sẽ hữu ích nếu sau này bạn cần thoát khỏi một cuộc trò chuyện đang trở nên không mấy dễ chịu. Bạn chỉ cần nói, “Tôi đi lấy thêm đồ uống đây” để rời đi.
Cô Friske nhớ lại một cựu học viên từng “rất hướng nội, nhưng bây giờ thì cô ấy không còn hướng nội nữa. Cô không còn cảm thấy lo lắng khi ở trong một nhóm đông người. Cô nói với tôi rằng sự giúp đỡ lớn nhất đến từ việc quan sát căn phòng cẩn thận.”
Hãy chủ động
Trong khi hít thở và quan sát căn phòng, hãy để ý đến những vị khách đang có mặt và chủ động đưa ra quyết định ai sẽ là người mà bạn muốn nói chuyện. Hãy chắc chắn rằng một trong những người đầu tiên bạn trò chuyện là chủ nhân của bữa tiệc hoặc chủ nhà, và cảm ơn họ vì họ đã mời bạn. Thái độ lịch sự sẽ rất hữu ích cho việc tạo ấn tượng tốt trong bất kỳ bữa tiệc nào.
Rồi từ đó, hãy đặt mục tiêu trò chuyện với ít nhất ba đến năm người nữa.
Thông thường, khi bạn bước qua một bên để quan sát thì sẽ có ai đó đến bắt chuyện với bạn ngay. Nếu không thì cô Whitmore có lời khuyên này cho bạn:
“Nếu bạn thấy mình đang ở trong một căn phòng toàn là các cặp đôi hoặc nhóm, vậy thì hãy tìm kiếm những người khác cũng có thể đang ở một mình. Việc tiến đến chào hỏi một vị khách cũng đến dự tiệc một mình có thể giúp bạn giảm bớt sự ngại ngùng, và họ có thể sẽ vui vì có người trò chuyện.” Một chiến lược khác là tham gia vào một cuộc thảo luận nhóm, đây cũng là cách để hòa nhập mà không bị áp lực khi trò chuyện trực tiếp giữa hai người.
Cô Friske nhận thấy đàn ông và phụ nữ có thái độ khác nhau như thế nào khi dự tiệc:
“Phụ nữ thường tụ tập thành nhóm nhỏ để trò chuyện. Không có chủ ý gì cả; nó đơn giản xảy ra vậy thôi. Xin lưu ý những người đàn ông hướng nội rằng, đừng e ngại trước một nhóm phụ nữ đang trò chuyện. Họ sẽ rất vui nếu bạn bước đến chào hỏi và tham gia cùng.”
Tuy nhiên, cô dặn dò các chàng trai nên chú ý ngôn ngữ cơ thể của họ và nhìn xem đó có phải là một cuộc trò chuyện riêng tư không. Cô khuyến khích nam nhân nên cư xử lịch thiệp, vì phụ nữ thực sự vẫn luôn đánh giá cao điều đó.
Đừng chú tâm vào bản thân
Một học viên khác của cô Friske, là cô Mary Miller, chia sẻ rằng các biện pháp như chuẩn bị trước câu hỏi và xem xét căn phòng cẩn thận đã tạo nên sự khác biệt lớn trong cuộc đời cô. Nhưng điều làm nên sự khác biệt lớn nhất là chuyển hướng sự tập trung ra khỏi cảm giác khó chịu hay lúng túng của bản thân, thay vào đó hãy tập trung giúp đỡ những người khác trong phòng để họ cảm thấy thoải mái hơn. Khi làm điều này, cô bắt đầu nhận thấy mình đã bớt lo lắng về việc giao tiếp, và vui vẻ nhiều như thế nào khi cô ở trong bối cảnh của một nhóm đông người và bữa tiệc lớn.
“Tìm kiếm ai đó trông có vẻ không được thoải mái lắm và giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn luôn là phần yêu thích của tôi trong mỗi bữa tiệc; điều đó còn đưa đến một số cuộc gặp gỡ tuyệt vời và tình bạn lâu dài,” cô Miller cho hay.
Duy trì cuộc trò chuyện
Sau khi áp dụng những câu hỏi “bỏ túi” để bắt chuyện, đừng quên đặt thêm câu hỏi nối tiếp.
“Trò chuyện giống như chơi bóng chuyền vậy: Mọi người luân phiên ném bóng qua lại; bạn không thể giữ bóng mãi mà cần phải chuyền đi. Điều này cũng đúng với những cuộc trò chuyện phiếm,” cô Friske ví von. Nhớ nhé, đừng độc chiếm cuộc trò chuyện hay đứng yên lặng; hãy đưa ra câu hỏi để giúp cho câu chuyện được tiếp tục.
“Trở thành người giao tiếp giỏi là một kỹ năng cần được rèn luyện – đối với cả người hướng nội và người hướng ngoại,” cô nói.
Ông Adam Purvis – quản lý bộ phận khách hàng và tự nhận mình là người hướng nội, từng học được cách kiểm soát các sự kiện và các bữa tiệc kết nối trong nhiều năm – đã chỉ ra một lợi thế mà người hướng nội sở hữu.
“Điểm mạnh lớn nhất mà những người hướng nội thường sở hữu so với những người hướng ngoại đồng sự là khả năng thực sự lắng nghe tốt hơn,” ông Purvis nói.
Ông khuyến khích những người hướng nội nên phát huy thế mạnh này, đưa ra những câu hỏi và lời nhận xét tiếp theo để thể hiện rằng họ “đang chú tâm 100%. Mọi người đều thích cảm giác được lắng nghe, và nếu bạn có thể hỏi bằng những câu hỏi hay để chứng tỏ rằng bạn đã lắng nghe mọi người thì cuộc trò chuyện của bạn sẽ tốt đẹp lên đáng kể.”
Hãy tránh xa thiết bị điện tử – kẻ kết liễu phương thức trò chuyện thực sự đang nằm trong ví hay túi của bạn kia: Hãy cưỡng lại cám dỗ muốn dùng điện thoại để trốn tránh thực tế hoặc xem đó như chỗ dựa khi bạn không trò chuyện với ai.
Chào tạm biệt một cách nhã nhặn
Cuối buổi tiệc, đừng quên nghệ thuật cảm ơn – tuy đơn giản nhưng đã bị lãng quên phần nào. Hãy tìm chủ nhân của bữa tiệc hoặc chủ nhà và cảm ơn họ một lần nữa vì lời mời.
Sau bữa tiệc, một bức thư cảm ơn viết tay gửi qua đường bưu điện sẽ tạo được ấn tượng tốt. Chắc chắn họ sẽ gửi cho bạn lời mời nếu có một bữa tiệc trong tương lai – và lần tới, bạn có thể sẽ thực sự mong chờ đến dự bữa tiệc đó.