Lòng ái quốc và những nghĩa cử cao đẹp: Niềm vui của cuộc sống
Có điều gì đó mãnh liệt và tràn đầy thôi thúc trên khuôn mặt của những ai lần đầu tiên đứng đọc lời tuyên thệ trung thành với tư cách là công dân Hoa Kỳ nhập tịch. Khi nhập cảnh hợp pháp vào quốc gia của chúng ta, họ đã trở thành một nhóm trong số những người Mỹ ái quốc nhiệt thành nhất, những người đã có được quyền để được gọi là công dân. Thế nhưng, họ lại phát hiện ra họ đang ở một đất nước mà giờ đây người ta thường tỏ ra lạnh nhạt và không thoải mái với việc biểu thị lòng ái quốc.
Là một quốc gia của những người nhập cư, Hoa Kỳ đã liên tục có những làn sóng công dân mới nhập tịch – những người sẽ đi đầu vẫy quốc kỳ Mỹ dọc theo cuộc diễn hành ngày Mùng 4 Tháng 7. Họ sẽ viết nên những ca khúc tôn vinh Hoa Kỳ, tôn vinh những người thợ xây đã kiến thiết các thành phố của chúng ta, những nhà khoa học đã đem lại cho chúng ta những phát kiến vĩ đại và những bác sĩ đã cứu mạng sống của chúng ta. Đổi lại, những công dân Hoa Kỳ mới đầy kiêu hãnh này sẽ khám phá ra niềm vui của cuộc sống nhờ lòng ái quốc của họ và bằng việc thực hiện những nghĩa cử cao đẹp. Khi làm như vậy, họ sẽ có được lòng tự tôn thầm lặng của một người nhập cư trên quê hương thứ hai, nơi tự do, pháp quyền và cơ hội vẫn đan quyện trong quốc gia của chúng ta.
Loại bình yên đó không thể được tìm thấy trên một toa thuốc, trong một tiệm spa, hay với một người nào đó tự xưng là diễn giả truyền cảm hứng. Nói đúng hơn, chính nhờ năng lực nội tại này mà Hoa Kỳ vẫn là “niềm hy vọng cuối cùng tốt đẹp nhất trên trái đất” – như Tổng thống Abraham Lincoln từng nói về xứ sở của chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta đã bước sang một thời kỳ mà việc cùng nhau trưng bày những lá cờ Mỹ trong khu phố dọc theo mỗi cột đèn có thể châm ngòi cho sự chỉ trích rằng đó là màn phô diễn của một số người theo chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến. Lịch sử Hoa Kỳ, cho dù có được giảng dạy đi chăng nữa, thì giờ đây cũng được nhìn qua một lăng kính chính trị phân cực hơn là đoàn kết. Và giữa lúc lòng ái quốc có thể bị những kẻ hoài nghi bất cần chế nhạo, niềm tự hào mà một người dành cho đất nước của họ – đất nước này, đất nước của chúng ta – không chỉ định nghĩa chính chúng ta mà còn cả tương lai của quốc gia chúng ta nữa.
Lịch sử của chúng ta cho thấy đây không phải là lần duy nhất và trên thực tế, chúng ta đã vượt qua những thứ còn tồi tệ hơn. Sự thừa nhận lòng ái quốc và những nghĩa cử cao đẹp trên một mảnh đất trân trọng tự do vẫn nằm trong những niềm vui hiếm hoi của cuộc sống trân quý; và đó là những gì đã không ngừng chữa lành vết thương của chúng ta, cho phép chúng ta nhận ra toàn bộ tiềm năng của mình với tư cách là một nền dân chủ. Hãy kỷ niệm Ngày Độc Lập năm nay và đừng quên rằng chúng ta vẫn là “niềm hy vọng cuối cùng tốt đẹp nhất trên trái đất.”
Viết từ Viện Gatestone.
Tác giả Lawrence Kadish là một nhà đầu tư và phát triển bất động sản thương mại và công nghiệp. Ông là chủ tịch sáng lập Ủy ban An ninh và Hòa bình ở Trung Đông và Mạng lưới Thông tin Trung Đông của Hoa Kỳ, cố vấn cao cấp của tổ chức Người Mỹ Chiến thắng Chủ nghĩa Khủng bố (AVOT), và là đồng sáng lập Liên minh Do Thái của Đảng Cộng Hòa.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.