Louis Vuitton: Di sản 200 năm
ERIN TALLMAN
Câu chuyện về người đàn ông phía sau thương hiệu Louis Vuitton giống với phiên bản nam của bộ phim “Cô bé lọ lem”. Giờ đây, 200 năm sau ngày sinh của ông, thương hiệu này được xếp hạng là thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới, với trị giá thương hiệu khoảng 75.7 tỷ USD năm 2021.
Thương hiệu sang trọng Louis Vuitton không gợi nhớ đến hình ảnh một cậu bé chạy trốn khỏi nhà không một xu dính túi và đi bộ đến Pháp; người ta chỉ nhớ đến đôi bàn tay khéo léo với tay nghề thủ công vượt trội hơn những người thợ khác. Cho đến nay, sự quyết tâm và bản lĩnh của người sáng lập thương hiệu xa xỉ bậc nhất này được chứng minh ngay từ đầu câu chuyện và đã theo ông trong suốt hành trình cuộc đời.
Ông Louis Vuitton sinh năm năm 1821 tại thị trấn nhỏ ở Jura, cách biên giới Thụy Sĩ–Pháp khoảng 60 cây số. Giống như “Cô bé lọ lem”, năm 10 tuổi, cậu bé Vuitton mất mẹ và nhanh chóng nhận ra sự chăm sóc chẳng mấy tốt đẹp của người mẹ kế mới. Để trốn tránh bà, năm 13 tuổi cậu bé quyết định rời khỏi nhà chỉ với tay nghề mộc được thừa hưởng từ cha mình. Cậu đã đi bộ quãng đường dài 400 cây số đến Paris trong hành trình kéo dài hai năm dưới tiết trời mùa đông khắc nghiệt, vượt qua vùng núi cây cối rậm rạp.
“Trong tiếng địa phương ở Jura, Vuitton có nghĩa là giữ được cái đầu lạnh trước những lời chỉ trích,” tác giả Caroline Bongrand nói trong video giải thích cuốn tiểu thuyết của bà “Louis Vuitton, Con Người Dũng Cảm”. “Chúng ta có thể hiểu [câu chuyện của ông] rõ hơn, có nghĩa là một người cần phải kiên định trước những lời chỉ trích để quyết định rời bỏ như ông đã làm, can đảm không quay lại, và tiếp tục tiến bước cho dù phía trước đầy rẫy khó khăn. Ông ấy thực sự mang cái tên đúng với tính cách của ông.”
Người thợ mộc 15 tuổi không một xu dính túi ở Paris
Khi đến Paris lúc 15 tuổi, Vuitton đến xưởng của hãng sản xuất rương và va-li danh tiếng nhất, Monsieur Maréchal. Cậu bé rất cần công việc và không có gì để sống, do đó cậu đã thuyết phục ông Maréchal nhận cậu làm thợ học việc. Trong khi làm việc cho ông Maréchal, một trong các khách hàng của cậu là cô gái trẻ người Tây Ban Nha, tên Eugénie de Montijo.
“Hóa ra về sau, người phụ nữ này được Hoàng đế Napoléon III chọn và vì thế, vị khách hàng của Louis tại xưởng của ông Maréchal trở thành Hoàng hậu tương lai của nước Pháp. Hoàng hậu tương lai đã khuyến khích Louis mua công cụ và tự thành lập cơ sở riêng,” bà Bongrand nói trong video. “Hoàng hậu Eugénie đã gây dựng tình bạn lâu dài với ông Louis Vuitton, và bà tiếp tục ủng hộ công việc của ông.”
Là người có tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ những năm đầu ông đã nhanh chóng khởi sự hành trình khám phá cuộc sống. Ông đã rất chú ý đến những cải tiến mới nhất, sự hiện đại hóa và công nghiệp hóa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ông nhận định rằng ngành giao thông vận tải đang bước vào một cuộc cách mạng và cho rằng du lịch sẽ trở nên rất quan trọng đối với sự nghiệp của ông.
Ông Vuitton đã nghe nói về một khách sạn sắp được xây dựng với cái tên l’Hôtel du Louvre, và ông muốn tiếp cận những vị khách của khách sạn này – đó là những vị khách hàng quốc tế tham gia vào thương hiệu của ông trong tương lai. Vì lý do này, khi thành lập công ty của mình năm 1854 ở tuổi 31, ông Louis Vuitton đã mở một xưởng trên đường Rue Neuve des Capucines ở Paris.
Địa điểm này đóng cửa 5 năm sau sự phát triển thành công của công ty; cơ sở kinh doanh đó được chuyển đến Asnières với cái tên Atelier Louis Vuitton Asnières. Ngày nay, phòng trưng bày về Louis Vuitton là bảo tàng ở sát cạnh xưởng Asnières.
Ông Vuitton đã thành lập xưởng này ở phía tây nam của Paris để gần bờ sông Seine và tuyến đường sắt mới mở năm 1859. Việc chuyển đến Asnières-sur-Seine đồng nghĩa với việc dễ dàng vận chuyển các nguyên liệu thô như gỗ cho nhu cầu sản xuất những chiếc rương ngày càng phổ biến của ông. Một trong những tuyến đường sắt đầu tiên ở Pháp, đi qua Asnières và dẫn đến ga Gare Saint-Lazare – nơi ông Louis đặt cửa hàng đầu tiên. Xưởng Asnières nhanh chóng chiếm trọn trái tim và tâm huyết của Louis Vuitton, sản xuất ra những chiếc rương, va-li, và các đơn hàng đặc biệt để gửi đi khắp thế giới.
Sự tài ba đằng sau những chiếc rương Louis Vuitton
Trong thời đại của những chiếc áo dạ hội sang trọng và những chiếc váy xòe, ông Vuitton tự nhận mình là “nhà sản xuất rương” thời trang, và ra mắt mẫu rương được cải tiến nhẹ hơn và chắc chắn hơn để cạnh tranh với các đối thủ truyền thống. Việc sáng tạo ra chiếc rương nổi tiếng thế giới này là ý tưởng mang tính đột phá – tạo ra những chiếc rương nắp phẳng có thể gập lại, với một phương pháp đặc biệt, để xếp chồng nhiều chiếc lên nhau.
Nhận ra rằng những chiếc rương nắp phẳng sẽ thiết thực và hiệu quả hơn những chiếc rương thiết kế nắp hình mái vòm cổ điển thời bấy giờ; ông Vuitton đã chọn loại vải phủ sơn dầu để làm chất liệu phủ ngoài nhẹ, nhưng bền và có đặc điểm chống thấm nước. Sự ra đời của vải bạt Trianon xám là một sáng kiến quan trọng mang tính đột phá, và đó là loại bạt chống thấm nước đầu tiên được bọc ngoài một chiếc rương nắp phẳng. Những chiếc rương có vải bạt hình chữ nhật này vô cùng thành công vì chúng là loại rương duy nhất trên thị trường, và các đối thủ cạnh tranh bắt đầu sao chép kiểu của ông.
Ông Vuitton đã buộc phải đánh bại những kẻ làm giả bằng cách tạo ra những thiết kế ngày càng phức tạp, chuyển từ vải xám sang sọc màu và sau đó là thiết kế kẻ ca-rô, với tên gọi Damier.
Năm 1896, con trai cả của ông, Georges-Louis Vuitton, đã trình làng một chất liệu vải bạt mới để vinh danh người cha quá cố của mình: Hoa văn Monogram, một biểu tượng mang tính cải cách lấy cảm hứng từ quốc huy Nhật Bản, rất có khả năng là từ phong trào Japonisme (trào lưu Nhật Bản) kéo dài từ năm 1854 đến 1900. Với hoa văn này, George Vuitton đã chọn loại sơn bóng chống thấm nước để phủ lớp đầu tiên lên những tấm vải bạt, thay vì sử dụng vải dệt thoi (woven), đó là những chiếc rương có lớp nền làm bằng vải bạt cotton phủ dầu bóng. Chất liệu phủ dầu bóng này khiến cho những chiếc rương dễ sản xuất hơn và bền lâu hơn. Việc sản xuất các tấm vải bạt đòi hỏi áp dụng nhựa thông và một mẫu hoa văn được gọi là “pochoirs – khuôn trổ để tô chữ, vẽ hình”. Các hoa văn có màu vàng, xanh lá cây, đỏ và xanh lam.
Từ khi xuất hiện vào những năm 1800, thương hiệu Louis Vuitton đã được biết đến với nhiều sản phẩm hơn là những chiếc rương nguyên bản và cải tiến. Tuy nhiên, tầm quan trọng của chiếc rương xét về mặt sáng tạo và chất lượng tay nghề thủ công thì chưa bao giờ bị giảm sút.
Năm 2021, công ty đã tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông Louis Vuitton bằng một cuộc triển lãm du lịch quốc tế bao gồm 200 nhà thiết kế tham gia vào việc tạo ra những chiếc rương mang tính biểu tượng. Cùng lúc đó, tác giả người Pháp Caroline Bongrand đã xuất bản cuốn tiểu thuyết lãng mạn về cuộc đời của nhà sáng lập thương hiệu này.