“Lược khảo về khoa cử Việt Nam” của Trần Văn Giáp
Cách đây mấy chục năm, trăm nghìn kẻ sĩ ở nước ta đã thích cánh, chen vai chỗ trưởng thi để giựt lấy cái danh ông tú, ông cử vì ai ai cũng tin rằng: Khoa cử là một con đường rộng rãi, phẳng phiu, bọn sĩ phu do đó xuất thân mới gọi là chích đồ, rồi vinh hoa một đời họ cũng bởi đó mà ra cả.
Cổ nhân cũng biết cái lệ khoa cử, cái lệ chỉ lấy từ-chương làm chủ, nên xử sĩ La sơn có câu:
“Cách học chân chính thì thất truyền, người ta đua nhau đổ xô theo thói từ-chương, danh lợi” (1)
Phương chi buổi ấy trong xã hội nhất dai đều cho “anh đồ” là người của tương lai, chả có thế bọn phụ nữ đã ví von:
Chẳng tham ruộng cả, ao liền,
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ
Còn các “anh đồ” thì đại tự cao, tự đại, ví mình như “Vị vũ chi giao long” hay “Ẩn sơn chi hổ báo” (2) rồi từ những thành kiến ấy mà chế độ khoa cử ngày cứ sai lạc mãi cho đến năm 1915 và 1918 ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ nhà nước bãi thi Hương để đoạn tuyệt với cái lối “từ chương, danh lợi”.
Nhưng nếu ta chỉ chê trách chế độ khoa cử, chưa hẳn đã là công bình, vì trải qua bao triều đại, cũng nhờ ở khoa cử mà lựa lọc được nhân tài, đào tạo được những hạng sĩ phu, giữ được tiết tháo, vẹn đạo cương thường, xa như: Mạc Đình Chi, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm ,gần như: Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản. Thế thì khoa cử cũng không phải là không có ích vậy.
Đối với việc khoa cử, dư luận hoặc khen, hoặc chê là tùy từng trường hợp và từng khuynh hướng.
Không nề là “vấn đề hủ bại”, ông Trần Văn Giáp ở Viễn đông Bác cổ học viện đã cho xuất bản quyền “Lược khảo về khoa cử Việt Nam” (3) chép từ khởi thủy cho đến khoa thi cuối cùng là năm Mậu Ngọ (1918).
Trong tập khảo cứu này, ông Trần Văn Giáp đã dùng các tài liệu thu thập ở các sách báo, Pháp, chữ nôm, những điều tai nghe, mắt thấy, rồi bằng một lối văn giản dị, dễ hiểu, dẫn giải rõ ràng về: lịch sử khoa cử, phép thi, nguồn gốc các phép thi, trường thi, sự xếp đặt trong trường thi, các quan trường, thí sinh và cả đến cách rèn tập lấy học trò đi thi hồi trước.
Trong ngót 50 trang giấy, ông đã đưa ta lui lại mấy mươi năm trước. Những người đọc thiên khảo cứu có chút cảm tình với trường ốc, sẽ phảng phất như ngày nào còn thấy mình, vai đeo lều, chiếu, ống quyển, bầu nước, tay cầm đuốc, đêm tháng 10 mưa, rét, trơn, lội, chờ ở cửa trường Nam để chực bước vào “ngạch cửa” khoa hoạn.
Ở phụ bàn, ông Trần Văn Giáp không quên chép những chuyện thi cử. Ông chép cả chuyện thần thoại, chuyện địa lý; lại kèm theo những bài phú về thi cử được truyền tụng cùng mấy bức ảnh hai khóa thi Giáp Ngọ (1894) và Đinh Dậu (1897 đầy Thành Thái).
Do Trần tiên sinh nhắc đến khoa Giáp Ngọ, tôi cũng có một câu chuyện giai thoại do các cụ đã kể sau đây:
Trong hộ tôi, có một ông tú cũng đi thi khoa Giáp Ngọ. Bài thông ba kỳ, nhưng bài văn sách rất hay, quan chủ khảo là cụ Cao Xuân Dục, thích bài ấy quá, giữ lại xem, rồi vô tình ngài bỏ quên vào cháp.
Lúc ra bảng phúc hạch, ông tú không thấy tên, buồn quá, toan giở về thì vừa gặp vài bạn lạc đệ rủ ông xuống thuyền ở Vị Hoàng nghe hát một đêm và cùng nhau uống rượu cảm khái. Nể nhời bạn, lại được các ca nương khéo chèo kéo: “Thầy Tú chả đỗ khoa này thì đỗ khoa khác”. Ông ưng ở lại. Rồi lênh đênh một con thuyền, mấy thầy đồ và ông tú đánh chén, nghe hát.
Nhưng đêm đến, ý chừng quan chủ khảo mở cháp lấy giấy má, tìm thấy quyển văn kia, nên bỗng thấy một chú lính từ trong trường cầm hèo đi khắp các nhà trọ đòi cho kỳ được: “Nguyễn mỗ ở Nội duệ đông, Bắc Ninh”, hết nhà trọ đến bến Vị Hoàng mới tìm thấy ông tú vội theo chú lính vào trường để nghe quan chủ khảo cho biết ông được vào phúc hạch. Ông chỉ đủ thời giờ khai tên cho lại phòng và sáng hôm sau và phúc hạch. Khoa ấy ông đỗ cử nhân thật là kỳ thú thú.
Kể chuyện trên, tôi tưởng không gì hơn là đọc cả cuốn sách của ông Trần Văn Giáp ta sẽ nhận thấy cái công khảo cứu của ông thật đã chu đáo và mừng rằng trong lúc cần nhiều tài liệu làm văn học sử, quyển sách này ra đời thật đã hợp thời.
TIÊN ĐÀM
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)