Lược sử về nghi thức xã giao theo phong cách Pháp (Phần 1/2)
Tay cầm điện thoại di động, tai đeo tai nghe, đây là chân dung của hầu hết người phương Tây ngày nay khi chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển, và mọi người đều quen với phương thức giao tiếp trong không gian ảo. Trong nhà hàng, trong các phương tiện giao thông, ở nhà hoặc tại các buổi họp mặt gia đình, cách ứng xử, phép lịch sự, và những giá trị khác đã làm nên danh tiếng của người Pháp qua nhiều thế kỷ, dường như đang bị mai một.
Tuy nhiên, bất chấp những cuộc cách mạng cố gắng xóa bỏ các chuẩn mực giao thiệp giữa các cá nhân, những hành động thể hiện sự tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân, sự tử tế vô tư… vẫn là những giá trị được hướng tới và tôn vinh.
Nghi thức xã giao dưới thời Vua Mặt Trời
Ngay từ thời Trung cổ, người ta đã nói về chuẩn mực ứng xử lịch thiệp, đặc biệt là chuẩn mực của các hiệp sĩ. Vào năm 1530, nhà triết học, nhà văn Erasmus đã viết cho cậu bé Henry ở Burgundy cuốn sách nổi tiếng “Phép lịch sự của trẻ em”, nhằm mục đích giáo dục trẻ em, nhưng đã trở thành một tài liệu ghi chép về nghi thức xã giao lúc bấy giờ.
Cùng với sự ra đời của bộ quy tắc nghi lễ dưới thời vua Louis XIV, vị Vua Mặt Trời, nghi thức xã giao được nâng lên một tầm vóc mới.
Ngoài ra, vào năm 1671, khi nhà ngoại giao kiêm nhà văn Antoine de Courtin xuất bản cuốn “Luận thuyết mới về phép lịch sự thực hành ở Pháp giữa những người chân chính”, cuốn sách này đã nhanh chóng được dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Ý, cho thấy sự ủng hộ của các triều đình Âu Châu với nghi thức xã giao của người Pháp.
Theo định nghĩa của nhà văn Courtin, tác phẩm này không chỉ đơn giản là liệt kê các quy tắc xã giao và phép lịch sự được áp dụng trong xã hội thượng lưu, mà còn là một lời kêu gọi về các giá trị tinh thần của con người.
Lễ độ trong ứng xử, biểu hiện của đức hạnh
“Lễ độ… chính là sự khiêm tốn và trung thực mà mỗi người phải có trong lời nói và hành động.”
Theo ông Courtin, chuẩn mực xã giao tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau, xét cho cùng đó là biểu hiện của đức hạnh mà họ đã nuôi dưỡng.
“Vậy thì, quý vị nói cho tôi biết, điều gì mới làm nên công trạng nào? Đó là đức hạnh, và chính đức hạnh buộc con người trở nên lễ độ. Nếu đức hạnh là đáng tôn vinh; nếu đức hạnh bao hàm sự khiêm nhường và lòng nhân từ; và nếu sự lễ độ chỉ là kết quả của sự khiêm nhường và lòng nhân từ, thì hiển nhiên những người này là người lễ độ, ngay cả khi họ hầu như không có lý luận gì về đức hạnh. Họ có đức hạnh, tôi có có thể nói như vậy, và rằng có lợi thế về sự tôn vinh.”
Theo đó, nhà ngoại giao này trình bày những đức tính mà ông cho là cần thiết để thể hiện sự lễ độ này.
“Một người giàu có, lương thiện, dễ gần và tốt bụng, là một kho báu, đáng giá hơn tất cả tiền tài mà người đó sở hữu; ai cũng chúc phúc cho người đó, và khi nhìn thấy sự thịnh vượng nằm có trong tay của một người đáng tin cậy, ai cũng mong người đó đạt sẽ được nhiều hơn những gì vốn đã có.”
“Một sắc đẹp dịu dàng, lương thiện và nhân hậu thì lẽ nào không quyến rũ chứ? Mọi thứ về cô ấy đều dễ chịu: tất cả trái tim đều hướng về cô ấy, mọi lời chúc đều sẽ dành cho cô ấy.
“Một người thể hiện đức hạnh bằng những hành động của mình, đặc biệt nổi trội bởi sự khiêm tốn, nhân hậu và lòng bác ái, thì mọi người xem đó như là một điều kỳ diệu.
“Một người đàn ông uyên bác, khiêm tốn, tin tưởng rằng tất cả những gì anh ta biết không đáng kể so với những gì anh ta không biết; và vì vậy, người đó không ảo tưởng về bản thân, là người lịch sự, trung thực, nhân từ với mọi người và cũng được tất cả mọi người nể trọng
“Tóm lại, điều khuyên răn này cần được khắc sâu vào tâm trí; như chúng ta đã nói, sự lễ độ phải bất di bất dịch dựa trên nền tảng của đức hạnh; và do đó sự kiêu ngạo, lòng tin mù quáng và thói đạo đức giả là những điều trái ngược lại với những điều khuyên răn này, đặc biệt nhớ rằng tự cao tự đại là thứ thổi bùng lòng kiêu ngạo.”
Phần còn lại của cuốn sách tập trung vào các quy tắc ứng xử cần tuân theo trong các cuộc trò chuyện, cách khen ngợi, hoặc tầm quan trọng của sự hài hước và cả sự sạch sẽ.
“Phần thứ hai của sự sạch sẽ là gọn gàng, điều cũng không kém phần quan trọng, vì nó bù đắp cho những khiếm khuyết còn lại: nếu trang phục gọn gàng, và đặc biệt nếu bạn dùng vải trắng, thì không có vấn đề gì. Không nhất thiết phải có trang phục đắt tiền, người ta vẫn sẽ luôn cảm thấy bản thân mình tốt ngay cả trong hoàn cảnh nghèo khó.”
Chúng ta sẽ tìm thấy ở đó các quy tắc phải tuân theo khi đến thăm một “Grand” (từ để nói về một người thuộc tầng lớp xã hội và nghề nghiệp cao vào lúc đó), với mô tả chi tiết về cả trang phục nên mặc và hành vi cần phải có, giống như khi chúng ta đến nhà thờ và tất nhiên là khi chúng ta được mời đi ăn tối.
“Sẽ là vô ý tứ khi nhìn qua vai ai đó đang đọc hoặc viết, hoặc nhìn một cách tò mò hoặc đưa tay lên các giấy tờ để trên bàn, v.v.”
Trong lúc thăm viếng, không bắt chéo chân, gãi, hắt hơi nhẹ nhàng, tránh đưa khăn tay của mình cho người khác và trên hết là không được nói tục.
“Cũng giống như nói tục và nói năng tùy tiện là không lễ độ, cùng với việc tranh cãi, tức giận, phóng đại quá mức, khoe khoang và dối trá, vu khống và những điều gây hại khác, cụ thể là: nói về những khuyết điểm của người khác và liên tục ca ngợi bản thân bằng những cách nói so sánh.”
Lời mời đi ăn tối luôn là một bước quan trọng trong mối quan hệ giữa con người và phép lịch sự thế nhân; ông Antoine de Courten thể hiện đầy đủ các chi tiết trong cách cư xử của chủ nhà và của khách mời, và cách phục vụ món ăn ra sao.
“Trong khi ngồi ăn, quý vị phải giữ cơ thể thẳng trên ghế và không bao giờ chống khuỷu tay lên bàn.”
“Nếu chúng ta phục vụ người khác, chúng ta phải luôn đưa ra phần tốt nhất, và giữ lại ít nhất, không bao giờ chạm vào bất cứ thứ gì ngoài cái nĩa; Đó là lý do tại sao, nếu một người đề nghị một món gì đó trước mặt quý vị, điều quan trọng là quý vị phải biết cách cắt thịt một cách cẩn thận và có phương pháp, đồng thời cũng phải biết những đường cắt tốt nhất để quý vị có thể phục vụ họ đủ lịch thiệp.”
“Đối với các món thịt gia cầm và được chế biến thành món nướng, chuẩn mực bất biến của những người am hiểu về sự tinh tế của các món ăn, là phải hiểu rằng là tất cả các loài gia cầm bươi móc bằng chân trên mặt đất, vậy nên đôi cánh luôn là phần ngon nhất. Ngược lại, đùi là phần ngon nhất của loài biết bay; và vì gà gô nằm trong số loài bươi móc, nên cánh là phần tốt nhất.”
“Việc gọt vỏ hầu hết các loại trái cây tươi trước khi bày biện ra, và để chúng được bao bọc cẩn thận bằng chính lớp vỏ là thể hiện sự tinh tế, mặc dù hiện nay ở nhiều nơi chúng được bày biện mà không gọt vỏ.”
“Thật là thiếu lịch sự khi tự yêu cầu một thứ gì đó trên bàn, đặc biệt nếu đó là một món ăn ngon nhất; và tương tự như vậy khi từ miệng của một người nào đó yêu cầu lựa chọn một món ăn, và đó lại là phần ngon nhất; chúng ta thường phải đáp lại: bất cứ thứ gì làm quý vị hài lòng.”
“Thật là khiếm nhã khi nói to: Tôi không ăn thứ này; Tôi không ăn thứ kia; Tôi không bao giờ ăn thịt quay; Tôi không bao giờ ăn thịt thỏ; Tôi không thể ăn bất cứ thứ gì có hạt tiêu, nhục đậu khấu, hành tây, v.v.”
“Khi ăn, chúng ta không nên ăn vội vàng, tham lam, dù đói đến đâu, để tránh phát ra âm thanh; trong khi ăn, quý vị phải mím môi lại, không được liếm như động vật.”
“Thậm chí trong khi ăn, cần hạn chế những âm thanh va chạm với bát đĩa hoặc cào đĩa để vét hết những gì còn lại cuối cùng.”
(Còn nữa)