Lượng rác điện tử đang vượt xa khả năng tái chế
Stephen Katte
Theo Cơ quan Giám sát Chất thải Điện tử Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc, lượng rác điện tử thải ra trên toàn cầu đã nhiều hơn lượng tái chế rác điện tử toàn cầu tới năm lần; điều này làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về môi trường và kinh tế.
Theo Liên Hiệp Quốc, rác điện tử (hay e-waste) là bất kỳ đồ gia dụng hoặc kinh doanh nào đã bị bỏ đi mà có chứa mạch điện, linh kiện điện, nguồn điện, hoặc nguồn pin. Ở các khu vực khác nhau trên thế giới, rác điện tử còn được gọi là thiết bị điện tử, chất thải điện, hoặc phế liệu điện tử.
Khoảng một phần ba rác điện tử đến từ các thiết bị nhỏ như đồ chơi, máy hút bụi, và máy ảnh. Các ví dụ khác về rác điện tử bao gồm điện thoại di động, máy điện toán xách tay, màn hình, màn hình máy điện toán để bàn, tivi, và tủ lạnh.
Trong báo cáo mới ngày 20/03 của Cơ quan Giám sát Chất thải Điện tử Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc, chất thải điện tử được mô tả là dòng chất thải phát triển nhanh nhất và phức tạp nhất trên thế giới, gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, và làm tăng nhanh sự thất thoát các nguyên liệu thô có giá trị.
Theo báo cáo nói trên, vào năm 2022, toàn thế giới tạo ra 68 triệu tấn rác điện tử, nhưng chỉ có khoảng 15.4 triệu tấn được tái chế. Ít nhất 34 triệu tấn kim loại quý cũng bị loại bỏ cùng với rác điện tử vào năm 2022. Các tác giả của báo cáo khẳng định, nếu được lọc ra và tái sử dụng, những kim loại quý này sẽ có giá trị khoảng 91 tỷ USD, sau khi trừ đi chi phí liên quan đến quá trình khai thác và tái chế.
Các kim loại thông thường như đồng và sắt có thể được tái chế một cách hiệu quả và mang lại hiệu suất cao; tuy nhiên, các kim loại quý như vàng, coban, lithium, và neodymium thường bị bỏ qua. Tác giả chính của báo cáo, bà Kees Baldé, cho biết dữ liệu cho thấy sự gia tăng rác điện tử cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt.
Bà nói, “Việc tái chế chất thải điện tử cung ứng không tới 1% nhu cầu về các nguyên tố đất hiếm thiết yếu. Nói một cách đơn giản, công việc tái chế như thường lệ không thể tiếp tục được nữa.”
“Báo cáo mới này đưa ra lời kêu gọi ngay lập tức về việc đầu tư nhiều hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hơn nữa việc sửa chữa và tái sử dụng, tăng cường năng lực, và đưa ra các biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển rác điện tử bất hợp pháp. Và khoản đầu tư này sẽ đem lại lợi ích lớn hơn nhiều [so với số tiền đầu tư ban đầu].”
Báo cáo cũng tuyên bố rằng việc tái chế rác điện tử đúng cách có thể giúp làm chậm sự phát tán của các chất ô nhiễm nguy hiểm và các chất độc hại khác [trong môi trường]. Người ta tuyên bố rằng việc thu về kim loại từ rác điện tử có thể giúp ngăn chặn 52 tỷ kilogram khí-tương-đương-CO2 (CO2-equivalent emissions) từ việc khai thác quặng, đồng thời loại bỏ các chất như chì và thủy ngân ra khỏi nguồn nước.
Đồng thời, các tác giả cho rằng việc quản lý chất thải điện tử không an toàn gây thiệt hại 78 tỷ USD trong những khoản chi phí không được tính đến mà xã hội và môi trường phải gánh chịu, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người – ước tính 36 tỷ USD do những thay đổi về kinh tế xã hội trong dài hạn gây ra và 22 tỷ USD chi phí y tế cho các bệnh tật do ô nhiễm gây ra.
Ông Ruediger Kuehr – quản lý cao cấp của chương trình Chu kỳ Bền vững của Liên Hiệp Quốc – cho biết hành động ngay bây giờ sẽ giải quyết các mối lo ngại liên quan đến kinh tế và sức khỏe, đồng thời tiết kiệm tiền bạc về lâu dài.
Ông nói rằng: “Trước tất cả những điều này, việc đưa ra hành động cụ thể để giải quyết và giảm thiểu rác điện tử là một nhu cầu rất cấp bách.”
Ông Kuehr nói thêm: “Việc quản lý chất thải điện tử mà được cải thiện thì có thể mang lại lợi nhuận ròng toàn cầu là 38 tỷ USD, thể hiện một cơ hội kinh tế quan trọng đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các tác động đối với sức khỏe.”
Vấn đề rác điện tử ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn
Trong quá trình điều tra, Cơ quan Giám sát Chất thải Điện tử Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc đã phát hiện ra rằng lượng sản phẩm rác điện tử đã tăng khoảng 2.5 triệu tấn mỗi năm kể từ năm 2010, trong khi việc tái chế chỉ tăng khoảng 0.55 triệu tấn mỗi năm trong cùng khoảng thời gian.
Theo báo cáo, việc phát triển công nghệ, mức tiêu thụ cao hơn, các lựa chọn sửa chữa hạn chế, vòng đời sản phẩm ngắn hơn, sai sót trong thiết kế, và cơ sở hạ tầng quản lý chất thải điện tử không đầy đủ đều là những yếu tố góp phần gây ra tình trạng này.
Việc sử dụng rộng rãi các tấm pin quang năng cũng được xem là một yếu tố góp phần vào tình trạng kể trên. Mặc dù các tác giả lưu ý rằng lĩnh vực năng lượng tái tạo tạo ra tương đối ít chất thải, ở mức 0.66 triệu tấn mỗi năm vào thời điểm hiện tại, nhưng con số đó dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2030.
Đặc biệt, rác thải từ tấm pin quang năng được đánh giá là có tiềm năng tăng lên đáng kể. Các tấm pin quang năng hiện tại cần được thay thế và, các thiết bị năng lượng mặt trời quy mô nhỏ có tuổi thọ ngắn hơn trở nên phổ biến hơn.
Ông Cosmas Luckyson Zavazava – Giám đốc Cục Phát triển Viễn thông thuộc Liên minh Viễn thông Quốc tế của Liên Hiệp Quốc – cho biết các chính phủ trên toàn thế giới cần xây dựng các quy định để giải quyết vấn đề rác điện tử ngày càng gia tăng.
Ông nói rằng, “Nghiên cứu mới nhất cho thấy thách thức toàn cầu do rác điện tử gây ra sẽ ngày càng gia tăng.”
“Với chưa đến một nửa thế giới thực hiện và thực thi các biện pháp để quản lý vấn đề này, tình trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng cần có các quy định hợp lý nhằm tăng cường hoạt động thu gom và tái chế.”
Theo báo cáo này, tỷ lệ tái chế thay đổi đáng kể trên toàn thế giới. Châu Âu – nơi thải ra lượng rác điện tử bình quân đầu người lớn nhất – tái chế 42.8% lượng rác điện tử của mình. Ngược lại, các nước Á Châu, nơi thải ra một nửa lượng rác điện tử của thế giới, chỉ tái chế được 11.8%.
Những tác giả này cho rằng sự cách biệt này là do hệ thống lập pháp gây ra – cụ thể là do thiếu các quy định và luật lệ. Trong số 193 quốc gia được phân tích trong báo cáo, chỉ có 81 quốc gia có luật liên quan đến rác điện tử, và chỉ 36 quốc gia có các mục tiêu chính thức về tái chế rác điện tử.
Báo cáo này cho thấy, nếu không làm những việc cần làm thì chỉ 20% rác điện tử được sản xuất vào năm 2030 sẽ được tái chế, với chi phí ròng là 40 tỷ USD.
Các tác giả khẳng định rằng nếu các quốc gia thực hiện các chương trình thu gom và tái chế tự nguyện thì có thể tái chế được 38% tổng sản lượng rác điện tử.
Việc ban hành luật kết hợp với một trong hai lựa chọn này rõ ràng sẽ làm sản lượng rác điện tử được tái chế tăng lên 44%. Tình huống tốt nhất được các tác giả đưa ra là nếu các chính phủ chính thức hóa việc thu gom và tái chế rác điện tử bằng luật pháp và các hình thức trợ giúp khác, thì điều này được cho là sẽ giúp sản lượng rác điện tử được tái chế đạt mốc 60% vào năm 2030.