Madrid quyến rũ
Fred J. Eckert
Khi bạn trò chuyện với bất cứ người Madrileño nào – những người Madrid bản địa – về quê hương của họ, thì rất có thể bạn sẽ nghe được lời tuyên bố này: “De Madrid al cielo,” tạm dịch là “Phía sau Madrid, là thiên đường.”
Thật vậy, Madrid vẫn là một trong những thành phố tuyệt vời của Âu Châu và thế giới, nơi mà hầu hết du khách Mỹ không phải bận tâm quá nhiều khi nghĩ đến những địa điểm mà họ muốn thưởng ngoạn. Có lẽ, những người dân của thành phố Madrid biết điều gì đó mà phần còn lại chúng ta có thể sẽ thích thú khi học hỏi.
Bên cạnh việc thừa nhận rằng chỉ có thiên đường là nơi tốt đẹp hơn để sống, người dân Madrid thường nhấn mạnh niềm tự hào của họ bằng cách thêm vào nửa sau câu nói đó là: “Y un agujerito arriba para verlo” – nghĩa là, “và một khe hở để nhìn xuống.”
Họ nói rằng, thiên đường sẽ không phải là thiên đường nếu bạn không thể nhìn thấy Madrid từ đó.
‘Tam giác vàng’ của các viện bảo tàng nghệ thuật vĩ đại
Việc ghé thăm Madrid là rất đáng giá, ngay cả khi điều duy nhất bạn làm ở đó là đi viếng ba công trình kiến trúc nằm cách nhau khoảng 800 mét và có thể đi bộ dễ dàng.
Paris có Bảo tàng viện Louvre, Florence có Bảo tàng viện Uffizi, và St. Petersburg có Bảo tàng viện Hermitage, nhưng trong khu vực “Tam giác vàng nghệ thuật” nhỏ gọn ở Madrid này, cứ mỗi dặm vuông, bạn sẽ tìm thấy các tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Tam giác vàng nghệ thuật của Madrid là – Viện Bảo tàng Prado, Trung tâm Nghệ thuật Hoàng hậu Sofia, và Viện Bảo tàng Thyssen-Bornemisza. Ba viện bảo tàng này xứng đáng nằm trong danh sách các điểm đến không thể bỏ qua của bất cứ du khách thực thụ nào.
Viện Bảo tàng Prado là điểm nhấn trong tam giác này, và có thể dễ dàng tự mình đứng vững như một trong số ít các viện bảo tàng hàng đầu trên thế giới. Tòa nhà này được một vị vua xây dựng vào cuối thế kỷ 18 để làm nơi trưng bày các triển lãm khoa học, nhưng đã bị hư hại nặng nề do quân Pháp chiếm đóng trước khi có bất cứ cuộc triển lãm nào được tổ chức tại đây. Năm 1817, Prado mở cửa như một viện bảo tàng nghệ thuật sau khi một vị vua khác quyết định sử dụng tòa nhà đang bỏ hoang lúc bấy giờ làm nơi quy tụ nhiều bộ sưu tập nghệ thuật khác nhau của hoàng gia Tây Ban Nha. Bộ sưu tập kỳ vĩ đó được mở rộng đáng kể khi chính phủ Tây Ban Nha yêu cầu các nhà thờ, tu viện, và nữ tu viện giao nộp phần lớn bộ sưu tập nghệ thuật của họ để trưng bày cho công chúng thưởng lãm.
Bộ sưu tập đồ sộ của viện bảo tàng này có hơn 6,000 bức tranh, trong đó có khoảng 500 bức tranh được trưng bày thường xuyên – tất nhiên, tập trung chủ yếu vào các họa sĩ bậc thầy vĩ đại nhất của Tây Ban Nha như: Diego Velázquez, Francisco Goya, El Greco, và các nghệ sĩ Tây Ban Nha xuất sắc khác. Không có một quốc gia nào trên thế giới có nơi trưng bày các tác phẩm của những nghệ sĩ vĩ đại nhất đất nước mình dưới một mái nhà chung bề thế như vậy.
Tuy một số nhà phê bình có thể cho rằng, Viện Bảo tàng Prado vẫn còn thiếu khi nhắc đến các tác phẩm của các nghệ sĩ Anh, Pháp và Đức, nhưng Prado sở hữu một bộ sưu tập các tác phẩm sinh động đáng kinh ngạc của người Flemish, Hà Lan, và Ý, tất cả đều phản ánh sự lan rộng của Đế quốc Tây Ban Nha và phong cách nghệ thuật hoàng gia thời đó.
Trong nửa ngày, bạn có thể xem hết các tác phẩm nổi bật của Viện Bảo tàng Prado, nhưng tốt hơn là bạn nên dành cả ngày để xem bộ sưu tập treo tường đầy đủ. Một số người phàn nàn rằng viện bảo tàng này không dễ để định hướng, nhưng chúng tôi thấy những lời phàn nàn như vậy là không chính đáng, có lẽ vì chúng tôi đã làm theo những lời khuyên hữu ích, và mua một trong những cuốn sách hướng dẫn có hình minh họa trước khi bước vào tòa nhà này.
Gần đó là Viện Bảo tàng Reina Sofia (Trung tâm nghệ thuật Queen Sofia), một điểm đến dành cho nghệ thuật hiện đại nằm trên tam giác vàng nghệ thuật. Nơi đây trước kia là một bệnh viện. Bộ sưu tập của viện bảo tàng này tập trung vào các tác phẩm của ba bậc thầy nghệ thuật hiện đại lừng lẫy nhất Tây Ban Nha: Pablo Picasso, Salvador Dalí, và Joan Miró. Tác phẩm trung tâm của viện bảo tàng là bức tranh “Guernica” (Làng Guernica) nổi tiếng, kể về Cuộc Nội chiến Tây Ban Nha của danh họa Picasso. Bức tranh được chuyển đến đây từ Viện Bảo tàng Prado.
Điểm thứ ba trên tam giác vàng nghệ thuật của Madrid là Viện Bảo tàng Thyssen- Bornemisza, tọa lạc trong Cung điện Villahermosa, nơi thậm chí còn gần Viện Bảo tàng Prado hơn cả Trung tâm Nghệ thuật Queen Sofia. Có thời điểm, đây từng là bộ sưu tập tư nhân đẹp nhất thế giới: với gần 800 bức tranh quý, cộng thêm các tác phẩm khác thuộc sở hữu của ông trùm khai thác dầu mỏ và hàng hải người Hà Lan — Nam tước Hans- Heinrich Thyssen- Bornemisza.
Chỉ riêng “Tam giác vàng nghệ thuật” này thôi cũng đủ khiến chuyến đi đến Madrid đáng giá – ba viện bảo tàng tuyệt vời này đều nằm rất gần nhau để bạn có thể dễ dàng đi bộ thưởng lãm!
Một thành phố dễ ngoạn cảnh
Trên thực tế, tất cả các khu vực hấp dẫn du khách của Madrid đều nằm khá gần nhau và dễ dàng đi lại.
Trong khi vùng đô thị Madrid hiện có bốn triệu cư dân, và bao phủ một vùng rộng lớn, thì trung tâm thành phố – [với diện tích] chưa đầy 5.2 km2 tọa lạc giữa Cung điện Hoàng gia ở phía tây và Công viên El Retiro ở phía đông – gần như không thay đổi trong suốt một thời gian dài.
Đây là trái tim của phố cổ Madrid, một khu vực có nhiều tượng đài, viện bảo tàng, nhà thờ, những tòa nhà lịch sử, quảng trường lớn, đại lộ rộng rãi, những ngõ hẻm ngoằn ngoèo từ thời Trung cổ, cùng hàng trăm nhà hàng, quán cà phê, và khu mua sắm cao cấp.
Bạn có thể tản bộ tới hầu hết những nơi mà bạn muốn ghé xem khá dễ dàng. Điều này mang lại lợi thế lớn cho bạn khi muốn thực hiện những khám phá nhỏ của riêng mình dọc đường đi. Nhưng nếu bạn không muốn làm vậy, thì có một hệ thống tàu điện ngầm tốt và rất nhiều taxi giá rẻ sẵn sàng phục vụ bạn.
Cung điện Hoàng gia là địa điểm lý tưởng để bắt đầu chuyến viếng những khu phố cổ của Madrid lịch sử. Hướng dẫn viên sẽ đưa du khách đi qua công trình kiến trúc đồ sộ có từ giữa thế kỷ 18 trong hai tiếng đồng hồ. Dẫu vậy, bạn cũng chỉ xem được những điểm nổi bật nhất trong số 2,800 căn phòng ở đây. Một số căn phòng – chẳng hạn như phòng ngai vàng, sảnh tiệc, và phòng riêng của Vua Carlos III, người đầu tiên sống ở đây, với chiếc đèn chùm pha lê nặng tới hai tấn – xa hoa đến mức bạn phải tận mắt nhìn thấy thì mới tin vào những lời ca tụng sự lộng lẫy của chúng.
Ngoài cung điện chính còn có một vài viện bảo tàng khác trong khuôn viên của cung điện. Điều đặc biệt thú vị là Viện Bảo tàng Vũ khí Hoàng gia (Royal Armory), nằm bên trong cung điện với hàng loạt áo giáp sáng loáng được các hiệp sĩ thế kỷ 16 và 17 mặc trên người. Một điều đặc biệt thú vị khác là Viện Bảo tàng Xe ngựa Hoàng gia (Royal Carriage), nằm bên ngoài cung điện trong một tòa nhà cạnh đó, nơi từng là công viên hoàng gia. Có nhiều cỗ xe được trang trí cầu kỳ, hầu hết đều là xe cổ từ thế kỷ 18, trong đó có một cỗ xe được Hoàng đế Pháp Napoléon tặng.
Kỳ lạ là ở Madrid không có nhà thờ chính tòa nào có thể sánh ngang với các nhà thờ ở thành phố Seville, Barcelona, hay Santiago de Compostela. Nhà thờ có thể xem là nổi bật nhất Madrid là Nhà thờ chính tòa Almudena (Catedral de Santa María la Real de la Almudena), tình cờ lại nằm ngay bên cạnh Cung điện Hoàng gia. Phải mất một thế kỷ để xây dựng nhà thờ này, chủ yếu là do những bất đồng chính trị và sự quan liêu, mãi cho đến năm 1992, trong một buổi lễ do Giáo hoàng John Paul II chủ trì thì nhà thờ mới chính thức được mở cửa.
Chúng tôi còn có ấn tượng hơn khi đi dạo qua Quảng trường Plaza de Oriente, một nơi yên tĩnh và thanh lịch giống như một công viên, đối diện Cung điện Hoàng gia. Nơi đây đặt những bức tượng đá khổng lồ của các vị vua Tây Ban Nha. Những bức tượng này dự định sẽ được gắn dọc theo lan can trên nóc cung điện, nhưng Nữ hoàng Isabel Farnesio tuyên bố rằng bà lo lắng khi những bức tượng nằm cheo leo trên mái nhà như vậy, trong khi những người khác thì cho rằng, nữ hoàng cảm thấy khó chịu vì chân dung của bà không chiếm ưu thế nhất khi được trưng bày.
Bức tượng Vua Felipe IV đặt ở trung tâm Quảng trường Plaza de Oriente không chỉ đặc biệt thu hút mà còn có một số ý nghĩa lịch sử đúng nghĩa. Mặc dù hiện nay những bức tượng có kiểu dáng đặc biệt này rất phổ biến, nhưng đây là bức tượng cưỡi ngựa bằng đồng đầu tiên được đúc trong tư thế ngựa đang lồng lên như vậy. Để định hình trọng lượng của bức tượng sao cho nó không bị đổ, tác giả là nhà điêu khắc người Ý – ông Pietro de Tacca – đã nhận được sự trợ giúp từ chính nhà bác học Galileo. Tạo hình của bức tượng [lấy cảm hứng] từ một bức tranh của danh họa Valázquez mà Vua Felipe IV hết mực trân trọng.
Chỉ cách địa điểm nhỏ lộng lẫy này một đoạn ngắn là một địa danh khác của thành phố Madrid mà chúng tôi luôn thích chiêm ngưỡng: tượng đài của nhà văn vĩ đại người Tây Ban Nha Miguel de Cervantes, ở Quảng trường Plaza de España. Có một bức tượng của Cervantes được đặt bên trên hai nhân vật nổi tiếng nhất của ông là: chàng Don Quixote và người cận vệ của mình, Sancho Panza.
Nằm khoảng giữa Cung điện Hoàng gia và Công viên El Retiro là Quảng trường Puerta del Sol, một kiểu giao lộ lớn và là trung tâm của khu phố cổ Madrid. Nơi đây hội tụ mười con phố cũng như ba tuyến tàu điện ngầm. Đây là nơi bạn sẽ tìm thấy cột Kilômét số 0 – điểm đo khoảng cách tới mọi vị trí khác ở Tây Ban Nha – được đánh dấu bằng một tấm bảng trên vỉa hè.
Mặc dù đây chắc chắn không phải là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất của thành phố, nhưng quảng trường đông đúc này là nơi gặp gỡ yêu thích của những cư dân Madrid. Ở đây, bạn sẽ tìm thấy bức tượng Oso y el Madroño (Chú gấu và Cây dâu tây) – biểu tượng huy hiệu chính thức của thành phố Madrid – đặt ngay tại điểm giao nhau giữa quảng trường và khu phố mua sắm yêu thích Calle del Carmen.
Một địa điểm yêu thích
Gần đó là một trong những địa điểm yêu thích của chúng tôi ở Madrid: Quảng trường Thị chính Plaza Mayor, một trong những quảng trường đẹp nhất ở Madrid. Trên thực tế, đây là một trong những quảng trường lớn nhất và hùng vĩ nhất ở Tây Ban Nha cũng như ở Âu Châu.
Được cách biệt nhờ những tòa nhà cổ duyên dáng với vô số dãy ban công nhỏ, quảng trường này yên tĩnh đến bất ngờ vì xe cơ giới không được phép lưu thông. Đây là nơi tốt nhất ở Madrid để thưởng thức một tách cà phê dưới ánh mặt trời Tây Ban Nha, lắng nghe âm nhạc chơi trên đường phố, chiêm ngưỡng các tác phẩm của những nghệ sĩ địa phương, và mua sắm trong các cửa hàng nhỏ cổ kính.
Và đó cũng là một nơi tuyệt vời để dừng lại và suy ngẫm về lịch sử. Quảng trường này chính thức khai trương vào năm 1620, với các nghi lễ kỷ niệm phong thánh của năm vị thánh Tây Ban Nha. Lễ đăng quang của nhà vua, lễ cưới của các thành viên hoàng gia, và các giải đấu của hiệp sĩ cũng đều được tổ chức tại đây.
Madrid nổi tiếng là thành phố không bao giờ ngủ, với những bữa tối có thể bắt đầu lúc gần nửa đêm, những quán rượu mở cửa thâu đêm, và ùn tắc giao thông có thể xảy ra lúc 2 giờ sáng. Tuy nhiên, điều khiến thành phố này vô cùng đặc biệt là nét quyến rũ cổ kính Âu châu vẫn còn đó.
Rời khỏi Quảng trường Plaza Mayor, chúng tôi tự hỏi làm thế nào mình lại mất nhiều thời gian đến vậy mới phát hiện sức hấp dẫn đầy mê hoặc của Madrid, ngay cả khi đã du lịch khắp Âu Châu trong nhiều năm.
Chúng tôi thích cảnh sắc. Chúng tôi thích mua sắm. Chúng tôi thích người dân Madrid sôi nổi, quyến rũ, và thân thiện. Chúng tôi thích nếm thử món tapas, những món ăn nhẹ kiểu Tây Ban Nha mà bạn có thể thưởng thức như món khai vị hoặc bữa chính. Chúng tôi thích bắt đầu ngày mới với món bánh churros kèm sốt chocolate – bữa sáng nhẹ kiểu Tây Ban Nha gồm bột chiên và chocolate nóng đậm đà có vị như bánh pudding chocolate tan chảy.
Tác giả Fred James Eckert là một chính trị gia và nhà ngoại giao người Mỹ. Ông là bạn và đồng minh chính trị của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, và từng giữ chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Cộng hòa Fiji, Vương quốc Tonga, Cộng hòa Kiribati, và Quốc đảo Tuvalu.